Bài 3: Tuồn lậu động vật hoang dã: Mánh khoé, Luật ngầm và Độc quyền!
Mega Story - Ngày đăng : 20:53, 08/11/2023
Bài 3: Tuồn lậu động vật hoang dã: Mánh khoé, Luật ngầm và Độc quyền!
Hổ, gấu, nai, lợn rừng, sơn dương sẽ chặt thành từng khúc, mỗi phần 2-10 kilôgam; cầy hương, tê tê, mỗi con chặt làm 4 phần, tất cả cạo sạch lông. Nếu cần “khoe hàng” thì để lại một nhúm lông nhỏ. Lúc nào vận chuyển thì cho vào hộp xốp. Ngoài tiền vận chuyển, người gửi phải chịu thêm tiền “luật” từ 500.000 đến 2 triệu đồng để “hàng cấm” được thông quan bằng con đường chính ngạch…
Hổ, gấu, nai, lợn rừng, sơn dương sẽ chặt thành từng khúc, mỗi phần 2-10 kilôgam; cầy hương, tê tê, mỗi con chặt làm 4 phần, tất cả cạo sạch lông. Nếu cần “khoe hàng” thì để lại một nhúm lông nhỏ. Lúc nào vận chuyển thì cho vào hộp xốp.
Ngoài tiền vận chuyển, người gửi phải chịu thêm tiền “luật” từ 500.000 đến 2 triệu đồng để “hàng cấm” được thông quan bằng con đường chính ngạch…
Đó là tiết lộ mà các con buôn và cánh nhà xe (nhất là xe khách) chạy các tuyến Hà Nội - Vinh, Quảng Bình, Quảng Trị - Viêng Chăn, khi chia sẻ với người viết về phương thức, thủ đoạn vận chuyển trái phép thú rừng từ Lào vào Việt Nam.
Đáng nói hơn là hoạt động thẩm lậu động vật hoang dã trên được các con buôn tổ chức lắt léo, thậm chí có sự “thỏa thuận ngầm” với cán bộ hải quan để “hàng cấm” được thông suốt, bất chấp lệnh cấm buôn bán và nguy cơ lan truyền dịch bệnh.
Ngoài thông tin về “đường dây” mua bán, nấu cao hổ ở Lào, trong lúc ăn trưa ở một quán cơm nằm ven đường 12 thuộc tỉnh Salavan, chúng tôi còn được bà chủ quán tên Lan (tên nhân vật đã được thay đổi) quê ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh bật mí về thủ đoạn tuồn “hàng rừng” từ Lào về Việt Nam, thông qua cánh xe tải chở gỗ, khoáng sản.
Theo Lan, vận chuyển thú rừng từ Lào về Việt Nam không phải là điều quá ghê gớm. Mặc dù gần đây lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn, song người phụ nữ sinh năm 1988 này vẫn có cách để “hàng rừng” thẩm lậu trót lọt qua biên giới.
Trả lời câu hỏi các loại hàng cấm như tê tê, lợn rừng, cầy hương chuyển về Vinh (Nghệ An) thế nào? Lan sởi lởi nói ngay: “Các em mang 2-3 cân thịt lợn rừng đông lạnh, vài ba con sóc, không sao đâu. Nếu họ kiểm tra, phát hiện, xin họ cho mà. Như nhà chị, cứ gửi cho cánh xe tải, mỗi người vài kilôgam là qua cửa khẩu. Nếu em gửi nhiều, chị nhận gửi cho.” Sau đó, Lan xin số điện thoại để tiện trao đổi.
Trong lúc đang nói chuyện thì ngoài đường, một chiếc xe tải dừng lại. Lái xe bước xuống và đi thẳng vào trong quán cơm của Lan rửa mặt rồi rao rảo: Chị gửi đồ về à, chi đó? Lan nói vọng “có con chim gửi về Hương Khê cho người nhà...”
Nói rồi, Lan quay sang tiếp tục câu chuyện với chung tôi và bảo: “Chị gửi đồ về thường xuyên. Cần gửi động vật hoang dã cứ thông qua cánh xe tải này là ok.”
Từ tiết lộ của bà chủ quán cơm trên, trong lúc dừng ăn trưa tầm 40 phút, chúng tôi nhẩm tính có khoảng gần 30 chiếc xe tải, container di chuyển hướng từ phía Lào về Việt Nam.
