Từ lâu, mèo đã trở thành loài vật gắn bó, gần gũi với đời sống con người và là một trong những linh vật có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa, tín ngưỡng - tâm linh của một số dân tộc trên thế giới.
M
èo là loài động vật thuộc bộ ăn thịt, xuất hiện trên trái đất vào thời Paleogene (kỷ Cổ Cận), cách đây khoảng 40 triệu năm. Nhưng hiện nay di tích cổ nhất của mèo được đào thấy ở vào thời Pleistocen (nghĩa là cùng thời với người tiền sử, cách nay gần một triệu năm).
Mèo vốn là loài động vật đã sống gần gũi với loài người ít nhất 9.500 năm và được cho rằng đã bị thuần hóa trong thời kỳ Ai Cập cổ đại. Đến thời điểm hiện tại chúng đã trở thành con vật quen thuộc nhiều gia đình và mang ý nghĩa biểu tượng khác nhau trong mỗi nền văn hoá riêng biệt.
Ở nước ta, theo các nhà nghiên cứu, mèo nhà (Felis Catus) chỉ mới được nuôi từ khoảng vài trăm năm trước công nguyên, tức vào cuối thời đại Hùng Vương - Thục Phán, mèo mới có mặt trong những ngôi nhà của người Việt và trở thành vật nuôi thân thiết, gắn bó với mọi gia đình.
Loài mèo có đặc điểm là loài vật ưa sạch sẽ, thích nằm những chỗ ấm áp, thích sưởi nắng. Sở hữu bản tính cẩn thận, gọn gàng và nhanh nhẹn. Mèo thường săn mồi vào ban đêm nhờ vào đôi mắt xanh tinh anh nổi bật, hoạt động tốt nhất trong bóng tối, cùng với đó là khả năng chuyển động nhẹ nhàng, giỏi leo trèo và bộ lông mịn nên không tạo ra tiếng động lớn, dễ dàng tiếp cận và đánh bắt con mồi. Vào ban ngày, mèo thường nằm nghỉ ngơi, sưởi ấm, mèo thích sự yên tĩnh, xa vắng và kín đáo để nằm khoanh tròn, mắt lim dim ngủ.
Mèo là linh vật thứ 4 trong lịch Can Chi 12 con giáp ở Việt Nam. Trong 12 con giáp của, Mèo cũng chính là một trong bảy loài vật thường được con người nuôi và gần gũi với con người nhất (trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, lợn).
Hệ 12 con giáp ở Việt Nam gần giống với hệ 12 con giáp của Trung Quốc, chỉ khác là con thỏ được thay thế bằng con mèo. Có nhà nghiên cứu cho rằng: Điều này có được là do trong quá trình truyền bá văn hóa, biểu tượng của Địa chi (Trung Quốc) có cách đọc là “mảo” (nghĩa là thỏ) đồng âm với “mao” (nghĩa là mèo) nên mới có sự khác biệt như vậy.
Ai Cập và Hy Lạp cũng có hệ 12 con giáp, hệ 12 con giáp của Babylon cũng khá gần gũi với hai đất nước này và chỉ khác hai con vật.
Trong chu kỳ lịch pháp, con mèo được giao quản năm Mão, tháng 2 và từ 5-7 giờ của buổi bình minh. Từ giờ Mão, phương Đông nhuốm hồng ánh dương rồi tỏa lên bầu trời những tia sáng đẹp. Vào tháng 2- tháng Mão, khí trời bắt đầu ấm, mưa bụi bay nhè nhẹ, cây cối nảy lộc đâm chồi. Vì thế, Mão trong ngũ hành được gắn với mùa xuân, thuộc hành Mộc, hàm ý dương khí bắt đầu thịnh, vạn vật sáng tươi.
Từ xa xưa, mèo đã được tôn thờ như thần thánh đồng thời bị coi thường như ma quỷ. Có vẻ như trong suốt lịch sử, con người đã có một mối quan hệ yêu hay ghét với chúng.
