12 ngày đêm chiến đấu kiên cường đã chứng tỏ bản lĩnh, sức mạnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam. Đến nay, thế giới vẫn phải cảm phục khi nhắc đến Việt Nam với tư cách là quốc gia đầu tiên và duy nhất bắn hạ được máy bay B-52 của Mỹ.
Vào những năm cuối của thập niên 60, đầu thập niên 70 thế kỷ XX, trước chiến thắng vang dội của cuộc “Chiến tranh đặc biệt” và “Chiến tranh cục bộ”, thế và lực của ta thể hiện rõ ưu thế thắng lợi cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thế nhưng đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố, chưa chịu thất bại và muốn cứu vớt trong ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam để có lợi cho chúng.
Sau khi tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, Richard Nixon đã lật lọng trắng trợn, xóa bỏ dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận, đòi Việt Nam phải sửa chữa 126 điểm mà trước đó phía Mỹ đã hoàn toàn nhất trí và tuyên bố ngừng đàm phán vô thời hạn với ta.
Đồng thời, từ tối ngày 18/12 đến ngày 29/12/1972, Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker II, dùng pháo đài bay B-52 nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản sửa đổi của chúng, chúng tham vọng “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”, đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế - quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam và làm lung lay ý chí quyết tâm chiến đấu chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.
Cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ vào miền Bắc nước ta cuối tháng 12/1972 là một cuộc ném bom hủy diệt vô cùng tàn ác, man rợ. Trong 12 ngày và đêm, chúng đã sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần máy bay chiến thuật; ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc nước ta hơn 100 nghìn tấn bom, đạn.
Riêng ở Hà Nội, địch đã sử dụng 441 lần chiếc B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật, ném hàng nghìn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... Chúng hủy diệt nhiều phố xá, làng mạc; đánh sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, nhà ga; giết chết 2.368 người và làm bị thương 1.355 người khác.
Nixon còn ra lệnh cho B-52 rải thảm hủy diệt phố Khâm Thiên, nơi có mật độ dân số đông nhất Hà Nội. Bom Mỹ đã tàn phá cả chiều dài khu phố trên 1.200 mét, gần 2.000 ngôi nhà, đền, chùa, trường học, trạm xá bị phá sập, 287 người chết, 290 người bị thương. Máy bay B-52 còn rải bom xuống hơn 100 điểm dân cư khác trong Thành phố (Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ, An Dương...) làm hơn 1.000 người chết, bị thương.
Tuy nhiên, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân và dân Việt Nam ta đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của địch, đập tan uy thế của không lực Hoa Kỳ. Âm hưởng của cuộc chiến đã vượt ra ngoài phạm vi của một chiến dịch, góp phần quyết định "đánh cho Mỹ cút” sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tạo tiền đề "đánh cho ngụy nhào” vào mùa Xuân năm 1975.
PHẦN 1
Ngược dòng lịch sử về 50 năm trước, trong chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, từ đêm 18/12 đến đêm 22/12, Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở y tế dân sự đầu não của miền Bắc lúc bấy giờ, đã hứng chịu liên tiếp 4 đợt dội bom của không quân Mỹ, làm hàng chục người thiệt mạng và cơ sở vật chất bị hư hỏng nặng nề.
Những ngày cuối cùng của năm, ban đêm lạnh buốt thấu xương, hầu hết bác sĩ, bệnh nhân đã được sơ tán. Mỗi khoa chỉ giữ lại vài ba người để trực cấp cứu và khoảng 300 bệnh nhân đang ẩn nấp dưới hầm. Mọi người ôm nhau, an ủi động viên cùng vượt qua những ngày mưa bom bão đạn, truyền cho nhau hơi ấm để xua tan hơi lạnh mùa đông.
Khoảng 4h sáng 22/12, nghe tiếng máy bay B-52 gầm rú, thét gào ngoài bầu trời, tất cả bác sĩ chui xuống hầm. 24 lần chiếc máy bay B52 và 36 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống đánh vào bệnh viện Bạch Mai, trút xuống cả trăm quả bom như muốn xé nát nơi này.
Tòa nhà chính của Bệnh viện đã đổ sập. Không một chiếc xe cẩu nào đủ sức nâng khối bê tông và gạch đá khổng lồ ấy. Bệnh viện gần như bị san phẳng, tiếng người kêu cứu khắp nơi. Khoa Da liễu và khoa Tai Mũi Họng là những nơi bị tàn phá nặng nề nhất. Ngay cả hệ thống hầm Bạch Mai do người Pháp thiết kế vững chắc là thế, bê tông dày là thế cũng không chịu nổi sức ép của bom và sập. Rất nhiều bệnh nhân và bác sĩ, điều dưỡng bị kẹt dưới hầm.
Sau trận bom kinh hoàng trút như mưa dội, bệnh viện Bạch Mai và khu vực xung quanh giờ đây chỉ là đống hoang tàn, đổ nát. Nhà cửa bị bom đánh bay tung nguyên cánh cửa, nguyên những thanh xà xuống vỉa hè, ra đường, kính vỡ tung tóe trên nền đất. Chỉ còn những đội cứu hộ đi thu dọn xác người, cấp cứu người bị thương, dọn chướng ngại vật trên vỉa hè, lòng đường.
Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, bệnh viện Bạch Mai dù là mục tiêu bị không quân Mỹ oanh tạc liên tiếp nhưng vẫn duy trì là bệnh viện đầu não, hàng ngày tiếp nhận, điều trị cho các nạn nhân bị thương. Phòng mổ đặt dưới hầm vẫn hoạt động đều, các cán bộ, y bác sĩ không nhụt chí mà vẫn kiên cường bám trụ dưới làn bom, từng giờ từng phút cứu chữa với hy vọng đem lại sự sống cho nạn nhân.
