Biệt động Sài Gòn - bản hùng ca của những người con bất tử
Mega Story - Ngày đăng : 08:48, 21/04/2025


Những người lính Biệt động Sài Gòn, những chiến sỹ không tên tuổi, nhưng lại có trái tim sắt đá và một tình yêu đất nước mãnh liệt.
Ra đời như một tất yếu của cuộc chiến tranh nhân dân, Biệt động Sài Gòn là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội ta, hoạt động chiến đấu giữa sào huyệt, trung tâm đầu não của địch.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, khác với bộ đội đặc công là lực lượng võ trang thoát ly hoàn toàn, chỉ gồm các thanh niên tác chiến trên mọi chiến trường, "biệt động" là lực lượng võ trang tại chỗ, chiến đấu trong lòng địch ở các đô thị bị tạm chiếm. Biệt động có từ thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ đầu kháng chiến Nam bộ và phát triển mạnh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Họ có cả trai lẫn gái, cả thiếu niên lẫn người cao tuổi ở mọi thành phần xã hội của đô thị. Tham gia biệt động có công nhân, nông dân, thợ thủ công, dân nghèo thành thị, học sinh, trí thức, tiểu thương, tiểu chủ, tư sản yêu nước… Biệt động hoạt động chủ yếu ban ngày, thường trà trộn trong dân hoặc lọt vào hàng ngũ địch để tiếp cận mục tiêu, rồi lên kế hoạch hành động cực nhanh, dứt khoát, quyết liệt và nhanh chóng rút khỏi khu vực chiến đấu.

Chính Nghĩa bước vào đội ngũ ấy với trái tim run rẩy nhưng không chút do dự.
Ký ức về những ngày tháng đầu tiên gia nhập lực lượng biệt động vẫn luôn ám ảnh Chính Nghĩa. Mọi thứ đều mới mẻ, đáng sợ, như một cánh én non lao vào cơn bão.
Nhờ chính sự cố gắng, bà Nghĩa trở thành "Chiến sỹ Tên Lửa," với ý nghĩa "Người giao liên nhanh và chính xác như mũi tên lửa."
Năm 1968, bà được đích thân đội trưởng Tô Hoài Thanh giao nhiệm vụ đánh vào dinh Độc Lập. Lần đầu cầm súng, lại còn là nữ chiến sỹ duy nhất trong đội, bà bỏ mặc những lo âu, dũng cảm bước ra chiến trường.
Đêm ấy, sau lời tuyên thệ vang lên giữa khói súng, cô cùng Đội 5 Biệt động Sài Gòn tiến thẳng vào dinh Độc Lập. Hai đêm, một ngày, họ đối đầu với quân địch trong khói lửa bom đạn mịt mù. Vừa bóp cò, vừa cứu thương, Chính Nghĩa chứng kiến đồng đội ngã xuống. Đau thương ngập lòng, nhưng cô và những người còn lại nén chặt nỗi đau. Nhiệm vụ hoàn thành, nhưng cái giá phải trả quá đắt: 8 chiến sỹ hy sinh, 7 người còn lại, trong đó có cô, bị thương và rơi vào tay giặc.
Từ đó, tuổi thanh xuân của Chính Nghĩa bị chôn vùi sau song sắt. 21 tuổi, cô đối diện bốn bức tường lạnh lẽo và những trận đòn roi tàn bạo. Từ tổng nha cảnh sát đến Thủ Đức, Tân Hiệp, Biên Hòa, cô bị tra tấn không ngừng, nhưng đôi môi ấy không hé nửa lời phản bội. Tinh thần thép của cô như ngọn lửa cháy mãi trong bóng tối, trung thành tuyệt đối với đất nước.

Được nhân dân đùm bọc, chở che và nuôi dưỡng, lực lượng Biệt động Sài Gòn luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, đã trưởng thành từ không đến có, từ nhỏ đến lớn mạnh.
Họ hoạt động trong phong trào quần chúng, luồn sâu đánh hiểm, tự lực, tự cường, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, tiêu diệt địch và lập nhiều chiến công.
Nhưng nếu ai đó hỏi về những người vợ của các chiến sỹ Biệt động, họ sẽ thấy rằng không ít người phụ nữ đã gánh vác trọng trách gấp đôi: vừa giữ gìn gia đình, vừa là chiến sỹ thầm lặng. Và đôi khi họ còn phải làm những diễn viên bất đắc dĩ...
Chẳng hạn như câu chuyện của bà Đặng Thị Tuyết Mai, người vợ sau của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai.


