Mega Story

Phòng, tránh để tự cứu mình: Không bị động trước thiên tai, sạt lở

28/12/2023 14:20

Bàn về giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân trước thiên tai, sạt lở, đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố và giới chuyên gia cho rằng trong điều kiện kinh tế hiện nay, các địa phương không thể cứ trông chờ ​mãi vào ngân sách để triển khai các giải pháp công trình. Bởi lẽ phòng chống sạt lở đất cần nguồn kinh phí rất lớn.

bia4baihungsatlopng.png

Bàn về giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân trước thiên tai, sạt lở, đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố và giới chuyên gia cho rằng trong điều kiện kinh tế hiện nay, các địa phương không thể cứ trông chờ ​mãi vào ngân sách để triển khai các giải pháp công trình. Bởi lẽ phòng chống sạt lở đất cần nguồn kinh phí rất lớn.

Thay vào đó, các địa phương cần hướng đến giải pháp “phi công trình.” Đó là sâu, sát hơn trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về “dấu hiệu nhận biết sạt lở đất và cách phòng tránh;” gắn trách nhiệm phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng của người đứng đầu ủy ban nhân dân cấp huyện, xã.

titphu1bai4.png

Tự hào là tỉnh từ năm 2018 đến nay không xảy ra lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh - ông Nguyễn Văn Việt cho rằng vấn đề quan trọng nhất trong công tác phòng chống thiên tai, sạt lở ở Việt Nam hiện nay là phải chủ động phòng ngừa, hành động sớm.

hatinh.jpg
Theo ông Việt, các địa phương cần phải chú trọng tới công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống thiên tai đến mọi tầng lớp nhân dân ngay từ giai đoạn phòng ngừa

Theo ông Việt, trong công tác cảnh báo sớm, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở thì chính quyền địa phương các cấp đóng vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo an toàn, tính mạng cho người dân. Thực tế cho thấy ở đâu chính quyền cơ sở quan tâm, chủ động, quyết liệt triển khai chỉ đạo của cấp trên trong công tác phòng chống thiên tai thì công tác phòng ngừa đạt hiệu quả cao.

“Ngoài ra, trong điều kiện công tác cảnh báo sạt lở đất đang là thách thức lớn và Việt Nam hiện chưa có khả năng dự báo chính xác thì công tác chủ động xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó là điều rất quan trọng,” ông Việt nhấn mạnh.

satlohatinh.jpg
Một khu vực đang được thi công chống sạt lở ở Hà Tĩnh

Bên cạnh đó, theo ông Việt, các địa phương cần phải chú trọng tới công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống thiên tai đến mọi tầng lớp nhân dân ngay từ giai đoạn phòng ngừa; nâng cao kỹ năng ứng phó cho các lực lượng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn và đặc biệt là cảnh báo khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở đất.

“Làm sao để người dân họ thay đổi nhận thức, không tự ý đào bạt đồi, núi để xây nhà, chặt phá rừng làm nương rẫy,… Quy hoạch, di dời các khu dân cư nằm trong vùng nguy hiểm đến các nơi ở mới an toàn là việc rất quan trọng,” ông Việt nói.

Sau những mất mát về người và của do thiên tai, sạt lở, lũ quét gây ra trong những năm qua, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cao Bằng - ông Nguyễn Công Doanh nhấn mạnh tỉnh này cũng đã rút ra được “bài học kinh nghiệm.” Theo đó, tỉnh Cao Bằng xác định trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan hiện nay, cần phải luôn sẵn sàng các phương án để ứng phó.

Một trong những phương án chính, đó là tỉnh Cao Bằng đã xây dựng kế hoạch hiệp đồng, triển khai các lực lượng, phương tiện tại các địa bàn xung yếu, trọng yếu,… để không bị động, lúng túng trong công tác ứng phó, cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và người dân.

Tỉnh Cao Bằng cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng dân cư nhận diện một cách đầy đủ các loại hình thiên tai để chủ động phòng, chống một cách có hiệu quả với phương châm: “Phòng, tránh là chính; tự cứu mình là chính” trên cơ sở khuyến cáo của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn.

“Đặc biệt, địa phương xác định thực hiện tốt phương châm ‘4 tại chỗ’ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) tại các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước vẫn là giá trị cốt lõi. Đồng thời, phương châm này cũng phải xuất phát từ từng người dân, hộ gia đình,” ông Doanh nhấn mạnh.

laocaifinal.jpg
Sạt lở sườn đồi ven đường giao thông xảy ra phổ biến ở tỉnh Lào Cai

Có chung quan điểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai - ông Tạ Công Huy cho biết trước diễn biến khó lường của thiên tai, tỉnh này đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để sẵn sàng ứng phó; trong đó coi phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, từ đó huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là người đứng đầu ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.

