“Phá rồi trông đợi vào Trời: Bao nhiêu tiền cũng không bù đắp nổi”
•28/12/2023 14:14
Tiếp tục hành trình đi sâu vào các “điểm nóng” thường xuyên xảy ra “thảm họa” thiên tai tại các địa phương trên cả nước, nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã ghi nhận rất nhiều cảnh tượng cho thấy sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ngày một nhiều chủ yếu là do nhân tai.
Tiếp tục hành trình đi sâu vào các “điểm nóng” thường xuyên xảy ra “thảm họa” thiên tai tại các địa phương trên cả nước, nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã ghi nhận rất nhiều cảnh tượng cho thấy sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ngày một nhiều chủ yếu là do nhân tai.
Điều đáng nói là để khắc phục hậu quả, Nhà nước đã phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để “chạy chữa.” Song, mức độ thiệt hại quá lớn nên tại nhiều địa phương - ngân sách như “trôi sông, đổ biển.”
Thực tế trên cũng đã được rất nhiều ý kiến chuyên gia, đại biểu quốc hội nhận định khi cho rằng: “Phá rồi trông đợi vào Trời, tiết kiệm 1 mà không nghĩ nó xảy đến thì Ngân sách Nhà nước phải bỏ ra đến 10, chứ 100 lần cũng không bù đắp nổi.”
Những thông tin, vụ việc mà chúng tôi đề cập ở trong bài trước, đã phần nào cho thấy hệ quả nghiêm trọng do thiên tai gây ra. Song đó cũng mới chỉ là những vụ việc điển hình trong số hàng trăm câu chuyện thương tâm mà chúng tôi đã được nghe, chứng kiến trong hành trình đi tìm hiểu thực tế tại gần 30 tỉnh, thành phố thường chịu ảnh hưởng lớn bởi thiên tai ở trên cả nước trong suốt hơn 3 tháng qua.
Điều đáng nói là, hầu hết các điểm sạt lở mà chúng tôi tìm hiểu đều nhận thấy có dấu vết của “bàn tay con người” (nhân tai) từ việc bạt núi, phá rừng…
Đơn cử như tại thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), do địa hình núi non hiểm trở, độ dốc cao, lượng mưa hàng năm lớn, cộng với sự “lấn sân” của đô thị hóa khi những tòa nhà xuất hiện trên những triền núi, sườn đồi ngày một dày, nên tình trạng sạt lở, lũ quét tại địa phương này cũng đang có xu hướng diễn biến phức tạp hơn.
Hệ quả của thiên tai gây ra là trong năm 2022, Sa Pa đã thiệt hại gần 39 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm 2023, Sa Pa tiếp tục phải hứng chịu nhiều trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, làm nhiều người chết, hư hỏng nhiều nhà cửa và hoa màu với tổng thiệt hại gần 300 tỷ đồng.
Trong đó, trận lũ lịch sử vừa xảy ra tại thị xã Sa Pa vào đêm 12, rạng sáng 13/9/2023, đã làm 6 người chết, 3 người mất tích và 7 người bị thương, ước tính tổng thiệt hại về tài sản, kinh tế vào khoảng 260 tỷ đồng.
Tại hầu hết các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị,… ghi nhận của phóng viên cũng cho thấy có tới hàng nghìn điểm sạt lở đất xảy ra ở các vị trí sườn đồi ven đường giao thông do không được kè chắn; và các vị trí đồi, rừng đã bị san gạt để trồng cây công nghiệp, xây công trình nhà ở.
Là địa phương xảy ra nhiều điểm sạt lở ven các đường quốc lộ, đường tỉnh ở vùng Đông Bắc, ông Nguyễn Công Doanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cao Bằng thẳng thắn cho hay: “Thực tế cho thấy không riêng tỉnh Cao Bằng mà hầu hết các tỉnh miền núi, do điều kiện địa hình đồi núi bị chia cắt, địa chất không đồng nhất, nên quá trình cải tạo (như san gạt, mở các tuyến đường giao thông chủ yếu qua đồi, núi) đã phá vỡ kết cấu ổn định tự nhiên; kết hợp mưa lớn, mưa kéo dài rất dễ xảy ra sạt lở tại các vị trí taluy của các đường giao thông.”
Mặt khác, về tâm lý xã hội, theo ông Doanh, việc bố trí xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng (như trụ sở, công trình xã hội,…) nhà ở gần đường giao thông để thuận tiện đi lại cũng đã và đang làm tăng về mặt rủi ro thiên tai. Do đó, khi xảy ra thiên tai tập trung phần lớn sạt lở taluy trên các tuyến đường giao thông.