Như vậy, với phương thức, thủ đoạn mà Lan chia sẻ, nếu mỗi chủ xe nhận “chuyển lậu” từ 2-3 kilôgam thịt động vật hoang dã, thì số lượng hàng được Lan gửi nhờ về Việt Nam cũng không hề nhỏ.
Trước khi chúng tôi rời đi, Lan cũng không quên nhắn nhủ với khách lạ ở khu vực này có rất nhiều thú rừng. Theo lời Lan thì xung quanh khu vực quán ăn này toàn là núi đá, những người thợ săn - thi thoảng người ta còn săn bắn được cả lợn rừng, trút (tê tê) và gấu. Còn những loại thú nhỏ như sóc, kỳ đà mây thì rất nhiều.
“Em cần mua con chi, lúc nào có, chị lấy rồi gửi về cho,” Lan chia sẻ và không quên gửi cho chúng tôi đoạn video quay lại cảnh “nóng” thể hiện một cá thể gấu vừa được chính tay Lan mổ xẻ, chia thành từng khúc để bán cho khách hàng.
Trong diễn biến tiếp theo, khi nghỉ đêm tại khách sạn Souriya trên địa bàn huyện Khamkeut, tỉnh Bolikhamxay, sau một lúc bắt chuyện, ông chủ khách sạn này cũng bật mí thêm cách thức vận chuyển động vật hoang dã từ Lào về Việt Nam.
Theo lời ông T., chủ khách sạn Souriya (người gốc ở tỉnh Hà Tĩnh), nếu là hàng đông lạnh như sóc bay thì khách du lịch có thể mang qua cửa khẩu vài con không sao. “Nếu hải quan - họ phát hiện thì xin người ta cũng cho thôi. Còn nếu khách tự mang số lượng lớn thì khó, nhất là hàng sống,” ông T., nhấn mạnh.
Tuy vậy, ông T., cũng thẳng thắn gợi ý “nếu muốn chuyển hàng về Việt Nam thì có thể gửi xe khách chạy từ Lào về Vinh.” Sau đó, ông T., cho số điện thoại nhà xe có tên “Thiết Nguyệt” và bảo cần thì gọi hỏi nhà xe, báo họ chuyển.
Từ số điện thoại mà ông chủ khách sạn Souriya cung cấp, chúng tôi đã liên hệ với nhà xe, dò hỏi thông tin. Khi tôi đề cập tới chuyện đang có “hàng đông lạnh” muốn gửi về Vinh, đầu dây bên kia, người phụ nữ tên Nguyệt (chủ nhà xe Thiết Nguyệt), dè dặt hỏi: “Em gửi hàng đông lạnh là hàng chi đó?.”
Tôi bảo em tính gửi 2 cái đùi lợn rừng, con cầy hương, với mấy con sóc, kỳ đà, tầm khoảng gần 40kg. Bà Nguyệt tỏ vẻ khó khăn bảo “dịp này họ làm chặt lắm, chị cũng ngại chở.” Im lặng một lúc rồi bà nói tiếp: “Em gửi thì ‘hàng’ cạo sạch lông, coi như thịt động vật thông thường. Con cầy hương thì chặt thành 4 khúc cho chị. Chi phí là 300.000 đồng/1 yến. Ngoài ra thêm 200.000 đồng để nhà xe “làm luật.”
Tương tự, tại chợ Phahom (một trong những “điểm nóng” về buôn bán thú rừng lớn nhất ở Lào) nằm trên địa bàn thị trấn Vang Viêng - cách Thủ đô Viêng Chăn khoảng 150km, khi chúng tôi đề cập tới việc muốn gửi hàng về Hà Nội, hầu hết con buôn ở nơi đây đều cho biết họ thường gửi hàng về cho một số người Việt ở Viêng Chăn, sau đó cánh này sẽ gửi tới xe khách ở bến thành phố.
Theo thông tin trên, chiều 28/5, chúng tôi có mặt tại bến xe khách Viêng Chăn. Vào thời điểm 17 giờ, tại đây có khoảng 4-5 xe khách biển số Hà Nội, đang đỗ xe bắt khách.
Khi chúng tôi vừa tới, một thanh niên chạy tới tự giới thiệu là người của nhà xe Sơn Huế và hỏi: “Anh về Hà Nội à! Xe nhà em chạy tuần 3 chuyến (thứ 2, 4, 6), giá 800.000 đồng/người. Anh đi thì lát lên xe, 18 giờ xe chạy.”
