coveraodai3.jpg

Từ bao đời nay, chiếc áo dài đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt, đó là trang phục không thể thiếu trong trong các sự kiện quan trọng của đất nước, của dân tộc.

Chiếc áo dài làm tô thêm nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, nét duyên dáng của người phụ nữ Á đông. Áo dài là hiện thân của dân tộc Việt, một vẻ đẹp mỹ miều nhưng đằm thắm, là một phần tất yếu trong mỗi phụ nữ Việt, là đặc trưng cho một quốc gia có người phụ nữ chịu thương chịu khó, luôn có đức hy sinh.

Qua nhiều thời kỳ phát triển, tà áo dài không ngừng biến đổi nhưng vẫn đảm bảo tính truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của những người phụ nữ Việt.

titphu1.jpg


“Dù ở đâu - Paris, London hay những miền xa
Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố
Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó, em ơi…”

Không ngẫu nhiên mà lời bài hát “Một thoáng quê hương” của nhạc sỹ Từ Huy-Thanh Tùng trở thành âm điệu quen thuộc với đông đảo người Việt Nam.

Bởi vì, cả trăm năm qua, áo dài đã từ đời sống đi vào nghệ thuật điện ảnh, âm nhạc, hội họa… thậm chí trở thành một biểu tượng, một phần tâm hồn người Việt trên chính quê hương hay ở khắp thế giới.

Nếu như Hàn Quốc có Hanbok, Nhật Bản có Kimono, Scotland có váy Kilt... thì Việt Nam được biết đến với tà áo dài duyên dáng. Từ "Áo dài" đã được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford và được giải thích là một loại trang phục của phụ nữ Việt Nam với thiết kế hai tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân che bên ngoài chiếc quần dài.

Vượt qua giá trị của chính mình trong vai trò một sản phẩm tiêu dùng, chiếc áo dài đã đạt đến một vai trò quan trọng hơn đó là một sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam.

Miêu tả về tà áo dài Việt Nam, nhà thơ Đinh Vũ Ngọc đã có những câu thơ rất đẹp:

“Chiếc áo quê hương dáng thướt tha
Non sông gấm vóc mở đôi tà
Tà bên Đông Hải lung linh song
Tà phía Trường Sơn rực rỡ hoa
Vạt rộng Nam phần chao cánh gió
Vòng eo Trung bộ thắt lưng ngà
Nhịp tim Hà Nội nhô gò ngực
Hương lúa ba miền thơm thịt da.”

Tuy chưa có văn bản chính thức nào quy định áo dài là quốc phục, nhưng từ xưa đến nay, trong tâm thức người Việt Nam và trong mắt bạn bè quốc tế thì tà áo dài truyền thống được xem là một biểu tượng chứa đựng tinh hoa-văn hoá của dân tộc Việt.

Áo dài được sử dụng trong nhiều sự kiện, từ những nghi lễ trang trọng trong gia đình, công sở, xã hội, ngoại giao… cho đến biểu diễn nghệ thuật, ứng dụng hằng ngày, nhất là vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền; trình diễn trong các kỳ festival, tuần lễ thời trang, thi hoa hậu, người đẹp trong và ngoài nước…

Khác với những trang phục truyền thống của nhiều nước trên thế giới, mặc áo dài, phụ nữ Việt không cần tốn nhiều thời gian, lại đơn giản, gọn gàng, duyên dáng mà thanh lịch.

anh4.jpg
Các mẫu áo dài trong bộ sưu tập Dấu ấn vàng son của nhà thiết kế Vũ Thảo Giang. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Có lẽ chính vì vậy mà áo dài - trang phục truyền thống đã “len lỏi” vào cuộc sống hằng ngày của phụ nữ Việt một cách tự nhiên và dễ dàng. Qua nhiều nghiên cứu, chiếc áo dài được khẳng định chính là một niềm kiêu hãnh của người Việt Nam, bởi không phải dân tộc nào cũng có trang phục mang vẻ đẹp vừa kín đáo, vừa duyên dáng, gợi cảm như vậy.

