Nơi “ươm mầm” sáng kiến xanh, “tiếp sức” hành động vì môi trường

Mega Story - Ngày đăng : 20:38, 22/05/2025

Một điều đặc biệt với Hàn Thanh Giang hay Dương Bảo Ngọc cũng như các bạn trẻ khác ở Dự án Thanh niên vì Môi trường của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt là nhờ được “tôi luyện” ở Dự án cộng đồng này, hầu hết các bạn đã có được một hành trang vững vàng hơn để định hướng công việc cho tương lai của mình!
Mega Story

Nơi “ươm mầm” sáng kiến xanh, “tiếp sức” hành động vì môi trường

{Tên tác giả} {Ngày xuất bản}

Một điều đặc biệt với Hàn Thanh Giang hay Dương Bảo Ngọc cũng như các bạn trẻ khác ở Dự án Thanh niên vì Môi trường của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt là nhờ được “tôi luyện” ở Dự án cộng đồng này, hầu hết các bạn đã có được một hành trang vững vàng hơn để định hướng công việc cho tương lai của mình!

vi-tam-voc-viet-19.5-(1).png

Khi tiếng nhạc du dương từ chiếc điện thoại xinh xắn vừa cất lên, Hàn Thanh Giang (thành viên Gen 4 Dự án Thanh niên vì Môi trường, một dự án thuộc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt) bắt máy. Sau cuộc trò chuyện chớp nhoáng, Giang nở nụ cười tươi: “Em đã hoàn thành sứ mệnh của một ‘đại sứ’ truyền thông trẻ ở Dự án. Em học được rất nhiều và cũng đã tự tin hơn để định hướng công việc cho tương lai!”

Với hành trang tri thức sau hơn một năm tôi luyện cùng tình yêu môi trường, cô gái sinh năm 2003, quê ở Hà Nội, đã dành cho tôi cả giờ đồng hồ để chia sẻ về hành trình ý nghĩa khi được gắn bó với Quỹ Vì Tầm Vóc Việt - nơi “ươm mầm” cho nhiều sáng kiến xanh; nơi mà các “đại sứ” trẻ như Giang được nâng cao kiến thức, được quyền hành động vì môi trường bền vững.

2020.-y4e-tap-huan-14-(1).jpg

Thông qua Dự án Thanh niên vì Môi trường, nhiều sáng kiến của các bạn thanh niên cũng đã được Quỹ hiện thực hóa, được lan tỏa rộng khắp, góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng, nhất là giới trẻ, như: Chiến dịch truyền thông “Ngày không sử dụng túi ni lông tại Việt Nam,” khóa tập huấn Bước chân sinh thái hay sáng kiến Siêu nhựa Boardgame, sáng kiến Mì tôm xanh (biến vỏ mì tôm thành đồ dùng, trang sức…)

1.png

Chia sẻ về cơ duyên đến với nhóm Mắt Xanh, nhóm vận hành Dự án Thanh niên vì Môi trường, Giang kể em biết đến Dự án từ năm 2022, trong một lần tham gia khóa tập huấn truyền thông về môi trường do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt tổ chức.

anh-don-04_2024-.jpg
Thành viên Gen 4 Hàn Thanh Giang.

“Sau khi tham gia khóa tập huấn đó, em thấy Mắt Xanh có nhiều hoạt động cho thanh niên rất hay, nên em chờ đến năm sau - khi Mắt Xanh tuyển thành viên thì em ứng tuyển. Rất may mắn, em đã trúng tuyển trở thành thành viên chính thức của Dự án từ tháng 3/2023,” Giang phấn khởi nói.

Theo cô, điều đặc biệt là khi trở thành thành viên của Dự án, Giang cũng như các thành viên chính thức được trao quyền để thực hiện các hoạt động vì môi trường, được trao quyền để tổ chức sự kiện, chương trình liên quan đến vấn đề môi trường cho các bạn thanh niên khác.

