Khát vọng bay cao

Xây dựng tuyến Cao tốc Bắc Nam: Vạch đích đã kẻ, chỉ tiến không lùi

Việt Hùng 05/02/2024 09:38

Chỉ trong 2 năm qua, ngành Giao thông Vận tải đã lập nên kỳ tích khi hàng loạt các Dự án thành phần của Cao tốc Bắc-Nam phía Đông đã hoàn thành, đưa vào khai thác, làm thay đổi diện mạo giao thông đất nước.

vnp_ctbn(2).png

Chỉ trong 2 năm qua, ngành Giao thông Vận tải đã lập nên kỳ tích khi hàng loạt các Dự án thành phần của Cao tốc Bắc-Nam phía Đông đã hoàn thành, đưa vào khai thác, làm thay đổi diện mạo giao thông đất nước.

Hỗ trợ nhau cùng “về đích”

Năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa hàng loạt các Dự án trọng điểm Quốc gia vào khai thác, trong đó có có 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc với chiều dài 475km nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892km. Theo kế hoạch, 2 dự án còn lại (chiều dài 130km) trong toàn bộ 11 Dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2021 sẽ hoàn thành vào quý 2 năm nay, đưa vào khai thác lên 2.021km đường bộ cao tốc.

Với tiến độ hiện tại, chỉ 2 năm nữa, các Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 sẽ về đích để đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành, đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tố, hứa hẹn tạo đột phá cho cả khu vực và từng địa phương.

Là nhà thầu tham gia thi công hàng loạt gói thầu tại các dự án Cao tốc Bắc-Nam, ông Cao Đăng Hoạt, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Định An tỏ rõ sự hài lòng khi các dự án đơn vị tham gia đều cán đích đúng cam kết với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải.

Dù khó khăn chồng chất nhưng vạch đích đã kẻ, Tập đoàn Định An dốc toàn lực để thi công công việc đảm nhận tại dự án Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ về đích trước một tháng so với kế hoạch đăng ký với chủ đầu tư; Hoàn thành 6 công trình cầu tại Dự án Cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 trước ngày 31/12/2022…

Ông Cao Đăng Hoạt, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Định An

Ý thức được việc hoàn thành các dự án là nhiệm vụ chính trị, theo ông Hoạt, Tập đoàn Định An dù thua lỗ tại một số dự án nhưng đã nỗ lực vượt qua kinh tế, lợi nhuận trong đại dịch và bão giá, hy sinh vì lợi ích cá nhân để Quốc gia có những con đường nối mọi miền Tổ quốc, dần dần hiện thực hóa nối thông mạch đường đất nước.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai, ông Hoạt nhận thấy có điểm sáng trên công trường đó là các nhà thầu đã luôn luôn có ý thức hỗ trợ, chia sẻ về nguồn vật liệu, con người, máy móc, thiết bị tài chính.

Đơn cử như tại gói thầu XL02 Dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 do liên danh nhà thầu gồm Công ty 319, Cường Thịnh Thi, Định An, Sơn Hải, Xuân Trường, Đèo Cả, Tổng công ty Trường Sơn thi công. Tập đoàn Sơn Hải để lại nhà máy thảm bê tông nhựa, Tập đoàn Định An hỗ trợ dây chuyền của Đức và hỗ trợ tài chính thảm nhựa và chỉ trong 2 tháng đã hoàn thành 200.000 tấn nhựa để dự án về đích vào ngày 31/12/2022.

“Tư duy thực hiện dự án của các nhà thầu thực sự đã thay đổi. Nếu trước đây, ở mỗi dự án việc của đơn vị nào, đơn vị nấy làm. Việc nhà thầu hỗ trợ nhau là chuyện chưa từng có thì tại các công trình trọng điểm, thời gian qua, lan tỏa từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ngay tại công trường, các nhà thầu đã trở thành một khối thống nhất, tương trợ lẫn nhau để bứt tốc tiến độ giai đoạn cuối cùng,” Chủ tịch Tập đoàn Định An hồ hởi nói.

Gác lại những ngày “cơm ăn tranh thủ, ngủ không đủ giấc,” nhìn lại chặng đường đã qua, theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, hầu hết các dự án cao tốc được đưa về đích năm 2023 đều phải chạy đua với thời gian với muôn vàn khó khăn.

“Với tinh thần ‘chỉ tiến không lùi,’ nhà thầu dồn lực tăng tốc, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng ‘xắn tay,’ trực tiếp chỉ đạo tại công trường. Tinh thần khi ấy là tất cả cùng phải vào cuộc. Nhờ đó, khó khăn mới từng bước được tháo gỡ, dự án mới có thể đúng hẹn thông xe,” ông Minh nhớ lại.

Quyết tâm “đi trước mở đường”

Có được thành công này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt, sâu sát, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp, tháo gỡ khó khăn; đã ban hành nhiều Nghị quyết với cơ chế đặc thù để giải quyết vướng mắc, khó khăn về nguồn vật liệu. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt, vượt qua mọi khó khăn, giải quyết dứt điểm các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình.

Xác định, việc hoàn thành các dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng là danh dự, trách nhiệm của ngành trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan trực thuộc, chủ đầu tư/Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, nhà đầu tư, nhà thầu thi công vào đã thực sự vào cuộc quyết tâm, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, xác định trọng tâm, trọng điểm để phân bổ nguồn lực thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra.”

Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải đã phát động các phong trào thi đua với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là ‘mệnh lệnh’ để các chủ thể tham gia dự án nỗ lực phấn đấu, tổ chức triển khai 3 ca 4 kíp, thi công xuyên lễ, xuyên Tết.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, trên công trường của các dự án cao tốc đi qua, hàng nghìn kỹ sư, công nhân đã vào cuộc ngày/đêm, phát huy tinh thần “đi trước mở đường” và với tình yêu đất nước, yêu nghề đã vượt qua tất cả những sự khắc nghiệt của thời tiết và môi trường lao động, những sự nhớ nhung, xa cách người thân và gia đình kể cả trong những ngày lễ, Tết đoàn viên để bám máy, bám công trường thi công không ngơi nghỉ.

Nắng đủ thì thi công bê tông nhựa, mưa nhiều chuyển sang làm cầu, cống, hộ lan, biển báo. Thời tiết có thể bất lợi nhưng sản lượng không thể không lũy tiến. Tinh thần ấy, khí thế ấy, giải pháp linh hoạt ấy đã tạo nên đột phá ấn tượng tại các công trường.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng

Dưới sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo cũng như sự tháo gỡ kịp thời về chính sách của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cam kết ngành Giao thông Vận tải phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ tuyến đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau và cả nước sẽ có 3.000km đường bộ cao tốc; qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra./.

tac-gia-hung-do.png
Theo (Vietnam+)
Copy Link

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng tuyến Cao tốc Bắc Nam: Vạch đích đã kẻ, chỉ tiến không lùi