Miền Bắc - Hậu phương lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
Mega Story - Ngày đăng : 08:48, 21/04/2025
Miền Bắc - Hậu phương lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
Ba mươi năm trước đây, hậu phương lớn miền Bắc đã chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi hoàn toàn; kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc của dân tộc ta.

Ba mươi năm trước đây, hậu phương lớn miền Bắc đã chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi hoàn toàn; kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc của dân tộc ta.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta vừa kết thúc, đế quốc Mỹ đã mưu toan thay thế Pháp thống trị miền Nam Việt Nam. Ngay sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, đế quốc Mỹ đã trở thành kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của dân tộc Việt Nam.
Đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược trở thành nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Trong chỉ đạo cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ, Đảng ta đã xác định con đường giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước phải lâu dài và gian khổ, phải tích cực chuẩn bị hậu phương cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam.
Hai chiến lược cách mạng của cả nước: Xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Miền Bắc với hai nhiệm vụ song hành: Khôi phục và xây dựng từng bước lên xã hội chủ nghĩa, làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống đất đất nước
Bước vào cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ, miền Bắc nước ta đã hoàn toàn giải phóng. Lúc này hệ thống xã hội chủ nghĩa đã hình thành và ngày càng lớn mạnh, phong trào độc lập dân tộc và hoà bình thế giới phát triển sôi động.
Trong bối cảnh đó, Đảng chủ trương xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu này không chỉ nhằm xây dựng đời sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân miền Bắc mà còn nhằm xây dựng thực lực cách mạng cho cả nước, làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, tạo điều kiện để có thể chi viện lực lượng ngày càng lớn cho miền Nam, cùng miền Nam hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Theo định hướng xây dựng xã hội chủ nghĩa, sau giải phóng, miền Bắc bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả của chiến tranh, ổn định tình hình về mọi mặt. Chính quyền dân chủ nhân dân được xây dựng và củng cố.
Cuộc cách mạng ruộng đất được tiếp tục hoàn thành, đem lại quyền lợi thiết thực và niềm phấn khởi cho nông dân lao động. Sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, các cơ sở công nghiệp cần thiết để phục vụ đời sống nhân dân được nhanh chóng triển khai.
Quân đội được xây dựng từng bước tiến lên chính quy, hiện đại, các binh chủng, quân chủng hình thành. Năm năm khôi phục và củng cố miền Bắc (1955-1960) đã tạo cơ sở mới về chính trị, kinh tế, quốc phòng để có thể thực hiện được chi viện lực lượng và vật chất cho miền Nam trong điều kiện bí mật nhất.
Tháng 9/1960, Đảng ta tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III. Nội dung cơ bản của Đại hội, trong lời khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ Đại hội lần này là đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà.
Đại hội thống nhất hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là nhiệm vụ của cả nước. Yếu tố quyết định thành công của cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà là lực lượng của cả nước.
Từ đó hình thành hai chiến lược cách mạng của cả nước: Xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Đại hội xác định nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà.
Cách mạng miền Nam có vị trí rất quan trọng. Nó có tác dụng quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Nghị quyết Trung ương Đảng, Sắc lệnh Quốc hội đã động viên khí thế toàn dân tự lực, tự cường lao động hết mình. Chỉ sau ba năm khôi phục, diện mạo miền Bắc đổi mới hẳn.
Mặt trận nông nghiệp dấy lên "Gió Đại Phong," công nghiệp nổi lên "Sóng Duyên Hải"... khơi dậy tinh thần suy nghĩ mới.
Tỉnh Nam Hà tiên phong phát động phong trào "Vì miền Nam ruột thịt"... kết nghĩa với Biên Hòa thi đua xây dựng xã hội chủ nghĩa, đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Phong trào lập tức được 32 tỉnh, thành phố, hàng trăm xí nghiệp và cơ sở thủ công hưởng ứng. Tổng sản lượng nông nghiệp vượt lên gấp rưỡi những năm thuộc Pháp.
