Kinh tế Việt Nam: Vượt thử thách, nắm bắt cơ hội và triển vọng 2025

Mùa xuân hội nhập - Ngày đăng : 16:15, 20/01/2025

Năm 2024 đã khép lại với những dấu ấn đáng tự hào của nền kinh tế Việt Nam, một năm mà chúng ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.
Mùa xuân hội nhập

Kinh tế Việt Nam: Vượt thử thách, nắm bắt cơ hội và triển vọng 2025

{Tên tác giả} 20/01/2025 16:15

Năm 2024 đã khép lại với những dấu ấn đáng tự hào của nền kinh tế Việt Nam, một năm mà chúng ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.

tet-2025_cover.jpg

Năm 2024 đã khép lại với những dấu ấn đáng tự hào của nền kinh tế Việt Nam, một năm mà chúng ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của Đảng và Nhà nước, sự đồng lòng, ủng hộ của toàn dân và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng và phát triển kinh tế năm 2025 và những năm tiếp theo.

Nhân dịp Xuân Ất Tỵ, chúng tôi trân trọng giới thiệu cuộc trao đổi đặc biệt với bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, để có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về những thành tựu này cũng như những thách thức và cơ hội phía trước.

44.jpg

- Thưa bà, Tổng cục Thống kê có thể phân tích chi tiết hơn về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024, đặc biệt là những động lực chính và sự đóng góp của từng khu vực vào thành công này?

Bà Nguyễn Thị Hương: Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng với tốc độ tăng GDP đạt 7,09%, một con số khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 và những khó khăn, bất ổn của thế giới.

Đáng chú ý, sự tăng trưởng này có được là nhờ sự đóng góp đồng đều và tích cực của cả ba khu vực kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ thời tiết bất lợi như nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn và ảnh hưởng của bão Yagi, song vẫn duy trì được nhịp tăng trưởng ổn định ở mức 3,27%. Cụ thể, giá trị tăng thêm ngành Nông nghiệp tăng 2,94% so với năm trước; sản xuất lâm nghiệp tăng 5,03% và thủy sản tăng 4,03%. Những con số này cho thấy sự nỗ lực đáng khích lệ của ngành Nông nghiệp trong việc đảm bảo an ninh lương thực và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp và xây dựng đã có một năm bứt phá với mức tăng trưởng 8,24%, trong đó chế biến, chế tạo tăng 9,83% và đạt mức cao nhất kể từ năm 2019 đến nay. Sự phục hồi các nền kinh tế lớn đã tạo động lực cho Việt Nam, khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng lên, đặc biệt là các sản phẩm điện tử, công nghệ. Ngoài ra, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã thúc đẩy hoạt động xây dựng, cơ sở hạ tầng, góp phần vào tăng trưởng chung của khu vực này.

Cùng với đó, khu vực dịch vụ tiếp tục thể hiện vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế với mức tăng 7,38%. Các ngành dịch vụ như bán buôn và bán lẻ, vận tải kho bãi, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ lưu trú ăn uống đều có sự tăng trưởng tốt. Đặc biệt là ngành Vận tải, chiếm tỷ trọng hơn 5% GDP, đạt mức tăng 10,82%, chủ yếu tăng cao ở vận tải hàng hóa. Ngoài ra, hoạt động thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến cũng phát triển mạnh mẽ, mang lại những đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng của khu vực dịch vụ.

cam-va-mau-hat-de-anh-ghep-do-hoa-thong-tin-ve-dong-thoi-gian.jpg

Sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ bởi cả yếu tố bên trong và bên ngoài. Về phía cầu, xuất khẩu hàng hóa nổi lên như một điểm sáng, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 14,3%. Thành quả này có được nhờ sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng và mua sắm tại các thị trường lớn như Mỹ, EU và ASEAN. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục gia tăng, trở thành động lực quan trọng hỗ trợ phát triển sản xuất và xuất khẩu.

Vốn đầu tư thực hiện của khu vực FDI trong năm 2024 tăng 9,4% so với năm trước, một bước nhảy vọt so với mức tăng 3,5% của năm 2023. Sự gia tăng này không chỉ phản ánh sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu mà còn cho thấy các nhà đầu tư ngày càng lạc quan và tin tưởng vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tiêu dùng trong nước cũng đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng, được củng cố bởi các chính sách vĩ mô như giảm thuế VAT, hỗ trợ người tiêu dùng thông qua giảm phí, lệ phí, cải cách tiền lương và nỗ lực giảm giá hàng hóa dịch vụ từ phía các doanh nghiệp. Các chương trình khuyến mãi mua sắm và du lịch trong nước cũng góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa, vốn đã suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19.

