Mega Story

Ám ảnh bài học “nhân tai”: Lấy cái chết của người thân để “thức tỉnh” người sống

28/12/2023 14:16

Như chúng tôi đề cập trong bài trước, hệ quả nghiêm trọng do lũ quét, sạt lở đất đá gây ra là rất nghiêm trọng, trong đó bên cạnh yếu tố tự nhiên, chính “bàn tay con người” khi tác động quá mức vào thiên nhiên đã góp phần làm cho thiệt hại về người, tài sản mà người dân và Nhà nước phải gánh chịu ngày một nặng nề hơn.​

bia3baihungsatlopng.png

Như chúng tôi đề cập trong bài trước, hệ quả nghiêm trọng do lũ quét, sạt lở đất đá gây ra là rất nghiêm trọng, trong đó bên cạnh yếu tố tự nhiên, chính “bàn tay con người” khi tác động quá mức vào thiên nhiên đã góp phần làm cho thiệt hại về người, tài sản mà người dân và Nhà nước phải gánh chịu ngày một nặng nề hơn.​

Điều đáng nói là có những trường hợp bị tử nạn do lũ quét, sạt lở đất đá rất thương tâm - đã được cảnh báo trước bằng sự bức xúc, tiếng kêu cứu của chính người dân, song vì sự tắc trách của cán bộ quản lý, của lãnh đạo chính quyền địa phương cấp cơ sở, nên hệ quả đau lòng như “dòng chảy của lũ quét” cứ thế xảy ra.

Trong tận cùng nỗi đau, uất ức ấy, không ít người khi chia sẻ với chúng tôi đã nguyện cầu 2 chữ “giá như!” Và điều họ muốn gửi gắm là lấy “bài học nhân tai” gây ra cái chết thương tâm của người thân mình, để thức tỉnh người sống, cán bộ chính quyền địa phương cần phải phải có trách nhiệm, tôn trọng quy luật tự nhiên.

titphubai31.png

Một chiều tháng 10/2023, phường Duyệt Trung, thành phố Cao Bằng xanh ngắt trong nắng. Cái nóng cuối mùa Thu gay gắt như thể giữa đỉnh mùa Hè. Bên trong căn phòng trọ rộng khoảng 8m2 (nơi ăn, nghỉ của Dương Hiếu sinh năm 1992 và người mẹ đẻ 65 tuổi), lúc nào cũng lạnh lẽo, nghi ngút khói hương bởi đó cũng là nơi thờ người vợ trẻ sinh năm 1994 cùng 2 con ruột - bé gái 5 tuổi, bé trai 2 tuổi.

Nỗi đau mất một lúc 3 người thân do bờ kè đường giao thông sạt lở vùi lấp ở trong chính ngôi nhà cấp bốn (ngay bên cạnh căn phòng trọ hiện tại) như “cơn bão” cứ dồn dập trong lòng, khiến nước mắt của hai mẹ con Hiếu chưa bao giờ ngừng chảy.

anhghepbai31b(1).jpg

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Hiếu nghẹn ngào cho hay ngôi nhà cấp bốn (giờ đã thành bãi đổ nát) của gia đình ở tổ 4, phường Duyệt Trung, nằm ngay dưới bờ kè đường. Trước thời điểm xảy ra sự cố trên, Hiếu đang bán hàng áp phiên cho dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 ở Phố đi bộ Kim Đồng, thành phố Cao Bằng.

“Sau khi trở về nhà, vì giữa đêm khuya, vợ và 2 con đang ngủ say. Sợ mẹ con tỉnh giấc nên tôi không vào ngủ cùng mà ở nằm ngoài phòng khách. Đến khoảng hơn 2 giờ sáng, nghe tiếng đổ sập như sấm, tôi bật dậy thì xung quanh thấy toàn bụi và đất đá. Lo lắng tột cùng, tôi gọi mẹ ơi, vợ con ơi, nhưng sau đó chỉ nghe tiếng mẹ thôi,…” Hiếu nức nở, hai dòng nước mắt cứ thế chảy dài trên gò má đen sạm.

