Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Ngành Công Thương chuyển mình, bứt phá dẫn dắt phát triển trong kỷ nguyên mới

Kỷ nguyên vươn mình - Ngày đăng : 10:02, 21/01/2025

Bước sang 2025 - năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước và cũng là năm hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Công Thương, toàn ngành đã đặt ra nhiều nhiệm vụ cần đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số.
Kỷ nguyên vươn mình

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Ngành Công Thương chuyển mình, bứt phá dẫn dắt phát triển trong kỷ nguyên mới

{Tên tác giả} 21/01/2025 10:02

Bước sang 2025 - năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước và cũng là năm hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Công Thương, toàn ngành đã đặt ra nhiều nhiệm vụ cần đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số.

tet-2025_cover.png

Năm 2024, ngành Công Thương đã dồn sức, đồng lòng, quyết liệt và sáng tạo, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, trong đó có nhiều chỉ tiêu tăng trưởng hai con số, lập nên nhiều kỷ lục mới, góp phần là động lực trụ cột phát triển của đất nước.

Bước sang 2025 - năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước và cũng là năm hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Công Thương, toàn ngành đã đặt ra nhiều nhiệm vụ cần đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số.

Trước thềm Xuân mới Ất Tỵ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trao đổi với báo chí về chặng đường vượt khó của toàn ngành trong năm 2024 và những thách thức trong năm 2025.

HOÀN THÀNH TOÀN BỘ CHỈ TIÊU NĂM 2024, LẬP NHIỀU KỶ LỤC MỚI

- Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, kinh tế xã hội đất nước đã có bước phát triển tích cực với nhiều điểm sáng: Hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu đề ra, tăng trưởng GDP hơn 7%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, tạo niềm tin mới cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong thành tích chung đó, xin Bộ trưởng cho biết khái quát những kết quả nổi bật ngành Công Thương đạt được trong năm qua?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế-xã hội cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những biến động lớn, phức tạp, khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát giảm chậm; chính sách tiền tệ thắt chặt từ những năm trước tiếp tục duy trì đến hết quý 3 mới được nới lỏng một phần; chuỗi cung ứng toàn cầu, các luồng vận tải trọng yếu luôn đứng trước nguy cơ đứt gãy, gián đoạn do xung đột địa chính trị ở một khu vực trên thế giới.

72d5d2a9310d8d53d41c18.jpg
Sản xuất công nghiệp tạo “đòn bẩy” cho tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bên cạnh đó, xu hướng phi toàn cầu hoá trỗi dậy, chính sách bảo hộ thương mại xuất hiện trở lại ở nhiều nước với các hình thức khác nhau. Các thị trường xuất khẩu lớn tăng cường áp dụng nhiều tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu…

Ở trong nước, năm 2024 đối mặt với diễn biến thiên tai bất lợi, đặc biệt, siêu bão số 3 và cơn bão số 4 đã gây thiệt hại nặng nề, trên diện rộng đối với hệ thống hạ tầng năng lượng, công nghiệp, thương mại và hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nhiều địa phương.

Song dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, Ban, Ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo nhiều giải pháp nhằm đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ được giao. Đến nay, có thể khẳng định, ngành Công Thương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024, trong đó có nhiều chỉ tiêu ở mức hai con số, lập nhiều kỷ lục mới, đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, thách thức để “về đích” với tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt mọi dự báo.

Nổi bật là năm 2024 là năm đột phá trong công tác tham mưu chính sách với hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới như: Luật Điện lực (sửa đổi), dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (sửa đổi), Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, Nghị định 135 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ; dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu…

8f44ad0eb8aa04f45dbb14.jpg
Xuất khẩu của Việt Nam năm 2024 lập kỷ lục mới. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp, Bộ Công Thương đã tập trung, nỗ lực tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chủ trương tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, cơ chế tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo; tách A0 ra khỏi EVN và chuyển về trực thuộc Bộ Công Thương để đổi mới vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, giúp khai thông các điểm nghẽn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời mở ra cơ hội mới thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo đột phá chiến lược cho phát triển năng lượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đặc biệt, kỳ tích Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối với tổng chiều dài khoảng 519 km, có quy mô 1.177 cột; trong đó, cột cao nhất là 145 m, cột nặng nhất tới 415 tấn… đã hoàn thành với loạt kỷ lục: Về thời gian thi công, khối lượng công việc, huy động nguồn lực, cơ chế giải quyết vướng mắc. Cùng đó, ngành Dầu khí đạt doanh thu vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng trong năm 2024; phát triển chuỗi dự án dầu khí và điện gió ngoài khơi cùng dấu ấn nhiều công trình năng lượng trọng điểm.

Ngoài ra, các cân đối lớn được bảo đảm, nhất là an ninh năng lượng và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu cho sản xuất, không để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu; bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và đời sống xã hội, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ và phụ tải điện tăng đột biến.

0de0b043abe717b94ef610.jpg
Người dân mua sắm hàng Tết tại siêu thị. (Ảnh minh họa: Đức Duy/Vietnam+)

Công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4%, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10% (so với năm 2023 chỉ dưới 1%), khẳng định vai trò trụ cột quan trọng, tạo động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.