Tôi hỏi nếu gửi thêm hàng đông lạnh (cụ thể là lợn rừng khoảng 40 cân thịt, với 2 con cầy hương, 3-4 con kỳ đà, 10 con sóc bay) có được không? Thấy tôi tỏ vẻ tha thiết, cậu thanh niên cũng không ngần ngại trả lời: “Được anh, ở đây người ta mang về suốt. Có khách ở Thanh Hóa cũng vừa gửi hàng về.”
Thậm chí, cậu thanh niên còn tuyên bố: “Nếu hàng đông lạnh, đã làm thịt sẵn thì nhà xe sẽ miễn phí.” Có chắc chở được không? Cậu thanh niên cười nói như đinh đóng cột: “Được, anh yên tâm.”
Chưa hết bất ngờ trước cách thức nhận vận chuyển động vật hoang dã bài bản và công khai, chúng tôi càng “sốc” hơn khi biết được rằng có cả một đường dây vận chuyển thú rừng còn sống, thông qua luật ngầm với sự “dắt díu” của cán bộ cơ quan quản lý có liên quan để hàng được thông suốt bằng con đường chính ngạch.
Trong câu chuyện với chúng tôi khi đề cập đến việc đưa thú rừng từ Lào về Việt Nam, nữ chủ quán hàng tạp hóa tên là Tình (quê tỉnh Quảng Bình) ở ngay trước cổng chợ Ban Khok - “điểm nóng” buôn bán thú rừng ở tỉnh Salavan, bật mí muốn gửi mặt hàng này thì gọi xe khách, rồi bà cho số nhà xe chạy tuyến Lào-Nghệ An.
Khi nghe tôi bảo chưa chuyển số Lào nên không gọi được nữ chủ quán liền hỏi: “Thế anh mua nhiều không?” Chúng tôi còn chưa kịp trả lời thì chủ quán hàng tạp hóa nói luôn: “Anh mua vài cân thịt lợn rừng hay vài con sóc thì tự chở không sao đâu. Ở đây khách du lịch họ cũng mua nhiều, cho vào thùng xốp, thế là xong.”
Tuy nhiên, khi tôi đề cập tới việc muốn mua khoảng 40 kilôgam thịt các loại, bao gồm lợn rừng, cầy hương và sóc, Tình liền cầm điện thoại lên rồi bấm gọi tới số của nhà xe chạy tuyến Lào-Nghệ An, xong chuyển máy cho tôi nói chuyện.
Khi 2 đầu máy điện thoại vừa thông, tôi đặt vấn đề gửi hàng đông lạnh là thú rừng, từ bên kia sóng, người thanh niên thủng thẳng: “Bọn em không nhận chở đâu anh ơi. Anh nhờ chị Tình ấy, chị ấy có nhiều mối lắm, nhờ chị ấy gửi cho.”
Lời cậu thanh niên nhà xe vang lên từ trong chiếc điện thoại cục gạch khiến nữ chủ quán hàng tạp hóa giật mình nhìn điện thoại và tôi, rồi cười bảo: “Cái chú này!”
Hóa ra, nữ chủ quán tạp hóa trên mới chính là “cầu nối” cho những chuyến hàng được thẩm lậu từ Lào về Việt Nam. Tỏ vẻ tha thiết muốn đưa đồ rừng về Nghệ An, Tình tiếp tục giúp đỡ bằng một cuộc điện thoại mới với nhà xe khác.
Qua điện thoại, Tình rao rảo: “Chị Cọ à, em Tình Tý đây. Có khách - người ta nhờ chở ít thịt lợn rừng với mấy con sóc, cầy hương về bên mình, chị xem ‘chở luật’ về Vinh cái tề. Phí chị lấy 500.000 hay mấy đó thì báo họ cái luôn.”
Sau cuộc gọi, Tình bảo: “Anh ghi số chị Cọ, khi nào cần chuyển thì gọi chị ý.”
Một lúc sau, khi đã tạo được lòng tin, Tình tiết lộ thêm về “con đường dây dây dưa” theo kiểu “luật ngầm” để đưa thú rừng về Việt Nam mà chủ xe nào cũng vui vẻ nhận việc; thậm chí không muốn cũng phải nhận, thông qua việc chở hàng cho một số cán bộ mà theo lời Tình tiết lộ là hải quan ở tỉnh Quảng Bình.