Thế nhưng, trận ném bom thảm khốc nhất vào đêm 22/12 đã san phẳng nhiều khu vực của bệnh viện, cướp đi sinh mạng của nhiều y bác sĩ và bệnh nhân. Bác sĩ Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, ngay khi tiếng bom dứt đã vội vàng từ nhà riêng đến bệnh viện, không khỏi bàng hoàng trước khung cảnh tan hoang, đổ nát. Bằng tất cả bản lĩnh vững vàng của người đứng đầu, ông đã nén lại đau thương để trấn an nhân viên bệnh viện trước khi bắt đầu công cuộc cứu nạn.
“Dọn dẹp ngay và bếp phải đỏ lửa. Bắc ngay mấy chảo cháo, mọi người sẽ đến để giúp chúng ta. Anh xem trong kho còn bao nhiêu đường mang lên đây. Nạn nhân phải ăn và chúng ta cũng phải ăn.”
Bác sĩ Đại đáp lời một nhân viên nhà bếp đang bối rối trước khung cảnh tang thương. Gặp nhân viên tổ điện và tổ nước, ông yêu cầu khẩn trương vận hành máy phát điện và xây lại đường nước. Ông cũng yêu cầu các bác sĩ tìm kiếm và tiệt trùng dụng cụ, dọn dẹp hầm để sẵn sàng phẫu thuật khi cần thiết.
Bên cạnh các đội cứu sập được điều động, dưới lệnh khẩn cấp của giám đốc Đỗ Doãn Đại, giờ đây mỗi bác sĩ và cán bộ, nhân viên bệnh viện đều trở thành những chiến sĩ kiên cường, nén nỗi đau để bắt đầu công cuộc tìm kiếm những người đồng đội xấu số.
Mặc cho trời đêm rét căm căm và máy bay địch vẫn còn gầm rú ở các vùng lân cận, họ không chần chừ chia nhau đi tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp dưới những đống đổ nát. Đường hầm với những tảng bê tông kiên cố bị sập khiến công cuộc cứu nạn, cứu hộ vô cùng khó khăn. Không có máy móc, thiết bị, họ không ngần ngại dùng cuốc, xẻng để đục lỗ lấy khí cho nạn nhân thở và thậm chí dùng tay không để đào bới gạch vụn.
Chật vật xoay xở để bò vào những lỗ hầm nhỏ, sâu hun hút và bị chèn lấp bởi gạch đá, họ không cầm nổi nước mắt khi nghe thấy những tiếc kêu khóc xé lòng và chứng kiến đồng đội mình nằm kẹt ở đó. Thậm chí để cứu được những nạn nhân đang kêu gào thảm thiết phía bên trong, họ đã buộc phải làm một việc hết sức đau lòng là tháo khớp thi thể của chị Hoàng Thị Thoa - nhân viên bệnh viện - bấy giờ đang chắn lối vào.
Nỗi đau thương mất mát quá to lớn cùng nỗi căm thù tội ác của địch không khiến những chiến sĩ áo trắng gục ngã mà trái lại, biến thành sức mạnh để họ kiên trì cứu nạn, cứu hộ suốt 4 ngày ròng rã. Trong những ngày đông rét buốt, trên đầu là máy bay địch gầm rít, vây quanh là bê tông xám xịt, họ quần quật ngày đêm vừa điều trị cho bệnh nhân vừa cố gắng tìm kiếm nốt thi thể đồng đội. Bất chấp những tấm bê tông có thể đổ sập bất cứ lúc nào, những tấm lưng vẫn ra vào lối hầm để cõng trên vai thi thể người tử nạn từ đống đổ nát, những đôi tay phồng rộp, rướm máu vẫn không ngừng đào bới để kéo nạn nhân ra ngoài.
Sau 4 ngày ròng rã như vậy, đến ngày 26/12, nạn nhân cuối cùng mới được đưa lên khỏi hầm. Tội ác dã man của địch đã cướp đi 31 sinh mạng, trong đó có một bệnh nhân, còn lại là các y bác sĩ và nhân viên của bệnh viện. Nhiều nữ y tá, bác sĩ ra đi khi trên tay vẫn còn cầm ống nghe và ống đo nhiệt độ chăm sóc cho bệnh nhân. Họ đã ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ cao cả là đem lại sự sống cho nạn nhân và rồi những người đồng đội ở lại tiếp tục thực hiện sứ mệnh ấy. Bám trụ ở Bạch Mai những ngày thảm khốc nhất lịch sử, chính những chiến sĩ áo trắng cũng viết nên trang sử anh dũng bằng tấm lòng cao cả và ý chí kiên cường, bất khuất của mình.
Những ngày oằn mình dưới mưa bom năm 1972 là trang sử đau thương nhưng cũng hào hùng nhất trong bề dày lịch sử hình thành và phát triển hơn một thế kỷ của bệnh viện Bạch Mai. Hồi sinh từ đống đổ nát và sự mất mát quá to lớn về người và của 50 năm trước, bệnh viện đã từng bước lớn mạnh, khang trang, hiện đại hơn, trở thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt đầu tiên của Việt Nam.
Những chiến sĩ áo trắng hy sinh ngày ấy, dù ngã xuống nhưng tinh thần và ý chí bất khuất còn sống mãi, truyền cảm hứng cho các thế hệ thầy thuốc tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả. Là một chứng nhân lịch sử trải qua bao thăng trầm cùng đất nước, một bệnh viện Bạch Mai từng nếm trải bao đau thương, mất mát, giờ đây trở thành bệnh viện hàng đầu Việt Nam, tiếp tục viết tiếp truyền thống anh hùng, tận tụy cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
HẾT PHẦN 1
Những ngày tháng Chạp năm 72, Hà Nội thực sự là một mặt trận tàn khốc. Tiếng bom rung chuyển mặt đất, tiếng còi báo động rú lên từng hồi cùng tiếng cô phát thanh viên báo tin từng đợt B52 vào thành phố. Bầu trời rực sáng những đường bay của tên lửa và đạn cao xạ của bộ đội phòng không, thỉnh thoảng lại thấy một chiếc B-52 bị trúng đạn bùng lên những khối lửa nổ tung và rơi lả tả giữa trời đêm. Tất cả đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên với người Hà Nội.