Nhiệm vụ của các Gen Mắt Xanh là vận hành, phát triển kênh truyền thông xã hội nhằm lan tỏa các thông điệp về bảo vệ môi trường; sản xuất và biên tập các sản phẩm truyền thông bằng các hình thức sáng tạo (bài viết, hình ảnh, video clip...) nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và các bên liên quan và thúc đẩy hành động giải quyết các thách thức về môi trường; hỗ trợ tổ chức và tham gia các tập huấn, hội thảo, tọa đàm với các bên liên quan để đóng góp tiếng nói và giải pháp cho các vấn đề về môi trường.

“Qua hơn 1 năm gắn bó, em không chỉ có thêm kiến thức, kinh nghiệm, mà kỹ năng làm việc hay ứng xử trong các mối quan hệ cũng vững vàng hơn. Mắt Xanh đã rèn luyện cho em những kỹ năng linh hoạt, giúp em có định hướng để luôn truyền nguồn cảm hứng lan tỏa, theo đuổi các hoạt động về môi trường,” Giang chia sẻ.

giang-trong-chuyen-trao-doi-tai-my-ngoai-cung-ben-trai-.jpg
Nhờ Mắt Xanh và Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, Hàn Thanh Giang tham gia nhiều hoạt động giao lưu quốc tế về lĩnh vực môi trường.

Chia sẻ hoạt động ý nghĩa nhất trong thời gian gắn bó với Dự án Thanh niên vì Môi trường, Giang cho biết đó là khi em tham gia tổ chức Chiến dịch truyền thông “Ngày không sử dụng túi ni lông tại Việt Nam” với vai trò là điều phối viên của sự kiện, nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng vào việc hạn chế sử dụng túi ni lông dùng một lần khi mua sắm.

Khi ấy, Giang và đồng đội trong Dự án đã tổ chức phát túi vải thay thế túi ni lông ở TH true mart và một số siêu thị, trung tâm thương mại. Ngoài việc phát túi, Giang và đồng đội cũng tổ chức triển lãm ảnh để nâng cao nhận thức của người tham gia sự kiện.

Một minh chứng cho thấy ý nghĩa đặc biệt của sự kiện đó là sự quan tâm của rất nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí, truyền thông và số lượng túi mà nhóm chuẩn bị để phát cho những người nội trợ, những người đi mua cũng hết sạch.

“Khoảng 10 ngày sau khi hoạt động phát túi vải tại các cửa hàng, siêu thị, khi đi đường em vẫn thấy người dân sử dụng túi vải mà Dự án đã phát để đựng đồ,” Giang kể và nhấn mạnh điều đó cho thấy chương trình đã phát huy được tính hiệu quả về thay đổi nhận thức, cũng như thói quen của người tiêu dùng.

2.png

Là thành viên Gen 5 Dự án Mắt Xanh, Dương Bảo Ngọc, một sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, từ khi còn trên ghế nhà trường cũng đã tham gia các khóa tập huấn của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt. Ngọc kể qua theo dõi, em thấy Dự án Mắt Xanh có rất nhiều hoạt động do các bạn thanh niên triển khai để lan tỏa thông tin cũng tổ chức những chiến dịch liên quan đến môi trường nên rất thích thú.

ho-tro-ngay-trai-dat.jpg
Dương Bảo Ngọc hỗ trợ hoạt động Giờ Trái đất.

“Em thấy đây là mô hình rất hay và cũng tiếp cận được đến các bạn trẻ. Vì vậy em đã đăng ký để được trở thành thành viên của Mắt Xanh để có thể tham gia, đồng hành lan tỏa những thông điệp, hoạt động ý nghĩa vì môi trường,” Ngọc chia sẻ và cho biết từ tháng 4/2024, cô chính thức là thành viên của Dự án.

