Mega Story

Bài 1: Ngàn cánh hạc giấy "chuyên chở" tình cảm của thế hệ măng non với biển đảo

21/12/2024 18:47

Sự kiện ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma là “Khúc ca bi tráng.” Sự hy sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sỹ cùng với 3 tàu của ta mãi luôn in đậm trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam hôm nay và thế hệ mai sau.

truong-sa-22-12-ma-4-1-.png

Trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, nhiều anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa. Để tri ân sự đóng góp của các anh, trong hải trình đến với Trường Sa, tất cả các đoàn công tác tới thăm quần đảo xa xôi nhất của đất nước hằng năm đều tổ chức buổi lễ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc và dành những phút mặc niệm trang nghiêm ngay trên vùng biển nơi các anh nằm xuống.

Sự kiện ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma là “Khúc ca bi tráng.” Sự hy sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sỹ cùng với 3 tàu của ta mãi luôn in đậm trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam hôm nay và thế hệ mai sau.

2.png

Giữa biển, trời Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, trong không gian mênh mông biển cả, cột cờ với lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trên đỉnh con tàu KN290 giữa biển khơi như hòa với tiếng sóng biển, tiếng gió. Tấm băng rôn của buổi lễ in dòng chữ: “Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Quần đảo Trường Sa.”

Ba hồi còi tàu rền vang, tất cả các thành viên của Đoàn công tác số 21 (năm 2024) nghiêng mình tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc tại đảo Gạc Ma năm 1988.

Đại tá Bùi Văn Bền - Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân với giọng điệu trầm hùng, chia sẻ trong lễ tưởng niệm: Giờ này, đoàn công tác cùng cán bộ, thủy thủ tàu KN 290 đang có mặt trên vùng biển Len Đao nơi cách đây 36 năm, vào ngày 14 tháng 3 năm 1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam để bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với tất cả lòng thành kính và biết ơn sâu sắc, Đoàn công tác tổ chức lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của đất mẹ Việt Nam đã dâng hiến trọn đời mình cho sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, biển đảo luôn là một phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời, chia cắt. Bằng công sức, mồ hôi, xương máu và cả tính mạng bao đời, các thế hệ người Việt đã xác lập, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên Biển Đông, khẳng định chủ quyền quốc gia, dân tộc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Kể sao hết những tấm gương hy sinh anh dũng của những cán bộ, chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã ra đi trong khí phách hiên ngang với niềm tin quyết thắng, làm rạng ngời phẩm chất cao đẹp bộ đội Cụ Hồ trong hành trình giữ vùng biển trời Tổ quốc. Sự hiên ngang, kiêu hãnh của các anh đã làm cho kẻ thù phải run sợ, chùn bước. Các anh đã nằm lại trong lòng biển cả, trong khúc tráng ca bất tử của Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng hóa thân thành những con sóng giữa đại dương mênh mông để canh giữ nơi tiền tiêu Tổ quốc.

untitled.png
img_7099.jpg
z5473391310116_8058c6df3f3f5512a29fce4707e6a66c.jpg
cac-truong-doan.png
img_7103.jpg
img_7111.jpg

Với tất cả tình cảm, lòng ngưỡng mộ, tri ân và niềm xúc động sâu sắc, đoàn công tác kính dâng hương, hoa, lễ vật cùng tấm lòng thành kính nhất đến anh linh, các anh hùng liệt sỹ. Trong không khí linh thiêng và xúc động, không ít người rơi nước mắt vì xúc động nghẹn ngào. Từng đại biểu đã thả xuống lòng đại dương nhành hoa cúc và những cánh hạc giấy để tri ân và tưởng niệm anh linh của các anh, mong hương hồn của 64 anh hùng liệt sỹ yên nghỉ ngàn thu giữa lòng đại dương - Trường Sa của đất mẹ Việt Nam.

1.000 con hạc giấy của Đoàn công tác số 21 được thả xuống biển để tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ thật đặc biệt. Đó là những con hạc giấy trắng muốt, được gấp cẩn thận với từng nếp gấp chỉn chu, trên hai cánh là những dòng chữ màu xanh được viết cẩn thận, nắn nót nâng niu từng chữ một của các em học sinh huyện tỉnh Yên Bái với dòng chữ: “Tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Gạc Ma.”

