Tiếp tục hành trình xuyên quốc gia tìm hiểu về hoạt động buôn bán thú rừng bất hợp pháp, đặc biệt là các loài động vật “sách đỏ” (động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm) từ Lào về Việt Nam, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã phát hiện ra một loạt trại hổ, vườn thú đăng ký nuôi bảo tồn, nhưng thực tế chỉ cần khách hàng ngỏ ý mua, “chúa tể rừng xanh” oai hùng cũng nhanh chóng trở thành những gói cao nhỏ bé…
Tiếp tục hành trình xuyên quốc gia tìm hiểu về hoạt động buôn bán thú rừng bất hợp pháp, đặc biệt là các loài động vật “sách đỏ” (động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm) từ Lào về Việt Nam, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã phát hiện ra một loạt trại hổ, vườn thú đăng ký nuôi bảo tồn, nhưng thực tế chỉ cần khách hàng ngỏ ý mua, “chúa tể rừng xanh” oai hùng cũng nhanh chóng trở thành những gói cao nhỏ bé…
Tuy nhiên, vì là động vật nguy cấp, quý hiếm và buôn bán bất hợp pháp nên hầu hết các cuộc giao dịch đều được các tay “trùm” cao hổ ở trên đất Lào yêu cầu phải ký kết hợp đồng mua bán và phải trả bằng tiền mặt (chủ yếu là USD).
Trong quá trình đi tìm hiểu thực tế về đường dây buôn bán cao hổ tại các tỉnh trên đất Lào, AB (tên nhât vật đã được thay đổi) - anh bạn chuyên gia về động vật hoang dã hiện đang công tác tại một trường đại học ở Lào đồng thời là người dẫn đường cho chúng tôi trong suốt chuyến đi, cho biết cách đây khoảng 3-5 năm, thống kê ở Lào cho thấy cả nước này còn khoảng 500 cá thể hổ được nuôi nhốt trong các trang trại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì đã “vơi” đi đáng kể.
Theo lời kể của AB kết hợp nguồn thông tin từ một số dân buôn thú rừng mà phóng viên ghi nhận, vào những năm 2015-2017 trở về trước, hoạt động mua bán, nấu cao hổ trực tiếp tại đây diễn ra như cơm bữa. Đáng chú ý, “đội quân” nấu cao hổ chủ yếu là một số dân Việt Nam sang, tập trung ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An.
Tại các địa bàn như Thà Khẹt, Xiêng Khoảng, Bolikhamxay... “hùm thiêng vào lúc sa cơ” bị rao bán công khai ngay tại các trại nuôi. Thậm chí, có những trại hổ-điển hình như trại ở bản Phòn Phèng thuộc địa bàn huyện Khamkeut, tỉnh Bolikhamxay còn ngang nhiên nấu cao trực tiếp tại trại cho khách xem.
Sau này, khi nhiều động vật quý hiếm của Lào đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, Cục Kiểm lâm Trung ương Lào đã siết chặt quản lý và nhờ đó, tình trạng nấu cao hổ công khai đã bị ngăn chặn.
Phần lớn các trại hổ nuôi với mục đích thương mại, nấu cao đã dần chuyển sang mô hình vườn thú, trang trại gây nuôi bảo tồn và mở cửa để phục vụ nhu cầu thăm quan của khách du lịch cũng như có kinh phí phục vụ cho công tác chăm sóc, bảo tồn.
“Với mô hình bảo tồn trên, các hoạt động giết hại hổ để nấu cao công khai ngay tại các khu trại hay vườn thú đã không còn xảy ra, nhưng ở hình thức ngầm thì vẫn tương đối ‘nhộn nhịp’ theo quy mô khép kín từ thoả thuận ban đầu đến ký hợp đồng, giết hổ và nấu cao,...” AB tiết lộ.