Đạt được những kết quả đáng khích lệ này, nền kinh tế Việt Nam được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố thuận lợi khác. Cụ thể, sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô cùng với việc áp dụng linh hoạt các chính sách tài khóa và tiền tệ, đã giúp kiểm soát lạm phát ở mức an toàn, tạo điều kiện giảm lãi suất điều hành, hỗ trợ sản xuất. Hơn nữa, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện nhờ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Hạ tầng giao thông và logistics cũng có những bước tiến đáng kể, giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, việc ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo tiền đề quan trọng, giúp xuất khẩu của Việt Nam vượt mục tiêu đề ra, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài là một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư và sản xuất.

Việc đón đầu và đẩy mạnh ứng dụng kinh tế số, chuyển đổi số đã tạo ra những bước đột phá trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy năng suất lao động và mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu.

z5685695514306_4b0c8af477299c9781b3f18cbd919be7.jpg
Sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô cùng với việc áp dụng linh hoạt các chính sách tài khóa và tiền tệ, đã giúp kiểm soát lạm phát ở mức an toàn, tạo điều kiện giảm lãi suất điều hành, hỗ trợ sản xuất. (Ảnh: Vietnam+)

- Mặc dù đạt được những thành tựu đáng kể, nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Bà có thể chia sẻ cụ thể về những khó khăn mà chúng ta đã phải vượt qua trong năm 2024 và những ảnh hưởng của chúng đến sự phát triển kinh tế?

Bà Nguyễn Thị Hương: Năm 2024, kinh tế Việt Nam không chỉ hưởng lợi từ những yếu tố tích cực mà còn phải đối mặt với hàng loạt thách thức phức tạp, cả từ bên ngoài và bên trong. Những khó khăn này đã tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế và đòi hỏi những giải pháp linh hoạt và hiệu quả.

Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với những bất ổn địa chính trị như xung đột Nga-Ukraine kéo dài, căng thẳng ở Trung Đông đã gây áp lực lên giá nhiên liệu, làm tăng chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Theo đó, xu hướng bảo hộ mậu dịch và cạnh tranh thương mại ảnh hưởng đến việc tiếp cận và mở rộng thị trường của Việt Nam. Bên cạnh đó, thiên tai như bão lũ, hạn hán ở Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.

2.jpg

Cùng với đó, mặc dù lãi suất đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng sản xuất. Chính sách thắt chặt tín dụng vẫn là trở ngại khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Sức mua và nhu cầu trong nước giảm khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến việc thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng kinh doanh.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã vượt mốc 100 nghìn doanh nghiệp, cho thấy những khó khăn mà khu vực này vẫn đang phải đối mặt. Các vùng động lực quan trọng như Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và 2 cực tăng trưởng là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có sự sụt giảm về số doanh nghiệp thành lập mới. Những ảnh hưởng của thách thức bao gồm tăng chi phí sản xuất, khó khăn trong tiếp cận vốn, suy giảm sức mua, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất và rủi ro cho nền kinh tế.

- Một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2024 là kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Bà có thể phân tích sâu hơn về thành tựu này, đặc biệt là những động lực chính và sự đóng góp của các khu vực kinh tế?

Bà Nguyễn Thị Hương: Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt con số kỷ lục 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2023. Đây là một thành tựu đáng tự hào, khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thành công này có được nhờ vào sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đồng thời phản ánh sự phục hồi của cầu thế giới và hoạt động sản xuất trong nước.

Động lực chính của xuất, nhập khẩu bao gồm sự phục hồi của nhu cầu thế giới, sản xuất trong nước phục hồi và các hiệp định thương mại tự do.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 786,29 tỷ USD, trong đó xuất khẩu là 405,53 tỷ USD và nhập khẩu là 380,76 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD. Khu vực kinh tế trong nước có kim ngạch xuất khẩu tăng 19,8%, cao hơn mức tăng chung của cả nước. Trong khi, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt, chiếm tỷ trọng 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Các mặt hàng chủ lực bao gồm điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại, máy móc thiết bị, dệt may, giầy dép, gỗ và các mặt hàng nông sản. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá ở hầu hết các thị trường lớn của Việt Nam, như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc và ASEAN. Để nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu, chúng ta cần nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về các ưu đãi FTA và đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại.

45.jpg

- Thưa bà, mặc dù xuất khẩu đã có những bước tiến vượt bậc, khu vực doanh nghiệp vẫn đối diện với nhiều khó khăn khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao. Tổng cục Thống kê có những khuyến nghị cụ thể nào để hỗ trợ khu vực này trong thời gian tới, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất và xây dựng?

Bà Nguyễn Thị Hương: Mặc dù có những điểm sáng trong bức tranh xuất nhập khẩu, chúng ta không thể phủ nhận những khó khăn mà khu vực doanh nghiệp đang phải đối mặt, đặc biệt là số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao.

