Bộ trưởng Đỗ Đức Duy Quyết sách về tài nguyên, môi trường: Vững chắc “nền móng” cùng đất nước vươn mình
Kỷ nguyên vươn mình - Ngày đăng : 11:05, 20/01/2025
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy Quyết sách về tài nguyên, môi trường: Vững chắc “nền móng” cùng đất nước vươn mình
Năm 2025 đang rộng mở với “nền móng” quyết sách vững chắc, để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới. Trên cung đường mùa Xuân để vươn tới những đỉnh cao mới, thành tựu mới, ngành Tài nguyên và Môi trường cũng vừa chia tay một “năm Rồng” bộn bề khó khăn, song cũng tự hào, gặt hái được nhiều thành công, tạo nền tảng, điểm tựa vững chắc để vững bước vươn mình cùng dân tộc.
Năm 2025 đang rộng mở với “nền móng” quyết sách vững chắc, để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới. Trên cung đường mùa Xuân để vươn tới những đỉnh cao mới, thành tựu mới, ngành Tài nguyên và Môi trường cũng vừa chia tay một “năm Rồng” bộn bề khó khăn, song cũng tự hào, gặt hái được nhiều thành công, tạo nền tảng, điểm tựa vững chắc để vững bước vươn mình cùng dân tộc.
Trong không khí mừng đón Xuân mới, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định toàn ngành sẽ đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2025 và cả nhiệm kỳ.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá, tạo tiền đề, động lực cho năm 2025 để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Quốc hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Vì thế, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là khơi thông các điểm nghẽn về chính sách, bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Nổi bật là thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển của đất nước (nhất là Luật Đất đai 2024, Luật Địa chất và Khoáng sản 2024, cùng hệ thống văn bản dưới luật). Việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật được toàn ngành triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Như Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chia sẻ tại hội nghị tổng kết của ngành mới đây, công tác xây dựng luật và văn bản dưới luật đã phát huy sự tham gia dân chủ, khách quan, khoa học.
Điển hình là Luật Đất đai và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành đã "mở ra" hướng giải quyết nhiều vướng mắc; "mở ra" không gian đổi mới, sáng tạo cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân; tạo nguồn lực, động lực, tư duy mới trong công tác quản lý.
Hệ thống các quy hoạch ngành quốc gia cũng đã được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phân bổ, bố trí, sử dụng hợp lý không gian và nguồn lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng kinh tế - xã hội, các địa phương và cả nước. Công tác “quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu phát triển, làm nền tảng thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế” được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Luật Đất đai 2024 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành đã "mở ra" hướng giải quyết nhiều vướng mắc, tồn đọng; "mở ra" không gian đổi mới, sáng tạo cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân; tạo nguồn lực, động lực, tư duy mới trong công tác quản lý.
Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, có chuyển biến tích cực; các chỉ tiêu về môi trường đã trở thành tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả, tính bền vững kinh tế - xã hội của quốc gia và từng địa phương. Các giải pháp về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế toàn hoàn, carbon thấp đã đạt được kết quả bước đầu.
Ngoài ra, công tác dự báo khí tượng, thủy văn, dự báo, cảnh báo thiên tai luôn chủ động “đi sớm, đi trước,” chất lượng được nâng lên, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các biện pháp phòng, chống, qua đó góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; công tác chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực; công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, thông tin, truyền thông ngày càng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước.
Dù vậy, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý nhà nước của ngành Tài nguyên và Môi trường vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế, như: Một số thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; chất lượng triển khai chính sách, pháp luật không đồng đều giữa các địa phương.
Nguồn lực tài nguyên ở nhiều nơi chưa được sử dụng hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, gây nên tình trạng lãng phí; việc vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản còn xảy ra ở nhiều nơi.
Tình trạng ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, cụm công nghiệp, làng nghề, ô nhiễm không khí tại các đô thị chưa được quan tâm khắc phục. Công tác phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính chưa triệt để; công tác chuyển đổi số trong Ngành chưa đáp ứng với yêu cầu quản trị hiện đại. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, địa bàn còn hạn chế.
Trong bối cảnh 2025 là năm có nhiều sự kiện kỷ niệm quan trọng, cũng là năm Đảng ta thực hiện cuộc cách mạng tinh giản bộ máy để tạo ra những hướng đi mũi nhọn, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết toàn ngành sẽ phát huy truyền thống, đoàn kết và đồng lòng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước, với niềm tin và quyết tâm lớn.
Theo đó, ngành sẽ hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đi đôi với kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo định hướng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; bảo đảm bộ máy sau sắp xếp phải thực sự tinh gọn, hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Trong năm 2025, toàn ngành sẽ phát huy truyền thống, đoàn kết và đồng lòng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước, với niềm tin và quyết tâm lớn.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy
Thời gian qua, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã yêu cầu toàn ngành làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong từng tổ chức Đảng đối với các nhiệm vụ về sắp xếp tổ chức bộ máy và triển khai các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị; qua đó tạo sự đồng thuận, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Cùng với đó, ngành sẽ tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường; trọng tâm là ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức thi hành đồng bộ các luật (Đất đai, Tài nguyên nước, Địa chất và Khoáng sản). Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Đa dạng sinh học; bổ sung thể chế, chính sách để kiến tạo phát triển theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp để hướng tới mục tiêu Net Zero.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng nhấn mạnh trong năm 2025, ngành sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, kết hợp với tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách để khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực tài nguyên phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Nhiệm vụ tiếp theo là tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển tài nguyên số. Trọng tâm là xây dựng, số hóa dữ liệu thông tin đất đai; hoàn thiện và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác.
Ngoài ra, quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm; xác định môi trường là 1 trong 3 trụ cột của phát triển bền vững là “Kinh tế - Văn hóa Xã hội - Môi trường,” Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh trong năm Ất Tỵ, ngành sẽ tiếp tục tổ chức thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường; thu hút đa dạng các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, xử lý và tái chế chất thải theo công nghệ hiện đại.
Cùng với đó là tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại; tạo bước đột phá về tư duy và hành động để cải thiện môi trường các khu, cụm công nghiệp lưu vực sông, làng nghề, đô thị; triển khai nghiêm túc kế hoạch giám sát tối cao của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường từ khi luật có hiệu lực thi hành đến nay.
Ngoài ra, ngành sẽ triển khai kế hoạch hành động thực hiện cam kết chính trị hỗ trợ chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); triển khai các mô hình thích ứng, tăng cường sức chống chịu, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; tiếp tục hiện đại hóa mạng lưới khí tượng thủy văn, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo phục vụ công tác phòng, chống thiên tai...
“Để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, toàn ngành sẽ đoàn kết, đồng lòng thực hiện với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt nhất, với các giải pháp hiệu quả; góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc,” Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói./.