Bài 2: Những người lính sắt son lời thề "giữ ngọc quý" cho Tổ quốc
Mega Story - Ngày đăng : 19:37, 21/12/2024
Bài 2: Những người lính sắt son lời thề "giữ ngọc quý" cho Tổ quốc
Nơi đầu sóng ngọn gió, tiếp nối truyền thống, những người lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng vẫn sắt son lời thề, ngày đêm hiên ngang bảo vệ vùng biển, vùng trời, giữ bình yên cho đất nước...
Các quần đảo của Trường Sa như những viên ngọc quý giữa trùng khơi. Ở nơi ấy, biết bao thế hệ người Việt không quản mồ hôi, thậm chí cả máu xương ngày đêm gìn giữ từng tấc đất máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Người dân nước Việt đời đời trân trọng ghi lòng, tạc dạ những công lao và sự hy sinh vô bờ bến ấy.
Giờ đây, nơi đầu sóng ngọn gió, tiếp nối truyền thống, những người lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng vẫn sắt son lời thề, ngày đêm hiên ngang bảo vệ vùng biển, vùng trời, giữ bình yên cho đất nước...
Ở khu vực Quần đảo Trường Sa, Đảo An Bang được ví như một cây nấm giữa biển khơi do có cấu trúc dựng đứng và được bao quanh bởi tường sóng cao hơn 2 mét. Thềm san hô của đảo rất hẹp, cách đảo khoảng 1 hải lý, độ sâu tới đáy biển có thể lên đến cả nghìn mét. Phía bờ Tây của đảo có một bãi cát dài, hẹp, còn bờ phía Nam của đảo có bãi cát thường thay đổi theo mùa. Khoảng từ tháng 4 đến tháng 7 được bồi thêm trở thành một bãi cát dài; đến tháng 8, bãi cát dịch chuyển sang bờ Đông của đảo và theo chu kỳ một năm, bãi cát này lại trở về vị trí cũ. Đảo An Bang khó tiếp cận nhất trong các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Thiếu tá Nguyễn Văn Nam - Chính trị viên phó đảo An Bang, Lữ đoàn 146, vùng 4 Quân chủng Hải quân cho hay ngọn hải đăng trên đảo An Bang có vai trò rất quan trọng khẳng định quyền chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam trên biển Đông. Ngọn hải đăng là chỉ dấu cho các bà con ngư dân để bắt tín hiệu khi đi đánh bắt xa bờ. Cán bộ, chiến sỹ của đảo luôn sẵn sàng hỗ trợ ngư dân gặp nạn, tìm kiếm cứu nạn trên biển.
“Với những chiến sỹ, công tác tại đảo An Bang gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm khi phải đối mặt khi thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là vào mùa sóng to, gió lớn biển động như dịp cuối năm. Do vậy, cán bộ, chiến sỹ phải huấn luyện, phải thường xuyên quán triệt nhiệm vụ công tác bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ qua các khóa đào tạo. Các chiến sỹ phải có sức khỏe, thể lực, tinh thần, có kinh nghiệm chỉ huy để đưa đón các đại biểu cũng tiếp cận hàng hóa, đặc biệt là vào mùa cuối năm,” Thiếu tá Nguyễn Văn Nam cho hay.
Về việc đảm bảo đời sống cho các chiến sỹ như việc trồng rau xanh, Chính trị viên phó đảo An Bang cho hay đây là nội dung, tiêu chí để các cán bộ, chiến sỹ tăng gia sản xuất có căn cứ vào các chỉ tiêu của hằng năm để đánh giá cán bộ. Vì vậy, chiến sỹ trên đảo An Bang luôn chủ động, tích cực lựa chọn những hạt giống rau khỏe mạnh, đặc biệt theo mùa và đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ trong quá trình lao động, tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống.
“Chúng tôi thực hiện các nhiệm vụ bất chấp thời tiết bất lợi đồng thời thường xuyên trực đài tín hiệu, kịp thời hướng dẫn ngư dân đánh bắt cá ở khu vực gần đảo thuận lợi tránh trú, bão. Đến thời điểm này chúng tôi luôn đạt và vượt chỉ tiêu tăng gia sản xuất, đảm bảo rau xanh cho cán bộ, chiến sỹ trong cải thiện đời sống, đặc biệt là mùa gió chướng,” Thiếu tá Nguyễn Văn Nam khẳng định.