Để hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê đã tiến hành khảo sát và đưa ra một số khuyến nghị cụ thể, tập trung vào các doanh nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, các cấp quản lý cần có các chính sách nhằm giảm lãi suất cho vay, bình ổn giá nguyên vật liệu, cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt là chính sách thuê đất cụ thể và hỗ trợ các ngành cụ thể như vật liệu xây dựng.

Đối với doanh nghiệp xây dựng, cần hỗ trợ về nguyên vật liệu, vốn, công khai minh bạch đấu thầu, cắt giảm thủ tục hành chính, đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng kế hoạch, chế tài xử phạt chậm thanh toán, công khai các dự án, gói thầu, tạo điều kiện tham gia dự án nhỏ và tăng cường điện tử hóa thủ tục.

- Với những kết quả đã đạt được trong năm 2024 và những thách thức còn tồn tại, bà có thể chia sẻ về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2025 và những yếu tố nào sẽ đóng vai trò then chốt?

Bà Nguyễn Thị Hương: Năm 2025 được kỳ vọng là một năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hết sức thận trọng và nỗ lực để tận dụng tốt những cơ hội và vượt qua những khó khăn.

Tình hình thế giới trong ngắn hạn được dự báo có bảy rủi ro chính làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới. Bao gồm, thắt chặt chính sách tiền tệ gây tác động nhiều hơn dự kiến; thị trường tài chính định giá lại do đánh giá lại chính sách tiền tệ; căng thẳng nợ công gia tăng ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển; ngành bất động sản Trung Quốc thu hẹp sâu hơn dự kiến; giá hàng hóa tăng đột biến do hậu quả của các cú sốc khí hậu; xung đột khu vực hoặc căng thẳng địa chính trị rộng hơn; các quốc gia tăng cường chính sách bảo hộ; bất ổn xã hội tiếp diễn. Các rủi ro này có thể có những tác động không tốt tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu hút FDI liên tục gia tăng gia tăng, đầu tư công tiếp tục được chú trọng, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm quốc gia. Những yếu tố này có tác động lan tỏa tới nền kinh tế cũng như sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển.

3.jpg

Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng của quốc tế trong thời gian gần đây tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Nếu, Việt Nam tận dụng tốt lợi thế này đồng thời có sự chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh hơn nữa đáp ứng sự dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng như đảm bảo các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế, thì có thể sẽ tạo đột phá trong tăng trưởng công nghiệp năm 2025 và các năm tiếp theo.

Hơn nữa, yếu tố then chốt sẽ là sự linh hoạt trong ứng phó, đồng lòng quyết tâm và đổi mới tư duy.

- Thưa bà, vấn đề mức sống tối thiểu của người dân luôn được quan tâm đặc biệt. Tổng cục Thống kê có thể đánh giá cụ thể hơn về mức sống tối thiểu của dân cư trong năm 2024 và những yếu tố nào ảnh hưởng đến con số này?

Bà Nguyễn Thị Hương: Theo kết quả khảo sát sơ bộ của Tổng cục Thống kê, mức sống tối thiểu của người dân Việt Nam năm 2024 là 1,8 triệu đồng/người/tháng. Con số này ở khu vực thành thị là 2,3 triệu đồng/người/tháng và ở nông thôn là 1,7 triệu đồng/người/tháng. So với năm 2023, mức sống tối thiểu đã tăng 6,7%, phản ánh kinh tế phục hồi tích cực và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

green-collage-ad-business-instagram-story.jpg

Mức sống tối thiểu được xác định căn cứ vào giá trị tương đương của các mặt hàng lương thực, thực phẩm để đảm bảo cung cấp đủ 2.100 Kcal một ngày cho một người và các mặt hàng thiết yếu khác như ở, mặc,… cần có để đáp ứng các nhu cầu tối thiểu cần thiết nhất cho cuộc sống hằng ngày. Lượng Kcal được xác định, tính toán từ dữ liệu về chi tiêu trong khảo sát mức sống dân cư và căn cứ vào mức chi tiêu cho các mặt hàng lương thực, thực phẩm của nhóm dân cư trên cận nghèo và dưới nhóm thu nhập trung bình. Việc tính toán xác định mức sống tối thiểu chung dựa trên cơ sở chi tiêu tối thiểu để nhóm dân cư này (có thể chi trả được các khoản bản nhất về lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm).

Mức sống tối thiểu được sử dụng để cung cấp thông tin cho Hội đồng Tiền lương Quốc gia, làm cơ sở để thương lượng, xác định mức lương tối thiểu vùng và các chính sách liên quan.

Xin cảm ơn bà!

tac-gia.png