Vì lẽ đó, ngoài việc gắn liền với sự phát triển của đời sống xã hội, áo dài còn là “cầu nối,” là “sứ giả” trong việc quảng bá du lịch Việt. Khách du lịch khi đến Việt Nam, nhất là các nữ du khách thường chọn áo dài như món quà lưu niệm độc đáo, đặc sắc.

Trong những năm gần đây, bằng sự nỗ lực, tinh thần tự hào dân tộc, nhiều nhà thiết kế đã đem đến cho chiếc áo dài những vẻ đẹp mới lạ. Nhà thiết kế Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, Võ Việt Chung... là những người đã góp phần làm rạng rỡ thêm tên tuổi trang phục áo dài trên làng thời trang khu vực và quốc tế.

Vượt qua giá trị của chính mình trong vai trò một sản phẩm tiêu dùng, chiếc áo dài đã đạt đến một vai trò quan trọng hơn đó là một sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam.

titphu2(1).jpg

Cho đến nay vẫn chưa xác định rõ nguồn gốc của chiếc áo dài Việt Nam đã được bắt đầu chính xác từ đâu nhưng dựa trên bối cảnh lịch sử hào hùng của dân tộc, các nhà nghiên cứu đưa ra một kết luận thống nhất chung khẳng định bộ quốc phục này đã xuất hiện cách đây hàng nghìn năm.

Để có được một chiếc ào dài mang đậm nét văn hóa đặc trưng như ngày nay, bộ trang phục này đã phải trải qua nhiều giai đoạn biến thể khác nhau.

Hình ảnh cổ xưa nhất của áo dài được biết đến là áo Giao lĩnh (khoảng năm 1744). Ở giai đoạn này đất nước được trị vì bởi chúa Nguyễn Phúc Khoát ở phía Nam, còn phía Bắc là chúa Trịnh.

Lúc này, áo có kích thước rộng, thân áo được may bằng 4 tấm vải, dài chấm gót chân, xẻ 2 bên hông, phần tay áo dài, cổ tay rộng. Áo mặc cùng váy đen bên trong và thắt lưng vải bên ngoài.

anh23.jpg
Màn trình diễn bộ sưu tập áo dài xưa và nay trong chương trình “Áo dài - Về miền Di sản Quảng Bình.” (Ảnh: Võ Dung/TTXVN)

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế, chúa Nguyễn Phúc Khoát là người có công rất lớn để có được chiếc áo dài, vị thế áo dài như ngày hôm nay.

Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã chủ trương cải tổ triều phục, cải cách trang phục dân gian xứ Đàng Trong, đưa áo dài trở thành trang phục chính thức.

Đến thế kỷ 17, để thuận tiện hơn trong công việc làm đồng và buôn bán, chiếc áo Giao lãnh được thiết kế gọn lại thành kiểu áo tứ thân, trong đó vạt trước được xẻ rời thành 2 vạt, người mặc có thể buộc 2 vạt này lại với nhau ở phía trước bụng. Áo tứ thân thường có màu tối vì trang phục này được sử dụng phổ biến ở tầng lớp nông dân - những người lao động quanh năm với ruộng đồng.

Thế kỷ 19, áo dài ngũ thân được ra đời nhằm tạo ra sự cách biệt giữa tầng lớp quý tộc sang trọng và tầng lớp nông dân. Dựa trên cơ sở áo tứ thân, phần thân vạt trước của áo dài ngũ thân được bổ sung thêm một vạt áo như lớp lót kín đáo chính là vạt áo thứ 5. Kiểu áo này được may theo phom rộng, có cổ và rất thịnh hành đến đầu thế kỷ 20.

Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, áo dài Lemur được ra đời bởi bàn tay sáng tạo của họa sỹ Cát Tường. Áo được may ôm sát cơ thể, chỉ có hai vạt trước và sau, vạt trước dài chấm đất. Nhằm tạo điểm nhấn, chiếc áo dài Lemur được Âu hóa với phần áo có thắt eo, dáng tay phồng, cổ áo khoét hình trái tim…

Có lẽ vì lý do này nên áo dài Lemur vấp phải sự phản đối của dư luận cho rằng kiểu áo này bị lai Tây, không đúng đắn, không phù hợp phong tục tập quán Việt Nam thời bấy giờ.