Tại một trại hổ nằm trên một ngọn đồi cao trong khuôn viên khu Resort Numthurn ở tỉnh Bolikhamxay, chúng tôi mỗi người chỉ cần bỏ ra 20.000 kíp (tương đương khoảng 23.000 đồng) là được vào chiêm ngưỡng các ông ba mươi. Tại đây có khoảng hơn 30 cá thể hổ được nuôi giữ - đúng hơn là bị giam cầm trong các chuồng sắt chật chội, không hề giống không gian và môi trường sống lâu dài.
Thấy người lạ dạo quanh, những cá thể hổ này (có con đang nằm, con đang ngồi, có con đang giãy giụa) đều bật dậy la hét. Thậm chí, có con “phóng” thẳng đôi mắt về phía chúng tôi rồi liên tiếp đâm thẳng đầu vào hàng rào lưới gầm gào như tiếng kêu cứu, khẩn cầu cho một cuộc giải cứu khỏi những chuồng sắt giam nhốt này.
Sau khi tham quan, chúng tôi di chuyển về phía chốt bảo vệ gặp một người đàn ông tự giới thiệu là quản lý ở trại hổ. Qua một vài câu chuyện xã giao, gã cho biết ở trại này, người Việt tới tham quan thường mua hổ rồi bán lại cho người Trung Quốc. Giá mỗi con hổ vào khoảng 100.000 USD (trên dưới 2 tỷ đồng).
Tuy nhiên, khi chúng tôi ngỏ lời muốn mua hổ có bán không, giá cả thế nào? Gã quản lý trại hổ chỉ cười và nói phải “làm hợp đồng mới đi hàng (bán).” Cũng theo người này, một phần cá thể hổ ở trại được lấy từ Vườn thú Khammoune ở tỉnh Khăm Muồn.
Nghe người quản lý trại hổ nhắc tới Vườn thú Khammoune, AB quay sang thì thào với chúng tôi rằng trại hổ Khammoune từng là “điểm nóng” nấu cao, hoạt động mua bán cao hổ diễn ra công khai.
Về sau, dưới sức ép của các tổ chức bảo tồn quốc tế và sự vào cuộc, quyết liệt của Chính phủ Lào, trại hổ này đã chuyển sang mô hình vườn thú, cho phép du khách vào thăm quan...
Từ chút manh mối gom được này, chúng tôi tiếp tục tìm đến Vườn Thú Khammoune. Vào thời điểm ngày 24/5, chúng tôi không thấy bóng dáng khách du lịch, mà chỉ có 8-10 nhân viên (người cởi trần, người mặc quần đùi - áo phông, tất cả đều không có đồ bảo hộ) đang cho hổ, sư tử ăn thịt gà công nghiệp. Bên ngoài đường, một số xe tải, container đang dừng đỗ trước cổng vườn thú này.
Ngay trước cổng vào, có 2 nhân viên bán vé tham quan cho khách du lịch với giá 20.000 kip/người. Bên trong, có khoảng hơn 50 cá thể hổ. Ngoài ra còn có một số cá thể sư tử, gấu, cầy hương, chim công, cá sấu,... Tất cả các loài đều được nuôi nhốt trong các khu “nhà” lưới thép, có hàng rào xung điện vây quanh.
Trong diễn biến liên quan, khi chia sẻ với người viết vào thời điểm cuối tháng 5/2023, lãnh đạo của một vườn quốc gia ở Lào cho biết Vườn Thú Khammoune hiện đang là một trong những cơ sở chăm sóc, bảo tồn hổ lớn nhất ở Lào.
Với số lượng khoảng 50 cá thể hổ đang nuôi nhốt (chưa kể các loài động vật khác như gấu, voi, cầy hương, cá sâu, chim công,…), mỗi tháng, Vườn Thú Khammoune đầu tư khoảng 4 tấn thịt gà công nghiệp được nhập về từ Thái Lan, để làm thức ăn cho hổ. Như vậy, chi phí mà vườn thú này bỏ ra hàng tháng là không hề nhỏ.
Cùng bàn tới nội dung trên, anh bạn dẫn đường vốn là người quen của vị lãnh đạo vườn trên cũng không khỏi băn khoăn, đặt câu hỏi: Với nguồn thu từ việc bán vé cho khách du lịch vào tham quan 20.000 kíp/người (khoảng 23.000 đồng tiền Việt), thì vườn thú này lấy đâu kinh phí để duy trì, chi trả cho nhân viên?
Một loạt những câu hỏi, băn khoăn đưa ra càng khiến chúng tôi tò mò. Liệu Vườn Thú Khammoune còn bán cao hổ, như cách mà họ đã từng làm trong quá khứ? Thử dò hỏi nhân viên bán vé tại Vườn Thú, người này thủng thẳng: “Không có.” Nhưng rốt cuộc, câu trả lời lại “tình cờ” đến từ bữa trưa ở trong một quán cơm.
Gợi mở trên đến với phóng viên khi chúng tôi ghé vào ăn trưa tại một quán cơm nằm ở ven đường 12 thuộc địa phận tỉnh Salavan (cách Vườn Thú Khammoune khoảng hơn 60km). Tại đây, cô chủ quán tên Lan (tên nhât vật đã được thay đổi) quê ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, khá mau chuyện đã bật mí rất nhiều thông tin quan trọng bao gồm cả danh tính “ông trùm cao hổ” mà người nhà đang kết hợp làm ăn. Đó chính là người quản lý của Vườn thú Khammoune.
Trong lúc ăn trưa và ngỏ ý hỏi mua cao hổ khi đã tạo được niềm tin, Lan thản nhiên bảo: “Nhà chị nấu cao đây em. Còn miếng cao hổ để trong tủ lạnh, em lấy không chị bán cho.” Giá lượng cao bao nhiêu tiền, có đảm bảo không? Thấy khách quan tâm, Lan sởi lởi chia sẻ: “Giá 20 triệu/lạng. Cao hổ chuẩn em yên tâm. Tuần trước, con trai chị trực tiếp canh nấu mà. Mất 7 ngày 6 đêm mới xong đó.”
Thấy chúng tôi tỏ vẻ vẫn còn băn khoăn, Lan trấn an thêm: “Đúng là bỏ ra mấy chục triệu để mua lượng cao hổ cũng phải nghĩ. Nhưng ở đây, chị bán bằng cái tâm. Nếu còn ngại, em cứ tìm hiểu cho thoải mái rồi mua cũng được, cần chị cho địa chỉ của nhà chị ở Hà Tĩnh luôn. Nếu là hàng nhái, em cứ bắt đền chị.”
Tiếp lời bà mẹ, cậu con trai “to như voi” chừng 16-17 tuổi của Lan nói thêm: “Chú yên tâm, còn quán nhà cháu ở đây, không bán hàng giả mô.”
Hỏi về nguồn gốc hổ nấu cao, Lan cho biết hổ được lấy về từ trại hổ (cách Lan gọi) của một người tên Luôm, ở trên địa bàn tỉnh Khăm Muồn. Ông Luôm cũng là người đang cho vợ chồng Lan thuê đất để mở quán ăn này. “Em cần thì đến xem hổ trong trại luôn,” Lan vừa nói, vừa bấm số gọi điện cho chồng hỏi về số của ông chủ trại hổ.
Một lúc sau, Lan cho số điện thoại và nhắn nhủ: “Đây là số anh Luôm (người Lào), chủ trại hổ. Nếu muốn xem thì em gọi trước, nhờ anh ấy chỉ đường cho, trại ở sát đường, đi qua kiểu gì cũng thấy.”
Lấy lý do đang lên Viêng Chăn để đi du lịch, nếu hàng thật, hôm sau quay về sẽ ghé mua, chúng tôi nhanh chóng rời khỏi quán ăn, để đi tìm “ông trùm” buôn hổ.