Có chung quan điểm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình - ông Mai Văn Minh cũng nhận định bên cạnh nguyên nhân khách quan do điều kiện tự nhiên, các hoạt động của con người trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội cũng gây ảnh hưởng đến sạt lở núi, sông như: Xây dựng các công trình hạ tầng, đường giao thông qua các khu vực đồi núi; xây dựng nhà cửa, công trình ven sông, suối, ven biển; các hoạt động khai thác cát lòng sông trái phép…
“Bên cạnh đó, việc lấn chiếm rừng và đất rừng để trồng rừng keo, hay làm homestay, farmstay cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra sạt lở,” ông Minh nhấn mạnh.
Cũng như khu vực miền Bắc, miền Trung, từ đầu mùa mưa 2023 đến nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên cũng đã xảy ra hàng loạt vụ trượt, sạt lở đất tại các sườn đồi ven đường.
Đáng chú ý nhất là vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra ở trên đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã làm 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông đang công tác tại Trạm Cảnh sát Giao thông Mađagui hy sinh và 1 người nguyên chiến sĩ nghĩa vụ Công an tỉnh Lâm Đồng tử nạn khi đang thực hiện di dời phương tiện, đồ đạc.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy vị trí sạt lở trên nằm ngay dưới chân một mé đồi trồng sầu riêng. Dấu hiệu này, ngay sau đó đã được giới chuyên gia, các nhà khoa học nhận định là một trong những yếu tố làm tăng khả năng trượt, sạt lở đất.
Chia sẻ với người viết, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay ngoài yếu tố thiên tai (tổng lượng mưa khu vực Bảo Lộc lớn và kéo dài trên nền địa chất bị phong hóa, làm yếu các liên kết), việc thay thế rừng tự nhiên bằng rừng trồng hay cây lâu năm cũng làm gia tăng nguy cơ trượt lở đất đá vì rừng tái sinh hay cây trồng lâu năm có khả năng giữ nước rất hạn chế so với rừng tự nhiên.
“Thông thường các khu vực rừng trồng hay cây lâu năm đều có liên kết đất yếu hơn so với rừng tự nhiên. Ngoài ra, các hoạt động nhân sinh như xây dựng đường sá, thủy điện, hạ tầng, trong nhiều trường hợp cũng làm mất chân sườn dốc, mất ổn định sườn dốc, từ đó làm gia tăng nguy cơ sạt lở đất,” ông Hòa lưu ý thêm.
Có chung quan điểm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng khi cần không gian để phát triển, các hoạt động thay đổi bề mặt như chuyển đất rừng thành đất trồng cây, san gạt đất để làm nhà, làm đường, các hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện,… sẽ làm thay đổi cấu trúc bề mặt tạo nên nguy cơ sạt lở; và khi trời mưa kéo dài thì nguy cơ sạt lở sườn đồi, núi càng lớn hơn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống Thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp cũng nhấn mạnh bất cứ thay đổi nào do tác động của con người thì thiên nhiên sẽ có những thay đổi. Ông Hiệp cũng lưu ý với điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai bất thường như hiện nay thì tất cả tác động của con người tới tự nhiên, đều có thể gây ra hậu quả.
Cùng chịu sự tàn phá của thiên tai và nhân tai, những năm gần đây, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại các tỉnh, thành phố trên cả nước (đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long) cũng đang diễn ra rất nghiêm trọng, có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và người dân.
Đơn cử như tại tỉnh Phú Thọ, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của thiên tai kết hợp với các hoạt động của con người như khai thác cát, tình trạng sạt lở bờ Sông Thao, đoạn qua xã Bản Nguyên (huyện Lâm Thao) diễn ra ngày một nghiêm trọng. Nhiều hécta đất bãi trồng hoa màu của người dân bị nước sông cuốn trôi. Sạt lở đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng, công trình đê điều và tài sản của hơn 1.000 hộ dân.
Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường cho thấy nhiều đoạn Sông Thao bị sạt lở sâu vào bên trong khu vực bãi bồi là đất canh tác nông nghiệp. Trong đó, một diện tích lớn đất trồng chuối của người dân sau khi sạt lở, đã bị nước sông cuốn trôi. Tình trạng này khiến người dân ở khu 14, xã Bản Nguyên rất hoang mang, lo lắng.
“Cứ tình trạng này thì mất hết chú ơi. Ngày trước, gia đình tôi có 1 mẫu đất bãi bồi (tương đương với 3.600m2) để trồng chuối với chiều dài khoảng 130m tính từ mép đất bãi bên trong ra phía sông. Thế nhưng, đến nay chỉ còn lại khoảng hơn 20m, diện tích đất sạt lở mất hơn 1 nửa; tính ra thiệt hại khoảng 70 triệu đồng/năm so với trước,” ông Bùi Văn Thiệu, người dân khu 14, xã Bản Nguyên buồn rầu nói.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về thực trạng trên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Thọ - ông Trần Quốc Bình thẳng thắn cho hay các hoạt động khai thác khoáng sản, tác động của con người, dù ít hay nhiều cũng sẽ có tác động đến biến đổi khí hậu, thiên tai, sạt lở trong khu vực.