Sau các trận ném bom liên tiếp vào Phố Cửa Bắc, Ga Hàng Cỏ, Bệnh viện Bạch Mai, Mỹ tạm dừng 3 ngày không đánh phá Hà Nội vì ngày lễ Giáng Sinh.
“Tôi nhớ mãi ngày thứ chín, B-52 Mỹ đánh dữ dội vào Hà Nội nhằm vào đúng sau đêm Giáng sinh. Nửa đêm nghe tiếng chân người chạy và tiếng loa gọi hướng vào nhà: “Khâm Thiên bị bom bà con ơi! Nhanh lên đi cứu Khâm Thiên đồng bào ơi!”... Từ chỗ tôi qua phố Khâm Thiên chỉ mấy trăm mét đường. Phố Khâm Thiên như một bãi đất đá ngổn ngang đầy người đào bới các dãy nhà và hầm hố bị sập để cứu người bị thương và kéo người chết ra xếp đầy bên đường phố”.
Đó là những hình ảnh vô cùng đáng nhớ trong ký ức của nhà văn Trần Công Tấn, để đến tận hàng chục năm sau, hai tiếng “Khâm Thiên” vẫn là tiếng gọi đau thương để lại ấn tượng nặng nề trong lòng ông.
Sau 36 giờ tạm ngừng, ngày 26/12 chiến dịch Linebacker II của Mỹ đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác trên miền Bắc lại tiếp tục.
22 giờ 45 phút đêm 26/12/1972, Khâm Thiên chìm trong biển lửa.
Theo ngôn ngữ tài liệu của một trường Không quân Mỹ, riêng đêm hôm ấy đã có tổng cộng 9.932 quả bom “được ném trúng đích”.
Gần 90 tấn bom đã dội xuống Khâm Thiên, phủ kín chiều dài hơn 1 cây số của con phố. Cả khu phố nổi tiếng sầm uất và đông dân, những con ngõ mang những cái tên thân thương, những ngõ Hòa Bình, ngõ Đại Đồng, ngõ Đoàn Kết... đã bị gần như san phẳng. Một khu dân cư quần thể đông đúc đã nằm trong vệt bom... 17 khối phố bị thiệt hại, trong đó các khối phố 42, 43, 45, 47 sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn là đống gạch vụn. 534 ngôi nhà đổ sập, 1.200 căn nhà khác bị phá hỏng.
Cô Trần Thị Phượng, một nhân chứng trong vụ ném bom ngày đó kể lại: “Cả phố Khâm Thiên khi ấy đổ sập, tan tành, gạch ngói vỡ vụn không dính tý vữa nào, chứng tỏ là độ rung phá cực kỳ là mạnh”. Nhà cô Phượng ở ngõ Thổ Quan, tuy không bị đổ nhưng ngói bị vỡ nát hết, cửa gỗ bị bay lên tận đầu ngõ Văn Chương. Kho bông vải sợi gần nhà cô bị thiêu rụi, các kiện vải vóc trong đó đều cháy xém, nham nhở, ngổn ngang… Những sọt rau quả, củ cái, su hào trước cửa hàng rau quả số 15 cũng cháy đen thui, bầm nát, lẫn lộn với màu tro và đất.
Cả Khâm Thiên khi ấy chìm sâu trong sự tang thương, nằm trong vệt dài đổ nát, hoang tàn. Cây đàn dương cầm thủng nát nằm lăn lóc trên đống gạch đổ, những bản giấy chép nhạc bay lả tả khắp nơi. Hàng trăm chăn bông toe tướp, chôn vùi trước khi kịp đưa về với những gia đình lao động trong ngày đông rét buốt. Tất cả nhà trẻ, mẫu giáo, cửa hàng lương thực, thực phẩm, đình Tương Thuận, di tích lịch sử, rạp hát, nhiều cơ sở sản xuất đều bị phá hủy bởi 30 chiếc máy bay B52.
Trận bom ấy đã làm chết 278 người, trong đó có 91 phụ nữ, 40 cụ già, 55 trẻ em, làm cho 178 cháu trở thành mồ côi và 290 người bị thương. Đau đớn hơn là, nhiều người không chết vì bom mà chết vì bị kẹt trong đống đổ nát, chết vì bị sập hầm. Có những hầm trú ẩn bị ngập nước do bể nước vỡ, nước tràn vào hầm mà nắp hầm kẹt không thể thoát ra được. Có hầm trú ẩn bị bom phá làm cho lật úp xuống, người bị kẹt bên trong, chết ngạt…
Trong trận bom hủy diệt này, ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên chỉ còn là một hố bom sâu hoắm, 7 người trong gia đình không còn ai sống sót. Có nhà 12 người thì 8 người chết vì sức ép của bom. Có nhà bị bom rơi trúng không còn sót một ai. Có căn hầm đào lên thấy 6 cô tự vệ chết ngạt, đầu còn đội mũ rơm… Có nhà mất khi vẫn còn đang ngồi bên mâm cơm, lúc tìm thấy thì xác đã vùi trong bãi đổ nát, trong miệng vẫn còn ngậm cơm, tay vẫn còn cầm đôi đũa, nạn nhân ấy, hồi đó mới chỉ 13-14 tuổi…
Sau này, nhà thơ Phan Vũ - tác giả trường ca “Em ơi, Hà Nội phố” kể lại ấn tượng khung cảnh Khâm Thiên bị bom đạn cày xới và máu người Hà Nội đổ trên phố phường: “Chỉ một đêm xuống phố Khâm Thiên sau trận bom, nghe tiếng than khóc của dân phố, nhìn những vành khăn tang trắng xóa trong đêm và ngửi mùi hương cúng đã hình thành ngay hoài niệm để một đời không thể nào quên”.
Khâm Thiên hồi đó còn được gọi là phố Thợ may hay xóm Cô đầu, bởi con phố nổi tiếng với các phường hát ca trù, các cô cầm, các hiệu may và là nơi đi về của nhiều văn nghệ sĩ cùng các tài tử, giai nhân.