Sau một lúc trấn tĩnh, Hiếu kể tiếp nếu như ngày bình thường, không đi bán hàng ở phố đi bộ vào buổi tối, ở nhà, “người bố trẻ” sẽ ngủ trong phòng cùng với vợ con. “Không ngờ, cái đêm đi làm bất thường ấy lại là đêm định mệnh, khiến tôi và vợ con phải chia cách mãi mãi. Đau xót quá anh ơi,” Hiếu nghẹn ngào, ôm lấy người mẹ già rồi cả hai khóc òa trước nụ cười ngây thơ, xót xa của con trẻ trong di ảnh.

2.png
Mẹ con anh Hiếu không cầm được nước mắt khi kể về vụ sạt lở đã khiến ngôi nhà cấp bốn của anh trở thành đống đổ nát.

Nhắc tới vụ việc đau lòng trên, ông Phùng Đức Long (62 tuổi, hàng xóm với gia đình Hiếu, ở tổ 4, phường Duyệt Trung) cũng không khỏi nghẹn ngào.

Ông Long cho hay vụ sạt lở bờ kè gây tử vong 3 mạng người trong 1 gia đình, là một sự cố nhân tai. Đây là những vụ việc cần phải điều tra và có giải pháp ngăn chặn.

“Là người dân sống ven đường, tôi cũng canh cánh nỗi lo, bởi ngoài kia còn một số đoạn đường độ dốc cao, có thể tới đây cũng sẽ triển khai xây dựng lại. Vì thế, sau sự cố đau lòng gây hại tới hàng xóm, tôi cầu mong chính quyền địa phương, chủ đầu tư khi triển khai thi công cần phải đảm bảo an toàn chất lượng,” ông Long nói.

nhantai.png
Ông Long cho rằng vụ sạt lở bờ kè gây tử vong 3 mạng người trong 1 gia đình, là một sự cố nhân tai

Sau vụ việc bi thương trên, chính quyền phường Duyệt Trung đã hỗ trợ gia đình Hiếu tổ chức mai táng cho 3 mẹ con. Còn phía chủ công trình xây dựng bờ kè vì gây ra hậu quả sạt lở nghiêm trọng đã đền bù cho gia đình Hiếu 1 tỷ đồng và hỗ trợ thuê căn phòng trọ trên để gia đình ở tạm trong vòng 3 năm để lo nhà cửa.

Ngoài trách nhiệm với gia đình bị hại, theo tìm hiểu của chúng tôi, liên quan đến vụ việc trên, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Cao Bằng cũng đã khởi tố bà Nông Thị Nghiệp - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Duyệt Trung cùng một số công chức địa chính cấp phường này.

Kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Cao Bằng cho thấy bà Nông Thị Nghiệp và Mã Thúy Huyền (công chức địa chính xây dựng của Ủy ban Nhân dân phường Duyệt Trung) là người trực tiếp đến kiểm tra hiện trường bờ kè đã thực hiện không hết trách nhiệm, để bỏ lọt vi phạm của công trình. Hành vi của các bị can này đã cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Khoản 3, điều 360 Bộ Luật Hình sự.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về vụ việc việc trên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cao Bằng - ông Nguyễn Công Doanh nhấn mạnh rằng: “Đây là một bài học kinh nghiệm đắt giá về công tác quản lý, kiểm tra, nắm bắt tình hình địa bàn thuộc quản lý của chính quyền địa phương cơ sở. Qua đó cho thấy địa phương cần phải có trách nhiệm hơn trong việc nắm bắt cơ sở, sát sao trong việc rà soát, đánh giá khu vực, điểm nguy cơ sạt lở trên địa bàn.”

Ông Doanh cũng đặc biệt lưu ý rằng việc xây dựng bờ kè chắn đất, bảo vệ đường không phải là việc đơn giản mà phải có tính toán thiết kế, kiểm tra, ổn định để đảm bảo an toàn. Trong đó, giám sát thi công là nhiệm vụ cần phải đặc biệt lưu tâm.

titphubai32.png

Nằm ở vùng Tây Bắc, trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay, trên toàn tỉnh Yên Bái cũng đã xảy ra trên 100 đợt thiên tai, khiến hơn 100 người chết, trên 80 người bị thương; trong đó có những vụ việc người dân bị tử nạn do sạt lở rất thương tâm.