Một số tôn giáo cổ tin rằng mèo là những linh hồn cao quý, người bạn đồng hành, hay người hướng dẫn cho con người, mèo rất thông thái nhưng do không biết nói nên không thể gây ảnh hưởng đến những quyết định của con người. Ở nền văn hoá Ai Cập cổ đại, mèo là loại vật thần thánh và thường xuất hiện trong các nghi lễ linh thiêng, người Ai Cập thậm chí còn có Nữ thần Mèo của riêng họ - nữ thần Bast với hình ảnh cái đầu có hình dáng và màu sắc tương tự đầu mèo đen. Đây là vị thần bảo trợ phụ nữ và trẻ em, được người dân Ai Cập ngưỡng mộ và tôn thờ.
Loài mèo đạt tới cảnh giới tín được tôn sùng tới mức việc làm hại hay giết mèo sẽ bị quy là làm hại hay giết chết một vị thần. Hình phạt cho người làm hành động này chính là cái chết. Vì tính thần thánh của mình mà vào thời Ai Cập cổ đại, người dân bình thường sẽ không được phép nuôi mèo mà chỉ có những pharaoh vị trì Ai Cập - người được xem là hiện thân của thần linh trên trái đất mới có thể nuôi được mèo. Bởi mèo có tầm quan trọng như thế nên khi chết đi, mèo sẽ được ướp xác. Vào những năm cuối thế kỷ XIX, một cuộc khai quật ở nghĩa trang Beni Hasan ở miền Trung Ai Cập đã tìm thấy hơn 200.000 xác ướp động vật, trong đó đại đa số là xác ướp mèo.
Trong tâm thức sâu thẳm, người Ai Cập xưa luôn tin tưởng rằng nữ thần mèo sẽ bảo vệ tất cả mọi người. Rất nhiều tác phẩm nghệ thuật khắc họa con mèo thần cầm dao cắt đầu con rắn Apep – ác thần Bóng. Ở đây, mèo biểu trưng cho sức mạnh và sự khéo léo của giống mèo mà nữ thần giám hộ sai khiến phục vụ con người, giúp loài người chiến thắng kẻ thù ẩn nấp. Đối với người Ai Cập, đôi mắt sáng của mèo trong đêm cũng giống như ánh trăng trong đêm mù âm u. Và nếu như có hỏa hoạn xảy ra trong nhà thì mèo sẽ là ưu tiên hàng đầu được cứu ra. Khi một con mèo chết, mọi thành viên trong gia đình sẽ để tang bằng cách cạo một bên lông mày của mình. Họ làm như vậy nhằm thể hiện nỗi buồn đau khi con vật linh thiêng qua đời.
MÈO BẢO VỆ MÙA MÀNG
Ở Ai Cập, loài mèo được thuần hóa khoảng từ 10.000 năm trước sau khi một vài chú mèo hoang đi lạc vào các khu nông nghiệp. Xã hội Ai Cập cổ đại lúc bấy giờ chủ yếu dựa vào nông nghiệp và họ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong việc bảo vệ nông sản khỏi các loài có hại như chuột và rắn. Trong những khoảng thời gian thực phẩm khan hiếm, các kho chứa thực phẩm đều bị loài gặm nhấm tấn công, loài mèo đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an ninh lương thực.
Người Ai Cập sớm nhận ra rằng những chú mèo hoang đang bảo vệ mùa màng của họ bằng cách săn những loài gặm nhấm. Nhanh chóng sau đó, nhiều gia đình bắt đầu để thức ăn cho những chú mèo để chúng thường xuyên đến nhà họ hơn. Có những thời điểm mà tất cả các gia đình Ai Cập cổ đại đều nuôi mèo để xử lý các loài gặm nhấm cũng như những mối đe dọa khác.
Mối quan hệ này có thể xem là mối quan hệ cộng sinh hoặc tương hỗ, cả người và mèo đều có lợi. Loài mèo thích sống chung với loài người vì chúng luôn có thừa thức ăn (từ việc đi săn và cả thức ăn do loài người cung cấp). Ngoài ra, sống chung với con người cũng giúp chúng tránh các loài thú ăn thịt lớn. Mặt khác, người Ai Cập lại có một công cụ xử lý các loài nguy hại cho mùa màng hoàn toàn miễn phí.
