Những “phát súng” dồn dập từ thiên tai: Mất mát, đau thương

Mega Story - Ngày đăng : 14:13, 28/12/2023

Người xưa thường nói: “Đừng ăn quá no để dạ dày còn co bóp, đừng mặc quá ấm để còn cảm nhận thời tiết.” Thiên nhiên, môi trường cũng vậy, nếu o ép quá sẽ gây ra hệ lụy khôn lường. Vậy nên hãy bớt ăn mấy miếng, nhịn thèm hơn đau!
Mega Story

Những “phát súng” dồn dập từ thiên tai: Mất mát, đau thương

{Tên tác giả} 28/12/2023 14:13

Người xưa thường nói: “Đừng ăn quá no để dạ dày còn co bóp, đừng mặc quá ấm để còn cảm nhận thời tiết.” Thiên nhiên, môi trường cũng vậy, nếu o ép quá sẽ gây ra hệ lụy khôn lường. Vậy nên hãy bớt ăn mấy miếng, nhịn thèm hơn đau!

bia1baihungsatlopng.png

Người xưa thường nói: “Đừng ăn quá no để dạ dày còn co bóp, đừng mặc quá ấm để còn cảm nhận thời tiết.” Thiên nhiên, môi trường cũng vậy, nếu o ép quá sẽ gây ra hệ lụy khôn lường. Vậy nên hãy bớt ăn mấy miếng, nhịn thèm hơn đau!

Tiếc rằng lời răn của người xưa đã không được người nay đếm xỉa.

Trong cuộc đua “phát triển trước - chạy chữa sau,” cùng với sự tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, “nhân tai” đã trở thành một trong những nguyên nhân chính châm ngòi cho những “phát súng” dồn dập từ thiên tai.

Những thảm họa sạt lở đất đá dồn dập đổ ập xuống, gây thiệt hại nặng nề về người, “vùi lấp” rất nhiều tài sản của nhân dân và tiêu tốn ngân sách của Nhà nước trong suốt nhiều năm qua …

thiet-ke-chua-co-ten-1-.png

Những ngày giữa tháng 8/2023, trời mưa rả rích ở nhiều nơi trên cả nước. Sau mỗi trận mưa lớn, trượt lở đất lại dồn dập xảy ra. Đến nỗi, như chia sẻ của chuyên gia nghiên cứu về tai biến địa chất, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường): “Có vẻ như cả xã hội đang bị bất ngờ trước trượt lở đất, không biết thế nào mà ứng xử.”

Câu nói của vị chuyên gia trên, khiến chúng tôi không khỏi giật mình, bởi hiện tượng trượt lở đất không chỉ gây thiệt hại về tài sản, kinh tế mà còn “kéo theo” chết người.

canva.jpg

Vì thế, sau một loạt “thảm họa” thiên tai (như sạt lở đất nghiêm trọng trên đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; sạt lở đất đá taluy dương trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh ở Đắk Nông, Yên Bái, Lai Châu,… gây thiệt hại nặng nề về người và của), phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã lên kế hoạch đi thực tế tại một loạt khu vực “điểm nóng” về sạt lở trên cả nước để ghi nhận thực trạng; qua đó đưa ra hồi chuông cảnh báo, góp phần hạn chế các sự cố tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Theo kế hoạch, chúng tôi đã chọn Yên Bái là điểm đến đầu tiên cho hành trình tiếp cận các “điểm nóng” thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề do lũ quét, sạt lở đất đá gây ra. Đây cũng là địa phương có số người tử nạn (trong đó có cả đồng nghiệp Thông tấn xã Việt Nam của chúng tôi - nhà báo trẻ Đinh Hữu Dư) và gây thiệt hại về tài sản, kinh tế nặng nề nhất ở trên cả nước trong suốt nhiều năm qua.

mua.png
Nhiều diện tích hoa màu của người dân xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên bị ngập nặng trong trận mưa lớn diễn ra hôm 7/10

Gần đây nhất, trận mưa lớn xảy ra vào đêm mùng 6, rạng sáng 7/10 đã khiến nhiều khu vực ở trên địa bàn Yên Bái bị sạt lở nghiêm trọng.

Ngoài tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai (đoạn qua địa phận xã Yên Thái, huyện Văn Yên) bị sạt lở taluy âm dài khoảng 30m nên phải tạm dừng tất cả các chuyến tàu, trên địa bàn xã này còn xảy ra gần trăm điểm sạt lở ven đường và các sườn đồi ven nhà dân.

