Trong quá trình tìm hiểu về “thế giới ngầm” tuồn lậu thú rừng từ Lào vào Việt Nam với đủ loại loài động vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm như tê tê, sơn dương, gấu, bò tót, hổ… phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus còn ghi nhận sự thật hãi hùng ẩn nấp trong những sản phẩm được chế biến từ các loài động vật đưa lên bàn nhậu của các “thượng đế” ham đồ rừng.
Trong quá trình tìm hiểu về “thế giới ngầm” tuồn lậu thú rừng từ Lào vào Việt Nam với đủ loại loài động vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm như tê tê, sơn dương, gấu, bò tót, hổ… phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus còn ghi nhận sự thật hãi hùng ẩn nấp trong những sản phẩm được chế biến từ các loài động vật đưa lên bàn nhậu để phục vụ các “thượng đế” ham đồ rừng.
Có lẽ những người ham sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã như các loại cao, đơn giản chỉ là để thoả mãn thú nhậu được cho là sang chảnh và đắt đỏ, bất chấp rằng họ chẳng những đang huỷ diệt thiên nhiên, tiếp tay cho những kẻ phạm pháp và có thể rước bệnh vào thân từ những sản phẩm đầy chất tẩm ướp này...
Những lạng cao được nấu từ xương cốt của các con thú đã tiêm đầy chất bảo quản có lẽ mang lại bệnh cho người sử dụng hơn là bổ béo như “tác dụng tin đồn” bấy lâu. Cũng như những món nhậu khoái khẩu được chủ hàng ăn cam kết tươi ngon mà dân nhậu “nạp” vào người thực tế chủ yếu là từ thực phẩm nhiều ngày ngâm đẫm Formaldehyd!
Trong quá trình mục sở thị tại khu chợ Ban Khok thuộc tỉnh Salavan (Lào) để tìm hiểu về hoạt động buôn bán thú động vật hoang dã, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus tình cờ gặp được Tình (tên thường gọi là “Tình Tý” quê ở tỉnh Quảng Bình) - chủ quán hàng tạp hóa ở đối diện cổng chợ Ban Khok.
Khu chợ Ban Khok nằm ngay ven đường 12 hướng về Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo của tỉnh Quảng Bình. Đây cũng là một trong những khu chợ “khét tiếng” nhất về buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, diễn ra trong suốt nhiều năm qua ở Lào.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Tình cho biết đã sang làm việc và sinh sống tại Lào được gần 10 năm. Vì cửa hàng nằm ngay trước cổng chợ Ban Khok, nên mọi hoạt động buôn bán tại khu chợ này, nhất là động vật hoang dã, Tình biết rất rõ.
Cũng bởi thế, khi nghe chúng tôi giới thiệu là đồng hương đang muốn mua thịt lợn rừng, cầy hương, sóc bay mang về Hà Nội vì “hàng rừng” ở chợ Ban Khok đa dạng lại rất rẻ, Tình khuyên ngay: “Đừng mua thú rừng ở đây. Mấy con ở chợ, người ta toàn ngâm tẩm Formaldehyde để bảo quản, độc lắm. Các anh cần lấy thì để lại số điện thoại, bựa mô có con chi ngon, em báo, lấy thì em chuyển cho.”
Khi chúng tôi hỏi lý do vì sao các “con buôn” lại bôi, tẩm Formaldehyde vào thịt động vật hoang dã, Tình giải thích thêm: “Tại vì người ta bán hàng, người ta bỏ thịt ở giữa chợ cả ngày, mà để từ ngày này qua ngày khác, không cấp đông thì nội tạng, ruột cũng như thịt sẽ hỏng, thối hết. Thế nên họ phải dùng chất bảo quản đó.”
Quả đúng như lời chủ quán hàng tạp hóa trên chia sẻ, ghi nhận của chúng tôi trong những ngày “mục sở thị” tại chợ Ban Khok cũng cho thấy hầu hết các loài thú từ tự nhiên như lợn rừng, sóc bay, gà rừng, cầy hương, sơn dương (kể cả nguyên con hay đã bị mổ thịt) được các con buôn bày bán la liệt trên các tấm phản gỗ, dù thoang thoảng mùi trỉn, nhưng lại không hề có con ruồi nào dám bâu, bám vào.