“Một số giải pháp mềm được tỉnh xác định triển khai là nêu cao tinh thần chủ động ứng phó với thiên tai theo phương châm ‘4 tại chỗ.’ Công tác phòng, chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, trong đó chú trọng và phát huy vai trò, khả năng tự phòng chống, ứng phó thiên tai trong cộng đồng dân cư,” ông Huy chia sẻ.

traloipv.jpg
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai Tạ Công Huy trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus

Ngoài ra, tỉnh Lào Cai cũng đã chỉ đạo rà soát, di dời dân cư ra khỏi các khu vực thiên tai nguy hiểm kịp thời; tăng cường kiểm tra, đánh giá, rà soát, quản lý việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống tiêu thoát nước, khu hầm lò, khai thác mỏ, khu dân cư, khu vực ven sông, suối; đánh giá mức độ an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập trọng điểm, xung yếu để kịp thời ứng phó.

Nêu dẫn chứng từ việc sạt lở ở đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) xảy ra hồi cuối tháng 2/2023, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình - ông Đoàn Ngọc Lâm trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, cũng nhấn mạnh loại hình thiên tai như sạt lở đất có thể xảy ra ở mọi nơi, cho nên không thể chủ quan.

“Đặc biệt, với người dân ở những khu vực sườn núi, triền đồi thì cần phải cảnh giác và có sự chủ động phòng tránh hơn thông qua việc thường xuyên theo dõi các thông tin dự báo để có sự ứng phó kịp thời,” ông Lâm nhấn mạnh.

titphu2bai4.png

Trong quá trình đi tìm giải pháp tại các vùng trên cả nước, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus cũng ghi nhận được nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các địa phương không thể cứ trông chờ mãi vào ngân sách để triển khai các giải pháp công trình. Bởi lẽ phòng chống sạt lở đất cần nguồn kinh phí lớn.

Theo ông Mai Văn Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình, đối với sạt lở đất khu dân cư tại khu vực đồi núi, giải pháp công trình thường đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, giải pháp thiết kế phức tạp, ít hiệu quả.

“Quan trọng nhất trong phòng, chống sạt lở đất là công tác quy hoạch, đánh giá nguy cơ sạt lở trước khi tiến hành bố trí, xây dựng các công trình, khu dân cư có nguy cơ ảnh hưởng; hoặc công trình có khả năng chịu tác động của sạt lở như kè bảo vệ bờ, công trình đường giao thông, khu định cư,” ông Minh nhấn mạnh.

maivanminhquote.jpg

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh - ông Nguyễn Văn Việt cũng đưa ra quan điểm cho rằng để ứng phó tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển có nhiều biện pháp như công trình và phi công trình. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các địa phương cần cần phải “liệu cơm gắp mắm,” không thể cứ trông chờ vào giải pháp công trình khi ngân sách của địa phương còn khó khăn.

Ông Việt cũng lưu ý rằng ví dụ khi triển khai giải pháp công trình đối với một công trình kè bờ biển bị sạt lở, có thể nguồn kinh phí dự trù sẽ lên tới 10 tỷ đồng. Thế nhưng, nguồn lực của địa phương chỉ có 5 tỷ đồng, thì nếu vẫn cố triển khai bằng được công trình với 50% tổng kinh phí dự trù ban đầu, ắt cũng không mang lại hiệu quả; thậm chí là “đổ sông, đổ biển” bởi công trình mà không đảm bảo chắc chắn, không đảm bảo tiêu chuẩn thì tất yếu sẽ gây ra tình trạng “tức nước vỡ bờ.”

dechansongbien.jpg
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh - ông Nguyễn Văn Việt đưa ra quan điểm cho rằng để ứng phó tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển có nhiều biện pháp như công trình và phi công trình

“Theo tôi, bây giờ những nơi nào bắt buộc cần phải áp dụng giải pháp công trình (như hồ, đập có nguy cơ sạt lở rõ ràng hay cảnh báo khẩn cấp) thì cần phải áp dụng giải pháp công trình. Còn những nơi nào cần thích ứng hay có thể ‘sống chung’ thì cần thúc đẩy các giải pháp mềm - phi công trình,” ông Việt nêu quan điểm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cũng nêu bài học kinh nghiệm qua việc người dân sinh sống ở ngoài đê ở huyện Đức Thọ đã “sống chung với lũ” từ nhiều năm qua.

Năm nào, người dân nơi đây cũng phải “ngâm” trong biển nước ít nhất 3-5 ngày, thậm chí 7-10 ngày, nhưng họ vẫn thích ứng được. Đó là bởi cứ sau vụ mùa, người dân đã chủ động cất lúa gạo lên cao, tích trữ lương thực như lạc khô nên kể cả có bị ngập lụt 5-7 ngày, dân cũng không lo đói.