Những người nông dân rất thích mèo vì chúng giúp xua đuổi các loài gặm nhấm. Rất nhanh sau đó, những người nông dân di cư, thủy thủ, các thương nhân (cơ bản là tất cả mọi người) đều mang những chú mèo đã thuần hóa theo người bất kể họ đi đến đâu. Nhờ đó, loài mèo đã được phổ biến đến nhiều nơi khắp Ai Cập.
HÌNH TƯỢNG MÈO THẦN THÁNH TRONG CÁC NỀN VĂN HOÁ
Người Hy Lạp và La Mã cổ đại cũng gắn mèo với khả năng sinh sản và Mặt trăng, và ở Ấn Độ, mèo tượng trưng cho sự sinh đẻ.
Bên cạnh đó, nhiều nền văn hóa lại có cái nhìn tiêu cực về loài mèo. Tiếng xấu dành cho mèo đen bắt nguồn từ văn hóa phương Tây. Trong lịch sử phương Tây, mèo đen được coi như một biểu tượng của điềm dữ và xấu xa. Ở đa số các nước châu Âu, chúng là hiện thân của những điều xui rủi. Theo đó, mèo đen còn có khả năng biến thành hình người và hành động như một gián điệp cho các phù thủy. Đồng thời hộp sọ của mèo đen được các phù thủy dùng để pha chế thuốc độc. Cũng từ đó, con người bắt đầu coi mèo đen là dấu hiệu của quỷ Satan. Nỗi sợ hãi mèo đen lan tràn khắp nơi, qua bên kia bờ Đại Tây Dương. Cộng đồng người châu Âu sùng đạo khi đó luôn nghi ngờ và coi mèo đen là một phần nào đó thuộc về tà thuật, có liên quan đến ma quỷ. Do vậy, mèo đen trở thành sinh vật bị ruồng rẫy.
Vào thời Trung cổ, các phù thủy ở châu Âu nuôi mèo đen như thú cưng, đôi khi sử dụng chúng trong những nghi lễ ma thuật để tăng hiệu quả gấp đôi so với những vật hiến tế khác. Mèo đen còn bị đổ lỗi là làm lây lan bệnh dịch, do đó, suốt thời Trung cổ, mèo đen bị lùng giết, thiêu sống. Việc tàn sát mèo ở Ypres trong thời Trung Cổ nay được tưởng nhớ bằng lễ hội mèo Kattenstoet tổ chức 3 năm một lần. Việc truyền bá đạo Cơ đốc trong thời trung cổ khiến mèo bị quỷ hóa và trở thành biểu tượng của bóng tối và ma thuật đen. Tuy nhiên, cho đến đầu thế kỷ 18, nếu con mèo đen nào có một đốm trắng trên bộ lông thì được gọi là "ngón tay của Chúa", có thể cứu nó khỏi số phận bi thảm.
Thậm chí, tại một số thành phố của châu Âu xưa kia, còn có cả nghi thức ném mèo từ nơi cao nhất trong thành phố xuống; còn những tên cướp biển lừng danh của thế kỷ 17-18 ở châu Âu, mà có cuộc đời luôn gắn với những huyền thoại về đảo giấu vàng, thì lại cho rằng "mèo có thể đem lại cả sự may mắn và rủi ro" vì nếu con mèo đen đi về phía ai, người đó sẽ gặp xui xẻo, còn khi nó tránh xa anh ta có nghĩa là người đó nhất định sẽ gặp may.
Mặt khác ở trong giai đoạn này, nghệ thuật trong sự gắn liền mật thiết với tôn giáo đã nhiều lần "ác hóa" loài mèo. Trong bức The Last Supper, họa sĩ Domenico Ghirlandaio vẽ một con mèo ngồi sau Judas nhằm minh họa cho sự bội thề.