Trên mặt trận công nghiệp xuất hiện "Ngày thứ bảy đẩy mạnh sản xuất vì miền Nam thống nhất đất nước" ở xí nghiệp xe lửa Gia Lâm. Chẳng bao lâu khắp nơi đều hưởng ứng, đã có hàng ngàn sáng kiến cải tiến quy trình công nghệ, nâng cao hiệu suất lao động lên ba lần.
Đến năm 1965, miền Bắc đã có 88,8% số hộ nông dân vào hợp tác xã. Giá trị sản lượng nông nghiệp tăng bình quân hằng năm là 4,1%. Có 9 huyện, 125 hợp tác xã đạt năng suất 5 tấn/ha. 3.139 điểm cơ khí, 1.500 công trình thủy lợi được xây dựng. Một số trung tâm công nghiệp được hình thành: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Việt Trì, Hồng Quảng...
Tốc độ tăng giá trị sản lượng công nghiệp hằng năm là 13,6%. Sự nghiệp giáo dục, y tế phát triển mạnh. Quân đội nhân dân được xây dựng lớn mạnh nhanh về số lượng và chất lượng. Đến năm 1963, quân số thường trực ở miền Bắc là 173.500 người, chiếm 1% dân số.
Cũng đến năm này, việc xây dựng các công trình phòng thủ đã hoàn thành. Lực lượng dân quân tự vệ có số lượng 1,4 triệu người, số quân đăng ký dự bị là 1,2 triệu người.
Với thành quả của việc thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất, Bác Hồ đã đánh giá: "Miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử. Đất nước, xã hội, con người đều đổi mới."
Tuy kế hoạch chưa thực hiện xong thì đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc, cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhưng những thành quả việc thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất đã tạo điều kiện cho miền Bắc trở thành hậu phương lớn, làm cơ sở và căn cứ vững chắc để nhân dân cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ, góp phần quyết định vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.








Miền Bắc trở thành hậu phương lớn, làm cơ sở và căn cứ vững chắc để nhân dân cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ, góp phần quyết định vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Một thế hệ người Hà Nội không thể nào quên được thời khắc lịch sử: Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ cho không quân ném bom, bắn phá miền Bắc nước ta. Bốn ngày sau, đêm 9/8, 26 vạn thanh niên Hà Nội xuống đường lên án hành động phiêu lưu chiến tranh của đế quốc Mỹ.
Tại Hội trường Bộ Công nghiệp nặng 54 phố Hai Bà Trưng (nay là Bộ Công nghiệp), ngọn lửa truyền thống được đốt lên. Ban Chấp hành Thành đoàn Hà Nội kêu gọi: Hơn lúc nào hết, thanh niên phải vươn lên hàng đầu trong chiến đấu, lao động và học tập. Phong trào "Ba sẵn sàng" (sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng đi bất cứ nơi nào khi Tổ quốc cần đến) được chính thức phát động.
Từ Hà Nội, phong trào lan rộng ra khắp các tỉnh, thành phố miền Bắc. Chỉ trong vòng một tháng đã có 1,5 triệu đoàn viên, thanh niên đăng ký thực hiện "Ba sẵn sàng."
Trung ương Đoàn quyết định nhiệm vụ của đoàn lúc này là "động viên bốn triệu đoàn viên và thanh niên miền Bắc tiến lên hàng đầu trên mặt trận sản xuất, chiến đấu, học tập và xây dựng cuộc sống mới, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược trong bất kỳ tình huống nào để bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam và đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội."
Từ đây dấy lên phong trào rầm rộ chưa từng có trong thanh niên miền Bắc. Suốt cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hơn năm triệu đoàn viên và thanh niên đã gia nhập lực lượng vũ trang tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường.
Tỷ lệ đoàn viên, thanh niên trong lực lượng vũ trang thời kỳ này chiếm tới 85-90%, trong đó hàng triệu người đã tham gia chiến đấu tại các chiến trường miền Nam.