Sinh ra trong gia đình cộng sản, bà lớn lên giữa bao cay đắng, khó khăn. Nhưng chính trong nghịch cảnh, bà đã cùng người đồng đội - người sau này trở thành chồng - làm nên những kỳ tích.
Tháng 5 năm 1966, ông Lai nhận lệnh về Sài Gòn, mua nhà, xây hầm chứa vũ khí chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968.
Cô gái 19 tuổi Tuyết Mai theo ông, cùng nhau bước vào hành trình đầy gian nguy.
Để che giấu kế hoạch, ông Lai dẫn bà đi mua nhà với lý do “mua cho vợ bé."
Một cái cớ trớ trêu, nhưng bà hiểu, và chấp nhận. Tình yêu giữa hai người nảy nở một cách tự nhiên. Họ kết hôn trong hoàn cảnh đơn sơ, cùng nhau xây dựng căn cứ bí mật, bảo vệ những hầm vũ khí giữa lòng thành phố.
Đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, khi những chiếc xe chở vũ khí lặng lẽ băng qua phố phường, bà Tuyết Mai đứng đó, nhìn những bóng hình chiến sỹ sẵn sàng hy sinh, lòng trào dâng niềm kiêu hãnh xen lẫn xót xa.
Trận đánh vào Dinh Độc Lập, Đội 5 Biệt động lao vào lửa đạn. 8 chiến sỹ hy sinh, ông Lai bị truy nã ráo riết suốt 8 năm. Trong những năm tháng ấy, bà Mai vừa nuôi con, vừa che giấu chồng tại căn nhà 720 Võ Di Nguy (nay là 752A Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận). “Nỗi oan vợ bé” lan truyền khắp nơi, nhưng bà gạt đi niềm riêng, giữ trọn lòng son sắt.
Đến ngày đất nước thống nhất, bà nghẹn ngào thốt lên: “Hòa bình rồi! Chồng tôi làm cách mạng, tôi không phải vợ bé của ai cả…”
Ai đã từng xem bộ phim "Biệt động Sài Gòn" chắc hẳn không thể quên hình ảnh ông chủ hãng sơn Đông Á điển trai, hào hoa, thanh lịch. Ít ai biết rằng nguyên mẫu cho nhân vật ông chủ hãng sơn ấy là Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai.






Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói trong cuộc kháng chiến oanh liệt 30 năm vì độc lập và thống nhất của Tổ quốc, các đơn vị Biệt động Sài Gòn đã nêu cao khí phách anh hùng, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, lập nên những chiến công bất hủ.
Không chỉ chiến đấu trong lòng địch, những chiến sỹ biệt động có thể là những người bình thường nhất, sống cùng nhân dân, được người dân bao bọc, nuôi dưỡng và hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ vì dân.
Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc trên thế giới, có lẽ chưa ở đâu có đội quân hay binh chủng nào đặc biệt như thế. Có thể nói đây là lực lượng “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu,” gọn nhẹ, bí mật, linh hoạt, nằm trong lòng địch, hòa vào nhân dân, để thực hiện những nhiệm vụ mạo hiểm, táo bạo, bất ngờ vào cơ quan đầu não và các mục tiêu quan trọng của địch.
Các câu chuyện về các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn luôn thật đặc biệt, mang dấu ấn trí tuệ Việt và thấm đẫm tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh cho độc lập dân tộc.
Câu chuyện về tấm thẻ “Căn cước Rồng xanh” của những năm 1968 là một câu chuyện đặc biệt như thế.
Để đưa lực lượng cách mạng trà trộn vào nội thành, những tấm căn cước giả được làm ra tinh vi như thật. Người đứng sau kỳ tích ấy là ông Lâm Quốc Dũng - “Dũng râu.”