Hầu hết các quốc gia châu Âu, ngoại trừ Anh và Ireland, việc đi qua một con mèo đen phía trước được coi là một điềm xấu. Ở Đức, điều này tùy thuộc vào hướng con mèo đang đi; nếu nó đi từ phải sang trái thì mang lại xui xẻo, còn ngược lại thì đem tới niềm vui.
Ở Ireland, khi một con mèo đen đi qua dưới ánh trăng, nó được coi là điềm báo của một trận dịch. Khoảng 100 năm trước ở Ý, người ta tin rằng nếu một con mèo đen nằm trên giường bệnh nhân thì người đó sẽ chết. Trong đám tang, nếu gặp phải một con mèo đen thì một thành viên trong gia đình cũng sẽ chết. Ở Roma, Moldavia và Cộng hòa Séc, quan niệm một con mèo đen đi ngang qua trước mặt bạn sẽ mang lại điềm xui vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Thế nhưng không phải nơi nào ở châu Âu mèo cũng gặp rủi ro, mà ngược lại, nó còn là biểu tượng cho sự may mắn. Tại Scotland, một con mèo đen lạ vào nhà sẽ đem theo sự thịnh vượng cho gia chủ. Các thủy thủ tại Vương quốc Anh lại tin tưởng sự may mắn mà chú mèo sẽ đem lại cho con tàu của họ, đặc biệt là mèo đen. Bởi khi ở ngoài biển, mèo được trọng vọng vì chúng không những giết chuột trên tàu thủy, mà còn nhiều thủy thủ tin rằng mèo có thể dự báo được cơn bão tố. Đôi khi, những người vợ thủy thủ cũng nuôi mèo ở nhà, với hy vọng chúng sẽ bảo vệ người chồng của họ trên biển. Điềm lành hay dở từ mèo đen hoàn toàn không có câu trả lời nhất định, tất cả đều phụ thuộc vào văn hóa từng nước và từng nhóm người.
Trong một vài nền văn hóa ở châu Phi, mèo tượng trưng cho sự tài giỏi, có khả năng thấu thị, giống như những nhà tiên tri. Mèo đặc biệt được quý trọng ở Bắc Mỹ. Tại đây, người ta coi mèo tượng trưng cho kẻ có chí lớn, biết cách đạt được mục đích. Vì thế, trong trường hợp mèo bị giết thì chỉ có “vì nhu cầu linh thiêng” mới biện hộ được. Nhưng ngay cả khi có đủ lý do để giết mèo, thì vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt những nghi thức được qui định chặt chẽ bởi cộng đồng, thậm chí là luật pháp.
Với người ở đảo Sumatra (Indonesia) thì mèo giúp thần sông Âm phủ chỉ ra những kẻ có tội lỗi. Ở đảo này vốn có tín ngưỡng là mọi người chết phải đi qua cái cầu để lên trời. Dưới cầu là vực thẳm của địa ngục. Trấn bên cầu là chú mèo đen, nó sẽ vứt linh hồn những kẻ có tội xuống âm phủ.
Ở Ấn Độ, mèo lại biểu thị sự khổ hạnh biểu thị cho phúc lạc của thế giới động vật và là vật cưỡi của thần Vidali. Trong khi ở Trung Quốc cổ, mèo được xem như là sứ giả của điềm lành, nhiều nơi trên đất nước rộng lớn này, người ta còn mô phỏng động tác của mèo trong các điệu múa cầu mong cho mùa màng (trong truyện Đàn hương hình nổi tiếng của Mạc Can cho biết, có cả một loại hình múa hát lấy con mèo làm chủ thể).
Trong nền văn hoá của đất nước Campuchia, người dân nơi đây coi tiếng mèo kêu có thể thấu đến thần mưa. Vì vậy, họ nhốt mèo vào lồng rồi vừa đi vừa ca hát, rước nó từ nhà này sang nhà kia để cầu mưa hoặc tưới nước cho mèo để nó kêu làm động lòng thần và đem mưa tới. Như vậy ở đất nước Chùa Tháp, loài mèo luôn được nhớ đến khi thời tiết hạn hán.