Đến thời áo dài Lê Phổ, dưới bàn tay khéo léo của nhà thiết kế cùng tên, bà đã thu gọn kích thước áo dài để ôm vừa vặn thân hình người phụ nữ Việt Nam, đẩy cầu vai, kéo dài tà áo chạm đất và đem đến nhiều màu sắc mới mẻ. Nói cách khác, bà khiến nó trở nên gợi cảm, tinh tế và thu hút hơn. Đây là chiếc áo dài nhận về khá nhiều sự khen ngợi và được sử dụng qua nhiều thời kỳ.

Đến những năm 1960, áo dài Raglan (còn gọi là áo dài giắclăng) ra đời do nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn sáng tạo ra. Điểm khác biệt lớn nhất của áo dài Raglan là áo ôm khít cơ thể hơn, cách nối tay từ cổ chéo xuống một góc 45 độ giúp người mặc thoải mái linh hoạt hơn. Hai tà nối với nhau bằng hàng nút bấm bên hông. Đây chính là kiểu áo dài góp phần định hình phong cách cho áo dài Việt Nam sau này.

Đến nay, áo dài Việt Nam có sự biến đổi với nhiều kiểu dáng, chất liệu từ hiện đại đến phá cách. Nhưng dù thế nào thì chiếc áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt vẫn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm, kín đáo mà không trang phục nào có được.

titphu3(1).jpg

Qua từng thời kỳ, dù thời trang, phong cách ăn mặc của con người đã có sự thay đổi rõ rệt nhưng chiếc áo dài vẫn giữ được một vị trí quan trọng trong lòng người Việt. Lễ hội áo dài chính là một “minh chứng sống” cho sự quan trọng và ý nghĩa sâu sắc của tà áo thướt tha ấy.

Mặc dù theo thời gian, chiếc áo dài có sự cách tân, cải tiến đôi chút, tuy nhiên nhìn chung chúng vẫn giữ được cốt cách, giá trị vốn có của mình. Mỗi khi người phụ nữ khoác lên mình tà áo dài đều thể hiện được sự đằm thắm, dịu dàng, nết na và những phẩm chất đáng quý.

anh10.jpg
Đại diện các cơ quan ngoại giao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tham quan khu trưng bày sản phẩm lụa may áo dài. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Áo dài không chỉ sống trong lòng của những người con Việt Nam mà còn được đưa vào nghệ thuật như hội họa, âm nhạc, điện ảnh... Không dễ dàng để một mẫu áo đơn giản như vậy lại sống cùng thời gian đến cả hàng trăm năm và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhờ vào những giá trị vô giá của mình, hàng năm Việt Nam tổ chức nhiều cuộc thi, trình diễn về áo dài nhằm bảo tồn, quảng bá tà áo đặc biệt ấy đến người dân cả nước cũng như bạn bè năm châu.

Đặc biệt, ngày hội áo dài hằng năm được nhà nước quan tâm và chú trọng đầu tư để tôn vinh tà áo dài Việt. Thông thường vào đầu tháng 3 hàng năm Lễ hội Áo dài sẽ được diễn ra trên cả nước. Ngày hội có thể kéo dài trong 1 tháng hoặc 2 tháng, trong quá trình đó có rất nhiều sự kiện đặc sắc diễn ra.

Đây không chỉ là dịp để những người Việt thể hiện nét đẹp thanh lịch, tinh tế của mình mà còn là dịp giúp các nhà thiết kế áo dài có cơ hội để thể hiện tài năng, sự đẳng cấp của mình đến đông đảo mọi người.

Áo dài cũng được nhiều địa phương trên cả nước quảng bá, tôn vinh với nhiều hình thức.

anh6.jpg
Đạp xe tuần hành hưởng ứng Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2023. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Trong các kỳ festival Huế, không thể không nhắc đến Lễ hội Áo dài - một trong những chương trình chính thức, mang đậm chất văn hóa Huế, đã góp phần làm phong phú và đa dạng chương trình lễ hội cũng như sự thành công của sự kiện.

