Mega Story

Quyết sách đột phá để Việt Nam vươn ra biển lớn

11/07/2025 15:25

Đối với Việt Nam, tiến trình hội nhập không chỉ đơn thuần là mở cửa kinh tế mà còn là một quyết sách chiến lược, đánh dấu bước ngoặt lịch sử đưa đất nước vươn mình mạnh mẽ ra biển lớn.

bai_viet_nam_avatar.jpg

Trong dòng chảy không ngừng của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đã và đang trở thành xu thế tất yếu của mọi quốc gia.

Việt Nam đặt mục tiêu “nâng tầm” hội nhập quốc tế, “kịp thời bắt nhịp với thế giới, nhận diện và tranh thủ cơ hội để đặt đất nước vào đúng dòng chảy của thời đại trong 10 năm, 20 năm tới.”

Bởi vậy, đối với Việt Nam, tiến trình hội nhập không chỉ đơn thuần là mở cửa kinh tế mà còn là một quyết sách chiến lược, đánh dấu bước ngoặt lịch sử đưa đất nước vươn mình mạnh mẽ ra biển lớn - hướng tới một tương lai phát triển bền vững, thịnh vượng và hội nhập sâu rộng với thế giới.

Từ lựa chọn tất yếu đến chiến lược quốc gia

Ba thập kỷ trước, Việt Nam lần đầu tiên đặt chân vào tiến trình hội nhập quốc tế bằng việc Việt Nam gia nhập ASEAN và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Bước ngoặt hội nhập 1995 đã trở thành cột mốc lịch sử quan trọng tiếp theo, sau thành công của bước ngoặt đổi mới 1986.

anh_minh_hoa_7.jpg

Nếu đổi mới là cánh cửa mở ra thị trường trong nước, thì hội nhập là con đường đưa Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Sau đêm dài bị cô lập và cấm vận, Việt Nam đã ghi tên mình trên bản đồ giao thương kinh tế toàn cầu.

Đại hội Đảng lần thứ IX lần đầu tiên đề ra chủ trương “hội nhập kinh tế quốc tế.” Đại hội Đảng lần thứ XI đánh dấu một bước chuyển trong tư duy từ “hội nhập kinh tế quốc tế” sang “hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực.”

Kể từ đó, hội nhập được xác lập một cách toàn diện và chính thức trở thành chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, lấy đó làm động lực chiến lược để phát triển đất nước.

Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác Chiến lược và Đối tác Toàn diện với 34 nước. Đặc biệt tính đến ngày 16/5/2025, Việt Nam có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với 13 quốc gia. Đó là Trung Quốc (năm 2008), Liên bang Nga (năm 2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (tháng 9/2023), Nhật Bản (tháng 11/2023), Australia (tháng 3/2024), Pháp (tháng 10/2024), Malaysia (tháng 11/2024), New Zealand (tháng 2/2025), Indonesia (10/3/2025), Singapore (12/3/2025) và Thái Lan (16/5/2025).

Ngoài ra, Việt Nam còn là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, có quan hệ chính trị, quốc phòng, an ninh phát triển sâu rộng, thực chất.

Từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành một trong 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới, quy mô kinh tế tăng gần 100 lần so với năm 1986, thu nhập bình quân đầu người tăng từ dưới 100 USD lên gần 5.000 USD.

Việt Nam đã chủ động tham gia và ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, nổi bật như CPTPP, EVFTA và RCEP.

anh_minh_hoa_4.jpg

Việc tham gia vào các FTA thế hệ mới không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, mà còn thúc đẩy quá trình cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Các thỏa thuận hợp tác đã gắn kết Việt Nam với hơn 60 nền kinh tế chủ chốt, tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, đưa Việt Nam lọt vào nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; nằm trong nhóm 20 nền kinh tế thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất thế giới từ năm 2019 đến nay, là một trong 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới.

Để vươn ra biển lớn, Việt Nam không chỉ dựa vào cơ hội từ bên ngoài mà còn tập trung củng cố nội lực từ bên trong. Chính vì vậy mà Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW (ngày 24/1/2025) về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới,” mở ra giai đoạn phát triển mới cho Việt Nam trên hành trình hội nhập toàn diện.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định Nghị quyết 59 đã nắm bắt được dòng chảy của sức mạnh thời đại và "nâng tầm" hội nhập quốc tế với những quan điểm mang tính cách mạng, tính đột phá, tính dân tộc, tính khoa học, tính thời đại cao.

anh_minh_hoa_8.jpg

Trước hết, cùng với quốc phòng, an ninh, “đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế” là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Tinh thần trọng yếu thường xuyên trong hội nhập quốc tế là phải tranh thủ nguồn lực, điều kiện thuận lợi bên ngoài cho mục tiêu bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước từ sớm, từ xa; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo đảm tốt nhất lợi ích của nhân dân.

