Bài 3: Chống thất thoát, lãng phí khoáng sản đi kèm: Cần sớm “vá lỗ hổng” chính sách

Mega Story - Ngày đăng : 14:37, 19/10/2024

Để tận dụng tối đa khoáng sản đi kèm (đất, đá thải); khắc phục tình trạng “chỗ thừa, chỗ thiếu” vật liệu san lấp để đáp ứng nhu cầu cho các công trình, dự án; hạn chế dung tích bãi thải, đảm bảo môi trường; tăng thu cho ngân sách Nhà nước - nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các tỉnh, thành phố cho rằng việc quan trọng hiện nay là Chính phủ cần sớm “vá lỗ hổng” chính sách: Quy định rõ việc phê duyệt trữ lượng, cấp phép khai thác, tận thu khoáng sản đi kèm.
Mega Story

Bài 3: Chống thất thoát, lãng phí khoáng sản đi kèm: Cần sớm “vá lỗ hổng” chính sách

{Tên tác giả} 19/10/2024 14:37

Để tận dụng tối đa khoáng sản đi kèm (đất, đá thải); khắc phục tình trạng “chỗ thừa, chỗ thiếu” vật liệu san lấp để đáp ứng nhu cầu cho các công trình, dự án; hạn chế dung tích bãi thải, đảm bảo môi trường; tăng thu cho ngân sách Nhà nước - nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các tỉnh, thành phố cho rằng việc quan trọng hiện nay là Chính phủ cần sớm “vá lỗ hổng” chính sách: Quy định rõ việc phê duyệt trữ lượng, cấp phép khai thác, tận thu khoáng sản đi kèm.

bia-3.jpg

Để tận dụng tối đa khoáng sản đi kèm (đất, đá thải); khắc phục tình trạng “chỗ thừa, chỗ thiếu” vật liệu san lấp để đáp ứng nhu cầu cho các công trình, dự án; hạn chế dung tích bãi thải, đảm bảo môi trường; tăng thu cho ngân sách Nhà nước - nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các tỉnh, thành phố cho rằng việc quan trọng hiện nay là Chính​ phủ cần sớm “vá lỗ hổng” chính sách: Quy định rõ việc phê duyệt trữ lượng, cấp phép khai thác, tận thu khoáng sản đi kèm.

Cùng với đó, Chính phủ, Quốc hội cần có cơ chế “thoáng” hơn về thuế để khuyến khích các doanh nghiệp khai khoáng tham gia trách nhiệm hơn vào việc “khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản đi kèm” như tinh thần của Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

artboard-1.png
artboard-1.jpg

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về tình hình thực tế tại địa phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường, cho biết là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản với trên 150 điểm mỏ có giá trị công nghiệp, trung bình mỗi năm có khoảng 25 triệu m3 đất, đá thải, song việc sử dụng đất, đá thải ở tỉnh Lào Cai vẫn đang gặp khó khăn.

anh-9.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản, mỗi năm có khoảng 25 triệu m3 đất, đá thải, song việc sử dụng đất, đá thải ở tỉnh Lào Cai vẫn đang gặp khó khăn. (Ảnh: TTXVN)

Vì thế, để “quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường” theo đúng mục tiêu tại Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, nghiên cứu, đề xuất ban hành trình tự, thủ tục hành chính để được vận chuyển, sử dụng đất, đá thải theo hướng đơn giản hóa thủ tục, dễ thực hiện để đảm bảo việc cung cấp nguyên vật liệu phục vụ san lấp cho các dự án, tránh thất thu ngân sách…

Ủy ban Nhân dân Lào Cai cũng đề nghị Bộ Xây dựng cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương sớm xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích, thúc đẩy việc sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng (vật liệu thay thế); ưu tiên các dự án sản xuất, sử dụng vật liệu tái chế từ chất thải công nghiệp, chất thải xây dựng và từ các ngành, lĩnh vực khác nhằm đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn…

bai-thai-cua-mo-dong-sin-quyen-tai-tinh-lao-cai.-1.jpg
Bãi thải của Mỏ đồng Sin Quyền tại tỉnh Lào Cai. Ủy ban Nhân dân Lào Cai đã đề nghị Bộ Xây dựng sớm xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích, thúc đẩy ưu tiên các dự án sản xuất, sử dụng vật liệu tái chế từ chất thải công nghiệp, chất thải xây dựng

Nằm ở khu vực Đông Bắc, tỉnh Cao Bằng cũng là địa phương có nhiều mỏ khoáng sản. Hàng năm, các mỏ thải ra khoảng trên 1,6 triệu m3 đất, đá thải.