Gần đây, trận mưa lớn xảy ra vào đêm mùng 6, rạng sáng 7/10 đã khiến nhiều khu vực ở trên địa bàn Yên Bái bị sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, thương tâm nhất là vụ sạt lở đồi tại thôn Gốc Nhội, đã vùi lấp nhà cửa của hộ ông Nguyễn Quyết Tiến và bà Phạm Bích Liên, khiến 2 người này thiệt mạng trong đêm. Đến thời điểm ngày 21/10, ghi nhận của chúng tôi cho thấy tại hiện trường vẫn còn ngổn ngang đất đá; ngay chính giữa tâm nhà là một bát hương còn ngùn ngụt khói u ám.

pha-rung.jpg
Khi người dân san gạt đồi làm nhà ở phía dưới chân đồi, tác động đến tự nhiên, gây cản trở dòng chảy, không may xảy ra sạt lở như trường hợp ở thôn Gốc Nhội, thì nguyên nhân gây ra “thảm họa” là do con người.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus xoay quanh vụ việc trên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn, cho hay đó là “bài học nhân tai” và trách nhiệm thuộc về chính người dân và chính quyền địa phương.

Theo ông Tuấn, biến đổi khí hậu là câu chuyện của toàn cầu, chính quyền địa phương và người dân cũng cần phải thích ứng. Tuy nhiên, khi người dân san gạt đồi làm nhà ở phía dưới chân đồi, tác động đến tự nhiên, gây cản trở dòng chảy (có những nơi, khi mưa lũ đến, đường biến thành sông), không may xảy ra sạt lở như trường hợp ở thôn Gốc Nhội, thì nguyên nhân gây ra “thảm họa” là do con người.

screenshot_1.png
Theo ông Tuấn, biến đổi khí hậu là câu chuyện của toàn cầu, chính quyền địa phương và người dân cũng cần phải thích ứng

“Ngay như ở Trấn Yên vừa có có trường hợp một cháu nhỏ, đi từ nhà ông bà về nhà bố mẹ, chỉ qua đường thôi đã bị lũ cuốn trôi. Đó là bởi cả con đường biến thành sông,” ông Tuấn dẫn ví dụ và nhấn mạnh công tác quy hoạch, quản lý của chính quyền địa phương ở những khu vực xảy ra sự việc trên là “kém.”

yenbaidoi.jpg
Việc người dân tự ý san gạt đồi để làm nhà ở, dẫn tới nguy cơ sạt lở là rất phổ biến ở nhiều địa phương.

Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cũng lưu ý thời gian qua, việc người dân tự ý san gạt đồi để làm nhà ở, dẫn tới nguy cơ sạt lở là rất phổ biến ở nhiều địa phương.

Trong những trường hợp này, theo ông Tuấn, nếu chính quyền địa phương kiên quyết ngăn chặn từ đầu thì có khi những sự cố đau lòng như trường hợp ở thôn Gốc Nhội đã không xảy ra.

screenshot_2.png
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh tới việc không thể bảo vệ cho những việc làm sai

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh tới việc không thể bảo vệ cho những việc làm sai. “Thời điểm tôi đang làm bí thư huyện, khi xảy ra lũ quét lớn, một số đoàn từ thiện đến hỗ trợ khoản tiền để khắc phục. Sau đó có cán bộ huyện đề nghị hỗ trợ cho một loạt hộ dân bị sạt lở đất ở phía sau nhà. Nghe ý kiến, tôi đồng ý ngay với điều kiện phải kiểm tra xem hộ nào khi san gạt nền, đồi có giấy phép thì sẽ được hỗ trợ. Cuối cùng không thấy trường hợp nào có giấy phép. Rõ ràng đây là việc người dân cố tình làm sai ngay từ đầu thì làm sao có chuyện huyện đi dọn đất được,” ông Tuấn nói.

