T
ròn 50 năm sau Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” (Chiến dịch phòng không Hà Nội-Hải Phòng 1972), hình ảnh những cơn “bão lửa” trên bầu trời, quang cảnh “đất rung, ngói tan, gạch nát” khắp phố phường, làng mạc… vẫn còn in đậm trong tâm trí quân và dân miền Bắc về 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng chống lại sự bắn phá ác liệt của không quân Mỹ.
"Chưa bao giờ Hà Nội, miền Bắc phải chịu một thử thách lớn lao, quyết liệt như lúc này. Cũng chưa bao giờ Hà Nội viết lên những trang sử chói lọi về lòng dũng cảm như những ngày qua" - Dòng nhật ký của Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã khái quát đầy đủ, ngắn gọn về những giờ phút chiến tranh khắc nghiệt nhất vào tháng 12 năm 1972.
Chiến công của “Én bạc” MiG-21 (lực lượng không quân) và “Rồng lửa” S-75 (hay SAM-2, lực lượng phòng không) đã góp phần làm nên thắng lợi lẫy lừng của Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không,” giáng cho kẻ thù đòn thất bại nặng nề nhất trong lịch sử, buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Paris năm 1973, để rồi Việt Nam dần tiến đến hòa bình, độc lập, thống nhất dân tộc năm 1975.
Trong bầu không khí tưng bừng kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không,” phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus tìm gặp những anh hùng dân tộc, những nhân chứng lịch sử để “ngược dòng” quá khứ bi hùng, tìm hiểu nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo, sáng tạo và vô cùng hiệu quả.
Những hồi ức thời chiến, những bài học kinh nghiệm rút ra từ “Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Một ngày đầu tháng 12 lịch sử, tôi tìm đến nhà Trung tướng Nguyễn Đức Soát (nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân) để được nghe ông kể về Chiến dịch phòng không Hà Nội-Hải Phòng 1972 (Linebacker 2). Ông là người đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 27 tuổi.
Trên bàn làm việc, tôi thấy để sẵn những cuốn nhật ký thời chiến, những hình ảnh tư liệu và cả mô hình máy bay MiG-21 mà ông từng lái – chiếc “Én bạc” can trường trên bầu trời Việt Nam.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát kể: "Có thể nói đây là cuộc tập kích chiến lược lớn nhất, kể từ sau Thế chiến thứ 2. Mỹ đã dùng hơn 200 máy bay ném bom chiến lược B-52, 175 máy bay tiếp dầu trên không, hơn 1.000 máy bay chiến thuật F-4, F-111 và các máy bay hải quân. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán trước được kế hoạch này của Mỹ từ năm 1967, nên quân đội ta đã có sự chuẩn bị kỹ càng."
Cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội."
Trước đó, Hồ Chủ tịch cũng đã từng nói: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay 'bê' gì đi chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa, ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng."
Quân đội ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52 và 5 máy bay F-111, bắt sống 43 phi công Mỹ. Đây là tổn thất lớn chưa từng thấy ở những trận tập kích đường không lớn của quân đội Mỹ.
Mục tiêu của quân đội Mỹ là khiến nhân dân Hà Nội và chính quyền Việt Nam phải hoảng sợ, nhụt chí. Nhưng họ đã không thể ngờ tới chí khí cũng như những dự liệu kỹ lưỡng từ phía ta. Quân đội ta đã xác định rõ muốn giành được thắng lợi cho chiến dịch cần phải khéo léo kết hợp giữa các lực lượng binh chủng, như không quân tiêm kích, pháo cao xạ và tên lửa mặt đất, trong đó chủ lực là phòng không-không quân…
Nhờ đó, quân đội ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52 và 5 máy bay F-111, bắt sống 43 phi công Mỹ. Đây là tổn thất lớn chưa từng thấy ở những trận tập kích đường không lớn của quân đội Mỹ. Chiến thắng này đã giáng đòn quyết định vào cố gắng cuối cùng của Mỹ, buộc chính quyền Nixon phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Cho dù giành thắng lợi, nhưng những thiệt hại mà quân đội Mỹ gây ra tại miền Bắc trong 12 ngày đêm là vô cùng to lớn. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc đã phải hứng chịu hơn 80.000 tấn bom đạn tàn phá, hủy diệt của đế quốc Mỹ. Riêng với Thủ đô Hà Nội, Mỹ đã sử dụng 441 lượt máy bay B-52 cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 10.000 tấn bom hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc…
Nhớ về những chiến công vang đội của quân và dân trong 12 ngày đêm bom đạn ác liệt ấy, Trung tướng Nguyễn Đức Soát – người đã gắn bó cả cuộc đời với binh nghiệp (43 năm phục vụ trong quân đội và có tới 37 năm trong lực lượng Quân chủng Phòng không-Không quân) cho rằng sức mạnh của bộ đội không quân không chỉ là những chiếc máy bay chiến đấu hiện đại mà yếu tố quyết định làm nên sức mạnh thực sự là một đội ngũ phi công tài ba, dũng cảm, sẵn sàng xả thân vì nước, là một đội ngũ cán bộ chỉ huy có bản lĩnh, luôn vững vàng trước thử thách, luôn khiêm tốn học hỏi để vượt lên chính bản thân.
Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” thể hiện rõ nét nghệ thuật sử dụng lực lượng và tổ chức hiệp đồng giữa các lực lượng tác chiến của Quân chủng Phòng không-Không quân.
"Chính phương pháp hiệp đồng tác chiến theo khu vực đã tạo được thế trận liên hoàn, có khả năng đánh địch từ xa và không cản trở hỏa lực tên lửa khi địch bay vào vùng sát thương của tên lửa phòng không. Có thể nói, đây là một quyết định táo bạo của Bộ Tư lệnh Quân chủng khi phải đối phó với một đợt tập kích dồn dập và phương tiện thông tin liên lạc giữa các sở chỉ huy còn rất thiếu thốn," Trung tướng Nguyễn Đức Soát khẳng định.
Theo kế hoạch tác chiến, bộ đội tên lửa là lực lượng nòng cốt đánh tiêu diệt máy bay B-52; bộ đội không quân tiêm kích là lực lượng tiến công phá vỡ và gây rối loạn đội hình máy bay địch đồng thời là lực lượng công kích bắn hạ B-52; bộ đội pháo cao xạ đảm nhiệm bắn máy bay tiêm kích và cường kích của địch. Ngoài ra, bộ đội rađa và lực lượng dân quân tự vệ cùng phối hợp chiến đấu. Sự phối hợp tác chiến nhịp nhàng, hiệu quả giữa các lực lượng, các binh chủng và các đơn vị bảo đảm góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch.
[Video] Trung tướng Nguyễn Đức Soát kể về cách đánh B-52 độc đáo bằng MiG-21 mà chỉ quân đội Việt Nam nghĩ ra. (Nguồn: Vietnam+)
Chiến công của Trung tướng Nguyễn Đức Soát và đồng đội đã làm không quân Mỹ nể phục. Sau này, trong một buổi giao lưu hữu nghị giữa cựu phi công Việt Nam và Mỹ, Đại úy John P Cerak, người bị bắn rơi trong trận chiến ngày 27/6/1972, thắc mắc: “Vì sao chúng ta vừa nhìn thấy nhau mà ông lại có thể bắn rơi tôi được?”
Trung tướng Nguyễn Đức Soát giải thích rằng ông đã phán đoán được máy bay địch sẽ hạ độ cao dưới 4.000m để F-4 phát huy lợi thế trước MiG-21. Ông suy nghĩ làm thế nào để vòng ra phía sau F-4 rồi phóng tên lửa mà không bị phát hiện. Thế là, ngay lập tức phi công Nguyễn Đức Soát giảm tốc độ máy bay bằng cách giảm tốc độ vòng quay của động cơ xuống mức thấp nhất, rồi thả cánh cản... Chiếc máy bay MiG-21 khựng lại rồi chỉ vài chục giây sau, chiếc F-4 của Mỹ đã vọt lên phía trước.
Vậy là tướng Soát đã bám được phía sau, ông tăng tốc đuổi theo và phóng tên lửa. Máy bay Mỹ rơi mà phi công vẫn không thể hiểu được tại sao lại bị bắn rơi. Họ vẫn cho rằng đã có một tốp MiG-21 khác bay thấp hơn bắn rơi F-4 chứ không phải chiếc MiG-21 của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
Nhấp một ngụm trà, ông kể thêm một kỷ niệm khác, đó là việc một cựu phi công Mỹ đã từng hỏi: “Ông Soát đã bắn rơi 6 máy bay của chúng tôi. Hẳn ông rất ghét người Mỹ?”