Trong đó, thương tâm nhất là vụ sạt lở đồi tại thôn Gốc Nhội, đã vùi lấp nhà cửa của hộ ông Nguyễn Quyết Tiến và bà Phạm Bích Liên, khiến 2 người này thiệt mạng.

Đến thời điểm ngày 21/10, ghi nhận của chúng tôi cho thấy nhiều điểm sạt lở vẫn chưa thể khắc phục xong. Điển hình như dọc theo tuyến đường tỉnh lộ 163 từ thành phố Yên Bái đến huyện Văn Yên, chỉ hơn 30km, song chúng tôi ghi nhận có tới hàng chục điểm sạt lở sườn đồi ven đường. Trong đó, sạt lở dày nhất, tập trung ở khu vực giáp ranh giữa xã Báo Đáp và xã Yên Thái (thuộc huyện Văn Yên).

Đáng chú ý, có những đoạn trong bán kính 100m nhưng có tới 3 điểm sạt lở khác nhau. Tại hiện trường vẫn còn ngổn ngang đất đá tràn xuống lòng đường. Xót xa nhất là vị trí sạt lở đồi nghiêm trọng đã vùi lấp nhà cửa của hộ ông Tiến, bà Liên, khi tại hiện trường là một bãi đất đổ nát, ngùn ngụt khói hương u ám, lạnh lẽo.

screenshot_6.png
Bà Vũ Thị Sa kể với phóng viên về câu chuyện thương tâm của hàng xóm

Trong câu chuyện với người viết sau hơn 10 ngày kể từ khi xảy ra vụ việc trên, bà Vũ Thị Sa (ở thôn Gốc Nhội, xã Yên Thái) vẫn chưa hết bàng hoàng và không ít lần bà phải lấy tay gạt nước mắt khi nhắc lại vụ việc thương tâm xảy ra với hàng xóm.

Bà Sa kể vụ sạt lở trên xảy ra giữa đêm khuya. Hôm đó trời mưa rất to, lại mất điện, nên cả thôn dường như “chìm” trong giấc ngủ. Hơn thế, ở quanh khu vực này, những năm trước, thi thoảng cũng xảy ra sạt lở, nhưng toàn sạt lở nhỏ ở ven đường.

Vì thế, người dân Gốc Nhội cũng không thể ngờ rằng hôm đó là đêm định mệnh - khi mưa lớn như trút nước, khiến hàng nghìn khối đất đá từ trên các sườn đồi trồng quế đổ ập xuống, đã vùi lấp ruộng đồng, nhà cửa của nhân dân; khiến ông Tiến, bà Liên bị chôn vùi thương tâm ngay trong chính ngôi nhà của mình.

anh-tuan-anh-ttxvn.jpg
Yên Bái là điểm đến đầu tiên trong hành trình của nhóm.
anh6.png
Hiện trường vụ sạt lở đồi tại thôn Gốc Nhội khiến ông Nguyễn Quyết Tiến và bà Phạm Bích Liên thiệt mạng.

“Đau xót quá chú ạ. Vụ sạt lở trên xảy ra trong đêm nhưng phải tới sáng cùng ngày, sau khi biết tin thời điểm xảy ra sạt lở, trong nhà có ông Tiến, bà Liên, chồng tôi và người dân trong thôn mới kéo nhau ra hiện trường đào bới và sau đó tìm thấy thi thể của hai người. Giá mà hôm đó phát hiện sớm, ngay khi sạt lở xảy ra, có khi người dân đã cứu được hàng xóm,” bà Sa rưng rưng nói.

Đưa tay lau vội dòng nước mắt lăn trên gò má, bà Sa nói thêm: “Ông Tiến, bà Liên có 4 người con (3 cô con gái và 1 cậu con trai) nhưng chỉ có một căn nhà, nên sau vụ sạt lở, con cái cũng không có chỗ để thờ bố mẹ, mà phải gửi ở nhà thờ.”

Trong khi đó, sau “thảm họa” thiên tai trên, gia đình bà Hoa cũng như những người dân khác ở thôn Gốc Nhội ai cũng hoang mang, lo sợ mỗi khi nghe tin mưa bão sắp đến.

quotebai1.jpg

Bởi lẽ, ở xung quanh khu vực xảy ra sạt lở trên, hầu hết là những quả đồi đang được người dân khai thác để trồng cây quế, cây keo. Ngay dưới chân của dãy đồi trải dài khắp thôn là hàng loạt ngôi nhà của dân, đường và đồng ruộng.