Từ thực tế trên, ông Tuấn cho rằng trong công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai, bên cạnh sự vào cuộc trách nhiệm của chính quyền các cấp địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở; cộng đồng, người dân cũng cần phải tuân thủ quy định của pháp luật, chủ động ứng phó kịp thời để đảm bảo an toàn trước mưa lũ.

Có chung quan điểm, ông Mai Văn Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình, nhấn mạnh việc phòng tránh sạt lở đất, nhất là sạt lở núi tại các khu dân cư rất phức tạp và khó xử lý, cần nguồn kinh phí lớn. Một khi sạt lở xảy ra sẽ rất khó xử lý và tốn nhiều thời gian mới có thể khắc phục trở lại.

“Vì vậy, quan trọng nhất trong phòng, chống sạt lở đất là công tác quy hoạch, đánh giá nguy cơ sạt lở trước khi tiến hành bố trí, xây dựng các công trình, khu dân cư cũng như xây dựng các công trình có nguy cơ ảnh hưởng hoặc chịu tác động của sạt lở như kè bảo vệ bờ, công trình đường giao thông, khu định cư,” ông Minh nói.

titphubai33.png

Trước thực trạng thiên tai, sạt lở gây thiệt hại nặng nề về người và của trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh mức độ thiệt hại bởi thiên tai ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn dự báo và khó đoán định. Đây là tín hiệu không bình thường. Vì thế, Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các địa phương tuyệt đối không được lơ là, mất cảnh giác.

canva.jpg

Thế nhưng, trong quá trình đi tìm hiểu thực tế tại nhiều tỉnh, thành phố ở trên cả nước, nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus vẫn ghi nhận được những hình ảnh, tình huống sạt lở nghiêm trọng, gây ra bao nỗi hoang mang, lo sợ cho người dân và người tham gia giao thông, nhưng dường như lãnh đạo chính quyền vẫn “chưa thấu.” Dù cho hiểm nguy từ những sườn đồi, mép đường giao thông vẫn đang chực chờ vùi lấp người dân bất cứ lúc nào, nhất là mỗi khi mưa lũ kéo đến.

Đơn cử như trường hợp sạt lở mép đồi nghiêm trọng ở thôn Hòa Bắc (xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). Vị trí sạt lở cách nhà anh Lạn Văn Tuyên chỉ khoảng 50m.

lanvantu.jpg
Em Lạn Văn Tú (14 tuổi, con anh Tuyên, ở thôn Hòa Bắc, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) bên hiện trường sạt lở đồi ngay sau nhà mình

Theo lời anh Tuyên, hiện tượng sạt lở trên bắt đầu xuất hiện từ năm 2019 đến nay, cứ mùa mưa tới là xảy ra hiện tượng sạt lở đất. Trong đó, nguy hiểm nhất là trận mưa xảy ra vào hồi giữa tháng 6/2019 đã khiến khối lượng đất đá “khổng lồ” từ đỉnh đồi đổ ập xuống, đã vùi lấp khu bếp và một gian nhà ở của anh.

“Sau sự việc trên, gia đình tôi đã kiến nghị lên chính quyền xã nhưng cán bộ đến kiểm tra cũng chỉ bảo gia đình tự tìm đất để di dời. Khổ nỗi, không có điều kiện, không có đất thì biết di dời đâu?” anh Tuyên thở dài nói và cho hay trận mưa gần đây nhất xảy ra trong năm 2023 tiếp tục làm sạt lở đồi, khiến đất tràn xuống nhà; sau đó cán bộ xã tiếp tục xuống xem nhưng cũng không thấy giải quyết gì.

