Bài 3: Thế trận lòng dân vững chắc - Sợi dây gắn kết Trường Sa với đất liền

Mega Story - Ngày đăng : 14:19, 24/12/2023

Trường Sa - nơi phên giậu Tổ quốc, không chỉ có cán bộ, chiến sỹ ngày đêm canh giữ, bảo vệ biển đảo, mà ở đó còn có những tổ ấm tràn đầy niềm vui và lạc quan.
Mega Story

Bài 3: Thế trận lòng dân vững chắc - Sợi dây gắn kết Trường Sa với đất liền

{Tên tác giả} 24/12/2023 14:19

Trường Sa - nơi phên giậu Tổ quốc, không chỉ có cán bộ, chiến sỹ ngày đêm canh giữ, bảo vệ biển đảo, mà ở đó còn có những tổ ấm tràn đầy niềm vui và lạc quan.

giang-bien-dong-4-.png

Trường Sa - nơi phên dậu Tổ quốc, không chỉ có cán bộ, chiến sỹ ngày đêm canh giữ, bảo vệ biển đảo, mà ở đó còn có những tổ ấm tràn đầy niềm vui và lạc quan. Với mỗi người dân, họ rất tự hào vì đang ngày đêm góp phần gìn giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Con đường vào nhà những hộ dân trên đảo Trường Sa đã được bê tông hóa sạch sẽ. Dưới gốc cây bàng vuông cổ thụ, những đứa trẻ đang ríu rít vui đùa. Bên trong các căn nhà cấp 4 khang trang của chị Nguyễn Thị Mỹ Dung hay gia đình anh Nguyễn Minh Vinh, gia đình chị Trần Minh Cúc… hôm nay và nhiều ngày gần đây trở nên nhộn nhịp, tấp nập hơn thường lệ. Bởi đây là khoảng thời gian nhiều đoàn công tác ra thăm và làm việc tại đảo Trường Sa.

Người hoạ sĩ với niềm đam mê ở đảo xa

Đến với Thị trấn Trường Sa, khi hỏi thăm tới nhà chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, hầu như chiến sỹ và hộ dân nào cũng biết và chỉ dẫn tới “nhà Dung họa sĩ”.

Cẩn thận nắn nót từng nét chữ và các hoạ tiết vẽ trang trí, từng vỏ ốc, từng nhánh, san hô…, qua bàn tay sáng tạo của chị Dung như khoác lên mình diện mạo mới, tạo thành một bức tranh sống động và đầy cuốn hút, trở thành một món quà mang đầy ý nghĩa từ nơi đảo xa.

Chị kể, từ nhỏ chị đã rất thích vẽ, ban đầu làm bạn với cây cọ, màu vẽ. Với năng khiếu hội họa của mình, chị Nguyễn Thị Mỹ Dung - một trong những cư dân của đảo Trường Sa đã vận dụng sự khéo léo của đôi bàn tay, biến những vỏ ốc, san hô biển trở nên màu sắc, ý nghĩa hơn.

anh-bai-giang-facebook-7-copy.png

Những bài thơ được chị viết khéo léo trên các vỏ ốc, đá san hô như:

“Trường Sa biển cát mênh mông

Sóng trập trùng

Trường Sa hùng vĩ đứng ung dung”

Vừa trang trí cho những sản phẩm của mình, chị Dung kể về cuộc sống ở nơi đảo xa. Chị tâm sự chưa từng nghĩ niềm đam mê và năng khiếu vẽ tranh có một ngày lại được thể hiện ở nơi tuyến đảo xa xôi của Tổ quốc. Ban đầu chị chỉ vẽ cho vui, bởi ở ngoài đảo có khá nhiều thời gian rảnh rỗi. Dần dà, những sản phẩm của chị được nhiều người yêu thích và đến “đặt hàng” như một món quà ý nghĩa gửi cho người thân. Sau đó, chị Dung vẽ càng nhiều hơn, vừa để kiếm thêm thu nhập, cũng là để truyền thêm một thông điệp ý nghĩa từ Trường Sa cho những ai yêu thích.

Những món quà ấy được các cán bộ, chiến sỹ hay các đại biểu ra thăm Trường Sa mang về đất liền cùng với cây, quả bàng vuông.