Sau đêm 26/12, con phố cầm ca chìm trong tang tóc và tiếng hát tưởng chừng như cũng ngưng bặt, nhưng trong đau thương của Khâm Thiên những đêm đông tháng Chạp 1972, giữa tiếng còi hụ trên nóc Nhà hát Lớn, tiếng loa phóng thanh hướng dẫn ẩn nấp cùng chỉ huy chiến đấu khi có máy bay địch, tiếng bom đạn và tiếng những căn nhà đổ sập dội vang, những câu thơ bật ra, những bài hát vang lên, những bức tranh cổ động vẽ vội trên nền gạch đổ, những tấm lòng vàng trong đống tro tàn,... Hà Nội trong máu và nước mắt vẫn kiêu hãnh ngẩng đầu.
Nhang đèn cắm dọc con phố, tổ dân phòng của khu phố gọi loa nhắc nhở người dân đi sơ tán ngay lập tức. Các thành viên dân phòng, thanh niên xung kích, các thanh niên từ những vùng xung quanh biết tin ngay lập tức lao đến Khâm Thiên, người còn sống trở về cũng kìm nén nỗi đau xông vào đống đổ nát cứu người bị sập, đào bới những căn hầm để cứu giúp những người còn đang mắc kẹt, cấp cứu người bị thương, kiếm tìm từng mảnh thi hài người chết, gom nhặt của cải, giấy tờ vương vãi trả lại cho người bị mất.
Các cháu nhỏ mồ côi được các cá nhân và tổ chức nhận về nuôi dưỡng. Phố phường vẫn được đảm bảo an ninh trật tự không có tệ nạn trộm cắp. Các gia đình đi sơ tán dép không kịp mang, cửa không kịp khóa nhưng khi trở về vẫn còn giữ được nguyên vẹn tài sản,… Các nam nữ thanh niên mang khăn tang, để lại thành phố ngổn ngang phía sau lưng, sẵn sàng lên đường ra tiền tuyến cầm súng đền nợ nước, trả thù nhà.
Với những gia định bị sập đổ hoàn toàn, Nhà nước có làm một loạt nhà ở tạm bằng tre nứa lợp giấy dầu. Bà con Hà Tây và các nơi khác cũng đem đến cho Khâm Thiên những mái nhà che tạm bên cạnh hố bom cạnh cánh đồng Si. Mùa đông tháng Chạp năm 72 ấy, gió có thể lạnh, bom có thể rơi nhưng tấm lòng vàng của người Hà Nội đùm bọc lẫn nhau vẫn luôn tỏa sáng và ấm nóng tình người.
Hình ảnh bà con Hà Nội cùng người dân Khâm Thiên dựng lại nhà. Nguồn: Cobris
Tết năm 73, những người dân Khâm Thiên vẫn tổ chức đón Tết, một cái Tết của thời chiến bên vành khăn tang cùng nhiều mất mát, thiếu thốn nhưng không ai phải thiếu bữa, phải chịu đói rét dù tan hoang nhà cửa. Người dân Khâm Thiên khi ấy kể lại, Tết Quý Sửu, Nhà nước vẫn phát tem phiếu cho các gia đình để mua đồ thiết yếu như gạo nếp, bột mỳ, măng, miến, mứt tết, trà, thuốc lá… Các gia đình bị bom vẫn có bánh chưng, kẹo mứt, thịt cá.
Qua lửa đạn, tinh thần và tấm lòng của người dân Hà Nội lại càng đẹp hơn bao giờ hết. Sự sẻ chia, nhường nhịn, giúp đỡ nhau cùng vượt qua hoạn nạn cũng là một phẩm chất góp phần làm nên chiến thắng của người Hà Nội. Từ mặt đất đau thương đầy máu và nước mắt, những mầm cây kiên cường, mầm cây anh dũng vẫn vươn lên và nở thành hoa chiến thắng. Trong khó khăn gian khổ, Hà Nội lại càng bừng lên những phẩm chất cao quý, trở thành “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Nhiều người còn nhớ, hình ảnh cô bé Ngọc Hà trong bộ phim “Em bé Hà Nội” của đạo diễn Hải Ninh đứng xếp hàng lấy gạo sau trận bom ngày 26. Khi được hỏi nhà ở đâu, cô bé trả lời “Nhà cháu ở Ngõ chợ Khâm Thiên”, không ai bảo ai, dòng người xếp hàng chờ đong gạo đều dạt ra, nhường chỗ cho một cô bé 12 tuổi đầu đội mũ rơm, bên trong vẫn chít một vành khăn tang lên phía trước.
Ngọc Hà đến trước mậu dịch viên - người cũng đang đeo khăn tang, lật từng trang sổ gạo cháy nham nhở.
- Nhà cháu đong mấy người? Đong hết hả cháu?
- Cô đong cho nhà cháu bao nhiêu cũng được... nhưng ít thôi.
Cô mậu dịch tiếp tục lật từng trang, rồi cầm bút.
- Cô. Cô đừng xóa tên mẹ cháu, em cháu. Cô đừng xóa - Ngọc Hà giật mình, nức nở cầu xin.
Ngọc Hà, cũng giống như bao đứa trẻ ở Khâm Thiên thời đó nói riêng và Hà Nội nói chung, đều đang ở độ tuổi vô tư, hồn nhiên, được đến trường, đi học đàn, đi chơi Hồ Gươm,... thì bỗng nhiên bom đạn trút xuống khiến gia đình phải ly tán. Những cô bé, cậu bé ấy là hình ảnh đại diện cho một thế hệ trải qua những ngày đau thương nhất của thủ đô, là “những em bé Hà Nội” mà tuổi thơ hồn nhiên bị pha lẫn bởi những tiếng còi báo động, những ngày sơ tán và những vành khăn tang.