“Còn những nơi khác, ít khi xảy ra ngập lụt, có khi lại trở tay không kịp. Do vậy, việc quan trọng hiện nay là cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tính chủ động phòng ngừa và thích ứng với thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất cho cán bộ các cấp; đặc biệt là với người dân, để không bị động khi thiên tai, sạt lở,” ông Việt nói.

screenshot_2(1).png
200 cán bộ, chiến sĩ của thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Bắc Trung Bộ được huy động hỗ trợ khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra tại huyện Hương Khê hồi tháng 11 (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Góp thêm ý kiến, ông Trần Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho rằng sạt lở bờ sông là vấn nạn xảy ra nhiều năm, trong đó yếu tố tác động rất lớn gây ra tình trạng sạt lở là việc khai thác cát sỏi không tuân thủ quy hoạch. Nếu việc quản lý không chặt chẽ thì sẽ gây ra những tác động, hệ lụy không nhỏ.

“Vì thế, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã tính toán đến phương án di dời các trường hợp có nguy cơ mất an toàn do sạt lở. Còn cái gì cũng triển khai giải pháp công trình, có khi cũng không hiệu quả,” ông Thịnh chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus xoay quanh vụ việc trên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn, cũng cho hay trong bối cảnh điều kiện kinh tế còn khó khăn, không thể đòi hỏi nhiều vào các công trình tốn tiền bạc. Vì vậy, giải pháp hàng đầu hiện nay là cần phải thiết lập được “sợi chỉ đỏ” về nhận thức từ cán bộ tới mỗi người dân về phòng, tránh thiên tai, sạt lở.

“Theo tôi điều quan trọng nhất là sự chủ động phòng tránh. Theo đó, người dân sống ở các vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cần được thông tin cảnh báo kịp thời để có sự chủ động trong việc di chuyển đến nơi an toàn,” ông Tuấn nhấn mạnh.

titphu3bai4.png

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cũng lưu ý thêm rằng để cảnh báo sớm nguy cơ sạt lở đất nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, việc quan trọng là cần xây dựng các trạm cảnh báo sớm thiên tai để đưa ra những khuyến cáo, biện pháp ứng phó phù hợp nhanh nhất.

canva.jpg

Hiện nay, tỉnh Yên Bái đang được Cục Quản lý Đê điều và Phòng Chống Thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai thực hiện “Dự án nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.” Đến thời điểm hiện tại, dự án đã lắp đặt thử nghiệm 2 hệ thống cảnh báo sớm trượt lở đất ở xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải và xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.

tramdo.jpg
Trạm đo mực nước suối để cảnh báo sạt lở được lắp đặt tại đập 195, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. (Ảnh Đức Tưởng/TTXVN)

Về lâu dài, theo ông Tuấn, Việt Nam cần xây dựng được bản đồ cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở đất với tỷ lệ phù hợp ở các địa phương.

Trên cơ sở bản đồ cảnh báo này sẽ quy hoạch, phân bố, bố trí lại dân cư hợp lý và có những đầu tư hạ tầng để đảm bảo an toàn cho người dân. “Vấn đề này, mặc dù đã được Trung ương chỉ đạo, được triển khai, nhưng mới chỉ xây dựng được bản đồ tỷ lệ lớn (1:50.000), chưa xác định được chính xác các điểm nguy hiểm để sơ tán dân,” ông Tuấn lưu ý.

Mở rộng ra các tỉnh trên cả nước, ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus cho thấy rất nhiều địa phương hiện nay vẫn chưa có Bản đồ cảnh báo sạt lở, Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá. Thực tế này khiến công tác ứng phó tại các địa phương gặp không ít khó khăn, thậm chí “không biết thế nào mà ứng xử.”

Thông tin tới người viết, đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho biết hiện địa phương này chưa có Bản đồ phân vùng trượt lở đất đá, cũng chưa được tiếp cận Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá thuộc Dự án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Vì vậy, tỉnh chưa có thông tin chi tiết về từng vị trí, khu vực đã từng xảy ra sạt lở đất đá, hay các khu vực có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá ở trên địa bàn.

screenshot_3(1).png
Một số địa phương đã có Bản đồ cảnh báo sạt lở (điển hình như Nghệ An, Quảng Bình,…) lại chưa tích cực sử dụng triển khai cho công tác cảnh báo, dự báo sạt lở đất

Trong khi đó, một số địa phương đã có Bản đồ cảnh báo sạt lở (điển hình như Nghệ An, Quảng Bình,…) lại chưa tích cực sử dụng triển khai cho công tác cảnh báo, dự báo sạt lở đất. Lý do, theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An, là bản đồ đã xây dựng từ lâu (bắt đầu xây dựng từ năm 2012) đến nay địa hình, địa mạo đã thay đổi nhiều, mặt khác, các phương pháp áp dụng cũng đã cũ nên thiếu nhiều dữ liệu đầu vào để tính toán.