Tuy nhiên cũng như nhiều tỉnh khác trên cả nước, tỉnh này đang gặp tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, đặc biệt là đất đắp nền (đất san lấp) cho các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước và công trình vốn ngoài ngân sách.

anh-14.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Trước tình hình đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết tỉnh đã quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành để giải quyết nhanh các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản, đăng ký khai thác đất đắp; giao các cơ quan chuyên môn khẩn trương nghiên cứu, tích cực đề xuất các giải pháp khai thác đất tại bãi thải của các công trình, dự án đã hoàn thành để phục vụ các công trình, dự án đang thi công thiếu vật liệu xây dựng; nghiên cứu, tham mưu hướng dẫn các chủ mỏ thực hiện thủ tục khai thác khoáng sản đi kèm (đất, đá thải làm vật liệu san lấp).

“Tuy nhiên, hiện nay luật chưa có quy định cụ thể về hồ sơ, thủ tục hành chính để giải quyết đối với khai thác khoáng sản đi kèm. Vì vậy, tỉnh Cao Bằng mong muốn các bộ, ngành Trung ương sớm có hướng dẫn về trình tự, thủ tục để thống nhất thực hiện, nhằm khai thác tối đa, tránh lãng phí tài nguyên, tăng thu ngân sách nhà nước,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh kiến nghị.

Từ thực tế đơn vị triển khai dự án giao thông trọng điểm quốc gia, ông Hoàng Đức Thọ - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng cho biết theo quy định của Luật khoáng sản 2010, đối với các dự án không được hưởng các cơ chế đặc thù của Quốc hội về khoáng sản thì trình tự thủ tục cấp phép mỏ vật liệu xây dựng thông thường phải trải qua 11 bước với thời gian thực hiện khoảng gần 300 ngày.

anh-54.jpg
Theo quy định của Luật khoáng sản 2010, đối với các dự án không được hưởng các cơ chế đặc thù của Quốc hội về khoáng sản thì trình tự thủ tục cấp phép mỏ vật liệu xây dựng thông thường phải trải qua 11 bước với thời gian thực hiện khoảng gần 300 ngày.

Trong bối cảnh tiến độ phê duyệt của các dự án giao thông hiện này chỉ kéo dài khoảng 2-3 năm thì thời gian để được cấp phép khai thác đối với mỏ vật liệu xây dựng thông thường khó đảm bảo tiến độ.

“Do đó, luật cần làm rõ khái niệm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (bao gồm cả các loại đất đồi, đất san lấp, đất đá bóc của mỏ...) để quy định việc khai thác, sử dụng đối với các loại khoáng sản này theo hướng đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, phù hợp với loại hình khoáng sản; đáp ứng nhu cầu thực tiễn nguồn vật liệu đất đắp cho các dự án giao thông, góp phần đẩy nhanh tiến độ và tiết giảm chi phí đầu tư của các dự án sử dụng đất đắp,” ông Thọ nhấn mạnh.

Nằm ở giữa “khúc ruột” miền Trung - nơi đường cao tốc Bắc Nam chạy qua, đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình cũng nhấn mạnh để giải quyết, sử dụng hiệu quả nguồn khoáng sản đi kèm tại các mỏ trong bối cảnh nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm đang gặp khó do thiếu vật liệu san lấp, tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu sửa đổi, đơn giản hóa các thủ tục pháp lý để nhà đầu tư thuận lợi trong việc cấp phép khai thác nhằm huy động tối đa nguồn sản đi kèm vào phục vụ cho các công trình dự án của địa phương.