Đáp lại câu hỏi này, tướng Soát trả lời gãy gọn: “Khi chiến đấu, tôi chỉ nghĩ là phải bắn rơi máy bay chứ không nghĩ đến việc bắn chết người phi công. Đó là điều khác biệt giữa trận chiến bộ binh và không chiến. Lính bộ binh bắn vào nhau, còn tôi lúc đó chỉ nhìn thấy chiếc máy bay địch xâm phạm bầu trời quê hương mình.”
Ký ức của nhiều người dân miền Bắc vẫn còn in đậm hình ảnh từng đoàn, từng đoàn “Rồng lửa” (tên lửa S-75 hay SAM-2) xé màn đêm lao vun vút trên trời cao, “vít cổ” dàn máy bay B-52, đập tan cuộc tấn công của đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác ở miền Bắc.
Giải thích về cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Kiên nói bí quyết bắn rơi “giặc trời” B-52 nằm ở kỹ năng “vạch nhiễu tìm thù.”
Trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không,” ông là sỹ quan trực tiếp tham gia chiến đấu, bắn rơi 4 máy bay B-52 của không quân Mỹ.
Đại tá Nguyễn Đình Kiên nhớ lại: "'Pháo đài bay' B-52 có trang bị rất nhiều máy gây nhiễu. Mỗi khi xuất kích, đội hình B-52 được hộ tống rất chặt chẽ bởi các máy bay tiêm kích ở cùng độ cao, cùng đủ loại nhiễu để đánh lừa bộ đội phòng không của ta. Nhiễu nhòe nhoẹt màn hình rađa. Trước mắt chúng tôi chỉ là một màn sương mù, sáng trắng.”
Rồi dần dần các chiến sỹ trấn tĩnh lại, liên hệ với những điều đã học, nhắc nhau thao tác thật chính xác. Cuối cùng, tuy kẻ thù chưa hiện ra thực sự nhưng họ có thể phán đoán được bóng dáng của chúng phía sau những dải nhiễu.
Nhờ đó mà Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng Không-Không quân) của Đại tá Nguyễn Đình Kiên đã lập kỳ tích bắn rơi 2 máy bay B-52 chỉ trong 10 phút.
Trong màn nhiễu dày đặc, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt, sỹ quan điều khiển tên lửa Nguyễn Đình Kiên và 3 trắc thủ Mè Văn Thi, Ngô Văn Lịch, Nguyễn Xuân Đài nhanh chóng xác định vị trí một chiếc B52.
Địch vào cự ly 35km, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt hạ lệnh phóng nhưng quả đầu tiên bị hỏng. Sỹ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên phóng tiếp quả đạn thứ 2, bắn rơi B-52 ở cự ly 25km.
“Lúc này là 5 giờ 9 phút ngày 21/12/1972. Niềm vui tràn ngập trận địa. Nhưng không hề có phút giây hò reo mừng chiến công, chúng tôi giữ niềm hân hoan trong lòng, hết mực chú tâm vào màn hình,” Đại tá Nguyễn Đình Kiên kể.
Ngay sau đó, tiếng hô của một chiến sỹ vang lên: "B52 cự ly 45km." Lúc này, trên bệ phóng còn duy nhất 1 quả tên lửa.
Khi tín hiệu máy bay địch vào đến cự ly 35km, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh tiêu diệt. Sỹ quan Nguyễn Đình Kiên lập tức ấn nút phóng. Đạn gặp mục tiêu ở cự ly 24km. Nhìn trên màn hình, các chiến sỹ thấy vạch nhiễu không còn, họ xác định mục tiêu bị tiêu diệt. Đồng hồ chỉ 5 giờ 19 phút ngày 21/12/1972.
'Pháo đài bay' B-52 có trang bị rất nhiều máy gây nhiễu. Mỗi khi xuất kích, đội hình B-52 được hộ tống rất chặt chẽ bởi các máy bay tiêm kích ở cùng độ cao, cùng đủ loại nhiễu để đánh lừa bộ đội phòng không của ta. Nhiễu nhòe nhoẹt màn hình rađa. Trước mắt chúng tôi chỉ là một màn sương mù, sáng trắng.