“Theo tôi, việc khai thác cát sỏi quá mức sẽ làm hạ thấp đáy sông, mực nước sông; từ đó sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, ít nhiều làm ra tăng nguy cơ xói lở bờ sông,” ông Bình nêu quan điểm và nhấn mạnh rằng thực trạng này xảy ra trên cả hệ thống sông chứ không riêng tỉnh Phú Thọ.
Nằm ngay bên cạnh, hiện tượng sạt lở bờ sông tại tỉnh “láng giềng” là Tuyên Quang cũng diễn ra phổ biến trên nhiều đoạn mép bờ sông Lô. Đơn cử khu vực sông Lô, đoạn qua xã Cấp Tiến (huyện Sơn Dương), nhiều điểm sạt lở đã “ăn” sâu vào hàng chục mét và kéo dài hàng trăm mét. Dưới lòng sông là một màu nước đục ngầu. Từ dưới dòng sông ngước lên hiện ra như một “thành quách” dựng đứng và có thể sẽ còn đổ ập xuống bất cứ lúc nào, cuốn theo hoa màu của người dân.
Trong khi đó, tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, liên tiếp trong khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển cũng diễn ra phổ biến và đang có xu hướng gia tăng mức độ nghiêm trọng tại nhiều địa phương (đặc biệt là tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Long An, Cần Thơ).
Theo thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134 kilômét. Trong đó có 281 điểm với 528km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần phải xây dựng công trình để bảo vệ.
Mới đây nhất, ngày 30/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre đã phải công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển huyện Ba Tri. Trong đó, khu vực sạt lở, xâm thực nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn xã Bảo Thuận với tổng chiều dài khoảng 4,7 kilômét làm ảnh hưởng trực tiếp đến 115 hộ dân và 15 căn nhà ở. Ngoài ra, xâm thực, sạt lở còn làm hư hỏng hoàn toàn 100m đường bê tông; sạt lở hoàn toàn 650m bờ bao,...
Cùng chung tình cảnh, trong 10 năm gần đây, hiện tượng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển cũng đang “lớn” dần ở tỉnh Tiền Giang. Theo đánh Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh này, tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường và mức độ nhanh hơn; gây mất đất sản xuất, đường giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, dân sinh của người dân.
Nói về nguyên nhân dẫn tới tình trạng sạt lở trên, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay ngoài các yếu tố thiên tai, các tác động không nhỏ của con người cũng góp phần làm cho diễn biến sạt lở ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long ngày càng trầm trọng hơn; trong đó phải kể đến việc xây dựng hồ chứa ở thượng nguồn đã giữ lại lượng bùn cát đáng kể về hạ lưu.
Cùng với đó, hoạt động khai thác cát trên sông Mekong cũng đang diễn ra mạnh mẽ tại tất cả các quốc gia, đặc biệt ở hạ lưu. Việc khai thác nước ngầm quá mức cũng diễn ra khá phổ biến ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là những nguyên nhân gây sụt lún, tác động không nhỏ tới sạt lở bờ sông, bờ biển.
Thông thường khi nhắc đến thiên tai, sạt lở, nhiều người thường nghĩ ngay đến các vùng miền núi Tây Bắc hay là các tỉnh ven biển miền Trung, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng bây giờ đã lên tận các tỉnh khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung Bộ (như Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) và thậm chí là cả Hà Nội.
Thực trạng trên khiến bất cứ ai quan tâm, xem hình ảnh, video clip hay đã tận mắt chứng kiến những khu rừng bị tàn phá tan hoang, thiên tai nổi loạn, lũ quét hoành hành, cũng có chung một nỗi hoang mang rằng: Lẽ nào lời nguyền của rừng xanh-“phá sơn lâm, đâm hà bá” đã hiển hiện qua những hậu quả nặng nề như đã thấy?
Một trong những vụ sạt lở được dư luận rất quan tâm trong thời gian vừa qua, đó là vụ sạt lở xảy ra ở thôn Phú Ninh, xã Minh Phú huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội (gần hồ Ban Tiện); trong đó điều đáng nói là tại quanh khu vực điểm sạt lở có nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng vì nằm trong quy hoạch đất rừng.
Nhìn nhận ở góc độ chuyên gia, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay bên cạnh nguyên nhân khách quan là do biến đổi khí hậu, chính các hoạt động nhân sinh của con người cũng khiến cho thiên tai ngày một khốc liệt hơn.
Theo ông Văn, đất không “nở” ra được, trong khi dân số càng ngày càng đông, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà cửa, phát triển kinh tế xã hội ngày càng tăng cao, nên con người ngày càng “lấn sân” tự nhiên. Do vậy, vai trò của các hoạt động nhân sinh trong việc gây ra thiên tai càng lớn hơn yếu tố khách quan là biến đổi khí hậu.