anh-10.jpg
Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) nhấn mạnh báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, đã đề cập một thực trạng rất đáng chú ý, đó là tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản nhóm 4. Các đối tượng đã lợi dụng tình hình khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung vật liệu xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia để khai thác trái phép khoáng sản, cát, đá và sỏi, đất làm vật liệu xây dựng và vật liệu san lấp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
bai3scroll.jpg
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, nghiên cứu, đề xuất ban hành trình tự, thủ tục hành chính để được vận chuyển, sử dụng đất, đá thải theo hướng đơn giản hóa thủ tục, dễ thực hiện
bai32.jpg
Như nhiều tỉnh khác trên cả nước, Cao Bằng đang gặp tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, đặc biệt là đất đắp nền (đất san lấp)
bai3ghep3.jpg
Ông Thọ cho rằng “luật cần làm rõ khái niệm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (bao gồm cả các loại đất đồi, đất san lấp, đất đá bóc của mỏ...) để quy định việc khai thác."
1920x1080-4-v.png

titphu2bai3.png

Đối với các tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp hiện nay đang rất lớn. Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, khu vực này đang triển khai 8 dự án đường cao tốc dài 463km chạy qua 10 tỉnh. Các dự án này cần khoảng 53,7 triệu m3 cát san lấp nền, trong đó cát san lấp nền của các dự án năm 2023 khoảng 16,78 triệu m3; năm 2024 khoảng 23,63 triệu m3.

Trong khi đó, kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác và làm việc với các bộ, địa phương về xử lý khó khăn, vướng mắc cho dự án giao thông trọng điểm khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh liên quan, đặt mục tiêu: Đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường cao tốc trên cả nước, trong đó khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 600 km hưởng ứng.

Theo đó, để giải quyết đủ nguồn vật liệu san lấp phục vụ các dự án cao tốc trên, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời các địa phương có nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường ở Đồng bằng sông Cửu Long để giải quyết việc cấp phép khai thác mỏ, nâng công suất khai thác mỏ cát khi đủ điều kiện, gia hạn mỏ theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Thủ tướng cũng yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân các các tỉnh có nguồn vật liệu san lấp (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang…) và các địa phương có nhu cầu vật liệu san lấp (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau…) chủ động trao đổi, làm việc, áp dụng mọi cơ chế, chính sách đặc thù và cơ chế thuận lợi nhất để giải quyết đủ nguồn vật liệu theo chỉ tiêu được giao, cũng như đã cam kết (đảm bảo về trữ lượng, công suất), bảo đảm hoàn thành các thủ tục cấp phép.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường, cho biết hiện trên địa bàn có 2 tuyến đường bộ cao tốc đi qua; trong đó tuyến đường bộ cao tốc Cần Thơ-Cà Mau (đoạn Cần Thơ-Hậu Giang) nhu cầu cát xây dựng và cát đắp nền là 6,84 triệu m3; tuyến Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (đoạn qua Cần Thơ) là 7 triệu m3.

anh-50.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo tiến độ thi công tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn đi qua xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngoài ra, một số dự án, công trình giao thông trọng điểm do thành phố Cần Thơ đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, với nhu cầu cát cần 1,7 triệu m3, công trình Khu công nghiệp huyện Vĩnh Thạnh (VSIP) với nhu cầu cát lên tới 9 triệu m3. Như vậy, nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp trên địa bàn là rất lớn.

“Thời gian qua, thành phố đã chủ động làm việc với tỉnh An Giang, Tiền Giang để việc hỗ trợ cung cấp vật liệu xây dựng cho địa phương được đảm bảo theo tiến độ thi công công trình. Tuy nhiên các công trình, dự án trọng điểm khác của thành phố vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề thiếu cát,” ông Trường nói.

Ông Trường cũng cho biết để giải quyết nhu cầu vật liệu san lấp trên địa thành phố Cần Thơ nói riêng, trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Chính phủ và các bộ, ngành đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm hạn chế thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp. Bên cạnh việc huy động mỏ cát ở các tỉnh, Chính phủ đề nghị tiếp tục mở rộng thí điểm khai thác và sử dụng cát biển, thí điểm sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp ở một số dự án.

Trong khi đó, về phía doanh nghiệp phát thải tro xỉ, ông Âu Nguyễn Đình Thảo - Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, cho biết việc thí điểm sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp của công ty vẫn đang gặp khó khăn. Hiện công ty này có 3,9 triệu tấn tro, xỉ chôn lấp tại 2 bãi thải ở tỉnh Trà Vinh đã đầy, cần sớm được xử lý.