“Thảm họa sạt lở trên đã cảnh tỉnh chúng tôi, buộc chúng tôi - những người may mắn hơn còn được sống, không thể chủ quan trước thiên tai, sạt lở,” bà Sa nói.

titphu2.png

Không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người, thiên tai (nhất là lũ quét, sạt lở đất) xảy ra dồn dập trong thời gian qua, còn khiến nhiều địa phương trên cả nước bị thiệt hại nặng nề về tài sản, kinh tế.

Số liệu tập hợp từ Tổng cục Thống kê trong vòng 10 năm trở lại đây (kể từ năm 2014 đến nay) cho thấy thiên tai đã làm 2.112 người chết và mất tích; thiệt hại về tài sản do thiên tai ước tính lên tới gần 170.000 tỷ đồng.

Rê chuột lên các cột để xem con số chi tiết

Rê chuột lên các cột để xem con số chi tiết

Điều đáng nói là, phần lớn các khu vực thường xuyên phải “hứng chịu” thiên tai lại tập trung ở các địa phương vùng núi, điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn.

yenbaisatlo1.png
10 tháng đầu năm 2023, tại Yên Bái, thiên tai đã làm 8 người chết; 1.612 căn nhà, 7 điểm trường, 10 công trình văn hoá, y tế và 169 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng. (Ảnh Tuấn Anh/TTXVN)
lu-quet-yen-bai.png
Hình ảnh sau một trận lũ quét ở Yên Bái. (Ảnh Tuấn Anh/TTXVN)
screenshot_22.png
Cùng ở vùng Tây Bắc, Lào Cai cũng là tỉnh thường xuyên phải chịu ảnh hưởng bởi 19/22 loại hình thiên tai, nhất là lũ quét và sạt lở đất.
screenshot_20.png
Những trận mưa lớn xảy ra từ đầu năm 2023 đến nay đã khiến hàng nghìn khu vực sườn đồi, đoạn đường giao thông tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang bị hư hỏng
screenshot_25.png
Sạt lở sườn đồi ven đường giao thông xảy ra phổ biến ở trên các tuyến đường ở tỉnh Cao Bằng

Yên Bái là một ví dụ điển hình. Đây là tỉnh miền núi thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc - khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất so với cả nước.

Mặc dù, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 12,92% (so với 32,21% - cao thứ 6 so với cả nước, vào đầu giai đoạn 2016-2020), song điều kiện kinh tế-xã hội của Yên Bái vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những thách thức đó là thiên tai.

screenshot_15.png
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn nói về tình hình thiên tai ở tỉnh

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về thực trạng trên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn, cho hay trong giai đoạn từ năm 2017-2022, trên toàn tỉnh này đã xảy ra 102 đợt thiên tai, làm 91 người chết, 82 người bị thương; 20.512 căn nhà, 1.412 công trình hạ tầng bị hư hỏng và thiệt hại nhiều tài sản khác. Tổng thiệt hại lên tới 3.211 tỷ đồng.

Riêng trong 10 tháng đầu năm 2023, thiên tai đã làm 8 người chết; 1.612 căn nhà, 7 điểm trường, 10 công trình văn hoá, y tế và 169 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng; 60.000 m3/225 vị trí sạt lở taluy dương, 475m/22 vị trí sạt lở taluy âm nền mặt đường; trên 95.000m3 đất đá bị sạt lở tuyến đường dẫn đến các trung tâm xã...

screenshot_14.png
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus

Ngoài ra, các nhà máy thủy điện Hồ Bố, thủy điện Mường Kim, thủy điện Ma Lừ Thàng cũng bị sạt lở, bồi lấp bùn đất, ngừng vận hành; 132 cột điện bị gẫy, đổ và có nguy cơ sạt lở, 12.500m dây điện bị đứt; 51 trạm di động BTS bị mất liên lạc và thiệt hại tài sản khác. Ước tính thiệt hại trong 10 tháng qua khoảng 420 tỷ đồng.

Cùng ở vùng Tây Bắc, Lào Cai cũng là tỉnh thường xuyên phải chịu ảnh hưởng bởi 19/22 loại hình thiên tai, nhất là lũ quét và sạt lở đất.

