Khoa học, công nghệ - động lực then chốt hiện thực hóa khát vọng hùng cường

Mega Story - Ngày đăng : 15:40, 14/07/2025

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, coi đó là then chốt của sự nghiệp phát triển đất nước.
Mega Story

Khoa học, công nghệ - động lực then chốt hiện thực hóa khát vọng hùng cường

{Tên tác giả} {Ngày xuất bản}

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, coi đó là then chốt của sự nghiệp phát triển đất nước.

halv-mega-3-57-.png

“Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt. Đây chính là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta.”

Đây là lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ngày 13/1/2025.

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, coi đó là then chốt của sự nghiệp phát triển đất nước; đồng thời cũng chỉ ra định hướng chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới, đó là phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là con đường sống còn, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

halv-mega-3-6-.png

Những năm qua, Việt Nam không ngừng bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách phát triển khoa học, công nghệ, đưa khoa học công nghệ là “quốc sách hàng đầu”, một trong “bộ tứ trụ cột” để Việt Nam “cất cánh.”

Từ năm 1986, khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, khoa học, công nghệ đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần vào sự phát triển nhanh chóng và bền vững của Việt Nam.

Giai đoạn từ năm 2000 đến nay, khoa học, công nghệ được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Năm 2000, Luật Khoa học và công nghệ ra đời, mở đầu cho việc xây dựng các văn bản pháp lý chuyên ngành, như: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Công nghệ cao…

halv-mega-3-56-.png

Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định phát triển khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu. Văn kiện Đại hội XII (năm 2016) đã đưa khoa học, công nghệ vào mục riêng, nhấn mạnh vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại và kinh tế tri thức.

Từ năm 2021, Đảng tiếp tục bổ sung nội dung "đổi mới sáng tạo" như một yếu tố đột phá chiến lược. Văn kiện Đại hội XIII (năm 2021) nhấn mạnh phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Và mới đây, ngày 22/12/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo tinh thần Nghị quyết, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xem là “xương sống” của công cuộc hiện đại hóa, góp phần thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

halv-mega-3-7-.png

Nhờ những quyết sách của Đảng và Nhà nước, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Những công trình lớn đều mang dấu ấn của khoa học, công nghệ, nổi bật như công trình, như Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Thủy điện Sơn La, Đường dây 500 kV Bắc-Nam, các công trình dầu khí và hạ tầng hiện đại như cầu, đường, sân bay…

Cùng với đó, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đã tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào GDP. Nếu như giai đoạn 2001-2010, TFP chỉ đạt 4,3%, thì đến giai đoạn 2021-2023 đạt 37,6%, dự kiến giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 42%.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam cũng liên tục được cải thiện. Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4 (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan).

23(1).png
22(1).png

Đặc biệt, trong các kết quả nổi bật của các ngành, lĩnh vực, có thể thấy có sự đóng góp quan trọng của khoa học, công nghệ. Điển hình như trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học, công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Các chương trình sản phẩm quốc gia, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen... được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu và cải thiện đời sống nông dân.

Trong lĩnh vực y tế, Việt Nam đã làm chủ nhiều công nghệ hiện đại như ghép tạng, tế bào gốc, sản xuất vaccine và thiết bị y tế, phát triển kỹ thuật điều trị tiên tiến, nhất là ghép tạng. Quốc phòng, an ninh đã chủ động nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ nhằm hiện đại hóa các trang thiết bị; xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia là nền tảng cốt lõi cung cấp dịch vụ về dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, biến dữ liệu thành tư liệu sản xuất quan trọng.

Chính phủ cũng chủ động thúc đẩy các ngành công nghệ cao mới nổi, phù hợp xu hướng của thế giới. Trong đó, ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành lĩnh vực quyết định lợi thế cạnh tranh về công nghệ của nhiều quốc gia. Việt Nam đã tạo được những bước đi ấn tượng trong việc hợp tác về bán dẫn với các quốc gia, nền kinh tế như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu… và các tập đoàn công nghệ lớn như Cadence, Intel, Qovor, Apple, Marvell, Samsung, Synopsys. Việt Nam cũng được Hoa Kỳ chọn là một trong 6 quốc gia tham gia Đạo luật Chips để phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cũng đang dẫn dắt những thay đổi đột phá trên thế giới. Nhiều tập đoàn Microsoft, Google, Qualcomm, Meta tăng cường hợp tác nghiên cứu, ứng dụng AI tại Việt Nam. Các tập đoàn trong nước như Viettel, VinGroup, FPT, CMC,... cũng chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các dự án, hoạt động nghiên cứu, phát triển về AI.

Về phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục tăng hạng qua các năm. Năm 2024 đứng thứ 44/133 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam đang trở thành địa điểm lý tưởng cho nhiều sự kiện quốc tế quan trọng về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

halv-mega-3-8-.png

“Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã chỉ ra những định hướng chiến lược và được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây như một “khoán 10” trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Sự ủng hộ này thể hiện khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm vươn lên của dân tộc,” Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định.

Nghị quyết 57 là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, khẳng định mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Nghị quyết đặt ra nhiều mục tiêu như đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế.

Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt 80%. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp. Tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP. Có từ 40-50 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Nghị quyết số 57-NQ/TW có thể xem là “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học” ,“Nghị quyết để thực hiện các Nghị quyết”, “Nghị quyết của hành động” với những mục tiêu rất cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ đất nước trong thời kỳ mới.

24(1).png

Sau khi ban hành Nghị quyết 57, Bộ Chính trị cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; do Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo. Điều này khẳng định quyết tâm cao nhất của Đảng, Nhà nước trong phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.

Và chỉ sau 20 ngày Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57, góp phần đạt tăng trưởng 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực, tạo khí thế để cả nước đạt mức tăng trưởng 2 con số thời gian tới.

Với quan điểm phân công “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm”, chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 140 nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW.

Đặc biệt, Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngày 13/1/2025 được tổ chức đã kết nối hơn 15.000 điểm cầu trên toàn quốc với hơn 978.500 đại biểu tham dự.

Các sự kiện trên không chỉ khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần đổi mới, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng khoa học và người dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã bày tỏ tin tưởng, với nền tảng chính trị, pháp lý vững chắc và sự đồng thuận cao từ toàn Đảng, nhân dân và giới trí thức, Nghị quyết sẽ tạo ra bước đột phá, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững.”./.

halv-mega-3-9-.png