Theo sự phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, số lượng bộ đội được tăng cường từ miền Bắc vào miền Nam chiến đấu ngày càng tăng. Nếu năm 1960, ta đưa vào Nam được 1.217 người, thì đến năm 1964 là 17.427 cán bộ, chiến sỹ, trong đó có nhiều cán bộ quân sự cao cấp có kinh nghiệm xây dựng và tác chiến tập trung của bộ đội chủ lực.
Ba năm cuối của cuộc kháng chiến, số quân từ Bắc vào Nam đã tăng lên hàng chục, hàng trăm lần so với giai đoạn đầu.
Năm 1973 là 129.311 người (chiếm 0,58% số dân miền Bắc). Năm 1974 là 117.545 người (chiếm 0,51% dân số). Năm 1975 là 238.646 người (chiếm 1,02% dân số).
Cùng thời điểm này, lực lượng chủ lực Quân giải phóng là người miền Nam được bổ sung ngay trong chiến trường là: Năm 1973: 117.128 người, năm 1974: 145.475 người, năm 1975: 296.184 người.
Đồng thời với việc chi viện sức người, miền Bắc đã chi viện một khối lượng lớn sức của cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai.
Trước khi bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, ta đã xác định để bảo đảm chiến tranh thắng lợi, phải có những con đường chiến lược là hạ tầng cơ sở, tổ chức vận tải phải phù hợp, sử dụng và bảo vệ thật tốt những con đường đó.
Do đó miền Bắc đã dành tới 30,6% vốn đầu tư kiến thiết cơ bản cho phát triển giao thông vận tải. Chỉ trong thời gian ngắn, các tuyến thuỷ bộ đều tăng từ 2,5 đến 3,3 lần.
Những tuyến đường chiến lược Thanh Hóa-Sầm Nưa, Lang Chánh vào Tây Quảng Bình-Vĩnh Linh và nối thông Tây Bắc-Việt Bắc được xây dựng. Sau 3 năm, tổng chiều dài đường bộ đã được 11.495km, hệ thống đường sắt cũng hoàn thành tới Quảng Bình; khai thông tuyến sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã và các luồng sông ở phía Nam.
Tuyến vận tải biển ách tắc từ lâu nay được khôi phục, đặt bến cảng thông luồng tiếp cận vùng bến Hải. Nhưng kỳ công nhất là hai tuyến chi viện chiến lược: Đoàn 559 xẻ dọc Trường Sơn hơn 1000km và đoàn 759 xuyên biển hàng nghìn hải lý làm nhiệm vụ trực tiếp chi viện các chiến trường nằm sâu trong lòng địch.













Trên mọi tuyến đường: Đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt, đường hàng không, quân đi như nước chảy, các phương tiện vận tải chỉ một hướng: Vào Nam với tinh thần "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng."
Đến kế hoạch 5 năm lần thứ nhất tháng 9/1960, Nhà nước còn tăng 17,7% tổng ngân sách cho giao thông vận tải chi viện tiền tuyến.
Với đặc điểm địa hình, khả năng của miền Bắc, ta đã xác định hai tuyến đường vận chuyển cơ bản nhất là đường biển và đường bộ. Sau một thời gian nghiên cứu, trinh sát hai chiều Bắc vào và Nam ra, năm 1962, Đoàn 125 hải quân bắt đầu vận chuyển chi viện cho chiến trường bằng đường biển.
Những chuyến hàng đầu tiên vào Cà Mau đã đưa được vũ khí, đạn dược để trang bị cho bộ đội đánh địch trên các chiến trường đông dân, góp phần đánh bại chiến thuật "trực thăng vận," "thiết xa vận" của Mỹ-Ngụy.
16 năm (1959-1975), hải quân nhân dân ta, được sự che chở đùm bọc của nhân dân, đã vận chuyển 5.631 tấn vũ khí, đạn dược, trang bị kỹ thuật, chở hàng nghìn lượt cán bộ chi viện cho hầu hết chiến trường ven biển từ khu 5 đến Nam Bộ.