Đại tá Nguyễn Đình Kiên
Nhớ lại chiến công đặc biệt đó, anh hùng Nguyễn Đình Kiên cho rằng quân ta thắng nhờ tinh thần quả cảm và sáng tạo trong chiến đấu.
“Sự sáng tạo ấy thể hiện ở hai yếu tố: Một là kinh nghiệm chống nhiễu, hai là cải tiến khí tài tốt. Cụ thể, trước đây đầu đạn tên lửa chỉ có 9.000 mảnh, sau đó được cải tiến lên thành hơn 12.000 mảnh đạn, nhờ đó mà nâng cao hiệu quả chiến đấu," Đại tá Nguyễn Đình Kiên nói.
Trong cuộc đời quân ngũ, chưa bao giờ ông cảm thấy vất vả và ác liệt như 12 ngày đêm trong chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên phủ trên không.” Ông cũng chưa bao giờ thôi phấn khởi, tự hào về binh chủng, đơn vị mình như thời gian này.
“Ngồi nghĩ lại những ngày đã qua, tôi cảm thấy không hổ thẹn với cuộc đời vì những ngày đó tôi đã sống và chiến đấu không phí hoài tuổi trẻ,” ông Kiên nói.
[Video] Đại tá Nguyễn Đình Kiên kể về câu chuyện phía sau 12 ngày đêm chiến đấu cường độ cao của bộ đội tên lửa Việt Nam. (Nguồn: Vietnam+)
Ông cho rằng bản thân kíp chiến đấu của mình chỉ là những người đưa quả đạn vào đúng mục tiêu, còn chiến công là của cả tập thể gần 100 con người của Tiểu đoàn 57 ngày đêm chăm lo đảm bảo vũ khí, khí tài để cho kíp chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Nhận định về Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không,” tiến sỹ Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng dù nước Việt Nam không lớn, quân đội Việt Nam không có nhiều vũ khí, nhưng người Việt Nam có nghệ thuật quân sự của riêng mình. Đó là nghệ thuật quân sự dựa vào nhân dân, lấy đoàn kết và quyết tâm làm sức mạnh.
“Chiến thắng này là kết quả của sức mạnh tổng hợp trên nền móng truyền thống mấy ngàn năm giữ nước của dân tộc, từ ý chí quyết tâm đến cách đánh sáng tạo; sơ tán để bảo vệ nhân dân, giữ gìn lực lượng dự bị hỗ trợ chiến đấu; đoàn kết toàn dân tộc đến sức mạnh ủng hộ của quốc tế,” tiến sỹ Nhị Lê đánh giá.
Trận quyết chiến chiến lược “Điện Biên Phủ trên không” thêm một lần nữa chứng minh chân lý giản dị: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói.
Chiến công chói lọi năm 1972 không chỉ đưa dân tộc ta đi tới thắng lợi cuối cùng năm 1975, mà còn đưa Hà Nội-Việt Nam lên tầm quốc tế.
Phó giáo sư-tiến sỹ Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng) cho rằng Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cũng là chiến thắng của chính nghĩa, có được nhờ sự giúp đỡ có hiệu quả của bạn bè quốc tế, sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ toàn thế giới, kể cả nhân dân dân Mỹ.
“Trong tâm tưởng và cách nhìn của bạn bè quốc tế, Việt Nam là lương tri của thời đại, và ‘Điện Biên Phủ trên không’ như là một biểu tượng của văn hóa quân sự, văn hóa giữ nước Việt Nam trong thế kỷ XX,” phó giáo sư-tiến sỹ Vũ Quang Đạo nhận định.
Theo ông, những bài học về dự báo chiến lược, hiểu và nắm chắc địch, tổ chức, xây dựng lực lượng, về trang bị vũ khí, về xây dựng và phát huy thế trận chiến tranh nhân dân và đặc biệt là chuẩn bị nhân tố con người trong chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị trong tình hình mới.
“Bảo vệ Tổ quốc đang và sẽ đặt ra với tất cả các mặt trận, trong đó chắc chắn phải tính đến là mặt trận phòng không,” ông Vũ Quang Đạo nói.
Tròn 50 năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn mãi vang vọng, bởi dù ở thời đại nào, người Việt đều có chung một tình yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và khát khao mãnh liệt rằng “bầu trời quê mẹ luôn xanh trong và mãi mãi bình yên, không bị vấy bẩn bởi bom đạn quân thù” như tâm nguyện của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.