Thông tin với người viết, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - ông Tạ Công Huy cho hay trong những năm gần đây, thiên tai diễn ra ngày càng cực đoan, bất thường, đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng của Nhà nước và nhân dân.

screenshot_21.png
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai Tạ Công Huy chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus

“Riêng từ năm 2013 đến tháng 9/2023, thiên tai làm 147 người chết, mất tích; 148 người bị thương; 38.647 ngôi nhà, trên 35.000 hécta lúa, hoa màu cùng nhiều công trình cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi bị hư hỏng. Thiệt hại về kinh tế 5.136 tỷ đồng. Trong đó, từ đầu năm 2023 đến nay, thiên tai đã làm 11 người chết và mất tích, 7 người bị thương; 638 ngôi nhà, 12.475 ha lúa, hoa màu, cây lâm nghiệp bị hư hỏng. Tổng thiệt hại khoảng 1.115 tỷ đồng,” ông Huy buồn rầu nói.

Cũng như Lào Cai, ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang (thuộc vùng Đông Bắc) cho thấy những trận mưa lớn xảy ra từ đầu năm 2023 đến nay, cũng đã khiến hàng nghìn khu vực sườn đồi, đoạn đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng. Trong đó, tại thời điểm đầu tháng 10/2023, rất nhiều điểm sạt lở vẫn còn ngổn ngang đất đá tràn xuống lòng đường.

screenshot_23.png
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh

Chia sẻ thực trạng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh, cho hay những năm gần đây, tình hình thời tiết ở trên địa bàn diễn biến rất phức tạp và không theo quy luật tự nhiên.

Các loại hình thiên tai (nhất là mưa lớn, lũ ống, lũ quét, mưa đá, sạt lở đất…) thường xuyên xảy ra đã gây thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.

screenshot_24.png
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus

“Riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra 15 đợt thiên tai, đã gây thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tổng thiệt hại, ước tính khoảng gần 200 tỷ đồng. Đặc biệt, đợt mưa lớn từ đầu tháng 8/2023 đã gây lũ, lũ quét, ngập úng, sạt lở đất, đá, ảnh hưởng nặng nề,” ông Ánh chia sẻ.

Ngược vào khu vực miền Trung, thiên tai cũng đã khiến các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam,… bị ảnh hưởng nặng nề.

Đơn cử như tại Nghệ An, theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh này, trong 9 tháng đầu năm 2023, thiên tai đã khiến 1 người chết, 3 người bị thương, 12 ngôi nhà thiệt hại hoàn toàn, 5 điểm trường bị ảnh hưởng; 1.521 ha lúa bị hư hại,... Ước tính tổng thiệt hại về tài sản khoảng hơn 53 tỷ đồng.

Riêng với hiện tượng sụt lún, sạt lở đất, đến thời điểm hiện tháng 9/2023, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An, ghi nhận xuất hiện 373 vị trí đã xảy ra sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sụt lún, sạt lở đất, đá, ảnh hưởng đến nhà cửa, tài sản, hạ tầng cơ sở cũng như gây tâm lý bất an cho 9.881 hộ dân đang sinh sống trong khu vực.

titphu3bai1.jpg

Từ những số liệu trên cho thấy tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn. Trong đó, có những vụ việc dù đã xảy ra cách đây 3 năm (như thảm họa kép sạt lở xảy ra ở Rào Trăng khiến 30 cán bộ chiến sĩ và công nhân thủy điện bị tử nạn; sạt lở núi tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 khiến 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp), nhưng đến nay vẫn còn hiện hữu nỗi lo, ám ảnh với người sống.

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, anh Hoàng Đức Hòa (sinh năm 1977, ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), không ít lần thở dài khi nhắc tới vụ sạt lở đồi đặc biệt nghiêm trọng ở ngay sau doanh trại của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, cách nhà anh chỉ khoảng 400m.

screenshot_28.png
Anh Hòa chỉ về phía dãy núi sau nhà, nơi tiếp tục xuất hiện một số vết nứt mới sau vụ sạt lở hồi năm 2020.

Cùng thời điểm với sự cố trên, những trận mưa lớn kéo dài, dầm dề từ ngày này qua ngày khác đã khiến nhiều khu vực ở trên địa bàn các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa) chìm trong “biển” nước; đất đá ở hai bên sườn đồi trượt lở chia cắt đường giao thông; tài sản của người dân bị nước nhấn chìm, cuốn trôi.