“Bình thường nhà xe họ cũng ngại nhận, vì xe chủ yếu chở các mặt hàng khác - nếu bị phát hiện, kiểm tra lại lằng nhằng, ảnh hưởng tới hàng của họ. Nhưng khi em gọi nói là xe tối nay về không, qua lấy cho anh Hùng hải quan một con lợn rừng… là họ tự liên lạc lại và vào tận nơi lấy. Không ai dám nói ‘không’ đâu, từ chối thì về đến cửa khẩu, xe bị ách lại kiểm tra, rách việc hơn nhiều. Nếu mang hàng về, thì xe chở gỗ có khi đến vài tạ họ cũng cho qua, trừ khi ma tuý, chứ gì cũng thông,” Tình vừa cười vừa nói.
Nói xong, Tình mở điện thoại ra cho chúng tôi xem hình lợn rừng và bảo: “Hiện tại em đang có 2 con lợn rừng, một con 30 kilôgam, một con 31 kilôgam. Anh lấy thì em gửi về Đồng Hới (Quảng Bình) cho. Giá 150.000 đồng/ một kilôgam. Mỗi con em chặt thành từng khúc 8-10 kilôgam cho vào hộp xốp, vận chuyển vô tư. Mặt hàng này, em chuyển về Việt Nam suốt, hàng đi khắp nơi.” Khi chúng tôi đặt vấn đề có thể chuyển lợn rừng nguyên con còn sống được không, Tình quả quyết: “Chuyển được nhưng khách phải mất thêm 2 triệu đồng cho phí làm luật.”
Lân la tìm hiểu thêm về lai lịch của vị cán bộ hải quan tên Hùng trên, chúng tôi được Tình bật mí vị cán bộ này công tác tại Đội Kiểm soát Hải quan (thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình) đóng ở khu vực Bãi Dinh, gần Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo. Mới đây, vị cán bộ này đã chuyển công tác về thành phố Đồng Hới.
Ngay sau khi kết thúc hành trình thâm nhập vào loạt “điểm nóng” buôn bán động vật hoang dã ở Lào, nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus tiếp tục lần theo các nguồn tin để “đón đầu” hoạt động tuồn lậu thú rừng tại các khu vực cửa khẩu ở miền Trung, đặc biệt là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Ghi nhận của nhóm phóng viên cho thấy tại hầu hết các khu vực gần Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, hoạt động buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã là câu chuyện thường ngày, nhất là tại các nhà hàng. Trong đó “nóng bỏng” nhất là tại huyện Hướng Hóa và Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo tại tỉnh Quảng Trị.
Về nguồn gốc, tất cả các “con buôn” hay chủ các nhà hàng đều khẳng định các loại kỳ đà mây, tê tê, nai, sơn dương, lợn rừng... mà họ có đều có nguồn gốc hoang dã, được vận chuyển từ bên Lào về. Ngay cả ông Nguyễn Văn Hệ - Phó Cục Trưởng phụ trách Cục Hải quan Quảng Bình khi trao đổi với chúng tôi cũng nhấn mạnh các đối tượng vận chuyển qua động vật hoang dã từ Lào về Việt Nam thường đi qua các đường tiểu ngạch, băng suối băng rừng. Thậm chí, có thời gian, các đối tượng còn vận chuyển qua đường chính ngạch như Cửa khẩu Cầu Treo, Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo và cả Cha Lo.
Địa chỉ buôn bán thú rừng công khai nhất ở các khu vực trên là cửa hàng chuyên về hàng rừng của “bà trùm” Chi Lệ tại thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa.
Điều này đã được Lệ công khai khi thường xuyên cập nhật hình ảnh về các mặt hàng thú rừng quý, hiếm và thản nhiên mời chào người mua ngay trên cả 2 số điện thoại kết nối zalo cá nhân của mình gồm: 0854106… và 0337608...
Thậm chí, ngay trước cổng cửa hàng, “bà trùm” buôn bán động vật hoang dã Chi Lệ còn ngang nhiên trưng dựng một chiếc biển quảng cáo in đậm dòng chữ “Tại đây CÓ BÁN CÁC LOẠI HÀNG RỪNG” kèm số điện thoại liên hệ.
Điều đáng nói là, quán hàng rừng của “bà trùm” này nằm đối diện và cách trụ sở Đội Kiểm soát Hải Quan thuộc Cục Hải quan Quảng Trị chỉ khoảng 200 m.
Theo lời Lệ, tại quán của bà có nhiều mặt hàng động vật hoang dã quý, hiếm như trút (tê tê), sơn dương,...Đây là mặt hàng cấm buôn bán mà chỉ những con buôn lớn như bà mới có nguồn vận chuyển cho các nhà hàng chuyên về đồ rừng ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là ra Vinh, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng.