Tuy nhiên, khác với nỗi căm hờn, sự ám ảnh hay những ấn tượng đầy đau thương của người lớn, những đứa trẻ ở Khâm Thiên khi ấy đều mang một ký ức rất riêng, một ký ức có cả nỗi bi thương và niềm trong sáng.
Chú Nguyễn Thanh Hà, khi ấy mới vừa lên 5 đang sống cùng bố mẹ ở Nhà B1 ngõ Văn Chương kể lại: “Hồi đó tôi mới bé tí, nhưng có những chi tiết không thể nào quên”.
Tiếng còi báo động rú lúc gần nửa đêm, tiếng máy bay rền vang khắp bầu trời. Cậu bé Hà 5 tuổi vẫn chưa kịp tỉnh ngủ đã được mẹ bế xốc dậy và chạy thật nhanh từ tầng 3 xuống tầng 1. Ngày đó, nhà Hà không có hầm trú ẩn, mẹ ôm cậu nấp ở gầm cầu thang, không gian tuy chật hẹp nhưng lại có cảm giác an toàn vô cùng. Đợi được một lúc thấy im lặng, mẹ lại ôm Hà lên tầng 3. Cả đêm hôm ấy, cả nhà cứ chạy lên chạy xuống không biết bao nhiêu lần, chưa kịp nằm lại phải chạy.
Tiếng đạn im, mọi người chạy ra ban công xem tình hình, Hà chỉ thấy loáng thoáng ánh lửa đang cháy rừng rực ở khắp nơi và tiếng bố mẹ cùng hàng xóm hò nhau rằng “hình như bom ném cháy nhà máy xe lửa ở Gia Lâm”.
Khi được hỏi rằng lúc ấy chú có sợ không, chú Hà chỉ cười đáp lại: “Lúc ấy tôi chỉ thấy mệt mỏi vì không được ngủ, chỉ mong được ngủ yên chứ cũng không biết gì để mà sợ!”
Trong nhận thức của một cậu bé mới lên 5, cậu không biết chiến tranh là gì, cũng không biết quân địch là ai, tại sao chúng lại mang bom đến đốt phá khu phố ngay gần nhà mình ở. Cậu bé Hà lúc ấy không có nhiều nỗi lo lắng phức tạp hay sự oán hận to lớn đến thế mà chỉ có nỗi buồn bực vì không được ngủ đủ giấc.
Cô Trần Thị Phượng, tháng 12/1972 khi ấy đã 14 tuổi, đủ lớn để hiểu nhiều hơn sự tàn khốc của chiến tranh kể lại những ngày đặc biệt ấy.
“Tôi nhớ, bom ném liên tục khoảng 2 tiếng thì thấy im lặng dần dần, rồi có còi ủ của thành phố báo yên. Mọi người ra khỏi hầm trú ẩn và tận mắt tôi thấy cảnh tan hoang của cả khu phố xung quanh nhà mình… cũng cảm thấy hoang mang lo lắng, nhưng rồi nhìn cảnh máy bay Mỹ bị bắn rơi cùng những cái dù đỏ của phi công Mỹ nhảy dù đang lơ lửng trên bầu trời, tôi và nhiều người bên cạnh không giấu được mà lại nhảy lên reo mừng”.
Tuổi thơ bên miệng hố bom quả thật có quá nhiều cảm xúc, phút trước vừa đau buồn vì mất đi ngôi nhà đang sống nhưng giây sau cũng có thể vui vẻ khi nghe được tin chiến thắng. Nỗi đau của những đứa trẻ Khâm Thiên khi ấy không quá vật vã, tuyệt vọng mà nó âm ỉ, nhức nhối và dai dẳng đến mãi hàng chục năm sau.
Ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ Khâm Thiên khi ấy, có việc dựng lại nhà.
Cô Phượng cùng các chị em nhặt lại cánh cửa đã bật tung đến ngõ Văn Chương về gắn lại cho nhà, phụ giúp bố mẹ sửa lại cái mái mà bom đạn đã làm vỡ nát hết gạch ngói. Những đứa trẻ khác, đứa nhỡ thì trông đứa bé, đứa lớn thì cùng mọi người nhặt nhạnh từng viên gạch, từng tấm ván hay lớp giấy dầu để dựng lại một căn nhà tránh trú trên nền của cái nhà cũ đã đổ sập mấy phần.
Nhưng tuổi thơ, vẫn có những cuộc chạy chơi trên miệng hố bom.
Phố Khâm Thiên hồi đó đầy các hố bom đủ loại kích thước. Có những hố bom chưa kịp lấp, to gần bằng cả một cái ao nhỏ, mỗi dịp mưa đến là trở thành địa điểm lý tưởng cho những đứa trẻ nghịch ngợm: câu cá, bắt lươn, thả hoa, bắt chuồn chuồn,... Đứa nào chịu khó đi dọc các hố bom là y rằng tối đó nhà có một bữa cơm cải thiện.
Ký ức tuổi thơ năm ấy, còn có cả những ngày sơ tán.
Trước trận bom khốc liệt 26/12, nhiều gia đình ở Khâm Thiên cũng đã nhận được lệnh đi sơ tán. Tuy nhiên, sau cái đêm lịch sử ấy, trẻ em và những già cũng lần lượt đi sơ tán hết, chỉ còn thanh niên và những người có trách nhiệm ở lại.
Đến một nơi hoàn toàn mới toanh, xa lạ, những đứa trẻ lại nhớ con phố Khâm Thiên từng tấp nập và ngập tràn tiếng hát, tiếng kéo cắt vải hơn bao giờ hết. Nhưng rất nhanh, sự tò mò của tuổi thiếu nhi khiến chúng dần dần bắt kịp với nơi ở mới.
“Tôi không nhớ rõ lúc ấy tôi đi sơ tán tại đâu, chỉ nhớ đấy là một vùng nông thôn với ao bèo và rất nhiều vườn tược. Vì bé mà, nên tôi cứ hay tò mò đi thơ thẩn, sau rồi còn hết bị ngỗng đuổi đến chó đuổi” - Chú Nguyễn Thanh Hà bồi hồi nhớ lại.