Thứ hai, trong nhận thức, hội nhập quốc tế phải là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực, lực lượng chủ công và đối tượng thụ hưởng các lợi ích của hội nhập quốc tế. Hội nhập nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc, hội nhập, hòa nhập chứ không hòa tan.

Thứ ba, hội nhập quốc tế phải trên cơ sở nội lực có vai trò quyết định, gia tăng nội lực đi đôi với với tranh thủ ngoại lực. Nội lực là nguồn lực chính, là gốc rễ cho sức mạnh, vì vậy phải luôn được phát huy để bảo đảm tính chủ động, độc lập, tự cường nhưng đồng thời, cần tranh thủ cao độ mọi nguồn lực từ bên ngoài để kết hợp và bổ sung cho nội lực. Kết hợp nhuần nguyễn giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo ra sức mạnh Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình.

Thứ tư, hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh, “hợp tác để đấu tranh và đấu tranh để hợp tác. Chú trọng phần đối tác, hạn chế phần đối tượng.” Đồng thời, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Trong hội nhập, phải thể hiện đúng tinh thần “đối tác tích cực, có trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng đóng góp cho những nỗ lực chung của khu vực và thế giới.

Thứ năm, hội nhập quốc tế phải mang tính chất “đồng bộ, toàn diện, sâu rộng,” trong đó các lĩnh vực phải gắn kết chặt chẽ, bổ sung cho nhau trong một chiến lược tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình và bước đi phù hợp.

Nghị quyết 59 đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, xác định hội nhập là động lực chiến lược để Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới.

Đồng bộ hành động, nâng tầm hội nhập

Để thực hiện thành công Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị và đưa Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, phồn vinh, đòi hỏi một sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ và quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với tinh thần đồng thuận, chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân.

Hội nhập quốc tế không chỉ là một chiến lược lớn, mà còn là sứ mệnh của quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

vuon_minh.jpg
Ngày 3/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế” hướng Việt Nam tới thịnh vượng, có vị thế trên trường quốc tế. Trong đó, Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới” là “quyết sách đột phá”, đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong quá trình hội nhập của đất nước với việc định vị hội nhập quốc tế là động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Sự ra đời của Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới” là “quyết sách đột phá,” đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong quá trình hội nhập của đất nước với việc định vị hội nhập quốc tế là động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.,” và đó chính là nền tảng để Việt Nam vươn mình chủ động vào sân chơi quốc tế, kiến tạo cơ hội và tự nâng vị thế đất nước.

Tổng Bí thư cũng khẳng định rõ rằng với thế và lực mới, chúng ta có thể vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải trong những lĩnh vực phù hợp; đóng góp tích cực hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu hộ, cứu nạn quốc tế; đa dạng hóa hợp tác quốc phòng, an ninh, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng.

Những định hướng lớn mà Nghị quyết đề ra không chỉ là những mục tiêu chiến lược mà còn là lời hiệu triệu mạnh mẽ: phải hành động quyết liệt, triển khai hiệu quả, đặc biệt là làm sao để hội nhập quốc tế trở thành văn hóa tự giác của mỗi tổ chức, mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương.

Khi đó, sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội sẽ tạo ra sự gắn kết sâu sắc giữa hội nhập quốc tế và hội nhập trong nước; giữa các vùng, miền, lĩnh vực; giữa nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn.

Chính sự kết nối này sẽ tạo nên những giá trị thiết thực, mang lại kết quả cụ thể và bền vững.

trang_7.jpg

Bởi lẽ, Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Bản chất chính trị ấy - gần dân, vì dân - là cội nguồn của niềm tin và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Khi “ý Đảng” hòa quyện với “lòng dân,” con đường hội nhập sẽ trở thành động lực chiến lược vững chắc, đưa đất nước từng bước tiến lên, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, thịnh vượng, sánh vai cùng bạn bè năm châu.

Bản hùng ca đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam sẽ tiếp tục vang vọng giữa trường quốc tế, như lời khẳng định đanh thép về một dân tộc kiên cường, yêu chuộng hòa bình và khát khao phát triển.

Trong bài viết "Vươn mình trong hội nhập quốc tế," Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: ”Trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, sự phát triển của mỗi quốc gia-dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó. Đất nước đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình, nhưng thách thức cũng vô cùng to lớn. Những thành quả của hội nhập cho đến nay đã góp phần tích lũy thế và lực cho sự bứt phá tiếp theo. Tiếp nối tinh thần đó, Nghị quyết 59 đánh dấu bước chuyển quan trọng của Đảng ta về tư duy và định hướng hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới, tạo động lực đưa đất nước tiến tới đài vinh quang của độc lập, tự do, hạnh phúc, phồn thịnh, trường tồn”./.

anh_12.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch đầu tàu của cả nước. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyết sách đột phá để Việt Nam vươn ra biển lớn