Kết nối năm châu

Những ‘điểm chạm’ tinh tế giúp văn hóa Việt lan tỏa các châu lục

06/02/2024 10:46

Chỉ trong 5 ngày tại 3 thành phố lớn thuộc ba châu lục Á-Phi- Âu, văn hóa Việt để lại ấn tượng tốt đẹp cho cả bạn bè quốc tế lẫn những người con xa xứ đang sống và làm việc ở nước ngoài. Từ Pretoria (Nam Phi) đến Paris (Pháp), kết thúc hành trình ở Fukuoka (Nhật Bản), chúng ta đã để lại những Ngày Việt Nam thật ý nghĩa.

3(1).png

Năm Quý Mão khép lại với thành công của chuỗi sự kiện quốc tế “Ngày Việt Nam ở nước ngoài năm 2023” do Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao Việt Nam) thực hiện.

Chỉ trong 5 ngày tại 3 thành phố lớn thuộc ba châu lục Á-Phi- Âu, văn hóa Việt để lại ấn tượng tốt đẹp cho cả bạn bè quốc tế lẫn những người con xa xứ đang sống và làm việc ở nước ngoài. Từ Pretoria (Nam Phi) đến Paris (Pháp), kết thúc hành trình ở Fukuoka (Nhật Bản), chúng ta đã để lại những Ngày Việt Nam thật ý nghĩa.

19.png

Trong “Ngày Việt Nam tại Nhật Bản” (30/11) vừa qua, hàng trăm khách tham quan đã đến để trải nghiệm văn hóa của mảnh đất hình chữ S. Chị Trần Thị Liên, một người con xứ Nghệ đang sống ở Nhật Bản, cũng có mặt. Chị đi cùng chồng người bản xứ, anh cảm thấy rất hào hứng khi được trải nghiệm văn hóa đất nước vợ.

Riêng chị Liên thì cảm xúc sâu lắng hơn. Khi được nhâm nhi ly trà Việt bên bộ bàn ghế tre, được mặc thử cổ phục Việt Nam, chị “cảm thấy như được trở về quê hương.” Đó là chuỗi trải nghiệm tưởng gần mà hóa lại xa, khiến chị thốt lên hai chữ “tự hào” thật tròn trịa.

Mặt thử áo cổ phục là trải nghiệm đơn giản nhưng mang lại hiệu quả lớn. Chị Beryl Maharage khi đến với “Ngày Việt Nam tại Nam Phi” (14-15/9) đã say sưa tìm hiểu những họa tiết thêu tay tinh xảo.

Beryl ấn tượng khi biết những trang phục này phản ánh các giai đoạn lịch sử của Việt Nam. Trải nghiệm trở thành chất xúc tác tự nhiên khiến cô tính việc chọn Việt Nam làm điểm đến cho chuyến du lịch tiếp theo.

1(1).png

Người ta thường nói đường nhanh nhất đi vào trái tim người đàn ông là qua… dạ dày, nhưng có lẽ điều này không chỉ thuyết phục riêng cánh nam giới, bởi khi 500 bát phở bò cỡ nhỏ và nóng hổi được trao cho thực khách Pháp trong “Ngày Việt Nam tại Paris” (9/11), họ đã phải thốt lên: “Super, super!” (tạm dịch: Tuyệt vời, tuyệt vời!)

“Tôi cảm thấy hương vị rất thơm ngon dù không biết là gia vị gì. Việc các bạn Việt Nam mang phở bò phố cổ Hà Nội sang Pháp giới thiệu là một ý tưởng cực kỳ độc đáo,” bà Jocelyn Commaret - một thực khách nhận xét.

Những cú chạm không chỉ dừng lại ở việc mặc thử chiếc áo nhật bình, “chạm vị” qua bát phở nóng hổi, mà còn ở những bàn tay lần đầu nặn thử tò he, in tranh Đông Hồ, vẽ sơn mài hay qua những màn trình diễn Vovinam, tiếng sáo, điệu ca câu hát… chất Việt cứ từ từ thấm qua hàng trăm đôi mắt, đôi tai người nước ngoài tại “Ngày Việt Nam.”

20.png

Chất liệu truyền thống thuộc về quá khứ, nhưng nó sẽ không xa vời nếu vẫn được duy trì sức sống trong thời hiện đại.

Họa sỹ Lương Minh Hòa (nhóm Latoa Indochine) là người phụ trách hướng dẫn làm tranh sơn mài tại Ngày Việt Nam ở Nhật Bản. Ông nhận xét: Sơn mài Việt Nam có bề dày lịch sử và được đánh giá cao về mặt thẩm mỹ, nếu nghiên cứu kỹ có khi phải mất hàng năm.