MÈO TRONG VĂN HOÁ,
TÂM LINH NHẬT BẢN
Đối với người dân Nhật Bản, mèo là một con vật linh thiêng, mang lại nhiều may mắn, được yêu thương tại đất nước mặt trời mọc. Đó là lý do vì sao trên đất nước Nhật có những đền thờ Thần mèo. Người Nhật dành ngày 22 tháng 2 hàng năm là “Ngày của mèo”. Và chúng cũng trở thành biểu tượng của văn hóa dân gian truyền thống và cả văn hóa hiện đại. Nhật Bản từ lâu đã được nhớ đến với hình ảnh Maneki Neko – “chú mèo vẫy tay”, hay còn gọi là Mèo thần tài như 1 biểu tượng đem lại may mắn cho các hộ gia đình làm công việc kinh doanh. Maneki Neko còn có ngày kỷ niệm của riêng mình là 29 tháng 9 hằng năm.
Việc nhân cách hóa loài mèo thậm chí còn đậm đặc hơn ở đất nước Nhật Bản. Đầu những năm 1940, Mạc phủ Tokugawa thi hành lệnh cấm các họa sĩ vẽ kỹ nữ, geisha, kabuki (ca vũ kỹ).
Để vượt qua kiểm duyệt, Utagawa Kuniyoshi thường dùng mèo minh họa cho các nghệ sĩ ca vũ kỹ. Mỗi diễn viên đều có phong thái và tính cách riêng. Những chú mèo trong bản in của ông đều là ngôi sao nổi tiếng thời Edo.
Ngày nay, loài mèo không còn gánh trên mình những biểu trưng xã hội, tôn giáo. Chính vì thế, cách chúng đi vào hội họa cũng không còn khuôn ép, ước lệ. Các hình thái của loài mèo được miêu tả đơn giản, hòa vào đời sống con người hiện đại. Dù vậy, chúng vẫn chưa bao giờ ngơi bớt đi sức hút mãnh liệt của mình.
Nhật Bản là quốc gia "cuồng mèo". Từ thế kỷ 17, chúng đã trở thành nguồn cảm hứng cho các nghệ nhân vẽ tranh khắc gỗ. Họa sĩ Utagawa Kuniyoshi bị ám ảnh bởi loài mèo đến mức hầu hết tác phẩm của ông đều có hình bóng chúng.
Bức Cats Suggested As The Fifty-three Stations of the Tkaid vẽ các sắc thái mèo đã trở thành tác phẩm kinh điển của Nhật Bản và tạo nên tên tuổi cho Utagawa. Một loạt bức khác của ông như Catfish, Four Cats in Different Poses, The Story of Nippondaemon and the Cat... vẫn còn được in ấn trên các bản khắc gỗ ukiyo-e đến tận ngày nay.
Xuân hội nhập
Mèo trong đời sống văn hoá, tâm linh người Việt
•19/01/2023 15:12
Theo sách "12 con giáp trong văn hóa người Việt", 12 con giáp có nguồn gốc từ lịch Can - Chi. Loại lịch này xuất hiện vào thời nhà Thương (1766-1122 TCN) ở Trung Quốc.
Theo lịch âm, năm mới 2023 là năm Quý Mão. Ở một số quốc gia châu Á, mỗi năm sẽ tương ứng với một con vật dựa trên Can Chi. Đó là Tí (Chuột), Sửu (Trâu/Bò), Dần (Hổ), Mão (Mèo/Thỏ), Thìn (Rồng), Tỵ (Rắn), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê), Dậu (Gà), Tuất (Chó), và Hợi (Heo).
Tuy nhiên, điều thú vị là trong khi các quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, năm Mão đại diện bởi con thỏ, còn Việt Nam là quốc gia duy nhất có mèo là con giáp đại diện.
Theo sách "Chuyện Đông, Chuyện Tây" của tác giả An Chi, "con giáp" là một lối nói của phương ngữ Nam Bộ.