Tại Quảng Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - ông Mai Văn Minh cho biết năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuyển giao một số đơn vị trong tỉnh bộ bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất ở tỉnh tỷ lệ 1/200.000 (ứng với các tần suất mưa 1%, 5%), tuy nhiên do bản đồ này tỷ lệ quá nhỏ, ứng với các tần suất mưa lớn, ít xảy ra nên hiệu quả sử dụng cũng không cao.

bandoquangbinh.png
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình Mai Văn Minh cho biết có nhận một số bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở, nhưng tỷ lệ nhỏ nên hiệu quả sử dụng không cao.

Trước thực tế trên, đại diện các địa phương cho rằng để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của do thiên tai, sạt lở gây ra, giải pháp quan trọng đối với các địa phương là cần nâng chất lượng dự báo, cảnh báo sớm nguy cơ sạt lở đất.

Theo đó, các địa phương cần bổ sung lắp các trạm đo mưa tự động, hệ thống quan trắc trượt lở dọc các tuyến đường giao thông tại các khu vực có nguy cơ sạt lở; hệ thống quan trắc theo thời gian thực để phục vụ cảnh báo sớm trượt lở đất đá; xúc tiến việc xây dựng và sử dụng bản đồ cảnh báo sạt lở một cách hiệu quả.

Từ góc nhìn của nhà khoa học nghiên cứu về tai biến địa chất, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay trước năm 2010, viện này được Nhà nước giao thực hiện điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng trượt lở, lũ bùn đá, nứt đất,… ở 37 tỉnh miền núi, trên cơ sở đó lập bản đồ cảnh báo trượt lở, lũ bùn đá, lũ quét.

Định kỳ cuối năm hoặc đầu năm, trước mùa mưa bão sẽ phải chuyển giao kết quả cho các địa phương, xác định một số khu vực có nguy cơ trượt lở cao đến rất cao.

lodatminhhoa2.png
Trước năm 2010, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản từng được Nhà nước giao thực hiện điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng trượt lở, lũ bùn đá, nứt đất,… ở 37 tỉnh miền núi

Tuy nhiên đến năm 2020, khi làm đến một số tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, chưa kịp làm tới các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông thì đề án đó dừng lại. Nguyên nhân theo ông Văn là bởi có một số địa phương hoặc chưa quan tâm đến các sản phẩm đó, hoặc chưa hiểu rõ, chưa biết sử dụng các sản phẩm đó như thế nào. Thậm chí, có địa phương cho rằng làm tỷ lệ điều tra, khảo sát hiện tại là quá nhỏ, cần tỷ lệ lớn hơn.

Với một số ý kiến như vậy nên Nhà nước quyết định tạm dừng đề án nghiên cứu lại và giao tiếp cho Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thực hiện một số đề tài nghiên cứu để xác định xem tỷ lệ nào là phù hợp, vị trí nào cần điều tra đánh giá, vị trí nào cần tiến hành quan trắc, và ngưỡng mưa tới đâu thì phải đưa ra cảnh báo...

van.jpg
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

“Cá nhân tôi nghĩ rằng những sản phẩm đó hết sức cần thiết, vì thế phải tiếp tục triển khai đề án đang dang dở, tiếp tục chuyển giao kết quả nghiên cứu cho địa phương, tuyên truyền giáo dục nhận thức cho cộng đồng,” ông Văn nhấn mạnh.

yenbai2.jpg
Theo ông Tuấn, Việt Nam cần xây dựng được bản đồ cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở đất
screenshot_5.png
Kè biển chống sạt lở ở thành phố Đồng Hới
diaphuongquangbinh.png
Giải pháp quan trọng đối với các địa phương là cần nâng chất lượng dự báo, cảnh báo sớm nguy cơ sạt lở đất.
lodatdaknong.png
Một trận lở đất xảy ra ở Đắk Nông
1920x1080-5.png

Mới đây, tại Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 8/8/2023 về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, cập nhật, hoàn thiện Đề án “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” trên cơ sở bảo đảm khoa học, thực tiễn, khả thi và hiệu quả, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, để sớm triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân nhận biết nguy cơ, dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở, lũ quét, kỹ năng ứng phó để chủ động sơ tán, di dời trước khi xảy ra sự cố, giảm thiệt hại./.

Mời độc giả đón đọc Bài 5: "Lời khẩn cầu" trách nhiệm vì tương lai: Chỗ nào còn rừng, xin hãy gìn giữ

hungvo.jpg


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng, tránh để tự cứu mình: Không bị động trước thiên tai, sạt lở