“Như con tê tê sống, chở là hắn (lực lượng chức năng hải quan, kiểm lâm) bắt ngay. Nhưng chị vẫn chở được một cách độc quyền. Đây, chiều ny chị về con tê tê 9kg từ Lào, để gửi xe đưa ra Vinh cho khách họ đặt trước. Chỗ của chị toàn gửi hàng đi khắp nơi. Con chi ở đây chị cũng có đủ cả,” bà Lệ xởi lởi tiết lộ.
Đang bon câu chuyện, tiếng chuông điện thoại từ trong túi quần của bà vang lên. Dừng nghe cuộc điện thoại từ khách đặt mua hàng một lúc, rồi “bà trùm” tiếp tục bật mí về lý do mà bà có thể vận chuyển “độc quyền” mặt hàng động vật “sách đỏ” kể cả cá thể còn sống như tê tê, là bởi những xe khách nhận vận chuyển hàng cấm trên toàn là xe quen, thân thiết như: nhà xe Hoa Hồng, Thành Sang…
“Riêng mụ Hoa Hồng (chủ xe Hoa Hồng) là sui gia với nhà chị. Con bé nhà chị lấy con mụ. Thế nên hàng chị gửi đi khắp nơi, bao trả, đổi đàng hoàng,” bà Lệ nói.
Để chứng minh, bà Lệ mời chúng tôi vào bên trong nhà rồi lần lượt mở cửa tủ lạnh ra khoe các mặt hàng “độc nhất vô nhị” của mình.
Đó là 3 chiếc tủ lạnh cỡ lớn (trong đó có 2 chiếc tủ cấp đông và 1 chiếc tủ lạnh đứng hai cửa) chứa đầy thịt các loài động vật rừng đã chặt thành từng khúc lớn vẫn còn nguyên lông được bà Lệ giới thiệu gồm: Sơn dương, nai, cầy hương, kỳ đà vân, mèo rừng, sóc bay, hoẵng...
Thú rừng chị thu mua từ đâu mà nhiều thế? Thấy chúng tôi băn khoăn, bà Lệ cười đắc chí rồi bảo tất cả “hàng” của mình đều là động vật hoang dã từ tự nhiên và bà có mối vận chuyển từ bên Lào về.
Toàn bộ các mặt hàng này sau đó được bà cập nhật lên Zalo chào khách, ai có nhu cầu, chỉ cần để lại thông tin là bà gửi ngay.
“Em cứ lấy số của chị kết bạn Zalo. Cần chi thì vào zalo của chị xem rồi like, đặt, chứ chị rất nhiều mối, không thể báo cho từng người một được. Ở đây, con sống chị cũng gửi được. Như tê tê, mỗi lần chị gửi ra Hà Nội, Quảng Ninh toàn 1-2 con. Em cần lấy thì chỉ cần báo trước chị 1 ngày là có hàng ngay,” bà Lệ nhắn nhủ.
Cũng theo gợi ý của “bà trùm” buôn bán động vật hoang dã trái phép Chi Lệ, thì ở Hà Nội, loài thú rừng mà khách hay lấy “hàng” ở chỗ bà nhiều nhất là con hoẵng.
“Ở ngoài Bắc, chị hay gửi hàng ra nhà hàng Sen Vàng. Nếu em cần lấy hàng thì đặt, chị gửi xe ra. Em chỉ cần trả cước cho nhà xe thôi, chị không bao cước được, còn đi dọc đường mà mất mát thì chị chịu. Như mấy con tê tê này, cước 1 con khoảng 5-7 kilôgam, nhà xe đều lấy 500.000 đồng,” bà Lệ tiết lộ thêm.
Sau cuộc trò chuyện, bà Lệ mở điện thoại ra cho chúng tôi xem một loạt video quay lại cảnh những con tê tê còn sống được nhốt ở trong những chiếc lồng sắt đã được bà nhập lậu từ bên Lào về để gửi đi các tỉnh, thành phố cho khách.
Thậm chí, trong quá trình tiếp cận, bà còn cho chúng tôi xem hình ảnh những đơn hàng bà đã gửi đến một số cơ quan chức năng thực thi pháp luật ở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (chúng tôi có thông tin, clip ghi lại, xin phép không tiện nêu tên).
“Ở đây, chị bán là lấy lòng uy tín của chị. Hàng lên xe là tiền chuyển. Hàng không ưng thì gửi lại, chị đổi, không sao cả,” bà trùm nói thêm./.