Nghi thức tưởng niệm ấy có cả bi thương xen lẫn hào hùng, có cả niềm đau, niềm tự hào xen lẫn giọt nước mắt. Nhưng gói lại tất cả trong đó là nghĩa cử tri ân, là lời khẳng định không ai quên khúc bi tráng Gạc Ma, không ai quên những người lính đã kiên cường bảo vệ một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

img_6886.jpg

Các thành viên đoàn công tác số 21 năm 2024 cùng nhau nắn lại những con hạc giấy, chuẩn bị cho lễ tưởng niệm

Chị em đoàn công tác số 21 năm 2024 cùng nhau nắn lại những con hạc giấy, chuẩn bị cho lễ tưởng niệm

Trên boong tàu, một ngày trước khi diễn ra nghi lễ tưởng niệm, các thành viên của đoàn công tác sửa soạn chỉnh trang lại những con chim hạc giấy. Chị Lê Thu Hằng - thành viên Đoàn đại biểu các doanh nghiệp vừa và nhỏ tâm sự: “Khi cầm trên tay những chú chim hạc giấy trắng muốt của các em học sinh huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) đã gấp và sửa lại cho vuông vắn cho buổi tưởng niệm, tôi rất bồi hồi và cảm động vì các em học sinh đã gửi gắm rất nhiều những tình cảm vào đây. Trên những cánh hạc giấy là những dòng chữ ‘Tưởng niệm liệt sỹ Gạc Ma’ đầy tình cảm của các bé.”

Chị Hằng cũng không thể quên được giây phút thiêng liêng, xúc động của tưởng niệm cán bộ, chiến sỹ hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở khu vực đảo Cô Lin. Với chị, khi mỗi thành viên trong đoàn công tác đều mang trên tay một nhành hoa lần lượt thả nhẹ nhàng vào những con sóng. Những cành hoa này mang theo tình cảm, lòng biết ơn của thế hệ sau đối với những đóng góp, hy sinh của các Anh hùng liệt sỹ.

Chị Lê Thị Kim Oanh - Chuyên viên cao cấp của Vụ Tổ chức Biên chế (Bộ Nội Vụ) cho biết: “Khi được tham gia chuyến đi cùng đoàn công tác rất hồi hộp và xúc động. Dù đã được tiếp cận thông tin qua nhiều cơ quan phương tiện truyền thông đại chúng nhưng đây là lần đầu tôi đến với Trường Sa, được trực tiếp đặt chân ra huyện đảo xa nhất của Tổ quốc. Khi cùng mọi người chỉnh trang lại gần 1.000 hạc giấy từ em học sinh miền núi gửi đoàn công tác để tưởng nhớ các liệt sỹ, tôi thực sự rất xúc động. Tôi nghĩ đây là tình cảm gửi gắm, sự tri ân và trân trọng thế hệ những người đã ngã xuống vì sự tự do độc lập của Tổ quốc. Bên cạnh đó, không chỉ riêng hoạt động gấp hạc giấy, đoàn chúng tôi còn thường xuyên tập luyện các ca khúc, bài thơ để gửi đến các chiến sỹ đảo xa.”

Nói về lễ tưởng niệm, chị Oanh cho hay rất cảm phục và tự hào về những người lính, qua đó như nhắc nhở mỗi người con của đất Việt rằng dưới đáy biển lạnh giá, những chiến sỹ đang nằm đó, để mỗi người sẽ sống tốt hơn, đẹp hơn, trách nhiệm hơn, cùng với Nhân dân cả nước làm cho Trường Sa, Nhà giàn DK1 ngày càng vững chãi và trường tồn, để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các anh.

hie-7985-2557.jpg

Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, biển đảo luôn là một phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời, chia cắt.

3.png

Ngày nay, tại các trường học, thầy cô giáo giảng dạy cho thế hệ trẻ, thế hệ măng non về sự hy sinh anh dũng của những anh hùng liệt sỹ hy sinh tại khu vực biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Chia sẻ cảm xúc khi vừa gấp xong những chú chim hạc giấy gửi đoàn công tác tới buổi Lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trên quần đảo Trường Sa, em Đoàn Nguyễn Diệu Quỳnh - lớp 7 Trường Tiểu học-Trung học Cơ sở Việt Thành (huyện Trấn Yên tỉnh Yên Bái) cho hay: “Khi được thầy cô thông báo, con và các bạn học sinh của trường đã gấp hạc giấy và viết thư để gửi gắm tình cảm cho các chú ở ngoài đảo Trường Sa, Gạc Ma. Khi gấp những chú hạc giấy này, chúng con nâng niu, vuốt ve để cho có một chú hạc giấy thật đẹp nhất, viết chữ nắn nót, cẩn thận để gửi cho các chú chiến sỹ ở ngoài đảo.”

doan-nguyen-dieu-quynh.png
Cô học sinh lớp 7 Đoàn Nguyễn Diệu Quỳnh chia sẻ sự cảm phục sự hy sinh của bộ đội Trường Sa và mong muốn sau này trở thành một nữ quân nhân góp phần bảo vệ Tổ quốc.