Số lượng hàng hóa tuy không nhiều, nhưng chất lượng cao, đúng lúc, đúng thời cơ, lại vào được những chiến trường khó khăn nhất đã góp phần duy trì, phát triển cách mạng ở miền Nam.
Trên tuyến đường bộ, quân và dân ta đã tạo ra một kỳ công trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc, tạo ra một biểu tượng oai hùng về ý chí thống nhất, sức mạnh chiến đấu, khả năng lao động bền bỉ và sự chịu đựng gian khổ hy sinh lớn lao của cả hai miền Bắc-Nam. Đó là đường Hồ Chí Minh, con đường miền Bắc chi viện cho miền Nam xuyên dãy Trường Sơn.
"Từ buổi đầu thành lập, chỉ lấy gùi thồ là chính, vận chuyển trên những con đường mòn nhỏ hẹp, từ chỗ chỉ hoạt động theo mùa, phục vụ từng chiến dịch, bộ đội Trường Sơn đã đem mồ hôi xương máu, lòng dũng cảm, trí thông minh và tài thao lược xây dựng nên tuyến đường chiến lược mang tên Bác Hồ vĩ đại xuyên dãy Trường Sơn hùng vĩ, nối liền Nam-Bắc, nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, với các chiến trường, hình thành một mạng đường bộ, đường ống, đường sông hoàn chỉnh, hoạt động được quanh năm, phục vụ đắc lực cho việc chi viện trên nhiều hướng chiến trường và nhiều chiến dịch lớn của lực lượng vũ trang nhân dân ta" (Lời tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân của Nhà nước đối với bộ đội Trường Sơn).
Trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đến đầu năm 1975, ta đã nâng tổng số chiều dài lên 16.790km với sáu trục đường dọc ở cả Đông và Tây Trường Sơn. Những năm đầu (1959-1964) trên tuyến đường Trường Sơn, ta mới chi viện vào chiến trường khu 5 hơn 2.500 tấn. Năm 1966 bắt đầu chuyển vào Tây Nguyên và Nam Bộ.
Đến năm 1968, các đơn vị trên tuyến đường đã giao cho chiến trường 27.600 tấn vũ khí, đạn dược. Năm tổng tiến công 1972, giao 58.600 tấn. Trong hơn hai năm chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, đã giao cho các chiến trường 413.450 tấn.

Trong suốt 16 năm hoạt động, tuyến giao thông vận tải Trường Sơn đã vận chuyển 1.349.060 tấn hàng, giao cho các chiến trường 583.450 tấn, bảo đảm hành quân, tiêu thụ trên tuyến và tổn thất 765.610 tấn.
Để giao được 1.000 tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng cho chiến trường, lực lượng giao thông vận tải đường Trường Sơn tổn thất: Hy sinh 21 người, bị thương 57 người, 25 ôtô bị phá huỷ, 143 tấn hàng bị mất.
Vào những thời điểm quyết định, để đáp ứng nhu cầu tác chiến ở các chiến trường, ta đã huy động một số lượng nhân lực, khối lượng vật lực rất lớn. Nguồn cung cấp này chủ yếu là từ miền Bắc đưa vào.
Tính theo tỷ lệ thì 80% số quân chủ lực, 81% số vũ khí và phương tiện chiến tranh, 65% số thuốc chữa bệnh, 60% số xăng dầu là do miền Bắc đưa vào. Cùng với 6.770 xe vận tải chuyên trách của quân đội. Nhà nước, còn huy động tới 60% tổng số phương tiện chuyên chở của các bộ, ngành phục vụ chiến trường.
Tuyến đường xăng dầu chiến lược dài 4.900 km từ Đồng Đăng (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh) vào tới Bù Gia Mập (Thủ Dầu Một) trực tiếp bảo đảm xăng dầu cho các chiến trường miền Nam.