Đáng chú ý, sau vụ sạt lở trên, ở dãy núi phía sau nhà anh Hòa tiếp tục xuất hiện một số vết nứt mới. Cũng bởi thế, từ sau vụ sạt lở núi nghiêm trọng trên, gia đình anh (gồm vợ chồng và 2 con nhỏ) rất lo lắng mỗi khi nghe tin mưa bão sắp tới.

“Bình thường, nắng thì không sao, chứ mỗi khi mưa bão đến là rất sợ. Như nhà tôi còn có con nhỏ, lỡ sạt lở xảy ra vào buổi tối sẽ rất nguy hiểm,” anh Hòa trăn trở.

anhghepbai1satlosuacuoicung.jpg

Khi được hỏi anh có tính chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn không? Người đàn ông ngoài 45 tuổi, thở dài cho hay: “Ở đây thôi, chứ biết đi mô (đâu)? Nhà thì cũng không dám xây vì điều kiện kinh tế còn khó khăn và địa chất ở đây cũng không ổn định. Lo lắm,” anh Hòa chia sẻ và cho biết hiện trên địa bàn thôn Cợp có hơn 180 hộ dân, trong đó nhiều hộ gia đình cũng đang sống trong những “căn nhà tạm.”

Cách thôn Cợp khoảng 7km, người dân ở thôn Làng Mới (xã Hướng Sơn) cũng không khỏi lo lắng khi chúng tôi nhắc tới câu chuyện sạt lở. Trong câu chuyện với người viết, ông Hồ Văn Ta Hươi (người dân ở thôn Làng Mới) cho hay trước năm 2020, người dân nơi đây ít khi biết sạt lở là gì.

Thế nhưng, từ tháng 8/2020 trở lại đây, sạt lở xảy ra thường xuyên; nhất là đợt sạt lở nghiêm trọng do bão lũ xảy ra hồi tháng 10/2020, khiến cuộc sống của bà con bị đảo lộn hoàn toàn, rất vất vả.

bachauoquantri.png
Nhiều người dân xã Hướng Linh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) vẫn phải sống trong cảnh thấp thỏm với nỗi lo sạt lở

Trược tiếp dẫn chúng tôi đi “mục sở thị” các khu vực “điểm nóng” về sạt lở nghiêm trọng ở trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hướng Sơn - ông Lê Trọng Tường cũng không ít lần lắc đầu bảo “thảm họa do sạt lở gây ra quá khủng khiếp.”

Theo lời ông Tường, trận mưa lũ trên đã khiến khối đất đá “khổng lồ” ở trên các sườn núi đổ xuống, vùi lấp, chia cắt tuyến đường liên xã ở trên địa bàn, người dân thiệt hại nặng nề về tài sản. Ngoài ra, đất đá còn vùi lấp con suối với dòng nước trong xanh - vốn là nơi mà chính quyền địa phương từng mơ ước sẽ tận dụng để phát triển du lịch cộng đồng, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Thế nhưng, giờ đây, con suối ấy đã chìm trong đống đất đá ngổn ngang, không còn rõ hình hài.

bbb.jpg
Sau 3 năm xảy ra "thảm họa" sạt lở ở trên địa bàn xã Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), đến thời điểm tháng 10/2023, nhiều điểm, hiện trường vẫn ngổn ngang đất đá.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, trận “lũ chồng lũ, bão chồng bão” lịch sử trong tháng 10/2020 ở trên địa bàn Quảng Trị, đã khiến tỉnh này thiệt hại khoảng hơn 4.250 tỷ đồng. Trong đó sạt lở chia cắt cục bộ nhiều ngày ở các xã Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa).

Cho đến nay, sau 3 năm thiên tai đi qua, ghi nhận của người viết cho thấy nhiều đoạn đường trên địa bàn các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn, vẫn còn ngổn ngang sạt lở. Đáng nói là hiện nay Nhà nước, chính quyền địa phương vẫn đang phải “oằn mình” khắc phục lại đường, xây cầu để người dân qua lại, ổn định cuộc sống./.

Mời độc giả đón đọc Bài 2: “Phá rồi trông đợi vào Trời: Bao nhiêu tiền cũng không bù đắp nổi”

hungvo.jpg