Với Đảo Đá Đông B, nhìn từ phía xa, phần nước bao quanh đảo cùng với thềm san hô tạo hiệu ứng thị giác như một viên ngọc nằm giữa biển khơi. Đại úy Nguyễn Văn Linh - Chính trị viên đảo Đá Đông B cho hay các cán bộ, chiến sỹ trên đảo luôn vững chắc tay súng vững niềm tin bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
“Ông cha ta đã đổ mồ hôi, nước mắt và xương máu của mình ở khu vực biển, đảo này, do vậy cán bộ, chiến sỹ của đảo Đá Đông B có trách nhiệm, nhiệm vụ vinh dự bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Các bộ, chiến sỹ trên đảo luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng Hải quân Vùng 4 lữ đoàn 146. Nhận thức được nhiệm vụ và niềm tin với Đảng, Nhà nước giao phó, các chiến sỹ luôn quyết tâm khắc phục mọi khó khăn và giữ vững biển đảo của quê hương. Ở đảo thời tiết khắc nghiệt, để khắc phục khó khăn cán bộ, chiến sỹ trên đảo đã xây dựng hệ thống vườn kín đảm bảo rau xanh tươi theo mùa với lượng rau xanh phục vụ cho từng bữa ănm” Đại úy Linh cho biết.
Một nhiệm vụ rất quan trọng khác, đó là các chiến sỹ trên đảo hỗ trợ bà con ngư dân khi đánh bắt khai thác hải sản trên biển. Khi có các tàu ngư dân đi biển gặp nạn, các chiến sỹ quan tâm và chăm sóc rất nhiệt tình và cấp thuốc, cấp nước, cấp thực phẩm cho bà con ngư dân.
“Chúng tôi luôn xác định là diểm tựa cho ngư dân bám biển. Do diện tích được giao phụ trách lớn, nên cán bộ, chiến sỹ trên điểm đảo luôn thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu cao và canh gác khu vực đảo,” Đại úy Nguyễn Văn Linh cho hay.
Những người lính Trường Sa thường gọi Trường Sa Lớn là “thủ đô” của quần đảo Trường Sa và đảo Đá Tây là “thành phố” của những đảo chìm, bao gồm: Đá Tây A, Đá Tây B và Đá Tây C.
Đảo Đá Tây C thuộc cụm đảo Đá Tây của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa với thời tiết trên đảo tương đối khắc nghiệt, được chia thành hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Cụm đảo Đá Tây nằm trên bãi ngầm san hô rộng lớn, nơi đây không chỉ là ngư trường truyền thống mà còn có âu tàu để tránh trú bão. Khi chúng tôi đến đảo, chỉ vài phút sau đó là cơn mưa rào trên đảo và ngay sau đó kèm theo cầu vồng.
Thiếu tá Vũ Văn Huân - Chính trị viên đảo Đá Tây C cho hay đây là đoàn công tác thứ 4 của năm nay đến thăm đảo. Điều đặc biệt là khi đoàn lên đảo thì có cơn mưa rào và đây cũng là cơn mưa xuất hiện đầu tiên ở đảo trong năm nay. Vì vậy, các thành viên của đoàn công tác và những người lính đảo đều vui mừng hòa lẫn niềm vui gắn kết ngày gặp mặt.
Chia sẻ về công việc của những người lính đảo, Thiếu tá Vũ Văn Huân cho hay: “Chúng tôi xác định bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của quần đảo. Trong thời gian qua, cấp ủy, chi bộ, các tổ chức tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn phạm vi vùng biển đảo Đá Tây.”
Trong năm qua ngư dân các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận đánh bắt khu vực biển do đảo quản lý gặp trường hợp người dân người cầu cần hỗ trợ khám, điều trị cấp thuốc, cấp ủy, lực lượng quân y tận tình hướng dẫn cấp thuốc khám, điều trị cho 12 ngư dân trên biển.