Con giáp là chu kỳ 12 năm âm lịch, gọi từ tên của 12 địa chi, từ Tý đến Hợi, cho ra một nghĩa rộng là chu kỳ thời gian từ một năm cho đến năm cuối cùng một chi với nó sau đó 12 năm.
Trong phương ngữ Bắc Bộ, "giáp" thoạt đầu vẫn được hiểu là một chu kỳ 60 năm, về sau lại được linh động hiểu thành chi kỳ 12 năm như hiện nay.
Khác biệt của 12 con giáp trong văn hóa của Việt Nam chính là con mèo được dùng thay thế cho con thỏ. Có nhiều lý giải khác nhau về việc trong văn hóa Việt, mèo là con vật đại diện cho năm mão.
Trong tiếng Trung Quốc, hai từ này khác nhau về dấu, nhưng về ngữ âm thì "mèo" (măo) và mèo (máo) có cách đọc giống nhau, đều là mao. Trong "Việt Nam tự điển", chữ "mão" - nghĩa là con thỏ - lại được dùng để chỉ con mèo.
Sim Sang - Joon, Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hoá Việt - Hàn, cũng giải thích rằng mèo tuy không phải loài vật nằm trong Thập Nhị Chi nhưng lại được ghi âm chữ Hán giống với con thỏ (máo - âm Hán Việt là miêu).
Dù đã tiếp thu Thập Nhị chi (12 con giáp) của Trung Quốc, song có lẽ do yếu tố môi trường tự nhiên này nên người Việt đã không tiếp thu y nguyên mô hình ở Trung Quốc mà biến cải cho phù hợp với môi trường sống của mình.
Ở Việt Nam, điều kiện môi trường thuận lợi cho loài mèo phát triển mạnh hơn hẳn thỏ. Vì Việt Nam là văn hóa thảo mộc chứ không phải văn hoá thảo nguyên.
Nếu thảo nguyên là môi trường có những đồng cỏ mềm mượt, mà các loài động vật có thể thoả sức ăn thành từng bầy đàn, thảo mộc lại là môi trường phong phú đa dạng các thảm thực vật đan xen lẫn nhau.
Mặt khác, ở Việt Nam, thỏ vốn không phổ biến và thân thuộc, chỉ được coi là loài hiền lành, dễ thương. Trong khi mèo được mệnh danh là "tiểu hổ" và gần gũi với đời sống các gia đình. Mèo cũng có tài bắt chuột, giúp ích nhiều cho các gia đình, đặc biệt trong nền kinh tế nông nghiệp.
Vì thân thuộc như vậy, mèo xuất hiện nhiều trong đời sống dân gian của người Việt. Điều đó thể hiện qua rất nhiều các câu ca dao, tục ngữ hay thành ngữ liên quan đến loài mèo như: Mèo lại hoàn mèo, Mèo khen mèo dài đuôi, Ăn ít như mèo, Chó treo mèo đậy,…
Một lý giải khác cho rằng thay thế thỏ bằng mèo trong 12 con giáp đã được chấp thuận rộng rãi và hợp lý. Theo Reuters, thỏ là một loài gặm nhấm, chuột (Tí) cũng là loài gặm nhấm, trong khi 12 con giáp cần độc nhất và khác biệt.
Ngoài ra, nếu so sánh với thỏ, thì mèo có những tính tốt như nhanh nhẹn và thông minh; trong khi thỏ lại được gắn với các đặc điểm nhút nhát và yếu ớt, chẳng hạn như trong câu “nhát như thỏ đế”.
Chính vì sự quen thuộc trong đời sống và văn hóa Việt Nam như trên, càng có thêm lý do để người Việt xem năm Mão là năm con mèo thay vì con thỏ.
Khác với các nước trên thế giới, loài mèo trong văn hoá Việt Nam lại không mấy khi được đón tiếp nồng hậu hay nhận được sự tin cậy. Thậm chí, người ta còn tránh chúng như tránh một kẻ mang đến niềm may mắn. Trong nhiều lễ hội mang tính thiêng liêng, chẳng hạn lễ hội cầu hồn, mèo còn bị xua đuổi.