Và tuổi thơ trong ký ức của những đứa trẻ Khâm Thiên, có cả những vành khăn trắng và một đám tang chung.
Tết năm ấy, đường phố ở các nơi khác sạch sẽ lắm, các cửa hàng mậu dịch chật kín người, chỉ riêng Khâm Thiên là vẫn ngổn ngang đất đá, các cửa hàng đổi tem phiếu cũng thưa thớt.
Tết năm ấy, lũ trẻ trong căn nhà mới xiêu vẹo hoặc ngôi nhà cũ đầy vết rạn bong tróc không được mua quần áo mới, pháo cũng không được đốt. Đêm giao thừa, có tiếng pháo giòn giã ở đâu vọng về, chỉ có con phố Khâm Thiên là im lìm không tiếng động.
Tết năm ấy, Khâm Thiên vẫn để tang.
Lúc đó, trời vẫn còn lạnh, không khí phố phường vẫn còn hơi u ám, chỉ có con người đùm bọc và sưởi ấm cho nhau.
Nửa thế kỷ sau nỗi đau Khâm Thiên, những đứa trẻ đã lớn, rẽ ra những ngành nghề khác nhau: người đi lính rồi về kinh doanh, người đi làm phiên dịch, người làm nhà nước,… Những đứa trẻ hồi ấy giờ đều đã ngoài ngũ tuần, nhiều người đã không còn ở lại con phố Khâm Thiên tuổi thơ nữa, nhưng mỗi khi nhắc đến hai chữ “Khâm Thiên”, những ký ức lại ùa về, lòng lại bồi hồi xao xuyến.
Cũng giống như những đứa trẻ đã mang theo miền ký ức có cả bi thương lẫn trong sáng của Khâm Thiên mà lớn lên rồi thành công theo nhiều cách khác nhau, con phố đã từng có những tháng ngày đầy đau thương, bề bộn nỗi buồn và ngổn ngang gạch ngói cũng đổi khác: hiện đại hơn, san sát hơn, tấp nập hơn.
Khâm Thiên hiện giờ dù sầm uất nhộn nhịp nhưng vẫn không hề mất đi sự cổ kính hay một số dấu vết của ngày xưa. Còn đâu đó những mái nhà chắp vá lại những mảnh tường sụp đổ do bom Mỹ đêm 26/12/1972… Những cây bàng đã lại xanh tốt tỏa bóng xuống hè phố… Những con ngõ Đoàn Kết, Đại Đồng, Lệnh Cư, Khâm Đức, những cửa hiệu, tiệm may,... lại hồi sinh mạnh mẽ.
Và cứ mỗi dịp gió Đông ùa về, sau tiếng chuông vang trong các nhà thờ ngày Lễ Giáng sinh, mọi người lại quay trở về Khâm Thiên, thắp nén nhang tại Đài tưởng niệm - dấu tích một thời của 3 căn nhà số 47, 49 và 51.
Đài tưởng niệm Khâm Thiên có bức tượng là bà mẹ trẻ bồng đứa con đã chết trên đôi tay mà chân thì giẫm lên quả bom Mỹ chính là hình ảnh về nỗi đau 50 năm trước - một hình ảnh gây nhức nhối lương tri con người. Nơi này đã đón hàng triệu người từ khắp thế giới, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế đến để tưởng niệm những người đã khuất vì bom Mỹ. Tiến sĩ Kissinger, Ngoại trưởng Hoa Kỳ dưới thời Nixon ném bom Hà Nội cũng đã đến cúi đầu trước Đài tưởng niệm Khâm Thiên.
Phố Khâm Thiên bây giờ tấp nập đông đúc nhưng đài tưởng niệm vẫn lặng lẽ ở một góc phố như là lời gợi nhắc cho một giai đoạn đau thương bi tráng của dân tộc, nhắc nhớ cho tất thảy về nỗi đau chiến tranh và cũng là để mãi mãi nhen lên ước vọng hòa bình cho nhân loại.
HẾT PHẦN 2
Ngay trong đêm đầu tiên 18/12/1972 mở chiến dịch đánh vào Hà Nội, Mỹ đã sử dụng B-52 đánh phá vào các sân bay ở miền Bắc bao gồm Nội Bài, Hoà Lạc, Sân bay Kép,... Mỗi chiếc B-52 lại được hộ tống bởi hơn một chục máy bay tiêm kích rất nhiều loại: F4, F111, F100,... nhằm gây nhiễu sóng rađa và ngăn chặn đường đi của chúng ta. Không quân của ta rất khó khăn trong việc triển khai lực lượng đối phó với B-52.
Với sự cơ động khéo léo, máy bay của ta đã nhiều lần vượt qua được hàng rào F4, tiếp cận được B-52, nhưng lại chưa bắn hạ được ngay. Và cũng trong đêm đầu tiên, ba máy bay của ta bị hỏng, đó là máy bay của đồng chí Phạm Tuân, đồng chí Vũ Đình Rạng và đồng chí Trần Cung.
Khoảng 5-6 đêm sau đó, địch vẫn tấn công ta theo kịch bản cũ - tiến đánh sân bay trước, khống chế bầu trời, làm nhiễu rất mạnh để chúng ta khó xác định được. Phía ta có thể nói là cũng đang trong thế bí vì suốt nhiều đêm liền chưa thể bắn hạ được B-52.
Do đó, đêm 25/12, Không quân ta tổ chức họp bàn rút kinh nghiệm, thay đổi chiến thuật, đó là đưa máy bay ra xa địa bàn Hà Nội để tránh nhiễu, đồng thời phi công cũng phải thay đổi cách bay và tiến công.
Cuối cùng, nhờ chiến thuật chỉ huy đúng đắn, cùng với tinh thần và ý chí chiến đấu ngoan cường của những người chiến sĩ trên bầu trời, phi công Phạm Tuân đã bắn hạ được chiếc B-52 đầu tiên vào đêm 27/12/1972.