Bên cạnh đó, công tác cứu hộ tàu đánh cá của ngư dân khai thác trên biển, giúp đỡ ngư dân nước ngọt, nhu yếu phẩm khi tàu vào tránh bão và từ những việc làm như vậy đã để lại ấn tượng về tình cảm tốt đẹp về mối quan hệ gắn bó giữa quân-dân và là điểm tựa an toàn của ngư dân trong những chuyến vươn khơi, bám biển.
Những năm qua, lớp lớp cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Tây C luôn hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, làm chủ vùng biển đảo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng, quân đội và nhân dân.
Trong công tác xanh hóa Trường Sa, trồng rau xanh, Thiếu tá Vũ Văn Huân phân tích, do đặc điểm chung là đảo chìm nên việc trồng rau xanh trên đảo rất nhiều khó khăn. Để tổ chức tăng gia trồng rau xanh, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây C phải vận chuyển từ đất liền ra từng bao đất nhỏ. Cán bộ, chiến sỹ trên đảo đã thực hiện tốt công tác tăng gia, sản xuất, chăn nuôi bằng cách quyết tâm động viên nhau bằng những kinh nghiệm, kiến thức trồng rau. Nguồn rau xanh và chăn nuôi gia súc (gà, vịt, lợn…) không được như trên đất liền nhưng hiện nay các bữa ăn bộ đội đều ổn định khi đảm bảo được công tác chăn nuôi đa dạng và phong phú. Nhờ vậy, đến nay đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ trên đảo đã được cải thiện đáng kể.
Một số hình ảnh về đời sống người lính trên đảo Đá Tây C.
Giữa biển trời xanh ngắt, ba hòn đảo Cô Lin-Len Đao-Gạc Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn nổi lên như ba cạnh của một tam giác. Khu vực biển cả nơi đây vào năm 1988, đã từng chứng kiến cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, chống lại hành động xâm lược của kẻ thù. Gương hy sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sỹ cùng với 3 tàu của ta vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển cả vẫn luôn mãi in đậm trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam.
Với Đảo Len Đao - giữa biển khơi rộng lớn nổi lên một khu nhà vững chắc, sừng sững hiên ngang. Len Đao cách bán đảo Cam Ranh 313 hải lý, cách đảo Sinh Tồn về phía Đông Nam 6,5 hải lý, phía Đông về đảo Cô Lin 6,4 hải lý và cách đảo Gạc Ma theo hướng Đông Bắc 5,5 hải lý.
Khi giới thiệu về đảo, Trung uý Đỗ Trung Nghĩa - Chính trị viên đảo Len Đao cho hay: “Cán bộ, chiến sỹ đảo Len Đao luôn thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, là cột mốc chủ quyền tiền tiêu hàng đầu trên biển, là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển. Trong những năm vừa qua, cán bộ, chiến sỹ đã phát huy tốt tinh thần cũng như lòng quả cảm của 64 anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma của quần đảo Trường Sa để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đến hôm nay, thế hệ những người lính trẻ chúng tôi tiếp tục kế thừa, tiếp nối truyền thống của cha ông đi trước đã để lại.”
Trung uý Đỗ Trung Nghĩa khẳng định, làm nhiệm vụ bảo vệ phên dậu, chủ quyền của Tổ quốc nơi tuyến đầu là niềm vinh dự, tự hào đối với mỗi người lính trẻ. Do đó, mỗi cán bộ, chiến sỹ trên các đảo cũng như các lực lượng phải luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao; tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, tăng cường huấn luyện, phải thuần thục các phương án; rèn sức chịu đựng gian khổ trong điều kiện khó khăn phức tạp; huấn luyện, tăng cường hiệp đồng giữa các lực lượng...
Bên cạnh đó, các cán bộ, chiến sỹ trên Đảo Len Đao luôn sẵn sàng giúp đỡ, cứu hộ-cứu nạn ngư dân, đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sỹ Hải quân thời kỳ mới, xây dựng đảo Len Đao mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan, môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân
“Cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng quân đội chúng tôi luôn ghi nhận cũng như cảm ơn tình cảm của đoàn công tác cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhờ có tình cảm của các đoàn công tác cũng như nhân dân trên cả nước, anh em cán bộ, chiến sỹ trên đảo luôn quyết tâm để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam,” Trung uý Đỗ Trung Nghĩa cho hay.
