Bài 1: Những người lính kiên trung canh giữ biên cương nơi đầu sóng ngọn gió

Mega Story - Ngày đăng : 16:25, 21/12/2023

Ở khu vực Quần đảo Trường Sa - nơi tiền tiêu Tổ quốc, những người lính tuổi mười tám, đôi mươi đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh từng tấc đảo, từng sải sóng thiêng liêng để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liên của dân tộc.
Mega Story

Bài 1: Những người lính kiên trung canh giữ biên cương nơi đầu sóng ngọn gió

{Tên tác giả} 21/12/2023 16:25

Ở khu vực Quần đảo Trường Sa - nơi tiền tiêu Tổ quốc, những người lính tuổi mười tám, đôi mươi đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh từng tấc đảo, từng sải sóng thiêng liêng để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liên của dân tộc.

giang-bien-dong-1.png

Vùng biển Đông xanh ngắt, cảnh sắc biển, đảo đẹp đến nao lòng. Biển màu lam ngọc cứ trải ra bất tận. Mỗi mùa mưa đến, trên nhiều đảo của Quần đảo Trường Sa chìm trong sắc tím hoang dại của hoa muống biển và sắc xanh mơn mởn của những cây bàng vuông, những hàng cây phi lao sừng sững. Những ngày thời tiết đẹp, biển Đông lặng gió với cảm giác như đang đi trong hồ, còn với những ngày bão giông, những cơn sóng bạc đầu cuồn cuộn ầm ì hung dữ như muốn nuốt chửng mọi thứ…

Với bất cứ ai đến với đảo Trường Sa hôm nay đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của mảnh đất thiêng nơi đầu sóng ngọn gió. Một vùng biển xanh trong ngút ngàn, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Các công trình hạ tầng trên đảo được xây dựng khoa học, con đường từ cầu cảng dẫn đến khu trung tâm, các đơn vị, chùa, trường học, hộ dân… đều được bê tông hóa sạch sẽ dưới những tán cây xanh mát.

Để có được những thành quả đó, ở khu vực Quần đảo Trường Sa - nơi tiền tiêu Tổ quốc, những người lính tuổi mười tám, đôi mươi đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh từng tấc đảo, từng sải sóng thiêng liêng để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liên của dân tộc.

ý chí giữ biển, đảo đã ngấm vào máu thịt

Giữa biển khơi mênh mông ấy, là những người lính với nước da đen bóng rắn rỏi bởi sự chai sạn với cái nắng, cái gió của biển khơi. Ở họ là ánh mắt kiên trung, là ý chí kiên cường trong sự nghiệp bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Thực hiện nhiệm vụ trên Tàu Trường Sa 20 đã hơn 50 ngày, đến nay khi có đoàn công tác tới đảo Sinh Tồn Đông, Thượng úy Nguyễn Phi Hoàng (27 tuổi, quê ở Hải Phòng) - Phó Thuyền trưởng Tàu Trường Sa 20 và những người đồng đội của mình mới có cơ hội “đáp đảo” vào nhận hàng và quà từ đoàn công tác ra thăm khu vực Quần đảo Trường Sa.

quote-bai-1.png

Nguyễn Phi Hoàng kể đã gần 2 tháng nay, anh và các thành viên của tàu làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu tại đảo Sinh Tồn Đông. Hoàng và những chiến sỹ trên tàu hàng ngày thực hiện nhiệm vụ đi tuần tra ở xung quanh đảo, với phạm vi từ 30-40km nhằm xua đuổi tàu cá của nước ngoài có dấu hiệu xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

“Hơn 50 ngày sinh hoạt và làm nhiệm vụ trên tàu, hầu như không vào đảo, bởi đây là khu vực khá nhạy cảm, tàu cá của nước ngoài rất đông, nhiều tàu của nước ngoài với phương châm lấn dần, lấn dần từng ngày, từng ngày vào lãnh hải vùng biển của nước ta. Mình thấy họ xâm phạm thì đi xua đuổi và nhắc nhở, tuyên truyền. Trong gần hai tháng đã có hơn 50 tàu nước ngoài được lực lượng hải quân tuyên truyền nhắc nhở,” Thượng úy Hoàng cho hay.

Phó Thuyền trưởng Nguyễn Phi Hoàng cho hay để làm tốt công tác tuyên truyền ngoài bộ đàm tài liệu được hải quân vùng trang bị thì các cán bộ trên tàu cũng đã được đào tạo tiếng Trung Quốc, tiếng Anh để có thể phát loa tuyên truyền trực tiếp cho các tàu cá vi phạm để họ nhận thức và rời xa… Đặc biệt, trong khi làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, Tàu Trường Sa 20 luôn sẵn sàng hỗ trợ ngư dân Việt đánh bắt xung quanh gặp nạn hay trường hợp cấp cứu khẩn cấp.

Một đợt thực hiện nhiệm vụ của Hoàng và những người đồng đội của mình trên biển thường vào khoảng 3-4 tháng. Thời gian tuy có dài, thời tiết tuy có khắc nghiệt nhưng đã là nhiệm vụ thì không nề hà. Anh em sinh hoạt trên tàu xa gia đình, thi thoảng gọi điện về nhà thăm hỏi tin tức, rồi những khi rảnh rỗi luyện tập thể thao, đọc sách báo…

Video những người lính với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại Quần đảo Trường Sa:

Giữa biển khơi mênh mông, xung quanh bốn bề là biển, nhiều năm qua, những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam của nhiều lực lượng khác nhau như hải quân, cảnh sát biển, quân y… kiên trì thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Trên các vùng biển, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách quản lý, duy trì thực thi pháp luật trên biển.

Thiếu tá Phan Thanh Hải - Thuyền trưởng Tàu Cảnh sát biển 8001, Hải đội 301, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 cho hay được công tác, cống hiến sức trẻ để làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa - nơi tuyến đầu của Tổ quốc là niềm vinh dự và tự hào. Tàu Cảnh sát biển thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, trực sẵn sàng chiến đấu tại khu vực đảo Sinh Tồn Đông được hơn 3 tháng. Nhiệm vụ Tàu Cảnh sát biển 8001 là tuần tra, kiểm soát thực thi pháp luật, góp phần bảo vệ chủ quyền của đất nước.

em-hai.png

Công việc hàng ngày của Hải và những người đồng đội tuần tra kiểm soát phối hợp với các đảo Trường Sa và các tàu khu vực để nắm chắc tình hình, báo cáo về sở chỉ huy các cấp xử lý các tình huống không để bị động, bất ngờ. Lực lượng Cảnh sát biển tuần tra, nắm bắt kịp thời mọi thông tin, tình hình diễn biến ở trên biển để đưa ra các phương án xử lý đúng đối sách của Đảng, Nhà nước, của Quân đội; bảo đảm thực thi đúng luật pháp trên các vùng biển.

Thuyền trưởng Tàu Cảnh sát biển 8001 cho hay những khó khăn chủ yếu xảy ra vào mùa sóng gió khi áp thấp nhiệt đới hay các cơn bão ập tới. Thế nhưng, các thành viên của tàu vẫn kiên trì thực hiện nhiệm vụ, dù điều kiện dài ngày trên biển, cơ sở vật chất có phần sẽ không đảm bảo.

anh-qoute-bai-1-so-5.png

Ngoài thực hiện nhiệm vụ, các chiên sỹ Tàu Cảnh sát biển còn thường xuyên hỗ trợ ngư dân về nước ngọt và lương thực.

“Mỗi người lính chúng tôi đều thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - ‘Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó.’- Vì vậy, chúng tôi càng ý thức sâu sắc hơn vai trò, trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ, chức trách được giao. Chúng tôi mong muốn và hy vọng được tiếp thêm sức mạnh để xây dựng quần đảo Trường Sa ngày càng vững mạnh cũng như hướng về xây dựng quê hương, đất nước,” Thuyền trưởng Tàu Cảnh sát biển 8001 cho hay.

Lớp lớp thế hệ với lý tưởng bảo vệ tổ quốc

Đến với đảo chìm Len Đao nằm trên rạn san hô thuộc địa giới hành chính xã đảo Sinh Tồn (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi trên đảo hầu như không có đất, chỉ hoàn toàn là những rặng san hô. Đảo nằm cách đá Gạc Ma khoảng 7,4 km về phía Đông Bắc và cách đảo Sinh Tồn khoảng 13km về phía Đông Nam.

Ngay khi tàu của đoàn công tác vừa cập bến, chiến sỹ hải quân Thiều Tấn Dương - tuổi đôi mươi với gương mặt rạng ngời, chút sạm đen, rắn rỏi vì sương gió biển vui mừng chia sẻ những lý tưởng, hoài bão khi được thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Quần đảo Trường Sa.

“Em ra đảo đã được 4 tháng, ban đầu mới ra đảo còn lạ lẫm, chưa quen với cái nắng, cái gió khắc nghiệt của thời tiết nơi đây, nhưng hơn tất cả là cảm xúc rất tự hào, là tinh thần của tuổi trẻ có thể vượt qua tất cả. Bởi đó là niềm hãnh diện và vinh dự vì được cống hiến, làm nhiệm vụ nơi vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc,” Dương tâm sự.

Dương cho hay được sống và bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng công sức và lý tưởng của lớp lớp thế hệ thanh niên hải quân hiện nay là niềm vinh dự của mỗi chiến sỹ trẻ nơi đây. Những bài học, những kinh nghiệm đã và đang trải nghiệm khi làm nhiệm vụ trên đảo sẽ là hành trang đi theo Dương suốt cuộc đời, để mỗi người lính hải quân trẻ góp một phần nhỏ trong sự nghiệp bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc như thế hệ đi trước đã gìn giữ bằng máu xương và tuổi Xuân của họ.

qoute-3.png

Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp - Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông cho biết những tình cảm gần gũi thân thương, ấm tình quân dân hay sự quan tâm chia sẻ của các đoàn công tác tại các đảo là nguồn cổ vũ, động viên to lớn, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để các chiến sỹ vững vàng vượt qua những khó khăn thách thức hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hay nói cách khác, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong những năm qua đã thực sự làm cho Trường Sa ngày càng gần với đất liền, thắt chặt hơn mối quan hệ máu thịt quân dân.

anh-logo-bai-1.png

Giữa biển khơi, được tận mắt chứng kiến các Nhà giàn DK1 vững chãi sừng sững giữa biển trời như một cột mốc đánh dấu chủ quyền thềm lục địa không thể phủ nhận của Việt Nam, mỗi người con đất Việt đều cảm thấy vô cùng tự hào và trào dâng niềm xúc động. Và càng cảm phục hơn khi những nhà giàn hiên ngang giữa biển Đông hiện đang được những người lính hải quân ngày đêm không quản ngại bao khó khăn, vất vả, hy sinh để canh giữ.

Trung tá Nguyễn Văn Khol - Chính trị viên nhà giàn DK1/16 Phúc Tần cho hay trên biển Đông, nhiệm vụ của các nhà giàn là lập các đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh cá và vận tải hàng hải đi lại trong vùng, đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn, làm nơi trú tránh bão và ứng cứu ngư dân... Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của DK1 là chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên nơi thềm lục địa.

anh-bai-2-cuoi.png

Trung tá Nguyễn Văn Khol kể: “Thực hiện nhiệm vụ ở nhà giàn luôn là thử thách và là cơ hội rèn luyện bản lĩnh đối với mỗi người lính Hải quân. Nhu yếu phẩm cấp cho nhà giàn từ hai đến ba tháng mới có một chuyến, điều kiện khó khăn nên mọi người đều phải cố gắng tăng cường trồng rau xanh, chăn nuôi lợn, gà, vịt hoặc câu cá dưới biển để cải thiện bữa ăn. Mỗi khi có đoàn công tác tới thăm, nhà giàn lại ‘vui như Tết’ vì tàu chở các đoàn đại biểu ra được tới Nhà giàn thường rất khó khăn và không phải đoàn nào cũng gặp được thời tiết thuận lợi để lên được Nhà giàn giao lưu với các chiến sỹ.”

Theo Trung tá Khol, các đoàn công tác đã mang hơi ấm đất liền đến với anh cùng các đồng đội. Không chỉ là những món quà vật chất mà quan trọng hơn cả là món quà tinh thần để các anh thêm niềm tin, chắc tay súng tại các nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam.

"Chúng tôi xin hứa với đồng bào, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh khó khăn phức tạp nào, chúng tôi cũng đều nêu cao quyết tâm, đứng vững trên thềm lục địa của Tổ quốc,” Trung tá Khol khẳng định.

Còn tại đảo Trường Sa lớn - "trái tim của quần đảo Trường Sa," Đại úy, thạc sỹ Lã Văn Tuấn - Bệnh xá trưởng, Chủ nhiệm quân y Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa cho hay Trung tâm được Đảng, Nhà nước và Quân đội đầu tư đồng bộ, với trang thiết bị y tế hiện đại, xứng đáng là điểm tựa tin cậy cho nhân dân và các lực lượng đang ngày đêm vươn khơi bám biển, canh giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trung tâm Y tế Trường Sa hiện có 4 tầng và sân thượng cùng 10 giường với đầy đủ các phòng chức năng như khám ngoại, khám nội, cấp cứu, phẫu thuật, phòng sinh, chụp X Quang, xét nghiệm...

Những năm gần đây Bệnh xá đảo Trường Sa được nâng cấp và triển khai nhiều kỹ thuật tương đương với bệnh viện hạng 2 ở trong đất liền để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên khu vực quần đảo Trường Sa.

Công tác chăm sóc y tế tại các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa.

Các kỹ thuật như phẫu thuật ruột thừa, cấp cứu, các trường hợp chấn thương nặng như chấn thương bàn tay, vết thương bụng, chấn thương ngực và một số trường hợp chấn thương sọ não… được các y bác sỹ Bệnh xá đảo Trường Sa đảm bảo tốt. Trung tâm còn tiếp nhận bệnh nhân từ các xã đảo khác đến chữa trị. Với những trường hợp nặng có đủ trang thiết bị trên đảo, các y, bác sỹ sẽ trực tiếp điều trị, còn với các trường hợp quá khả năng của trung tâm thì sẽ được đưa vào bờ chữa trị qua đường hàng không của Bệnh viện 175.

Hiện Trung tâm Y tế đảo Trường Sa làm tốt công tác, chăm sóc sức khỏe, khám điều trị cấp cứu ngư dân, tỷ lệ quân số khỏe đạt 99,8%.

Hệ thống y tế ngày càng hiện đại trên biển đảo giúp các cán bộ, chiến sỹ thêm chắc tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc đồng thời hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Đây cũng là cơ sở, là cột mốc sống chủ quyền của Việt Nam trên vùng Biển Đông cũng như khu vực quần đảo Trường Sa.

info.jpg

Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh

Để xây dựng nước Việt Nam thực sự trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển đồng thời tiếp tục nâng cao vị trí, tầm quan trọng của công tác đảm bảo an ninh biển/đảo, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trên cơ sở đó, ngày 05/3/2020, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành nghị quyết số 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.

qoute-4.png

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh một số quan điểm, chủ trương trong quản lý, đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới. Theo đó, thực hiện quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh của thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia-dân tộc.

Đảng và Nhà nước xác định sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là sức mạnh tổng hợp quốc gia, của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng, thế trận an ninh nhân dân, trong đó sức mạnh quốc phòng, an ninh giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Hiện nay, trong công tác xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh chính là những lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo như: Hải quân, Biên Phòng, Cảnh sát biển, dân quân tự vệ biển đủ mạnh, có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu ngày càng cao, tổ chức tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt, hiệu quả, cơ cấu tổ chức hợp lý giữa các thành phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.

Trên đảo, các chiến sỹ là lực lượng nòng cốt để đảm bảo an ninh, quốc phòng của biển đảo nhưng cũng là điểm tựa để bà con ngư dân làm ăn kinh tế trên biển. Những người lính của lực lượng hải quân, cảnh sát biển, quân y… chính là nhân chứng sống cho thấy việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới là vô cùng quan trọng./.

Bài 2: Khúc trường ca bất tử hòa vào những cơn sóng vỗ dập dềnh

a0b0ba76e10d4953101c.jpg
tac-gia.png