Tương tự, sang đêm 28/12, đồng chí Vũ Xuân Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thuỷ, tiếp cận được đội hình B-52 và cũng đã bắn hạ được “thần chiến” của Mỹ. Tuy nhiên, do bắn ở cự ly gần nên máy bay của đồng chí Thiều đã va chạm với B-52 và chiến sĩ Không Quân Vũ Xuân Thiều của chúng ta đã hy sinh.
Có thể nói đây là mất mát to lớn đối với lực lượng của chúng ta vì phi công của ta thời điểm đó rất ít, xuyên suốt 12 ngày đêm chỉ có khoảng 18 phi công chiến đấu. Nhưng trong ngày và đêm tiếp theo, 29/12, ta đã tiếp tục bắn rơi được thêm 2 máy bay, trong đó có 1 chiếc B-52 và 1 chiếc F4.
Dù đã giành được thắng lợi trước kẻ thù nhưng những tổn thất và thiệt hại mà Không quân Mỹ đã gây ra trong suốt 12 ngày đêm ở miền Bắc của ta là vô cùng lớn. Với mỗi lần ném bom, các khu dân cư, các khu phố, làng mạc dính bom đều bị phá huỷ gần như hoàn toàn.
Chưa kể chúng ném bom rất nhiều lần với số lượng khổng lồ. Do đó, nhiều khu vực tại thủ đô thậm chí bị san phẳng. Đế quốc Mỹ đã thả tổng cộng hơn 80.000 tấn bom đạn huỷ diệt, tàn phá tại Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác tại miền Bắc. Riêng thủ đô Hà Nội đã phải hứng chịu hơn 10.000 tấn bom cùng 441 lượt máy bay B-52 và hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật.
Không chỉ thiệt hại về cơ sở vật chất, nhà cửa, công trình, 12 ngày đêm đó còn là miền ký ức không thể nào quên của người dân thủ đô lúc bấy giờ và đặc biệt là đối những người trong cuộc, trực tiếp tham gia chiến đấu trong sự kiện lịch sử này. Trong cuộc chiến nào cũng vậy, cao cả nhất có lẽ là sự hy sinh của những người chiến sĩ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Khi nói đến sự hy sinh của đồng chí đồng đội, Trung tướng Phạm Tuân bồi hồi thương tiếc cho đồng đội của mình, nhưng ông cũng khẳng định, trên hết là niềm tự hào về đồng chí đồng đội, tự hào vì phi công Việt Nam, Không Quân Việt Nam đã thực hiện được nhiệm vụ, thực hiện được lời hứa “sẵn sàng làm quả thứ ba để tiêu diệt B-52 để bảo vệ Hà Nội, bảo vệ thủ đô thân yêu của chúng ta”.
Khi nhắc lại về những ký ức đáng nhớ trong suốt 12 ngày đêm đó, đồng chí Phạm Tuân chia sẻ, đối với người chiến sĩ trên mặt trận thì mỗi trận đấu đều là những ký ức sâu sắc. Trong đó cảm xúc đặc biệt và đáng nhớ nhất với đồng chí là lần cầm ống nghe nhận mệnh lệnh từ cấp trên“B-52 vào Hà Nội! Cất cánh đánh B-52”, từ đó bản thân đồng chí và những người đồng đội mới thực sự cảm nhận được cuộc chiến đấu với B-52 thực sự đến ngay sát mình rồi.
Tiếp đến là khoảnh khắc khi phát hiện được B-52 thì vô cùng bồi hồi vì tận mắt nhìn thấy chiến hạm bay B-52 to lớn đang bật đèn phía trước và mình đang mang một trọng trách rất lớn là đánh B-52 để bảo vệ Hà Nội. Nhưng rất tiếc sau đó chiếc B-52 lại tắt đèn chạy mất và không đánh được. Và khi chuẩn bị hạ cánh thì không có một ánh đèn nào, sân bay tối om nhưng người chiến sĩ của chúng ta vẫn quyết định không bỏ lại máy bay mà tiếp tục hạ cánh xuống để đi chiến đấu. Máy bay đã nhảy vào hố bom rồi lật ngửa trên đường băng, lúc đó Trung tướng Phạm Tuân nằm lại, nghĩ rằng không biết liệu mình có tiếp tục đi chiến đấu được hay không. Sau khi ra khỏi máy bay thì trước mặt là một bãi hoang tàn, chân không đi lại được vì vừa thoát ra từ chiếc máy bay bị lật ngửa. Giây phút ấy, người phi công 25 tuổi mới càng thấy rõ hơn cuộc chiến tranh này ác liệt đến nhường nào.
Đồng chí Phạm Tuân tâm sự với chúng tôi, cả một tuần không bắn được B-52 là một áp lực rất lớn lên những người phi công chiến đấu. Bản thân đồng chí cũng như các đồng đội là những người đã được qua đào tạo, nghe chỉ đạo rất nhiều nhưng chỉ khi bước chân vào cuộc chiến thì mới thực sự cảm nhận được sự ác liệt của chiến tranh, vốn khó có thể lường trước được. Và đến khi bắn hạ được chiếc B-52 đầu tiên, cảm xúc dường như vỡ òa “Mừng vô cùng, không phải là mừng cho mình, cho thành tích của mình mà là mừng vì đã bắn được B-52, gỡ được gánh nặng đè lên vai bộ đội Không quân suốt rất nhiều ngày, và để sau này có thể nói rằng bộ đội Không quân đã hoàn thành nhiệm vụ.”.
Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là chiến thắng vang dội của ta trước một kẻ thù lớn mạnh với âm mưu vô cùng tàn ác. Đây là cuộc chiến mà Mỹ sử dụng pháo đài bay B-52 làm công cụ chiến đấu nòng cốt, một trong những vũ khí tối tân bậc nhất bấy giờ, nhằm đưa miền Bắc của ta trở về thời kỳ đồ đá. Bộ đội Phòng không - Không quân được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ chính trong chiến sự lịch sử đặc biệt này. Đối mặt với những thử thách lớn lao, mang trên mình nghĩa vụ cao cả, những người lính Không quân khi ấy luôn phải chuẩn bị trong mình một tình thần thép và ý chí quật cường, bản lĩnh để đối phó với những con “ngáo ộp” khổng lồ B-52. Là người trực tiếp tham gia chiến trận, hơn ai hết, đồng chí Phạm Tuân - người đầu tiên bắn hạ được B-52 trên bầu trời Hà Nội, thấu hiểu được những thách thức to lớn đối với bản thân ông và những đồng đội trên mặt trận chiến đấu để giành lại được sự độc lập, tự do cho nhân dân, Tổ quốc.
Điện Biên Phủ trên không hay Hà Nội 12 ngày đêm là trang sử hào hùng không thể quên của dân tộc Việt Nam, luôn được khắc ghi sâu đậm trong trái tim của mỗi người dân thủ đô. Đây là chiến thắng có ý nghĩa lớn lao đối với dân tộc, sức mạnh Việt Nam nói chung và với Bộ đội Không quân nói riêng.
Hà Nội 12 ngày đêm là một bản hùng ca bất diệt, khẳng định được sức mạnh và ý chí, sự sẵn sàng hy sinh của những chiến sĩ áo xanh da trời. Họ đã chiến đấu không biết mệt mỏi, liều mình bay lượn trên bầu trời cả ngày lẫn đêm để hoàn thành được một nhiệm vụ cao cả duy nhất đó là bảo vệ thủ đô thân yêu như lời đồng chí Phạm Tuân đã nói. Mặc dù gặp vô vàn khó khăn, cản trở về điều kiện chiến đấu nhưng với lòng quyết tâm luôn hướng về nhân dân, Tổ Quốc, những chiến sĩ của chúng ta đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ mà Bác Hồ trực tiếp giao phó.
Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đã hạ gục ý chí xâm lược Việt Nam của Mỹ, buộc Tổng thống Richard Nixon tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ký hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Paris. Chiến thắng này còn mang một ý nghĩa quan trọng khi tạo tiền đề cho cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975.
Bên cạnh đó, chiến thắng vang dội ấy cũng khẳng định ý chí kiên cường đấu tranh của quân và dân ta, của cả dân tộc Việt Nam hào hùng. Một dân tộc tuy còn bé nhỏ, vừa mới vực dậy sau chiến tranh nhưng luôn biết đoàn kết để đấu tranh giành độc lập, hoà bình cho Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và phương pháp cách mạng đúng đắn có thể đánh bại mọi loại kẻ thì dù được trang bị vũ khí lớn mạnh và hiện đại đến cỡ nào.
Đồng chí Phạm Tuân cũng chia sẻ thêm rằng để phi công có nơi cất cánh cũng là nhờ công sức của người dân dọn dẹp sân bay sau mỗi lần Mỹ đánh phá. Điều này cho thấy rằng để làm nên một chiến thắng lịch sử không chỉ có những người lính Không quân trên bầu trời mà còn lại sự góp sức của nhân dân, của người dân thủ đô dưới mặt đất luôn ngày đêm hết mình gắng sức hỗ trợ tiền tuyến chiến đấu. Đó là sức mạnh đoàn kết quý hơn vàng của quân và dân Việt Nam.
Theo Trung tướng Phạm Tuân, điều quan trọng nhất với một người chiến sĩ đó chính là phải luôn rèn luyện bản lĩnh. Điều này thể hiện ở việc trau dồi năng lực và tăng cường ý chí chiến đấu. Muốn thực hiện được nhiệm vụ phải luôn có hai yếu tố đó song hành với nhau: ý chí và năng lực, nếu chỉ có một trong hai thì chưa đủ.
Người chiến sĩ dù trong thời bình hay thời chiến cũng luôn phải nêu cao bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, trong mọi hoàn cảnh phải phát huy được năng lực thì mới thể hiện được bản lĩnh và ý chí của mình. Đặc biệt trong đó, nhận thức cao về công cuộc bảo vệ Tổ quốc là quan trọng hàng đầu. Đã là một người lính thì luôn phải ưu tiên tình yêu dành cho quê hương đất nước, từ đó phát huy tính sáng tạo, dám nghĩ dám làm để tìm ra được cách thức phù hợp nhất với điều kiện hoàn cảnh.
12 ngày đêm bom đạn, khói lửa ấy là miền ký ức không thể nào quên trong trái tim mỗi người dân thủ đô và những anh hùng tham gia chiến trận. Đó sự bi thương, mất mát to lớn khi nhà cửa bị tàn phá nghiêm trọng, gia đình mất đi người thân, đồng đội hy sinh lúc chiến đấu. Nhưng vượt lên tất cả, Hà Nội tự hào vì có một chiến thắng để đời mà người ta vẫn thường gọi với cái tên “Hà Nội 12 ngày đêm - Điện Biên Phủ trên không”, là dấu ấn không thể nào quên của lịch sử nhân loại. Những người chiến sỹ luôn tự hào vì đồng chí đồng đội đã liều mình ngã xuống vì sự bình yên của nhân dân, đồng bào và Tổ quốc thân yêu. Đây cũng chính là bài học to lớn cho thế hệ mai sau về công cuộc bảo vệ Tổ quốc và tinh thần chiến đấu ngoan cường của những người con đất Việt.
Hiện nay, một bảo tàng về sự kiện lịch sử này mang tên “Bảo tàng chiến thắng B52” đã được xây dựng để lưu trữ và bảo tồn những giá trị vô giá của “Hà Nội 12 ngày đêm”. Bảo tàng được khánh thành vào ngày 22/12/1997, đặt tại 157 phố Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội và vừa được khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp vào ngày 11/12/2022. Bảo tàng chiến thắng B52 mang ý nghĩa giáo dục quan trọng đối với thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời bình, để người ta hiểu hơn về những giá trị lịch sử lớn lao của Chiến thắng này.
HẾT PHẦN 3
Thực hiện: