Mega Story

Các nhà ngoại giao đón Xuân Ất Tỵ, hòa chung tâm thế cùng người Việt bước vào kỷ nguyên mới

17/01/2025 16:45

Các nhà ngoại giao đón Xuân Ất Tỵ, hòa chung tâm thế cùng người Việt bước vào kỷ nguyên mới

minh-thu-dai-su-copy-.png

Với các nhà ngoại giao đang công tác tại Việt Nam, Tết cổ truyền là dịp đặc biệt, mang lại cho họ sự háo hức, mong chờ được trải nghiệm, để có thể hiểu hơn về văn hóa truyền thống Việt Nam đồng thời cảm nhận rõ nét hơn tâm hồn của người Việt.

Xuân Ất Tỵ thật đặc biệt với những Đại sứ đã từng được trải nghiệm Tết Việt trước đó. Họ hào hứng đón Tết cùng những người dân bản địa, hòa chung khát vọng đổi mới, vươn mình trong kỷ nguyên mới của Việt Nam.

tit-phu-1.png

Đón Tết Ất Tỵ, lần đầu tiên Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet sắm cho mình một chiếc áo dài Việt.

“Bất cứ người khách quốc tế nào khi đến Việt Nam, nhìn thấy người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài đều trầm trồ thán phục sự duyên dáng, thanh lịch đó. Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Sau này tôi mới phát hiện ra rằng nam giới cũng có thể mặc áo dài chứ không phải chỉ phụ nữ. Chính vì vậy, tôi đã quyết định may cho mình một bộ áo dài,” Đại sứ Pháp chia sẻ.

Lần đầu tiên diện áo dài, Đại sứ hơi lóng ngóng khi vận động, cảm thấy như trở về tuổi 20, khi lần đầu tiên mặc một bộ Âu phục. Song, ông Olivier Brochet tin rằng mình sẽ quen với bộ áo dài khi có dịp mặc áo dài đón Tết.

daisuphap3.jpg
Lần đầu tiên Đại sứ Olivier Brochet diện áo dài Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đây là lần thứ hai Đại sứ Olivier Brochet đón Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Ông cảm nhận được những giá trị tinh thần mà người Việt Nam nâng niu, gìn giữ qua từng năm và thể hiện vào mỗi dịp Tết. Đó là tình cảm gia đình, bè bạn, quý trọng thầy cô giáo, người cao tuổi.

Đại sứ rất thích dành thời gian đi chợ hoa Tết, chọn mua đào quất và các loại hoa về nhà. Ông rất ấn tượng với khả năng lái xe của người Việt khi thấy nhiều người có thể chở những cây đào, cây quất rất to trên xe máy. Ông đã chụp rất nhiều hình ảnh thú vị này làm kỷ niệm.

Đại sứ cho biết ông đã sống tại Hà Nội gần một năm rưỡi, và rất ấn tượng về sự năng động ở thành phố này nhưng điều đặc biệt hơn cả mà ông rất thích, đó là Hà Nội vẫn giữ được sự cổ kính và bản sắc, những gì tạo nên vẻ duyên dáng của mình.

minh-thu-.jpg

“Hà Nội có nhiều rạp chiếu phim và nhà hát. Đời sống văn hóa của người Hà Nội hết sức phong phú,” Đại sứ cho biết.

Tình cảm sâu nặng với Thủ đô Hà Nội khiến Đại sứ Pháp luôn đau đáu với suy nghĩ làm thế nào để thành phố vừa tiếp tục phát triển, vừa hiện đại hóa, nhưng vẫn giữ được những bản sắc, những nét tạo nên vẻ duyên dáng của riêng mình.

“Tôi cho rằng quá trình này không chỉ đơn thuần là việc duy trì, bảo tồn những cảnh quan kiến trúc, mà phải làm sao để bảo đảm người dân sống tại khu vực đó vẫn có được sự thuận tiện cho cuộc sống của mình,” ông nói.

Theo Đại sứ Olivier Brochet, Hà Nội hiện phải đối mặt với hai vấn đề, trong đó giao thông và đi lại là vấn đề thứ nhất. Các dự án đường sắt trên cao có thể phần nào giải quyết bài toán hóc búa này.

Một thách thức lớn khác đối với thành phố Hà Nội và ngày càng trở nên nghiêm trọng, là chất lượng không khí. Theo ông Brochet, Pháp và Việt Nam cần có sự phối hợp, cùng đưa ra những biện pháp quyết liệt trong thời gian tới để cải thiện chất lượng không khí, đem trở lại bầu không khí trong lành cho Thủ đô.

Đại sứ Olivier Brochet bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển để làm sao người dân Thủ đô không chỉ thấy rằng đây là thành phố duyên dáng, đáng sống, mà còn có đời sống văn hóa hết sức phong phú, đa dạng. Ngoài ra, ông cũng mong muốn Hà Nội có thể phát huy, lan tỏa văn hóa của thành phố ra quốc tế một cách mạnh mẽ hơn nữa.