Điều đặc biệt mà Ngọc cảm nhận rõ sau 1 năm làm “Đại sứ” trẻ của Dự án Mắt Xanh, là kiến thức chuyên môn của em đã được cải thiện rõ rệt. Trong suốt thời gian tham gia vào Dự án, Ngọc cũng như các thành viên trong nhóm không chỉ được cung cấp những kiến thức, tham gia những buổi hội thảo, tọa đàm, chia sẻ để “nâng cấp” kiến thức của mình nhiều hơn, cập nhật thông tin mới về môi trường hơn mà còn được trao quyền chủ động tổ chức, điều phối các hoạt động, sự kiện.

Chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ, Ngọc cho hay thời điểm tháng 7/2024, khi nhóm thực hiện khóa tập huấn “Bước chân sinh thái” - hoạt động cung cấp kiến thức cũng như tổ chức chuyến đi thực địa 3 ngày 2 đêm ở Vườn Quốc gia Cúc Phương. Đây cũng là lần đầu tiên Ngọc và một bạn trẻ trong nhóm Mắt Xanh trực tiếp đứng ra lên kế hoạch cũng như tổ chức thực hiện chuyến đi.

2024.-y4e-thuc-dia-cuc-phuong.jpg
Chuyến thực địa tại Vườn Quốc gia Cúc Phương trong khuôn khổ khóa tập huấn "Bước chân sinh thái."

Chuyến thực địa ở Cúc Phương chủ yếu là dành cho các nhà báo cũng như các phóng viên trẻ, nên “đầu ra” là các nhà báo, phóng viên trẻ sẽ thực hiện những tác phẩm báo chí liên quan đến chủ đề môi trường. Chuyến đi không chỉ là cơ hội để những người trẻ được truyền cảm hứng thông qua những chia sẻ thú vị từ các chuyên gia, mà còn là dịp để hiểu hơn về thực trạng bảo vệ động vật hoang dã ở Cúc Phương, có thêm nhiều chất liệu để thực hiện các tác phẩm.

Hay như câu chuyện về Sáng kiến Siêu nhựa Boardgame (nhóm tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng làm Boardgame tại 9 trường tiểu học trên toàn quốc), Ngọc cho biết đây là một trong những sáng kiến môi trường mà Dự án Mắt Xanh “tiếp sức” triển khai trong năm 2024. Đó chính là sáng kiến lồng ghép những kiến thức về nhựa, về rác thải nhựa, vi nhựa vào trong hình thức Boardgame - bộ trò chơi thông minh.

“Chương trình thể hiện đúng tinh thần mà nhóm xác định là lồng ghép kiến thức về môi trường vào những hình thức mới và phù hợp hơn với các bạn trẻ. Thế nên khi triển khai và hoàn thiện, có thể thấy ngay được bộ trò chơi này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các bạn học sinh, sinh viên, đặc biệt là với các bạn nhỏ ở Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi triển khai dự án” thành viên Gen 5 Dự án Mắt Xanh chia sẻ.

Tại sự kiện giờ Trái đất diễn ra vào tháng 3/2025 tại Hà Nội, nhóm của Ngọc đã mang đến 3 bộ boardgame tại gian trưng bày của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt. Với hình thức mới mẻ, tương tác cao và nội dung lồng ghép kiến thức môi trường một cách sinh động, khu vực trải nghiệm của nhóm nhanh chóng trở thành điểm dừng chân thu hút đông đảo bạn trẻ. Sự hào hứng của người chơi cho thấy sức hấp dẫn của cách tiếp cận sáng tạo này và tiềm năng lan tỏa thông điệp môi trường qua những trải nghiệm gần gũi.