Vì vậy, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải kiến nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn cụ thể trong thực hiện các giải pháp và có cơ chế ưu tiên sử dụng tro, xỉ để làm vật liệu san lấp các công trình giao thông, vật liệu xây dựng các công trình xây dựng; Bộ Tài chính có hướng dẫn về cơ chế tài chính, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi để hỗ trợ công ty, khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp, xây dựng cho các công trình xây dựng để thay thế các vật liệu tự nhiên…

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cũng nhấn mạnh để có thể sử dụng rộng rãi tro xỉ làm vật liệu san lấp, tỉnh này kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các giải pháp và có cơ chế ưu tiên sử dụng tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện; xem xét, điều chỉnh các quy định, các tiêu chuẩn, quy chuẩn tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp đã ban hành, tạo điều kiện thuận lợi trong sử dụng tro, xỉ phát sinh, đáp ứng nhu cầu đang thiếu hụt vật liệu san lấp đối với các dự án xây dựng, giao thông.

titlephu3bai3.png
artboard-1.jpg

Bên cạnh các giải pháp trên, nhiều ý kiến cơ quan quản lý, đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh cơ chế “thoáng” hơn về thuế tài nguyên để khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tham gia trách nhiệm hơn vào việc khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản đi kèm về lâu dài.

screenshot_10.png
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) đề nghị dự án Luật Địa chất và Khoáng sản cần đề cập quy định rõ ràng về các loại khoáng sản đi kèm cũng như tôí ưu hóa việc khai thác, sủ dụng, để đảm bảo không gây lãng phí, thất thoát. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Chia sẻ kinh nghiệm qua hơn 20 năm nghiên cứu, quản lý về lĩnh vực khoáng sản, một cán bộ ở Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia nhấn mạnh rằng: “Tiết kiệm đối với tài nguyên khoáng sản không phải là giữ bo bo, không khai thác, mà tiết kiệm là phải làm sao khai thác, sử dụng hiệu quả.”

Dẫn điều 49 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013, vị cán bộ trên cho hay theo quy định việc quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phải “bảo đảm hiệu quả kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; thực hiện tận thu triệt để trong khai thác khoáng sản và sử dụng hiệu quả các sản phẩm phụ hữu ích của hoạt động khai thác khoáng sản”.

Tuy nhiên tài nguyên khoáng sản hiện vẫn chưa được khai thác hiệu quả, gây lãng phí lớn. Một trong những bất cập là quy định về thuế tài nguyên hiện nay đang “đánh đồng” theo nhóm, chủng loại, mỏ như nhau. Trong khi việc khai thác tài nguyên khoáng sản tùy thuộc vào từng vị trí, địa hình khác nhau (như mỏ nằm ven đường, giao thông đi lại thuận lợi; hay mỏ ở sâu trong rừng, địa hình phức tạp).

anh-29(1).jpg
Một trong những bất cập là quy định về thuế tài nguyên hiện nay đang “đánh đồng” theo nhóm, chủng loại, mỏ như nhau.

“Nếu đánh đồng quy định như trên, tôi e là không doanh nghiệp nào có mỏ ở xa, vị trí phức tạp… muốn làm. Như vậy, cơ chế chính sách này đã tạo trở lực ngay trong ý thức của doanh nghiệp khiến họ không muốn tiết kiệm,” vị cán bộ trên lưu ý và cho rằng muốn doanh nghiệp đầu tư khai thác mỏ khoáng sản có hàm lượng quặng nghèo cao, vẫn thu hồi tối đa được tài nguyên, không gây lãng phí (như điều 49), thì chính sách thuế tài nguyên cần phải phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp.

Đại diện Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia cũng cho rằng nếu cơ chế chính sách cho thuế tài nguyên xuất khẩu phù hợp thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ làm triệt để và Nhà nước sẽ được lợi hơn.

Lý do là bởi đá địa chất khi khai thác ra khỏi núi và vứt bỏ ngoài môi trường thì chỉ 1-2 năm sau sẽ biến chất, đổi màu - khi đó khoáng sản không còn giá trị và doanh nghiệp cũng không thể sử dụng.

anh-35.jpg
Đá địa chất khi khai thác ra khỏi núi và vứt bỏ ngoài môi trường thì chỉ 1-2 năm sau sẽ biến chất, đổi màu

“Như vậy là không tiết kiệm, gây lãng phí, thất thoát rất lớn. Còn nếu áp dụng chính sách thuế bằng 0 đối với một số loại quặng nghèo, khoáng sản đi kèm thì doanh nghiệp trong quá trình khai thác mỏ sẽ cố gắng thu hồi hết. Quan trọng hơn là sẽ phục vụ được cho nền kinh tế như sử dụng nguồn đất đá thải, xỉ thải phục vụ cho nhu cầu san lấp của quốc gia,” vị cán bộ trên phân tích thêm.