“Mình không đề giá nên mọi người tới thấy yêu thích có thể chọn lựa các sản phẩm có sẵn hoặc muốn viết chữ vẽ gì ngay trên đó tôi sẽ vẽ theo ý của khách. Còn tùy tâm mọi người gửi cảm ơn như thế nào cũng được,” chị Dung cười tươi và nói.

anh-bai-3-chi-dung.png

Thông qua mỗi nét vẽ, chị Dung mong muốn gửi gắm vào đó là những kỷ niệm sống động về đảo Trường Sa để mỗi người ngắm sản phẩm đều thấy tâm hồn mình như được trở về, nhớ lại quãng thời gian ở nơi biển đảo xa xôi đầy thiêng liêng của Tổ quốc.

anh-bai-giang-facebook-7-.png

Thế nhưng để có được những sản phẩm đẹp mắt như thế cũng không đơn giản. Chị Mỹ Dung cho hay số lượng vỏ ốc ngày càng khan hiếm trong khi để có được những tác phẩm ưng ý, chị phải chọn những con ốc lành lặn, không sứt mẻ, có hình dáng đẹp.

“Vẽ lên tranh, giấy thì rất dễ còn vẽ lên ốc, lên đá thì phải cẩn thận hơn bởi ốc và đá san hô bề mặt không bằng phẳng, chất liệu không dễ bám dính… Chính vì thế tôi mất nhiều công để nghiên cứu rồi lựa chọn những loại màu thích hợp để có thể vẽ lên mặt bóng, mặt đá, màu nào vẽ mà không trôi, không lem,” chị Dung cho biết.

Những tổ ấm nơi vùng biển đảo

Ở quần đảo Trường Sa, mỗi con người, mỗi cảnh vật… dường như cũng đều là một câu chuyện khiến ai từng có cơ hội một lần ra tới vùng biển đảo xa xôi này phải suy ngẫm và trân trọng.

Thấp thoáng bên cạnh những cây bàng vuông xanh mướt, những nóc nhà cấp 4 mái ngói đỏ tươi của các hộ dân trên đảo Trường Sa lớn. Nơi ấy là “ngôi làng” nhỏ bé, bình dị giữa vùng đảo xa...

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Dung tình nguyện ra Trường Sa sinh sống từ năm 2018. Anh chị có hai con, cháu gái năm nay 7 tuổi, còn cháu trai hơn 2 tuổi. Chồng chị là dân quân tự vệ trên đảo, chị ở nhà nội trợ.

Chị Dung cho hay so với trước đây, cuộc sống trên đảo giờ đã thay đổi nhiều, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, điều kiện sinh hoạt ngày càng tốt hơn, các con được tới trường học. Chị và những người dân sinh sống trên đảo luôn tự hào mình là công dân Trường Sa, luôn một lòng cùng chung tay, chung sức đồng lòng, gắn kết tình cảm quân dân để xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc nơi phên dậu của Tổ quốc.

Chị Dung cho biết các hoạt động văn hóa, văn nghệ, phục vụ đời sống tinh thần cho người dân trên đảo diễn ra thường xuyên.

Video các em bé trên Đảo Trường Sa biểu diễn văn nghệ:

Gia đình anh Đặng Trung Hiền và chị Trần Minh Cúc ra đảo đã vài năm nay. Anh chị đã có hai con. Cháu nhỏ mới gần 2 tuổi. Anh Hiền tâm sự hàng ngày, anh và các hộ gia đình tăng gia sản xuất, vừa trồng rau, vừa chăn nuôi gà vịt… Dù xa đất liền, ở ngoài biển đảo tách biệt còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ trực tiếp của lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sỹ trên đảo và của Đảng và Nhà nước nên gia đình anh cũng như bà con trên đảo rất phấn khởi, thấy ấm lòng hơn, yêu mến gắn bó với biển, đảo hơn.

qoute-2.png

Anh Hiền cười bảo: “Tôi nghĩ sau này con mình sẽ rất tự hào kể về Trường Sa, nơi cháu sinh ra, lớn lên và biết đâu sẽ trở thành chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam”.

Đến với gia đình anh Ngân Văn Vĩnh, chị Thiều Thị Xoan, nhiều thành viên trong đoàn chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì mảnh vườn nhỏ trước sân phủ màu xanh mướt mát của giàn bầu, bí và giậu mùng tơi phủ kín bờ rào cùng nhiều chậu rau để phục vụ cho nhu cầu hàng ngày.