Ngọc cũng chia sẻ câu chuyện về sáng kiến Mì tôm xanh - nhóm tại Hà Nội với các hoạt động hướng dẫn sản xuất đồ dùng, đồ trang sức bằng vỏ mì tôm tại Trường Chuyên biệt Đông Anh, cũng là một trong những sáng kiến được Mắt Xanh “tiếp sức.” Sáng kiến không chỉ làm giảm rác thải nhựa ra môi trường, mà còn giúp cho các em học sinh tại Trường Chuyên biệt Đông Anh có cơ hội tiếp cận đến nghề tái chế vỏ mì tôm thành các sản phẩm như giỏ, túi hay móc chìa khóa, khuyên tai để bán và tạo thu nhập.

Vào thời điểm đầu năm 2025, nhóm Mì tôm xanh gửi một số sản phẩm mẫu cho Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt để mang đi chia sẻ cho giáo viên và học sinh tại Trường TH School. Các sản phẩm này đã nhận được phản hồi rất tích cực từ các giáo viên cũng như học sinh, và mọi người rất hứng thú trước sản phẩm ý nghĩa.

“Lần đầu được tiếp cận với các sản phẩm làm từ vỏ bao bì mì tôm, nhiều học sinh và giáo viên tại trường bất ngờ vì không nghĩ rằng loại rác thải quen thuộc này lại có thể được tái chế thành những vật dụng chắc chắn, chỉn chu đến vậy. Từ sự tò mò ban đầu, nhận thức về giá trị của việc tái chế bắt đầu hình thành: những vỏ mì tưởng như bỏ đi hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm hữu ích, thay vì góp phần gia tăng rác thải nhựa ra môi trường. Em nghĩ nếu có thể thương mại hóa những sản phẩm tái chế như vậy, không chỉ giúp lan tỏa lối sống xanh mà còn tạo thêm nguồn lực để thúc đẩy hoạt động tái chế,” Ngọc chia sẻ

vi-tam-voc-viet-19.5-4-.png
3.png

Một điều đặc biệt với Hàn Thanh Giang hay Dương Bảo Ngọc cũng như các bạn trẻ khác ở Dự án Thanh niên vì Môi trường của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt là nhờ được “tôi luyện” ở Dự án cộng đồng này, hầu hết các bạn đã có được một hành trang vững vàng hơn để định hướng công việc cho tương lai của mình!

Đơn cử như Dương Bảo Ngọc, trước khi về làm việc tại Kênh VOV giao thông, em đã có một năm gắn bó với Dự án Mắt Xanh. Ngọc chia sẻ, là một sinh viên chuyên ngành báo chí, trước đó em cũng học và theo đuổi rất nhiều những ý tưởng liên quan đến các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như chủ đề về năng lượng hay phát triển bền vững. Sau quá trình tham gia Dự án Mắt Xanh, Ngọc có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn, lắng nghe nhiều câu chuyện thực tế từ các bạn trẻ hơn và cũng có nhiều cơ hội tiếp cận với những thông tin, kiến thức về môi trường.

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ làm việc tại Dự án, Ngọc bắt đầu rõ ràng hơn về định hướng mình sẽ trở thành một nhà báo đi sâu vào những chủ đề như môi trường hay là rác thải nhựa.

Đến nay, Dương Bảo Ngọc và Hàn Thanh Giang cũng như nhiều bạn trẻ của Dự án có thể tự hào với bảng thành tích dày dặn từ việc được trao cơ hội, tinh thần ham học hỏi bền bỉ và cống hiến hết mình với tuổi trẻ của mình.

Với những kết quả ý nghĩa trên, có thể nói Quỹ Vì Tầm Vóc Việt là nơi “ươm mầm” các ý tưởng, sáng kiến xanh và mở ra những “mùa màng bội thu” cho môi trường. Thực tế, năm 2025 cũng đánh dấu 5 năm mà Dự án Thanh niên vì môi trường bắt đầu triển khai hoạt động, và trong mỗi năm luôn luôn có từ 5 đến 10 sáng kiến thanh niên của các bạn trẻ được “ươm mầm.” Quỹ cũng đã cung cấp nguồn tài chính, cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho các bạn trẻ thực hiện Dự án. Chính nhờ những hoạt động hằng năm này mà rất nhiều Dự án được tiếp nối, được triển khai…

Đó cũng là tiền đề, để các bạn trẻ mở rộng tri thức, có bước đệm vững chắc về kinh nghiệm để tiếp tục nâng tầm sáng kiến, định hướng tương lai cho mình.