Từ năm 1965, ông học khắc dấu, làm giấy tờ giả, và trước Tết Mậu Thân 1968, ông đã tạo ra hàng trăm bộ căn cước, giúp đồng đội qua mắt kẻ thù.
Sau trận Mậu Thân, địch phát hiện căn cước giả, thay bằng “Căn cước Rồng xanh” với công nghệ in ấn hiện đại từ Mỹ, tin rằng không ai có thể làm giả.
Nhưng “Dũng râu” không bỏ cuộc. Ông mày mò, thử nghiệm, và cuối cùng tạo ra những tấm căn cước đủ để đánh lừa các trạm kiểm soát thông thường. Chỉ những kẻ trong nghề, dưới ánh sáng đặc biệt, mới phát hiện ra sự khác biệt. Nhờ vậy, quân ta tiếp tục hoạt động ngay trong lòng địch.
Những câu chuyện ấy vẫn mãi vang vọng, là minh chứng cho sự kiên cường, mưu trí và lòng yêu nước vô hạn của những chiến sỹ Biệt động Sài Gòn, những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình để làm nên chiến thắng vĩ đại cho dân tộc.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với sự mưu trí, dũng cảm và bằng nhiều cách đánh độc đáo, sáng tạo, lực lượng biệt động Sài Gòn đã cùng quân và dân thành phố, lập nên nhiều chiến công vang dội, giành chính quyền về tay nhân dân và kết thúc vai trò lịch sử của mình một cách vẻ vang.
Trong chiến dịch này, lực lượng Biệt động Sài Gòn đã được biên chế, tổ chức thành ba tiểu đoàn: 195, 197, 198 và 11 đại đội (gồm 60 tổ), triển khai thành hai hướng hoạt động chính là vùng Đông và Tây thành phố rồi phát triển vào nội đô Sài Gòn.
Biệt động Sài Gòn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa phối hợp với các đơn vị bạn chiến đấu, giữ cửa trên các hướng, hướng dẫn các cánh quân chủ lực thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn, vừa phối hợp với địa phương phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, góp phần to lớn vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chỉ tính từ tháng 12/1974 đến tháng 4/1975, các tổ, đội Biệt động Sài Gòn đã đánh 55 trận trong nội đô và 3 trận vùng ven, tiêu diệt hơn 100 tên địch, thu được súng đạn, máy thông tin và một số tài liệu quan trọng khác của địch.
Đến cuối tháng 4/1975, trong lúc các binh đoàn chủ lực của ta từ năm hướng thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn, các đơn vị Biệt động thành phố đã chiếm giữ các đầu cầu quan trọng trên trục đường vào thành phố; tham gia khống chế các sân bay, trận địa pháo của địch, đánh chiếm một số vị trí then chốt trong trung tâm và dẫn đường cho các đơn vị bộ đội chủ lực tiến vào giải phóng.
Các chiến sỹ biệt động đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, điển hình như: nữ chiến sỹ biệt động Nguyễn Trung Kiên hướng dẫn Trung đoàn 24 đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất; nữ đồng chí Nguyễn Thị Thanh Tùng lãnh đạo quần chúng bao vây chiếm trụ sở quận 9; đồng chí Ba Minh, cơ sở trong lòng địch của Đội 5 biệt động, làm việc ở văn phòng bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn đã ra đón và bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị ở đây cho Quân Giải phóng...
Cùng với các mũi tiến công của các đơn vị bộ đội, lực lượng Biệt động Sài Gòn còn phối hợp cùng các đội công tác vũ trang, các đoàn thể trong các quận nội thành, làm nòng cốt và hướng dẫn nhân dân nổi dậy giành chính quyền tại chỗ. Tấn công bằng chính trị, binh vận vào tất cả các lực lượng của địch, khiến chúng phải bỏ súng đầu hàng hoặc quay về với gia đình. Chỉ trong vòng hai ngày 29 và 30/4/1975, toàn thành phố có 107 điểm nổi dậy (31 điểm ở ngoại thành, 76 điểm ở nội thành).

Vào lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Phủ Tổng thống ngụy, đánh dấu thời điểm kết thúc toàn thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Đây cũng là dấu mốc lớn trong nghệ thuật tác chiến của lực lượng Biệt động Sài Gòn, góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật chiến đấu trong lòng địch.
Nêu cao tinh thần quyết chiến, lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, lực lượng đặc biệt tinh nhuệ này đã thực hiện xuất sắc tư tưởng quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, góp phần xứng đáng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc.
Với thành tích chiến đấu xuất sắc, năm 1976, lực lượng Biệt động Sài Gòn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tặng 16 chữ vàng: “Đoàn kết một lòng-Mưu trí vô song-Dũng cảm tuyệt vời-Trung kiên bất khuất”./.