Ghi nhận của người viết vào thời điểm đầu tháng 10/2023, cho thấy hiện trường sạt lở trên vẫn còn ngổn ngang đất đá. Từ trên đỉnh đồi hiện ra một loạt hàm ếch, vắt vẻo những khối đất khổng lồ đang “cõng” trên mình những cây xanh, dường như chỉ cần một trận mưa nhỏ cũng khiến đất đá đổ ập xuống, vùi lấp nhà cửa.

lanvantu2.png
Em Lạn Văn Tú (14 tuổi, ở thôn Hòa Bắc, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) lo lắng chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về hiện trường sạt lở ngay sau nhà

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Tuyên cho hay: “Từ khi xảy ra sạt lở mép đồi đến nay, vợ chồng tôi không lúc nào có giấc ngủ yên, lúc nào cũng canh cánh nỗi lo. Suốt 2 tháng qua phải gửi 2 con qua ở nhờ nhà bà nội, còn bố mẹ thì vẫn phải ngủ ở trong chính ngôi nhà này vì giờ di dời cũng không có đất, không có tiền xây nhà. Chúng tôi chỉ biết cầu mong chính quyền sớm quan tâm, hỗ trợ giải quyết.”

Nghe chia sẻ từ bố, Lạn Văn Tú (14 tuổi, con anh Tuyên) và cô em gái 8 tuổi, cứ thế hướng đôi mắt xa xăm về phía “bẫy sạt lở” với những khối đất “khổng lồ” đang chờ đổ sập từ trên đỉnh đồi. Tôi hỏi giờ 2 anh em có mong ước điều gì? Tú quay sang nhìn cô em gái rồi bảo: “Điều chúng cháu mong muốn nhất hiện nay là sẽ không xảy ra hiện tượng sạt lở đất, sạt lở đồi nữa, để cả nhà cháu được an toàn.”

screenshot_3.png
Hiện trường một vụ sạt lở ở gần khu vực Cửa khẩu Thanh Thủy thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang
lanvantu3.png
Mong ước của hai anh em Lạn Văn Tú là không xảy ra sạt lở đất, để cả nhà an toàn
1920x1080-1.png
1920x1080-4.png
1920x1080-2-v.png
mmmd.jpg
Ông Ma Mí Dỉ canh cánh nỗi lo sạt lở đất đá mỗi khi mưa lũ kéo đến, bởi ngôi nhà của ông nằm ngay dưới sườn ngọn đồi cao, nơi đã từng nhiều lần xảy ra sạt lở

Cách nhà anh Tuyên không xa, ông Ma Mí Dỉ (sinh năm 1968, ở cùng thôn Hòa Bắc, xã Thuận Hòa) cũng canh cánh nỗi lo sạt lở đất đá mỗi khi mưa lũ kéo đến, bởi ngôi nhà của ông (nơi sinh sống của 5 thành viên gồm 1 mẹ già, 2 vợ chồng và 2 người con) nằm ngay dưới sườn ngọn đồi cao - nơi đã từng nhiều lần xảy ra sạt lở, khiến ông phải di dời nhà xuống vị trí an toàn hơn. Thế nhưng, suốt gần 10 năm nay, cuộc sống của gia đình ông vẫn chưa lúc nào hết lo sợ mỗi khi mưa lũ kéo tới.

“Mùa nắng ở đây thì không sao, chứ mùa mưa là đất đá cùng nước lũ chảy ào ào từ trên cao ập xuống rất khủng khiếp. Lo sợ lắm, nhưng hoàn cảnh khó khăn nên cũng chẳng biết đi đâu được. Chỉ biết cầu mong cả nhà được an toàn thôi,” ông Dỉ nói.

Không chỉ sạt lở ven các sườn núi ven đường quốc lộ, tại Hà Giang còn xuất hiện hàng loạt điểm sạt lở bờ sông, hồ chứa thủy điện. Điển hình như tại khu vực hồ chứa thủy điện Bắc Mê, Sông Miện 6, trong đó một số điểm sạt lở ở gần nhà dân.

tuyenduonghagiang.jpg
Dọc tuyến đường Quốc lộ 34 từ thị trấn Pác Miầu (Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) qua huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) xuất hiện rất nhiều điểm sụt lún, sạt lở ven đường giao thông, ven lòng hồ thủy điện Bắc Mê

Ghi nhận ở dọc tuyến đường Quốc lộ 34 từ thị trấn Pác Miầu (Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) qua huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) cho thấy rất nhiều đoạn đã xuất hiện các điểm sụt lún, sạt lở. Phần lớn các điểm sạt lở đường quốc lộ này nằm ở bên mép sông Gâm - đây là hồ chứa của Thủy điện Bắc Mê. Trong đó, có những điểm sạt lở nghiêm trọng vào sâu đường quốc lộ, khiến phương tiện qua lại gặp khó khăn.