Tìm hiểu cách bảo quản thịt thú rừng, chúng tôi đã được Khăm Bai, một con buôn tại chợ Ban Khok tiết lộ phần lớn các mặt hàng thú rừng ở khu chợ này đều bắt buộc phải sử dụng chất bảo quản để miếng thịt từ hoang dã không bị hư hỏng.
“Hàng ở đây (cầy hương, mèo rừng, lợn rừng, chồn, sóc bay, gà rừng), em mua từ những người đi săn ở trong rừng. Các anh mua đem về Việt Nam thì cứ đóng vào thùng xốp, yên tâm để mấy ngày nữa không thối đâu,” Khăm Bai thủng thẳng nói.
Nói xong, nữ chủ sạp bán “hàng rừng” luồn tay xuống phía dưới kệ bàn đang chất kín các cá thể kỳ đà vân còn sống; sóc bay, cầy hương đã chết cứng, rồi lôi ra một chiếc đầu sơn dương còn nguyên lông và cặp sừng nhọn hoắt khoe với chúng tôi.
“Cái đầu sơn dương này 600.000 kíp (tiền Lào, tương đương khoảng gần 800.000 đồng tiền Việt Nam), các anh mua đi,” Khăm Bai xởi lởi mời khách mua hàng.
Thấy khách tỏ vẻ rất quan tâm tới mặt hàng thú rừng, những con buôn ở trong khu chợ như bắt được mối - họ liên tiếp lôi ra những cá thể thú rừng đã chết đặt lên mặt bàn như cầy hương, cầy mốc,… còn nguyên con, nguyên lông để “dụ” khách lạ.
Cảnh tượng trên cũng là thực trạng đang diễn ra phổ biến tại nhiều khu chợ ở Lào như: Houay Aek, Thongnamy, Indochina, nhất là khu chợ du lịch Vang Vieng…
Có một điểm chung của các cá thể động vật hoang dã được trưng bày trên mặt bàn tại các khu chợ ở Lào mà chúng tôi ghi nhận được trong suốt gần nửa tháng điều tra, đều bị thương, hoặc chết vì vết thương do dính đạn của kẻ đi săn. Và mặc dù phần thịt của các cá thể thú rừng đã tím tái, phần máu dính trên lông đông cứng, thế nhưng tất cả đều không có mùi hôi thối.
Thực tế trên khiến chúng tôi không khỏi lo lắng - khi tại hầu hết các khu chợ mà chúng tôi tiếp cận, các con buôn khi được hỏi về nguồn “cầu” tiêu thụ, đều cho biết họ đã bán thú rừng nguyên con cũng như các sản phẩm thịt từ động vật hoang dã (nhất là lợn rừng, cầy hương, mèo rừng, cầy mốc, kỳ đà, sóc bay) cho khách du lịch ở châu Á, trong đó rất nhiều khách du lịch là người Việt Nam và Trung Quốc.
Theo số liệu được cung cấp bởi Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Lào, Việt Nam và Campuchia là ba quốc gia sử dụng nhiều thịt động vật hoang dã. WWF cũng nhấn mạnh rằng việc sử dụng thịt thú rừng chính là tạo nguồn cầu dẫn đến tình trạng buôn bán động vật hoang dã phát triển, góp phần gây ra các thảm họa thiên nhiên đe dọa nghiêm trọng tới cuộc sống toàn cầu.
Ngoài ra WWF cũng nhận định rằng các loài thú và chim được bày bán phổ biến tại các khu chợ và tiêu thụ tại các nhà hàng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến người ăn bị lây truyền những bệnh có nguồn gốc từ động vật.
Từ kinh nghiệm nghiên cứu, ông Bùi Đăng Phong, Phó Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp - WWF cho biết trước đây, những người thợ săn thường sử dụng muối để ướp thịt động vật hoang dã. Tuy nhiên, sau này, họ chuyển sang sử dụng chất Formaldehyde để bảo quản, bởi chất này vừa rẻ, vừa giữ miếng thịt tươi lâu, đảm bảo chuyến đi săn có thể kéo dài.