Ngay sau khi vừa lên khỏi xe rời khỏi quán cơm trên, người viết bấm theo số điện thoại mà Lan vừa cho, để dò hỏi danh tính và đường đến khu nuôi hổ. Từ bên kia sóng, một người đàn ông nói tiếng Lào cho biết mình đúng là Luôm đồng thời là chủ của Vườn Thú Khammoune, nằm trên địa bàn tỉnh Khăm Muồn.
Dù vậy, người đàn ông từ bên kia sóng cũng rất dè dặt hỏi thăm “vì sao có số điện thoại tôi, ai giới thiệu?” Khi tôi chia sẻ là được Lan - chủ một quán cơm (đổi tên là AT), người cùng quê giới thiệu thì ông Luôm bắt đầu nói chuyện cởi mở hơn.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập về việc có bán cao hổ không? ông Luôm vẫn thận trọng hồi đáp là không, bởi Vườn Thú của ông “nuôi với mục đích để bảo tồn.” Ông Luôm cũng không quên thanh minh với vị khách lạ rằng đúng là ngày trước có bán, nhưng từ khi chuyển sang mô hình vườn thú thì đã không làm...
Tiếp tục theo đuổi thông tin về “ông trùm” buôn bán hổ nấu cao, người viết lại gọi cho Lan tỏ vẻ vẫn chưa tin tưởng về cao như lời bà chủ trẻ mời chào, bởi ông Luôm khẳng định đúng là quản lý vườn thú nuôi hổ, nhưng từ lâu không còn nấu. Lan như động vào lòng tự ái, phần lo mất mối liền cố giải thích: “Chắc anh ấy ngại đó em. Nhà chị đang thuê đất của anh Luôm mở quán ăn đây mà. Cách đây 2 tháng, anh Luôm chở hổ đến cho anh L và anh V (Lan giới thiệu là người nhà) làm thịt nấu cao, mỗi người một phần. Con của chị trực tiếp canh nấu mà.”
Thuyết phục thêm, Lan gợi ý “nếu chưa tin thì em gọi lại cho anh Luôm nhắc tên anh L, anh V và bảo hai anh cũng giới thiệu, anh ấy mới yên tâm nói.” Cùng với thông tin như “mật mã” để “mở khóa” đường dây trên, Lan còn gửi cho tôi xem hình ảnh chụp miếng cao hổ vừa lấy ra từ tủ lạnh và đoạn clip ghi lại cảnh một nhóm người đang nấu, khuấy cao hổ trong một chiếc nồi lớn.
Trước khi kết thúc cuộc điện thoại, Lan không quên gửi lời nhắn: “Em gọi anh Luôm nhưng đừng bảo giá cao chị báo nha. Chị bí nên mới báo giá đó thôi, chứ hàng đây chuẩn, chị bán bằng cái tâm của chị. Em cần mua thì chị bán thôi.”
Đúng như lời Lan “mách nước,” trong cuộc gọi ngay sau đó, ông Luôm (người đứng tên chủ Vườn Thú Khammoune) thừa nhận cách đây vài tháng, đích thân ông và L, V có nấu một con hổ. “Mỗi người một phần, chia nhau, nhưng chỗ anh thì hết rồi. Em gọi cho L, V xem còn không,” ông Luôm nói.
Sau thông tin trên, tỏ vẻ ưng ý, tôi hỏi Lan ngoài cao hổ ra, chị còn bán cao gì nữa không, nếu có chị báo em với? Bà chủ quán cơm AT xởi lởi bảo: “Chỗ chị còn cả cái mai rùa to lắm, hôm bữa anh Luôm gửi nhờ, chị đang để trong tủ đá. Ở đây còn có con trút (tê tê), lợn rừng, kỳ đà vân,.. em thích, chị bán cho.”
Trước khi kết thúc cuộc nói chuyện, Lan không quên nhắn: “Cái cao hổ, em lấy thì chị cất cho. Hổ chỗ anh Luôm, trước anh ấy còn bán cả con sang Việt Nam”./.