Ba năm cuối của cuộc chiến tranh, bộ đội xăng dầu ở ngay tại chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ đã tiếp nhận được 36.606 tấn xăng dầu do miền Bắc chi viện vào.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26 đến ngày 30/4/1975) bộ đội xăng dầu đã cung cấp 5.544 tấn xăng dầu cho các phương tiện vận chuyển các cánh quân thực hiện cuộc tiến công thần tốc vào Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của bè lũ tay sai của đế quốc Mỹ.
Khi những đoàn quân "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" cùng với một khối lượng lớn phương tiện vật chất, kỹ thuật vào chiến trường thì tấm lòng của các tầng lớp nhân dân ở miền Bắc luôn hướng về miền Nam ruột thịt, làm hết sức mình vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thái Bình phát động phong trào "năm tấn thóc góp phần thắng Mỹ."
Tỉnh đặt mục tiêu sản xuất thật nhiều lương thực, đủ tiêu dùng cho nhân dân trong tỉnh và góp phần chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Đến năm 1966, toàn tỉnh đạt mục tiêu năm tấn thóc/ha, dẫn đầu năng suất lúa miền Bắc.
Trước yêu cầu của chiến trường, Tỉnh ủy Thái Bình ra Nghị quyết: Từ Bí thư Tỉnh ủy trở xuống, ai có con trai đủ tuổi mà không cho đi bộ đội thì phải xem xét. Chi bộ nào không hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo tuyển quân thì không được công nhận là chi bộ "bốn tốt."
Tổng kết kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bình quân cứ 100 người dân ở Thái Bình thì có 21 người vào bộ đội, tỷ lệ cao nhất của cả nước. Đồng thời số liệt sỹ của Thái Bình cũng vào loại cao nhất nước.
Ngày ấy, cả miền Bắc học tập Thái Bình, quyết tâm đưa năng suất lúa lên cao, bảo đảm giao quân đầy đủ cho chiến trường với nhiều hình thức thi đua sinh động, phong phú.
Khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" mặc nhiên thành mệnh lệnh của lương tri trong mỗi gia đình, dòng họ, thôn xóm. Thái Bình, Nam Hà, Ninh Bình, Hà Bắc, Thanh Hóa là những tỉnh có phong trào đầu quân mạnh nhất. Chỉ hai năm, miền Bắc đã đưa ra tiền tuyến 95.199 người, nhiều tỉnh đưa trọn cả tiểu đoàn vào Nam chiến đấu.
Nhân dân ta theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch đã quyết tâm đứng lên đánh thắng giặc Mỹ. Các tỉnh phát động phong trào "Tất cả cho tiền tuyến", "Hết mình cho chiến thắng"...
Phong trào "Ba đảm đang"của phụ nữ miền Bắc đã biến tiềm năng của hàng triệu phụ nữ thành sức mạnh lớn. Năm 1964, đế quốc Mỹ bắt đầu ném bom xuống Quảng Bình, Quảng Ninh, Nghệ An đã thổi bùng lên ngọn lửa căm hờn trong giới phụ nữ miền Bắc.
Hàng nghìn bà mẹ, người vợ gửi lên Trung ương Đảng những bức thư tình nguyện cho chồng con đi chiến đấu. Phụ nữ ở nông thôn, nông trường, công trường, nhà máy, cơ quan, trường học, bệnh viện xung phong đảm nhiệm các công việc nam giới đang làm và tham gia đông đảo vào lực lượng tự vệ.
Trước tình hình đó, ngày 22/3/1965, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào thi đua, lúc đầu mang tên "ba đảm nhiệm". Phong trào có ba nội dung lớn: Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thực hành tiết kiệm, thay thế nam giới đi chiến đấu; đảm nhiệm công việc gia đình, động viên chồng con đi chiến đấu; đảm nhiệm phục vụ chiến đấu khi cần thiết.