“Ngày trước, động vật hoang dã nhiều nên những người thợ săn có khi chỉ đi 2 ngày đã được 10kg thú rừng, còn nay họ phải đi cả tuần hoặc lâu hơn. Vì vậy Formaldehyde là ‘lựa chọn hoàn hảo’ cho những người đi săn vì giá thành rẻ, khó phát hiện ngay cả với các nhà hàng khi nhập hàng. Mặt khác, các nhà hàng có thể biết, nhưng vì lợi nhuận nên họ làm lơ coi như không hay, không liên quan. Chỉ có những khách hàng ăn phải sản phẩm đã bị tẩm hóa chất là đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe vì đây là chất cực kỳ độc hại,” ông Phong phân tích.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Formaldehyde là một chất độc nguy hiểm, làm cho thực phẩm khó ôi thiu. Chất này đã được các nhà khoa học chứng minh là có thể gây ung thư nếu được dùng trong (tức đưa Formaldehyde vào trong cơ thể). Nếu sử dụng thực phẩm chứa Formaldehyde sẽ có nguy cơ rất lớn là nhiễm độc.
Trong câu chuyện với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus khi nhắc đến thực trạng đáng cảnh báo trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh Trương Quốc Long cũng khẳng định thông tin mà chúng tôi phản ánh là đúng thực tế.
“Trước thời điểm COVID-19 bùng phát, trên địa bàn cũng có trường hợp đưa ‘hàng’ từ Lào về. Khi bị bắt, có những con cầy do đối tượng buôn bán, vận chuyển - họ tiêm Formaldehyde vào nên thịt tươi lắm, nghe nói họ để cả tháng rồi,” ông Long kể và cảnh báo ăn những thứ này sẽ rất nguy hiểm bởi nó có thể gây ung thư.
Ngoài nguy cơ “gieo” bệnh từ việc tiêu dùng các sản phẩm thịt thú rừng bị ngâm tẩm chất bảo quản gây hại sức khỏe, theo ông Long, thời gian qua, hoạt động buôn bán thú rừng bất hợp pháp cũng nổi lên không ít vụ lừa đảo liên quan tới các loài động vật hoang dã quý, hiếm, khiến nhiều người “bổ béo đâu không thấy, mà tiền mất, tật mang.”
“Chúng tôi đã từng nhận được thông tin có một nhà nấu cao hổ ở trên địa bàn. Sau đó, chúng tôi triển khai ‘úp’ vào bắt. Thời điểm đó có khoảng 7 người từ Hải Phòng và Hà Nội, đang chờ để lấy cao hổ. Mặc dù ở giữa nhà còn trưng bày cả bộ da hổ và chiếc nồi nấu cao vẫn đang khóa chặt, nhưng khi chúng tôi lấy mẫu đưa kiểm tra, thì là toàn đồ giả, không có một cái gì thuộc về hổ. Thực chất chỉ là xương sơn dương, mai rùa, xương chó, đủ thứ… họ lừa tinh vi thế đấy,” ông Long nói.
Xảo trá hơn, có trường hợp còn dùng thuốc nhuộm vẽ hổ lên da mèo rồi cho nguyên cả con vào nồi nấu cao để lừa khách. Ông Long cho biết con hổ giả này có trọng lượng 8kg. Trong vụ này, Cục Kiểm lâm trực tiếp vào bắt, sau đó giao lại cho Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh để đưa đi giám định, nhưng kết quả toàn bộ là mèo.
Về thông tin tuồn lậu cao hổ từ Lào về Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng, ông Long cho rằng cao hổ hiện nay rao, bán ngoài thị trường, phần lớn là cao hổ giả. Kể cả cao thật cũng chỉ là một phần nhỏ, được trà trộn từ hổ nuôi ở Lào.
“Chỗ huyện Khamkeut (tỉnh Bolikhamxay) và tỉnh Khăm Muồn ấy, hổ rất nhiều, nhưng toàn là hổ nuôi hết. Ngày trước, chúng tôi vào tham quan thấy họ nuôi nhiều như nuôi lợn ấy. Mà hổ toàn cho ăn thịt nên cân nặng mỗi con tới cả tạ. Dù bên Lào là hổ nuôi nhưng về bên mình vẫn là quý hiếm,” ông Long chia sẻ.