Nhà nào có người chết mà không cử người canh giữ mèo, để chúng nhảy qua xác người chết, là báo hiệu một thời kỳ vô phúc, nhiều hoạn nạn sắp đến. Người ta còn cho rằng, mèo gào vào nửa đêm là điềm báo sẽ có tai ương, kêu 7 tiếng thì sẽ có người phải lìa đời, còn kêu 9 tiếng thì như oan hồn người chết về nhập vào con mèo như muốn đi đòi mạng người còn sống. Những con mèo hay gào vào đêm người ta cho rằng chúng là quỷ dữ, chuyên báo hiệu cái chết.
Dân gian Việt Nam từ xưa đến nay vẫn lưu truyền câu tục ngữ: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”. Nó bị coi là con vật lười nhác, ích kỷ, khoảnh độc, gieo rắc sự nghi kỵ, thù hận. Một thực tế cay nghiệt cho mèo là nó chỉ thực sự hấp dẫn, có thiện cảm khi bất ngờ lao thẳng vào bắt chuột với những móng vuốt sắc nhọn. Nhưng ngay từ hành động khả ái nhất này cũng đã hàm chứa sự ghê tởm của kẻ đổ ụp cái chết xuống đầu người khác từ phía không thể đoán trước.
Trong văn học nghệ thuật, nhất là mảng dân gian, mèo thường đóng vai nhân vật phản diện. Tranh khắc gỗ làng Đông Hồ ở Việt Nam có hai bức tranh "Đám cưới chuột" và "Trạng chuột vinh quy" trong đó có vẽ hai con chuột đem cá và chim đến cho mèo. Người ta phủ nhận mọi sự tu dưỡng của mèo! Mèo già chỉ có thể hóa cáo, một cấp độ còn cao hơn về sự suy đồi đạo đức, bởi cáo bị ví như kẻ gian xảo, tiểu nhân.
Khi cần diễn đạt sự hư hỏng, người ta nghĩ ngay đến những con mèo hoang (mèo mả), sống lang thang ở những nơi tăm tối, nhơ bẩn. Chúng ta còn có thể thấy hình ảnh loài mèo xuất hiện trên những bức chạm khắc ở những nơi chốn tôn nghiêm như đình làng Bình Lục- Quảng Ninh, cảnh mẹ con nhà mèo quây quần, chạm nổi ở bia chùa Linh Quang- Hải Phòng.
Bên cạnh đó, ý nghĩa tượng mèo trong phong thuỷ cũng được để cao. Bắt nguồn từ hình ảnh mèo di chuyển mềm dẻo, kiên nhẫn và biết chờ thời cơ trước khi hành động, mèo được coi là loại linh thú cát tường có thể hóa giải sát khí, đem lại vận may cho gia chủ.
Nhưng cái gì cũng mang tính thời gian của nó. Hình tượng mèo không phải là bất biến, ngay cả khi nó phản ánh những giá trị văn hóa thì quan niệm về loài vật này vẫn sẽ chuyển biến theo dòng chảy của thời gian.
Với bản tính độc lập, khó thoả hiệp, thích sự yên tĩnh và rất thận trọng, mèo đang được lòng những người trẻ tuổi đề cao sự tự do, luôn mong muốn khẳng định được cá tính của bản thân và không bị câu nệ với những chuẩn mực.
Một thế hệ mới đang dần gạt đi những định kiến về loài mèo, thay vào đó là những quan điểm, suy nghĩ tích cực hơn. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một năm 2023 phía trước, Quý Mão - khi loài Mèo cầm cái thế gian, sẽ có những thay đổi lớn lao, mang theo sự khởi sắc hoặc khép lại những điều không như ý./.
Những người thực hiện:
Nội dung: Hào Nguyễn - Như Quỳnh - Quỳnh Chi - Bảo Ngọc
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.