Trao đổi với phóng viên, đại biểu Quốc hội Vũ Ngọc Long (Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Phước, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước) cũng nhấn mạnh tài nguyên khoáng sản là nguồn không tái tạo và hữu hạn, nên việc khai thác cần phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo hiệu quả và bền vững.

screenshot_7.png
Đại biểu Quốc hội Vũ Ngọc Long, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước lưu ý nếu khai thác khoáng sản kiểu “dễ làm, khó bỏ” thì không những không mang hiệu quả kinh tế, mà còn sẽ rất lãng phí, ảnh hưởng đến tương lai. (Ảnh: Vũ Võ/Vietnam+)

“Muốn vậy cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp để họ đầu tư công nghệ hiện đại vào khai thác, tránh gây lãng phí,” đại biểu Quốc hội Vũ Ngọc Long chia sẻ.

Dẫn ví dụ về khoáng sản bauxite ngay từ thực tế ở địa phương, đại biểu Quốc hội Vũ Ngọc Long cho hay nếu theo công nghệ khai thác hiện nay thì việc khối lượng đất đá cũng như khoáng sản thô không được tận thu, đem bỏ đi sẽ rất lớn, trở thành thứ bùn đỏ. Trong khi hiện nay công nghệ xử lý chưa đạt hiệu quả. Điều này không chỉ gây lãng phí, mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.

“Đã đến lúc chúng ta cần phải có quy định cụ thể để khai thác tối ưu, đảm bảo yếu tố kỹ thuật, an toàn về môi trường cũng như hiệu quả về kinh tế-xã hội như sử dụng đất đá thải vào mục đích san lấp. Đây là vấn đề mà các đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Thực tế hiện nay địa phương nào cũng mong muốn có cơ chế để sử dụng khoáng sản đi kèm để phục vụ san lấp,” đại biểu Quốc hội Vũ Ngọc Long nói.

anh-5.jpg
Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị đưa ra giải pháp điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên đối với một số khoáng sản nhằm khuyến khích đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại để khai thác, chế biến các mỏ khoáng sản có điều kiện địa chất - mỏ phức tạp, hàm lượng thấp, hạ tầng kỹ thuật thấp kém. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
anh-11.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hồ Thị Minh (Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) nhấn mạnh việc quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản hiện nay chưa phù hợp, còn nhiều chồng chéo, mất thời gian; các quy định hướng dẫn về thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu chưa thu hút, khuyến khích đầu tư vốn, công nghệ, thiết bị hiện đại, tiên tiến để khai thác, chế biến, thu hồi hiệu quả, sử dụng tổng hợp nhằm tiết kiệm tài nguyên khoáng sản. (Ảnh: An Đăng/TTXVN
screenshot_18.png
Khu vực bãi thải của Mỏ than Khánh Hòa ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
anh-32(1).jpg
Đá thải từ các mỏ đá hoa trắng ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, đang được tuồn ra để làm nền đường ở trên địa bàn. Theo đại biểu Quốc hội Vũ Ngọc Long, tài nguyên khoáng sản là nguồn không tái tạo và hữu hạn, nên việc khai thác cần phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo hiệu quả và bền vững.(Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
1920x1080-3-v.png

Đại biểu Quốc hội Vũ Ngọc Long cũng lưu ý rằng nếu tận dụng các loại khoáng sản dư thừa đi kèm để phục vụ nhu cầu san lấp các công trình giao thông trọng điểm sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc đào bới thêm một quả núi sẽ tác động đến môi trường. Ông cũng nhấn mạnh Việt Nam đang phát triển theo hướng xanh, bền vững, nên không thể chăm chăm vào yếu tố phát triển mà coi nhẹ môi trường.

Đại diện Công ty Khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo và Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên cũng đề xuất Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xây dựng cơ chế ưu đãi để doanh nghiệp có cơ sở thu hồi tối đa khoáng sản có ích cũng như khoáng sản đi kèm; sớm đồng bộ hóa hệ thống quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản với các quy định pháp luật chuyên ngành khác (ví dụ như pháp luật về môi trường, về thuế, phí áp dụng cho hoạt động khai thác khoáng sản), để tránh những bất cập, vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình thực thi./.

tacgiabrown(1).png