Tuy nhiên, đối với người mới, để sơn mài gần gũi mà vẫn ấn tượng thì chỉ cần làm những món đồ nhanh và đơn giản: “Như vòng tay, vòng cổ, khuyên tai, móc khóa, chén đĩa nhỏ để họ được trải nghiệm và có cái đem về trưng bày, làm quà rồi lan tỏa câu chuyện về văn hóa Việt Nam” - ông Hòa nói

Sau 20 phút trải nghiệm, vị khách tham quan có tên Kaori Puret Nakajima tỏ ra thích thú. Bằng những chất liệu và dụng cụ chuyên dùng, chị đã hiểu các bước làm tranh sơn mài Việt Nam trên gỗ.

2(1).png

Đó cũng có thể là nỗ lực của thế hệ trẻ như nghệ sĩ đàn tranh “gen Z” Đoàn Minh Tài với những đàn tranh, sáo, bầu, nhị, tỳ bà… trong âm hưởng hiện đại, mới mẻ với giới trẻ hay của anh Bùi Chí Thành (sinh năm 1991) - truyền nhân đời thứ ba của thương hiệu phở Thìn bờ Hồ. Cả hai đều có tâm niệm duy trì những giá trị mang tính di sản được thế hệ trước dày công xây dựng, bồi đắp.

“Chỉ cần khán giả thích thì một ngày nào đó, mình có thể mời họ đến những chương trình âm nhạc chuyên sâu hơn, thuần tiếng đàn dân tộc và lúc đó họ sẽ dần nhận ra vẻ đẹp rất riêng của âm nhạc dân tộc Việt Nam,” Đoàn Minh Tài chia sẻ trong Ngày Việt Nam tại Nhật Bản.

21.png

Chuỗi sự kiện “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2023” không chỉ đơn thuần hướng tới các dấu mốc kỷ niệm năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Nam Phi, Pháp, Nhật Bản, mà còn là điểm nhấn về sự lựa chọn đối tác xã hội hóa, hướng tới các đối tác thực chất, thực sự quan tâm tới công tác quảng bá, giới thiệu văn hóa, ẩm thực, du lịch.. đồng hành đóng bảo tồn và phát triển văn hóa Việt, đóng góp chung vào mục tiêu phát triển đất nước.

Bên cạnh mỗi cá nhân, cơ quan ngoại giao nhà nước, nhiều doanh nghiệp như thời trang cổ phục Vạn Thiên Y, doanh nghiệp trà san tuyết (của Yên Bái) đã tham gia các chuỗi sự kiện. Với sức mạnh của văn hóa được truyền tải qua các cá nhân, đơn vị tham gia các Ngày Việt Nam, mỗi trải nghiệm đã được tô đậm nét.

Ông Hoàng Hữu Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO nhấn mạnh chương trình năm 2023 đã có những điều chỉnh phù hợp với từng địa bản. Mục tiêu của sự kiện nhằm truyền tải hình ảnh đất nước và con người Việt Nam giàu truyền thống vẫn năng động, phát triển tới công chúng tại Nam Phi - nơi Việt Nam có thể đẩy mạnh giao lưu văn hóa; và Nhật Bản, Pháp - hai nền văn hóa quen thuộc hơn với người Việt Nam.

ma-quote.png

“Hữu xạ tự nhiên hương,” có thể nói chính chiến lược ngoại giao văn hóa của Việt Nam đã nhận được sự đồng thuận, “nhất hô bá ứng, trên dưới một lòng” của các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt ở nước ngoài hưởng ứng, đóng góp tích cực vào việc tạo không gian trải nghiệm văn hóa Việt Nam ở các nước, trực tiếp dẫn dắt cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch.

Tại các địa điểm tổ chức, Không gian văn hóa Việt Nam được thiết kế riêng với những nét đặc trưng. Các hoạt động trải nghiệm sẽ quy tụ nhiều nghệ nhân và người thực hành văn hóa trẻ, mang đến các hoạt động có tính tương tác cao.

Với hoạt động đa dạng và nhiều điểm nhấn đặc sắc cùng nhiều nhân tố mới, “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2023” góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các quốc gia, đồng thời quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Đây là cơ sở quan trọng để Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO tiếp tục tổ chức và phát triển hơn nữa chương trình “Ngày Việt Nam tại nước ngoài” này trong tương lai./.


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những ‘điểm chạm’ tinh tế giúp văn hóa Việt lan tỏa các châu lục