Điểm nổi bật là hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Xuất nhập khẩu là một trong những điểm sáng nổi bật của nền kinh tế trong năm 2024 khi đã đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc. Tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.391,0 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0% so với năm trước (năm 2023 tăng 9,4%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,9% (năm 2023 tăng 6,8%).

Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, tinh gọn bộ máy là “cuộc cách mạng” và phải được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở thực hiện, tuy không thuộc diện sáp nhập theo chủ trương của Trung ương nhưng Bộ Công Thương vẫn lập tức vào cuộc, chủ động triển khai. Bộ Công Thương chủ động đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tiếp tục tinh gọn từ bên trong, bảo đảm “tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả.”

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, Bộ đã hoàn thành 16/16 nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024, đạt tỷ lệ 100%.

TIẾP TỤC XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN THỂ CHẾ PHÙ HỢP VỚI NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM

- Xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong ba đột phá chiến lược, tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Công tác này đã được Bộ Công Thương triển khai ra sao, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Như trên đã nói, năm 2024, Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực triển khai toàn diện các nhiệm vụ công tác thường xuyên, bám sát các chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, mở những con đường lớn kiến tạo phát triển.

Năm 2024 là năm Bộ Công Thương đã quyết liệt hoàn thiện hệ thống pháp luật thông qua việc xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật với nhiều chính sách đột phá mang tầm nhìn chiến lược, dài hạn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng trình Chính phủ thống nhất cao việc thông qua Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sử dụng năng lượng, tiết kiệm, hiệu quả. Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp xây dựng và tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV…

63ef8a3087943bca62855.jpg

Bên cạnh những nhiệm vụ mang tính dài hạn, thực hiện chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2024, Bộ Công Thương đã kiên trì từng bước tham mưu, tổ chức xây dựng trình Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn như cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Đây là bước tiến quan trọng trong tư duy thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam; mở rộng hơn nữa quyền của người dân, doanh nghiệp trong tự do lựa chọn nguồn năng lượng mà mình tiêu thụ, nhất là những nguồn năng lượng xanh, tái tạo.

Ngoài ra, những ngày cuối năm 2024 (ngày 12/12/2024), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, với sự đồng tình tuyệt đối của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ xem xét, quyết nghị với sự thống nhất cao thông qua chủ trương, quan điểm, mục tiêu, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Quyết nghị của Chính phủ sẽ là cơ sở quan trọng giải phóng nguồn lực đã đầu tư lên đến 308.409 tỷ đồng, tương đương khoảng 13 tỷ USD; khắc phục lãng phí nguồn lực xã hội và giải quyết được nhiều vướng mắc tưởng chừng bế tắc.

Cuối cùng, nửa đầu năm 2024 cũng đánh dấu mốc quan trọng trong công tác hoàn thiện thể chế của Bộ Công Thương khi Bộ đã kịp thời xây dựng, tham vấn ý kiến, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện 4 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; quy hoạch khoáng sản; quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.

Đây là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức thực hiện, triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả trong thu hút đầu tư và đưa nguồn lực xã hội vào nền kinh tế.

6a3fc1eccc48701629594.jpg

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định hiện hành.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

XUẤT NHẬP KHẨU LẬP KỶ LỤC CHƯA TỪNG CÓ TRONG 40 NĂM ĐỔI MỚI

- Thưa Bộ trưởng, năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt 783 tỷ USD, là con số cao kỷ lục trong 40 năm đổi mới. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có những biến động khó lường, nếu không có những giải pháp “trúng” và “đúng,” đặc biệt trong công tác xây dựng chính sách, xúc tiến thương mại... thì chúng ta khó có thể đạt được những kỳ tích đó. Bộ trưởng nhìn nhận về lĩnh vực này như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế-xã hội cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những biến động lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt hiệu quả các công cụ chính sách xuất nhập khẩu.

Kết quả đạt được không chỉ là con số xuất khẩu 400 tỷ USD, kỷ lục chưa từng có trong 40 năm đổi mới mà quan trọng là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

82f15f784adcf682afcd15.jpg
Ngành xuất nhập khẩu đạt được thành tích đáng kể. (Ảnh: Đức Duy)

Nhìn lại tiến trình lịch sử, nền kinh tế nước ta đã mất nhiều năm để vượt mốc xuất khẩu 100 tỷ USD vào năm 2012, rồi từ đó phải mất thêm 5 năm để vượt mốc 200 tỷ USD vào năm 2017 và mất thêm 4 năm để vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2021. Nhưng đến 2024, chỉ sau 3 năm, kim ngạch xuất khẩu nước ta đã tăng thêm 100 tỷ USD, lần đầu cán mốc lịch sử 400 tỷ USD.