4.png

Đánh giá cao về sức lan tỏa các sáng kiến, hoạt động vì môi trường trong thời gian qua của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt cũng như Dự án Thanh niên vì môi trường, Tiến sỹ Nguyễn Trung Thắng (Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường) nhấn mạnh đây là một quỹ xã hội, hoạt động phi lợi nhuận. Sứ mệnh của quỹ là hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

“Ngay trên website của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt cũng giới thiệu mục tiêu của Quỹ là đóng góp cho SDGs [Hành động vì các Mục tiêu Phát triển Bền vững - PV]. Đây là thông điệp quá hay, bởi chúng ta biết rằng bây giờ ở đâu và trong tất cả mọi vấn đề đều hướng tới mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp quốc đặt ra đến năm 2030 với 17 mục tiêu, 169 mục tiêu cụ thể; trong đó Việt Nam đặt ra 17 mục tiêu và 115 mục tiêu cụ thể. Vì vậy, tôi thực sự rất ấn tượng với mục tiêu của Quỹ,” ông Thắng nói.

vi-tam-voc-viet-19.5-1-(1).png

Đặc biệt, trong các năm 2023 và 2024, Quỹ đã hỗ trợ cho Viện Chiến lược, Chính sách về Tài nguyên và Môi trường (nay là Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức nhiều hoạt động truyền thông như Chiến dịch truyền thông “Ngày không sử dụng túi ni lông tại Việt Nam,” góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa.

Trong đó, Dự án Thanh niên vì môi trường của Quỹ đã tham gia tích cực, tổ chức các hoạt động truyền thông sáng tạo trên các nền tảng xã hội và các hoạt động trực tiếp tại các siêu thị, công ty bán lẻ. Những hoạt động này thực sự đã lan tỏa các thông điệp truyền thông về giảm túi ni lông sử dụng một lần đến không chỉ là những người đi chợ, đi mua sắm tại siêu thị, mà đồng thời với việc lan tỏa trên mạng xã hội, cũng đã tác động tích cực đến đông đảo người tiêu dùng.

“Theo thống kê của các nhà bán lẻ, năm 2023, chiến dịch đã giảm được 40.000 và năm 2024 giảm được 160.000 túi ni lông [tương đương gần 2,5 tấn - PV]. Đây là những con số rất có ý nghĩa, cho thấy sự chuyển biến tích cực của người dân. Nếu như chúng ta kiên trì, phối hợp chặt chẽ với các hoạt động truyền thông khác thì tôi tin chúng ta sẽ hướng tới được những kết quả to lớn hơn và tốt hơn,” ông Thắng nói.

Ngoài những con số thống kê ấn tượng trên, ông Thắng cũng khẳng định hiện nay, các nhà bán lẻ cũng đã nhận thức được việc phải từng bước để giảm túi ni lông và chuyển từ túi ni lông khó phân hủy sang những loại túi dễ phân hủy hơn.

vtvv.-chien-dich-ngay-khong-su-dung-tui-nilon-viet-nam.jpg

“Trong quá trình làm việc với nhóm Mắt Xanh, tôi có nhận thấy giới trẻ có khả năng hiểu biết và nhận thức rất tốt. Các bạn trẻ được tiếp cận sớm với công nghệ, chuyển đổi số nên rất am hiểu về phương thức, cách thức truyền thông cũng như có nhiều ý tưởng rất sáng tạo. Điều đó cho thấy vai trò của các bạn trẻ là rất quan trọng, họ không chỉ giúp cho những hành động hiện tại, mà còn là những thế hệ có trách nhiệm truyền đạt, giáo dục, dẫn dắt thế hệ tương lai,” ông Thắng chia sẻ.