Dẫn ví dụ từ vụ sạt lở ở Sóc Sơn, ông Văn cho hay nếu nhìn vào dòng bùn đá dọc đường lấp hàng loạt xe ôtô thì trông khá giống như một trận lũ bùn đá, trượt dạng dòng. Nhưng nhìn rộng ra thì cơ bản xung quanh là nhà cửa, cây cối có vẻ như vẫn còn nguyên.
Trong khi đó, nếu một trận lũ quét sạt lở đất hay lũ bùn đá xảy ra thì khả năng nhiều là nó sẽ xảy ra trên diện rộng, càn quét cả một khu vực lớn chứ không chỉ tập trung vào trong phạm vi một con đường nhỏ hẹp như thực tế.
“Tôi có một cảm nhận ở khu vực này, một số diện tích rừng đã được chuyển sang thành trang trại và các chủ trang trại lại xây tường chắn, be bờ đắp lại để nước mưa từ trên sườn dốc chảy xuống không qua phần khu đất của trang trại. Sự tác động này vô hình chung khiến nước mưa khi đổ xuống sẽ bị làm mất một số đường chảy tự nhiên và bắt buộc phải tìm một dòng duy nhất - đó là đường giao thông. Vì vậy, ảnh hưởng của hoạt động nhân sinh là vô cùng lớn,” ông Văn nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Tân Văn cũng lưu ý ngoài sự tác động của các hoạt động dân sinh, làm công trình nhà ở, đường giao thông, tác động của các công trình thủy điện cũng tác động rất lớn đến hiện tượng trượt lở. “Mấy năm trước đã xảy ra một số vụ trượt lở liên quan đến thủy điện. Từ đó chúng tôi nhận thấy có ‘khoảng trống,’ chẳng hạn như trách nhiệm nghiên cứu khả thi cho các dự án thủy điện nhỏ và vừa hiện nay đang được giao cho các chủ đầu tư,” ông Văn nói.
Theo ông Văn, “lỗ hổng” trên là rất đáng lo ngại, bởi khi có sự cố xảy ra thì không chỉ chủ đầu tư mất người, mất tiền, mà cộng đồng địa phương ở bên dưới hạ lưu còn phải hứng chịu hậu quả, thậm chí là rất nặng. Trong khi, chủ đầu tư không thể có đủ năng lực, quyền hạn, trách nhiệm gánh chịu. Đây là việc cần phải điều chỉnh.
Có chung quan điểm, chuyên gia Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng thẳng thắn cho rằng sạt lở ngày một nhiều chủ yếu do nhân tai. “Thực tế trên cho thấy phá rồi trông đợi vào Trời, tiết kiệm 1 mà không nghĩ nó xảy đến thì ngân sách Nhà nước phải bỏ ra 10, thậm chí đến 100 lần cũng không bù đắp nổi,” ông Tùng trăn trở.
Liên hệ thực tế tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, chúng tôi nhận thấy trong những năm qua, do tác động của thiên tai và nhân tai, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển đã và đang có diễn biến rất phức tạp. Để khắc phục, Nhà nước cũng như các địa phương đã phải bỏ ra rất nhiều kinh phí để sửa chữa, cải tạo.
Tại tỉnh Tiền Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh này, trong 10 năm gần đây đã xảy ra trên 1.100 điểm sạt lở, với chiều dài khoảng 87,6 kilômét. Tỉnh này đã phải bỏ ra trên 775 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để khắc phục.
Riêng trong năm 2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết địa phương đã xử lý 78 điểm sạt lở với kinh phí 192,5 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh này vừa đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn để triển khai dự án xói lở bờ biển Gò Công, nhằm chắn sóng, bảo vệ đê biển…
Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các bộ, ngành liên quan, ngày 12/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cũng nhấn mạnh tình hình sạt lở ở vùng Vựa lúa số 1 Việt Nam ngày một gia tăng cả về tốc độ và phạm vi. Qua đó, bộ này đề xuất trước mắt bố trí kinh phí khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng kinh phí khoảng 13.648 tỷ đồng.
Với khoản kinh phí từ ngân sách Nhà nước bất đắc dĩ “phải chi” để khắc phục cho những thiệt hại do thiên tai và nhân tai gây ra kể trên (chưa phản ánh đầy đủ nguồn kinh phí “khổng lồ” mà Nhà nước phải bỏ ra tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước) đã phần nào cho thấy con người đang phải trả cái giá quá đắt khi tàn phá thiên nhiên./.
Mời độc giả đón đọc Bài 3: Ám ảnh bài học "nhân tai": Lấy cái chết của người thân để "thức tỉnh" người sống
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.