Cùng bàn về mối nguy trên, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Trưởng Tiểu Hợp phần Giảm cầu Tiêu thụ Động vật Hoang dã (thuộc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học, Tổ chức WWF Việt Nam) cho rằng việc tiêu dùng các sản phẩm động vật hoang dã không chỉ trái pháp luật, mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, bởi động vật hoang dã ẩn chứa rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm.
“Ví dụ, các nhà khoa học phát hiện ra nguồn gốc virus HIV là từ loài tinh tinh, hay nguồn gốc dịch tả lợn châu Phi là từ loài lợn rừng lây sang lợn nhà. Giả sử cúm gia cầm lây từ chim hoang dã sang gia cầm tại nhà, sau đó lây sang người sẽ gây nguy cơ bùng phát đại dịch. Đó là điều nguy hiểm nhất,” bà Hằng lo ngại.
CEO Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam - ông Văn Ngọc Thịnh cũng nhấn mạnh những dịch bệnh nguy hiểm vừa qua, phần lớn đều xuất phát từ động vật hoang dã. Mỗi mắt xích trong quá trình tiếp xúc với động vật hoang dã đều có nguy cơ phát sinh và lây truyền các tác nhân gây bệnh.
Ông Nguyễn Văn Tín - Quản lý Chương trình Bảo tồn các loài hoang dã thuộc WWF Việt Nam cũng nhận định việc tiêu thụ thịt thú rừng làm suy giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã, gây ra các loại tội phạm xuyên biên giới và trong nước đồng thời làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người.
“Hầu hết người tiêu dùng không nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn mà bản thân họ, người thân và xã hội phải gánh chịu khi mua thịt rừng,” ông Tín nói.
“Hiện nay, các đợt bùng phát dịch bệnh, hay thậm chí là đại dịch đang xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều do sự tiếp xúc gần gũi và thường xuyên hơn giữa con người và động vật hoang dã. Ước tính, trong vòng 30 năm qua, khoảng 75% các bệnh mới ở người là do lây truyền từ động vật,” bà Nguyễn Đào Ngọc Vân - cố vấn của WWF Việt Nam nhấn mạnh.
Tuy vậy, bà Vân cũng lưu ý động vật hoang dã không có lỗi, cũng không phải tác nhân làm lây lan, phát tán dịch bệnh mà con người mới chính là nguyên nhân khi đã can thiệp, thay đổi, tác động thô bạo vào môi trường sống của các loài hoang dã.
Các hoạt động của con người như săn bắt, buôn bán, vận chuyển, gây nuôi, giết mổ và tiêu thụ động vật hoang dã tạo điều kiện làm phát sinh, khuếch đại, lây truyền các tác nhân, bao gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm từ động vật sang người.
“Trong đó, cầy, tê tê, khỉ, nhím, lợn rừng, nai và dúi là các loài động vật hoang dã có nguy cơ cao gây bệnh truyền nhiễm và lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người,” bà Nguyễn Đào Ngọc Vân chia sẻ thêm.
Đưa ra ý kiến từ phía cơ quan quản lý, Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) - ông Nguyễn Văn Long cũng cho rằng một trong những nguyên nhân làm bùng phát những dịch bệnh như Hội chứng Suy giảm Miễn dịch (AIDS/HIV), Ebola, Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS-Cov), đại dịch COVID-19 hay bệnh Đậu Mùa khỉ được cho là từ việc sử dụng thịt thú rừng để làm thực phẩm vẫn đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu./.
Hợp chất hữu cơ Formaldehyde được dùng để giết chết phần lớn các loại vi khuẩn, thường được dùng tẩy uế, bảo quản các mẫu sinh vật… Trong cơ thể, Formaldehyde có thể làm cho các protein liên kết không đảo ngược được với DNA. Thử nghiệm với các động vật trong phòng thí nghiệm khi bị phơi nhiễm một lượng lớn Formaldehyde theo đường hô hấp trong thời gian sống của chúng có nhiều dấu hiệu của ung thư mũi và cổ họng hơn so với các động vật đối chứng. Nếu uống phải một lượng lớn dung dịch Formaldehyde có thể gây nguy hiểm tính mạng vì Formaldehyde được chuyển hóa thành acid formic trong cơ thể, dẫn đến tăng hoạt động của tim, thở nhanh và nông, giảm thân nhiệt, hôn mê hoặc dẫn đến chết người… |