Anh Vĩnh cho hay vợ chồng anh quê ở Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hai vợ chồng anh tình nguyện đăng ký ra Trường Sa sinh sống từ năm 2018 và đã có hai con. Anh Vĩnh tham gia lực lượng dân quân của thị trấn được 2 năm nay, còn chị Xoan ở nhà làm nội trợ. “Ra sinh sống ở đảo Trường Sa, tôi càng thấy yêu và gắn bó với cuộc sống ở đảo nhiều hơn. Các cán bộ, chiến sĩ luôn quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân dân,” anh Vĩnh nói.

Các hộ dân trên đảo không phân biệt quê quán, luôn đùm bọc, yêu thương nhau. Những người vợ chịu thương, chịu khó, động viên nhau làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ để chồng yên tâm tham gia dân quân hay đánh bắt thủy sản, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình, cùng nhau bảo vệ biển đảo quê hương.

anh-bai-giang-facebook-9-copy.png

Hàng ngày, những người đàn ông trong các gia đình tham gia đội ngũ dân quân tự vệ, đoàn thanh niên cùng bộ đội thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo, còn những người phụ nữ ở nhà cần mẫn trồng rau, nuôi heo, gà và chăm con học hành. Cuộc sống bình dị của họ cứ trôi qua mỗi ngày, không ồn ào, vội vã, tấp nập như những nơi phố thị. Tuy còn những khó khăn nhất định nhưng cuộc sống của họ luôn ấm áp tình người, tình quân dân. Những mái ấm được chính quyền, cán bộ, chiến sĩ trên đảo chở che, tạo điều kiện về mọi mặt.

Ở quần đảo Trường Sa, hiện có 3 đảo có người dân sinh sống gồm Thị trấn Trường Sa (Đảo Trường Sa Lớn), Đảo Song Tử Tây và Đảo Sinh Tồn. Những đôi vợ chồng tình nguyện ra đảo ở độ tuổi 30-45, có 1 hoặc 2 con, sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau. Các hộ dân cùng những thế hệ công dân sinh ra, lớn lên tại đây không chỉ minh chứng cho sự sinh tồn trên huyện đảo Trường Sa mà còn là sự tiếp nối các thế hệ quân - dân trong việc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

truong-sa-dao-2.jpg
Đảo Trường Sa. (Ảnh: Thuỳ Giang/Vietnam+)
truong-sa-dao-1.jpg
Đảo Trường Sa và các công trình kỹ thuật. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
uom-cay.jpg
Vườn hoa lan do các chiến sỹ trên đảo Trường Sa trồng và chăm sóc. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Họ là những người dân xây dựng tổ ấm trên đảo Trường Sa, vượt qua sóng gió để nuôi dưỡng những công dân nhí của biển khơi. Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung kể tuy điều kiện biển đảo còn thiếu thốn so với đất liền nhưng thứ quý giá nhất mà mỗi công dân nhỏ ở Trường Sa nhận được chính là tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo, ấm áp bên cạnh một gia đình lớn có bố mẹ, thầy giáo và bộ đội.

Nơi đầu sóng ngọn gió, cuộc sống của những hộ dân tuy giản dị nhưng thắm tình quân dân đã phần nào giúp bà con vơi đi khó khăn. Quân dân một lòng cùng chung tay, chung sức đồng lòng để xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

qoute-3.png

Thượng tá Phạm Thế Nhương - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho hay cán bộ, chiến sỹ, người dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa hôm nay luôn khắc phục khó khăn, tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên, sẵn sàng chiến đấu, làm điểm tựa để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thế hệ sau rất biết ơn công lao, công sức, sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước bằng những việc làm cụ thể.

Trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho hay ngoài những nội dung huấn luyện chiến đấu, cán bộ, chiến sỹ xây dựng đảo, xây dựng các cụm chiến đấu sẵn sàng trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ.

Từ một quần đảo thừa nắng gió, thiếu nước ngọt thì nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân cả nước, Trường Sa đã thay da đổi thịt, ngày càng hiện đại, đủ đầy hơn, khang trang hơn. Các công trình hạ tầng trên đảo được xây dựng khoa học, đường đi, lối lại đều được bê tông hoá 100%, sạch sẽ.

Trên nền cát trắng và san hô đã được phủ một màu xanh mướt của những tán cây bàng vuông, phong ba, dừa, đu đủ, rau xanh… đã góp phần làm “thay da đổi thịt” Trường Sa, kéo gần khoảng cách với đất liền./.

Bài 4: Hành trình Trường Sa kết nối người Việt khắp 5 châu

imgl9874.jpg
tac-gia-copy.png