Hơn 30 năm qua, những nhà giàn DK1 giữa trùng khơi đã trở thành biểu tượng khẳng định cột mốc chủ quyền trên biển. Lớp lớp cán bộ, chiến sỹ của các lực lượng đã khắc phục khó khăn, gian khổ đi xây dựng nhà giàn trên biển.
Những công trình nhà giàn mang tên DK1 rộng lớn với diện tích khoảng 80.000 km2, có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh-quốc phòng, khu vực rất giàu có về tài nguyên khoáng sản và tài nguyên biển, án ngữ trên đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông. Nhà giàn DK ngoài ý nghĩa thu thập thông tin khoa học về hải dương, kinh tế biển, còn là những cột mốc khẳng định chủ quyền trên thềm lục địa, tiềm năng dầu khí của Việt Nam
Đại úy Thang Huy Nam - Chính trị viên nhà giàn DK1/21, thông tin năm 2023, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được Tiểu đoàn DK1 giao phó. Đặc biệt, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc công tác sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện cơ động, 100% chiến sỹ đạt loại khá, giỏi trong huấn luyện. Không dừng lại ở đó, nhà giàn còn là chỗ dựa vững chắc, giúp ngư dân vươn khơi, bám biển. Năm 2023, nhà giàn đã cung cấp 15.000 lít nước sinh hoạt, hỗ trợ hàng trăm ký gạo, dầu ăn, các nhu yếu phẩm cho ngư dân khi hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản khu vực gần nhà giàn những lúc bị thiếu hụt nước sinh hoạt, lương thực, thực phẩm.
Đón nhận tình cảm nơi đất liền dành cho toàn thể cán bộ, chiến sỹ đơn vị trên nhà giàn DK1/21, Đại úy Thang Huy Nam tâm sự: "Chưa bao giờ cán bộ, chiến sỹ nhà giàn cảm thấy vui như ngày hôm nay, khoảng cách giữa đất liền và nhà giàn gần đến vậy. Chúng tôi đã đón nhận tình cảm của đất liền, quà tặng. Đây là nguồn động viên, cổ vũ tinh thần hết sức to lớn để cán bộ, chiến sĩ nhà giàn luôn an tâm công tác, xác định tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, những người lính trên nhà giàn luôn quyết tâm cao, giữ vững chủ quyền thềm lục địa thiêng liêng, không lơ là mất cảnh giác, sẵn sàng ứng trực xử lý tốt mọi tình huống trong thẩm quyền với tinh thần 'Còn người, còn nhà giàn.”
Trong những năm qua, quân dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và các lực lượng phối thuộc đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Quân dân Trường Sa luôn vững vàng bản lĩnh, mài sắc ý chí, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao trong mọi tình huống, chấp hành nghiêm kỷ luật, tích cực giúp đỡ ngư dân vươn khơi bám biển, xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Đặc biệt, các cán bộ, chiến sỹ thường xuyên nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác huấn luyện. Đây là nhiệm vụ quan trọng, để giúp cho cán bộ, chiến sỹ có đủ khả năng và năng lực xử lý các tình huống khi có vấn đề xảy ra với nhiệm vụ là phải giữ vững môi trường hòa bình.
Ai đã đến với Quần đảo Trường Sa, thấy được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sự nghèo nàn dinh dưỡng của đất cằn, biển mặn mới cảm nhận hết sự nỗ lực, kiên trì của cán bộ, chiến sỹ trong mọi hoạt động. Nhưng vượt lên tất cả, những người lính đảo dạn dày sương gió với nụ cười rạng rỡ trên môi không quản ngại gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những khi đón các đoàn công tác tới thăm đảo, những người lính ấy cẩn thận dắt tay từng thành viên của các đoàn công tác từ xuồng lên đảo an toàn với biết bao ân tình.