Trước thềm kỷ nguyên mới, Đại sứ Pháp cho rằng Việt Nam luôn đặt ra cho mình những mục tiêu đầy tham vọng và luôn biết cách đạt được những mục tiêu này. Điều đó được chứng tỏ trong suốt 40 năm của thời kỳ đổi mới.

Đại sứ Pháp vạch ra ba lĩnh vực hợp tác giữa hai nước mà theo ông là rất có tiềm năng trong tương lai.

Thứ nhất là lĩnh vực năng lượng. Thứ hai là lĩnh vực giao thông đường sắt, trong đó có dự án đường sắt cao tốc xuyên Việt. Ngoài ra, Pháp cũng rất quan tâm đến việc hợp tác trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp sinh thái để bảo đảm hướng đi phát triển bền vững; lĩnh vực đào tạo nhân lực...

"Pháp là một trong những đối tác phương Tây đầu tiên đồng hành cùng quá trình phát triển của Việt Nam từ khi bắt đầu mở cửa. Và, chúng tôi vẫn tiếp tục mong muốn được đồng hành cùng Việt Nam trong kỷ nguyên mới,” Đại sứ Olivier Brochet nói.

tit-phu-2.png

Đại sứ Ấn Độ Sandeep Arya trình Quốc thư từ cuối năm 2022, do đó ông không còn xa lạ với phong tục đón Tết cổ truyền của người Việt. Vào dịp năm mới, ông cũng đi lễ chùa cầu an và chuẩn bị một số món ăn như mứt hoa quả, nem và bánh chưng.

Ông Sandeep Arya vẫn còn nhớ như in cảm giác hồi hộp trong cái Tết đầu tiên vào tháng 1/2023: “Đó là sự háo hức, vui mừng và hy vọng cho một năm mới. Một khởi đầu mới mẻ tất nhiên sẽ mang lại cảm giác hạnh phúc, nguồn năng lượng mới và niềm lạc quan cho sự tiến bộ, thành công phía trước.”

Đại sứ cho hay Tết Nguyên đán tại Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với phong tục đón năm mới truyền thống tại Ấn Độ như việc sử dụng Âm lịch, bày tỏ lòng kính trọng với người lớn tuổi, tưởng nhớ tổ tiên, tổ chức lễ hội, nấu những món ăn đặc biệt, tặng quà cho trẻ em, đi lễ chùa…

Theo Đại sứ Sandeep Arya, người Ấn Độ cũng giống người Việt Nam ở điểm luôn đi chùa cầu may mắn vào đầu năm. Những lời cầu nguyện đi kèm với việc thắp đèn, thắp hương, đọc kinh và cầu mong may mắn hoặc những lời ước nguyện mang tính cá nhân

“Tôi đặc biệt thích cùng gia đình tận hưởng ngày Tết thông qua các hoạt động chung trong bầu không khí hạnh phúc. Sau lịch trình làm việc bận rộn trong năm, việc gặp gỡ thân mật với đồng nghiệp trong văn phòng, gia đình và bạn bè là một nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam,” Đại sứ Sandeep Arya nói thêm.

minh-thu-sub-1.jpg

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, Đại sứ Ấn Độ cũng ấp ủ nhiều dự định trong việc thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước, chẳng hạn việc rà soát Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (AITIGA) dự kiến hoàn thành vào năm 2025 sẽ tạo ra một cơ chế đơn giản, thân thiện hơn, tạo thuận lợi cho thương mại và tăng cường chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp Ấn Độ với Việt Nam cũng như với các nước ASEAN khác.

“Ngoài tăng trưởng kinh tế thì công nghệ cao và đổi mới sáng tạo cũng đang là những ưu tiên cấp quốc gia ở Ấn Độ và Việt Nam; thúc đẩy trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau cũng như các sáng kiến về giáo dục, đào tạo và phát triển kỹ năng, Đại sứ Ấn Độ cho biết.

Chia sẻ về tầm nhìn phía trước, Đại sứ cho hay Ấn Độ sẽ tăng cường trao đổi chính trị, thúc đẩy thương mại và đầu tư, mở rộng quan hệ kinh doanh với doanh nghiệp, tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, các dự án cộng đồng và quan hệ văn hóa./.

vna_potal_khai_mac_lien_hoan_huu_nghi_nhan_dan_viet_nam_-_an_do_lan_thu_12_7764065.jpg
Các nghệ sỹ Ấn Độ biểu diễn tại Liên hoan Hữu nghị nhân dân Việt Nam-Ấn Độ lần thứ 12 tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)
tac-gia(2).png

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các nhà ngoại giao đón Xuân Ất Tỵ, hòa chung tâm thế cùng người Việt bước vào kỷ nguyên mới