Tuy vậy, ông Thắng cũng thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh những điểm tích cực, thế hệ GenZ hiện nay cũng còn có một bộ phận nhất định sống mà chưa rõ mục tiêu của mình. Ông hy vọng thông qua những nhóm hành động trách nhiệm vì môi trường từ chính giới trẻ, như Mắt Xanh, nhận thức của bộ phận này sẽ chuyển biến tích cực hơn.

Dẫn những hình ảnh, thông tin được chia sẻ rộng khắp trên mạng xã hội về sự kiện mít tinh, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; hay Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vừa qua, ông Thắng nhấn mạnh điều này cho thấy cả xã hội, trong đó giới trẻ đã rất sôi nổi, tự hào với những thành tựu, những chiến công lịch sử hào hùng người dân tộc mình.

“Điều đó nói lên rằng không phải giới trẻ lãng quên lịch sử, hay không yêu sử, mà chỉ là do cách truyền tải thông tin chưa thực sự cuốn hút để ‘chạm vào trái tim’ của họ mà thôi. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng vậy. Thời gian qua, giới trẻ đã có nhiều sáng kiến, nhiều hành động sáng tạo về bảo vệ môi trường, về thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong đời sống hiện nay. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất theo tôi nghĩ là cần phải tôn trọng và lắng nghe giới trẻ, đưa đưa họ vào vị trí trung tâm như một chủ thể quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và tôn vinh giới trẻ, để khích lệ, lan tỏa tốt hơn,” ông Thắng nói.

vi-tam-voc-viet-19.5-2-(2).png

Từ thực tế đó, vị lãnh đạo của Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường, nhấn mạnh những thế hệ như nhóm Mắt Xanh thực sự rất đáng trân trọng. Họ cũng chính là những người đang “gieo những hạt mầm” sáng kiến để lan tỏa những thông điệp xanh, trách nhiệm xanh đến với sâu rộng cộng đồng. Vì vậy, trong thời gian tới, cần nhân lên nhiều hơn những nhóm Dự án “gieo mầm” xanh cho môi trường như Dự án Thanh niên vì môi trường trên cả nước.

Ông Thắng đặc biệt lưu ý, vấn đề môi trường tồn tại quanh mình hằng ngày nhưng nhiều khi nhiều người không nhận thức được và bản thân nhiều người cũng chưa nhận thấy tác hại... Vì vậy, ông hy vọng ngay bây giờ, mọi người nhận ra những tác hại của biến đổi khí hậu và thay đổi nhận thức, hành vi của mình để giúp cho tương lai bền vững hơn.

2022.-y4e-doi-thoai-5-.jpg
Người trẻ đối thoại trong Dự án Thanh niên vì Môi trường.

“Tôi hy vọng Quỹ Vì Tầm Vóc Việt sẽ tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động tại nhiều địa phương trên cả nước, tiếp tục ‘tiếp sức’ cho các sáng kiến vì môi trường, để môi trường của Tổ quốc ngày càng tươi đẹp hơn,” ông Thắng nhấn mạnh.

Qua chia sẻ của vị đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng như các thành viên của Dự án Thanh niên vì Môi trường, rõ ràng Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã làm tốt sứ mệnh phát triển bền vững cũng như đã tạo động lực “mở đường” giúp các doanh nghiệp, người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như Việt Nam đã cam kết.

Điều đó cũng mang đến cho chúng ta niềm tin vào sự thành công của công cuộc chuyển đổi xanh mà Đảng, Nhà nước đang thúc đẩy cũng như trách nhiệm xã hội và sự nhạy bén của các tổ chức xã hội trước các xu thế phát triển của thời đại.

vi-tam-voc-viet-19.5-2-(1).png
asset-1.png