Sau này Hồ Chủ tịch đã đổi tên "Ba đảm nhiệm" thành "Ba đảm đang." Chỉ trong thời gian ngắn, phong trào "Ba đảm đang" đã phát triển sâu rộng, đến tháng 5-1965, đã có 1 triệu 70 vạn phụ nữ ghi tên đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu "Ba đảm đang."
Từ phong trào này, rất nhiều bà mẹ, phụ nữ đã lập công xuất sắc. Đặc biệt là những tấm gương anh hùng của 69.533 nữ đội viên, trong tổng số 133.157 đội viên thanh niên xung phong của cả miền Bắc từ năm 1965 đến năm 1975, đã bám trụ nơi tuyến lửa mở đường Trường Sơn, san lấp hố bom, bảo đảm giao thông vận tải.
Với phong trào "Ba đảm đang," một phong trào cách mạng sôi nổi đáp ứng kịp thời những yêu cầu cấp bách của kháng chiến, chị em phụ nữ đã gánh vác một nhiệm vụ vô cùng trọng đại là xây dựng và củng cố hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa, thường xuyên tạo cho tiền tuyến một nguồn sức mạnh vật chất và nguồn động viên tinh thần vô giá" (Lời phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ IV, khai mạc ngày 5/3/1974).
Các tỉnh huy động hơn 200 lượt dân công và tổ chức hàng trăm đội thanh niên xung phong mở đường, chống địch phá hoại, phục vụ chiến đấu... Khẩu hiệu "xe chưa qua, nhà không tiếc" sẵn sàng dỡ tường, tháo cửa chống lầy cứu xe là việc làm tình nghĩa của bà con Quảng Bình-Vĩnh Linh, hóa thành biểu tượng thiêng liêng vì miền Nam ruột thịt...
Với tinh thần lao động, chiến đấu hết mình, quân và dân miền Bắc đã chịu tổn thất lớn qua hai cuộc chiến tranh phá hoại. Hơn nửa triệu người thương vong, trên 50 vạn tấn phương tiện và gần 10 triệu tấn hàng bị hủy hoại, nhà cửa, ruộng vườn khắp nơi bị bom đạn Mỹ tàn phá nặng nề. Song kẻ địch vẫn không cản được sức chi viện của quân dân miền Bắc.
Tháng 4/1975, sau khi Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa, ngay trong tháng 4, toàn miền Bắc đã dồn đến mức cao nhất sức người sức của cho trận đánh quyết định cuối cùng.
Cả nước được lệnh dành ưu tiên số 1 cho mọi nhu cầu của chiến trường trọng điểm. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân dốc sức biến quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị thành hiện thực.
Trên mọi tuyến đường: Đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt, đường hàng không, quân đi như nước chảy, các phương tiện vận tải chỉ một hướng: Vào Nam với tinh thần "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng."
Nhân lực và lực lượng vật chất cho chiến dịch đã được chuẩn bị từ trước. Đến tháng 4/1975, đã có gần 24 vạn cán bộ, chiến sĩ miền Bắc vào chiến đấu ở các chiến trường miền Nam, các đơn vị trong và ngoài quân đội đã giao cho các chiến trường 379.000 tấn hàng các loại, đạt 119,9% kế hoạch, bằng 54% tổng số vật chất giao cho chiến trường trong 16 năm (1960-1975).
Như một sự hội tụ mọi tinh hoa của 20 năm miền Bắc chi viện cho miền Nam chống Mỹ-nguỵ, trong 55 ngày đêm Tổng tiến công và nổi dậy (từ 5/3 đến 30/4/1975), đặc biệt là phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh, sức người, sức của từ miền Bắc chi viện cho chiến trường đạt đến mức cao nhất, với tinh thần quyết tâm cao nhất, trong khoảng thời gian khẩn trương nhất và đạt hiệu quả nhất, góp phần giành thắng lợi cuối cùng: Giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc./.
[Nguồn tư liệu: Các báo: Nhân Dân, Quân đội Nhân dân cuối tuần].