“Con xin hứa với các chú rằng chúng con sẽ học tập thật tốt để không phụ lòng các chú. Chúng con muốn rằng khi lớn lên chúng con có thể đóng góp một phần công sức của mình để xây dựng và bảo vệ đất nước. Con còn ước mơ sau này lớn lên sẽ làm cô bộ đội. Hiện nay, điều con có thể làm thật tốt là luyện tập rèn luyện học tập thật tốt,” Quỳnh bày tỏ.

Trên chiếc bàn học, bày nhiều cánh chim hạc với đủ loại kích cỡ khác nhau, Nguyễn Phúc Khánh - học sinh lớp 7 Trường Tiểu học-Trung học Cơ sở Việt Thành khéo léo vuốt từng chú hạc giấy. Ngoài việc gấp rất nhanh và đẹp, Khánh còn hướng dẫn những bạn xung quanh gấp chim hạc giấy cho thuần thục, chỉnh trang giúp bạn cùng bàn. Khánh tâm sự em đã gấp rất nhiều hạc giấy vì nghĩ qua đó em có thể gửi gắm nhiều tâm tư tình cảm để tưởng niệm những chiến sỹ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma.

“Em rất ngưỡng mộ các chú bộ đội đang ngày đêm công tác ở Quần đảo Trường Sa. Các chú ở ngoài đảo dù rất nhiều gian truân nhưng luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Em chúc các chú luôn mạnh khỏe, vững chắc tay súng để bảo vệ quần đảo Trường Sa của chúng ta, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Em có mong muốn khi lớn lên có cơ hội tới quần đảo Trường Sa và tham dự lễ thả hoa và hạc giấy tưởng niệm các liệt sỹ, gặp gỡ các chiến sỹ đang công tác ở đảo xa,” Nguyễn Phúc Khánh bộc bạch.


24b158b6-e7c7-4015-a079-e1a4d1e00058.jpg

Em đã gấp rất nhiều hạc giấy vì nghĩ qua đó em có thể gửi gắm nhiều tâm tư tình cảm để tưởng niệm những chiến sỹ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma.”

Em Nguyễn Phúc Khánh, học sinh Trường Tiểu học-Trung học Cơ sở Việt Thành

Cầm trên tay chiếc thùng giấy đã chất đầy những con chim hạc giấy trắng muốt, cô Nguyễn Thị Huệ - Tổng phụ trách Đội, Trường Trung học cơ sở Việt Thành cho hay, sau khi nhận được thông tin về việc phát động phong trào để các em học sinh gấp hạc giấy gửi những chiến sỹ đang công tác tại đảo Trường Sa, liên đội nhà trường đã triển khai hoạt động này tới 100% các lớp. Toàn thể 138 học sinh của nhà trường hào hứng tham gia rất nhiệt tình việc gấp chim hạc giấy cũng như viết thư gửi đến các chiến sỹ ngoài đảo Trường Sa.

“Cô trò đều bồi hồi xúc động khi tự chính tay mình gấp những con hạc và ghi những nét chữ trên cánh hạc gửi đoàn công tác trong buổi lễ tưởng niệm. Với những bức thư, cô trò cũng mong rằng những người lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam ở huyện đảo Trường Sa luôn vững vàng, mạnh khỏe và vững chắc tay súng để bảo vệ Tổ quốc.”

Khu vực biển đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma - vùng biển, vùng trời nơi có những con người ưu tú của đất nước đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc khi tuổi đời còn rất trẻ và họ mãi mãi nằm lại nơi đây luôn ghi nhớ trong tâm trí của người Việt với tất cả lòng thành kính biết ơn và niềm tiếc thương vô hạn. Đến ngày hôm nay, những người lính của Hải quân, quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn đang ngày ngày tiếp tục phát huy khí phách, tinh thần đó để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.

tac-gia-2-.png


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 1: Ngàn cánh hạc giấy "chuyên chở" tình cảm của thế hệ măng non với biển đảo