Đây có thể coi là một cột mốc mang tính lịch sử đáng ghi nhận nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn rất nhiều khó khăn cản trở xuất khẩu như lạm phát giảm chậm, chính sách tiền tệ thắt chặt từ những năm trước tiếp tục duy trì đến hết quý 3 mới được nới lỏng một phần, chuỗi cung ứng toàn cầu, các luồng vận tải trọng yếu luôn đứng trước nguy cơ đứt gãy, gián đoạn…

Để đạt được kết quả đó, Bộ Công Thương đã sớm xây dựng và triển khai Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, khai mở các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; đơn giản hóa thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ, đẩy mạnh chuyển đổi số cấp chứng nhận xuất xứ điện tử... Đặc biệt, đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại.

Theo đó, về xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã tổ chức chuỗi hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài định kỳ hàng tháng theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến nhằm cung cấp thông tin thị trường, đồng thời, tăng cường gắn kết hệ thống Thương vụ với các cơ quan trung ương và địa phương trong công tác xúc tiến thương mại.

Cùng với đó, công tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong tận dụng các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do cũng được Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai. Bộ cũng đã theo dõi sát tình hình của các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam để kịp thời đề xuất các giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho phù hợp.

Đáng chú ý, công tác tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh thông quan hàng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ được Bộ đặc biệt chú trọng.

98099ef193552f0b76447.jpg
Bộ Công Thương đã sớm xây dựng và triển khai Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam... (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ cũng tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa dư địa xuất khẩu thị trường do các FTA mang lại, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP…; phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp chưa trực tiếp triển khai được hoạt động xúc tiến thương mại.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đồng thời quản lý rủi ro, Bộ Công Thương đã rà soát, điều chỉnh phù hợp cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) ưu đãi trên môi trường điện tử…

Tổng hòa rất nhiều giải pháp đã đưa xuất nhập khẩu năm 2024 tiếp tục là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Theo ước tính của liên Bộ, tổng trị giá xuất nhập khẩu là một trong những điểm sáng nổi bật của nền kinh tế trong năm 2024 khi đã đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%.

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp. Cả năm 2024 ước xuất siêu gần 25 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. Đáng chú ý, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước phục hồi tốt. Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước năm 2024 ước đạt 113,7 tỷ USD, tăng 18,9%, cao hơn mức tăng trưởng của khu vực FDI (ước đạt 290 tỷ USD, tăng 11,9%).

Thêm nữa, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Cùng với xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu cũng phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả năm 2024 phục hồi, đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm trước, chủ yếu để phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Việc nhập khẩu các mặt hàng linh kiện, máy móc, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng trưởng trở lại cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế, cùng như những tín hiệu tích cực về các đơn hàng nhận được trong thời gian tới.

TẠO ĐÀ, TẠO LỰC, DẪN DẮT PHÁT TRIỂN TRONG KỶ NGUYÊN MỚI

- Tại Hội nghị tổng kết năm 2024 của ngành Công Thương, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nêu rõ, 2025 là năm tạo đà, tạo lực cho giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng ở mức 2 con số, ngành Công Thương cần khẳng định vai trò tiên phong. Để tiếp tục phát huy trọng trách đầy tự hào nhưng cũng không ít thách thức này, năm 2025, ngành Công Thương sẽ tập trung vào những giải pháp nào cho những mục tiêu đề ra, góp phần vào đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế vĩ mô của đất nước, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Năm 2025 cũng là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2026-2030.

Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 2 con số. Vì thế, để góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong năm tới - năm bứt phá về đích của kế hoạch 5 năm (2021-2025), tạo nền tảng cho đất nước bước vào Kỷ nguyên mới-Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngành Công Thương sẽ tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Theo đó, ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc, kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp, thương mại thành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi và chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả tạo dư địa, động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước. Trước mắt, khẩn trương xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 (khóa XIII) và Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới.

d0f70a8ae92e55700c3f17.jpg
Sản xuất công nghiệp tạo “đòn bẩy” cho tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thể chế; xác định đây là nhiệm vụ “đột phá của đột phá,” tạo hành lang pháp lý đồng bộ, khả thi, thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại.

Trong năm 2025, ngành cũng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần làm mới và thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), đồng thời khai thác có hiệu quả các động lực tăng trưởng mới (gồm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và các ngành công nghệ cao như chíp, bán dẫn, công nghệ AI…).

Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác có hiệu quả các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là trong lĩnh vực mà nước ta đang có nhu cầu và lợi thế; tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở ngoài nước trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu; tích cực tham mưu đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các FTA với các đối tác tiềm năng, tạo động lực tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư; đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững…

anh-2-2-1-.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Công nghệ Ba Lan Krystof Paszyk thống nhất nhiều nội dung quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Có thể khẳng định năm 2025 là năm củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới-Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030. Mục tiêu năm 2025 phấn đấu tăng trưởng cao nhất để tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng ở mức 2 con số là yêu cầu rất cao, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, của người dân và các doanh nghiệp, vì vậy, vai trò, sứ mệnh của ngành Công Thương càng phải được thể hiện, khẳng định tính tiên phong trong hành động.

Nhưng với sự chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch hành động của Ngành trong năm tới và tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với nỗ lực cao nhất ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới, Bộ Công Thương phấn đấu thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng./.