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, một cán bộ đang công tác tại Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm cho rằng hiện tượng sụt lún, sạt lở đất ven tuyến đường Quốc lộ 34 kể trên là do hoạt động tích - xả nước thất thường của Nhà máy Thủy điện Bắc Mê, khiến địa chất ven đường không ổn định.

“Tuy nhiên, phía nhà máy Thủy điện Bắc Mê lại cho rằng nguyên nhân sạt lở là do thiên tai và điểm sạt lở nằm trên địa bàn huyện Bảo Lâm. Điều này rất vô lý vì hồ chứa thủy điện do nhà máy này vận hành,” vị cán bộ trên bức xúc nói.

Cũng bởi những lý lẽ trên, vị cán bộ trên cho hay mặc dù Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm đã có văn bản kiến nghị sang Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) đề nghị thủy điện khắc phục, tuy nhiên đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Hệ quả là nhiều điểm sạt lở dọc tuyến đường Quốc lộ 34 trên vẫn còn ngổn ngang, không đảm bảo an toàn, gây trở ngại cho người dân tham gia giao thông.

hagiangsatlo.jpg

Để làm rõ hơn những thông tin trên, ngày 8/10/2023, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã liên hệ làm việc với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn (Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang) thông qua điện thoại, tuy nhiên không nhận được phản hồi.

Tiếp đó, sáng 9/10, phóng viên đã đến trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang gửi thông tin và liên hệ làm việc với Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, tuy nhiên kể từ ngày tiếp nhận nội dung đến nay, đã qua hơn 2 tháng, chúng tôi vẫn không nhận được thông tin phản hồi nào.

emgaihagiangfinal.jpg
Một em nhỏ hồn nhiên đi chơi dưới bãi đất đá ngổn ngang
do sạt lở thành phố Hà Giang

Tương tự, tại các tỉnh Lai Châu, Nghệ An, Quảng Trị, nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus cũng ghi nhận rất nhiều điểm sạt lở và đang có nguy cơ bị sạt lở, gây ảnh hưởng đến người và phương tiện giao thông.

Vì thế, nhóm phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo ủy ban nhân dân các tỉnh thông qua chánh văn phòng, cũng như trực tiếp đến gửi nội dung làm việc, nhưng sau một thời gian dài “hứa hẹn” vì nhiều lý do khác nhau, đến nay các địa phương vẫn không có phản hồi trách nhiệm.

Trước khi khép lại bài 3 này, chúng tôi xin đề cập tới lời chia sẻ của Dương Hiếu - người chồng, người bố của 3 mẹ con bị tử nạn trong vụ sạt lở bờ kè do sự “tắc trách” của cán bộ chính quyền phường Duyệt Trung (thành phố Cao Bằng) bằng lời nhắn nhủ: “Bây giờ, tôi mong rằng cái chết của người thân, của 3 vợ con tôi sẽ là bài học nhân tai’ để thức tỉnh người sống - nhất là cán bộ, chính quyền các cấp địa phương. Mong sao những người hiểu biết về xây dựng và những người có liên quan đến những việc làm tương tự sẽ có trách nhiệm, sẽ thận trọng hơn, để không bất cẩn gây ra những vụ việc đau lòng, mất mát tính mạng của người dân vô tội.”/.

Mời độc giả đón đọc Bài 4: Phòng, tránh để tự cứu mình: Không bị động trước thiên tai sạt lở

hungvo.jpg

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ám ảnh bài học “nhân tai”: Lấy cái chết của người thân để “thức tỉnh” người sống