Đến với Lễ hội Áo dài, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế nổi tiếng. Ở đó, tà áo dài của người phụ nữ Huế nói riêng và áo dài Việt Nam nói chung được biến hóa qua bàn tay tài năng của người nghệ sỹ để trở thành những bộ sưu tập mang dáng vẻ cổ kính đến hiện đại trên các chất liệu vô cùng phong phú và đa dạng.

Hiện nay, áo dài Huế đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, tạo nét duyên dáng và kín khiến bất cứ ai ngắm nhìn cũng phải nao lòng. Những chiếc áo dài được cắt may, thêu thùa tinh tế và sắc sảo bởi đôi tay tài hoa của người thợ xứ Huế đã để lại bao ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn và phát huy một nét văn hóa đặc sắc, quý giá của dân tộc.

Qua áo dài, văn hóa Huế được quảng bá rộng rãi và hiệu quả đến với du khách trong nước và quốc tế, đồng thời, tôn vinh nét đẹp dịu dàng của người mang trên mình chiếc áo dài Huế.

anh1.jpg
Trình diễn Áo dài tại Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội tháng 12/2022. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
anh2.jpg
Giao lưu văn hóa hai nước Việt Nam-Nhật Bản thông qua thời trang Áo dài. (Ảnh: M.Mai/Vietnam+)
anh3.jpeg
Các mẫu áo dài trong bộ sưu tập Mùa hoa Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
anh4.jpg
Các mẫu áo dài trong bộ sưu tập Dấu ấn vàng son của nhà thiết kế Vũ Thảo Giang. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
anh5.jpg
Trao kỷ niệm chương cho các nhà thiết kế tham gia Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2022. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
anh6.jpg
Đạp xe tuần hành hưởng ứng Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2023. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
anh7.jpg
Đạp xe tuần hành hưởng ứng Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2023. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
anh8.jpg
Đạp xe tuần hành hưởng ứng Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2023. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
anh9.jpg
Bà Bích Vân, Phu nhân Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng trình diễn thời trang áo dài Việt Nam. (Ảnh: Kiều Trang/TTXVN)
anh10.jpg
Đại diện các cơ quan ngoại giao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tham quan khu trưng bày sản phẩm lụa may áo dài. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
anh11.jpg
Màn trình diễn Bộ sưu tập Áo dài hang động Quảng Bình do các hoa hậu, nghệ sĩ trình diễn. (Ảnh: Võ Dung/TTXVN)
anh12.jpg
Trình diễu áo dài qua các tuyến phố của thành phố Nha Trang. (Ảnh: Phan Sáu/ TTXVN)
anh13.jpg
Nghệ nhân thao diễn nghề may trong không gian trưng bày và thao diễn Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2023. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
anh14.jpg
Các em nhỏ thướt tha trong tà áo dài đầy sắc màu bên dòng Hương thơ mộng. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
anh15.jpg
Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm mặc áo dài tại Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2023. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
anh16.jpg
Trình diễn các thiết kế áo dài của Nhà thiết kế xứ Huế. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
anh17.jpg
Thiếu nữ Hà Nội bên những xe hoa trên đường Phan Đình Phùng, Hà Nội. (Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN)
anh18.jpg
Hoa hậu H'Hen Niê cùng các đại sứ tham gia diễu hành tại Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 9, năm 2023. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
anh19.jpg
Hơn 3.000 người đã cùng thực hiện màn diễu hành đẹp mắt với hàng ngàn tà áo dài tha thướt, lộng lẫy tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
anh20.jpg
Đoàn diễu hành áo dài trình diễn tại Lễ hội áo dài, áo bà ba với chủ đề Duyên dáng Phương Nam tại Cần Thơ. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)
anh21.jpg
Phần trình diễn áo dài với chủ đề Áo dài xưa và nay tại Lễ hội áo dài, áo bà ba với chủ đề Duyên dáng Phương Nam tại Cần Thơ. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau 9 lần tổ chức, Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 có nhiều người đồng hành với vai trò đại sứ hình ảnh. Năm nay có 22 đại sứ hình ảnh, là các văn nghệ sỹ, travel blogger, doanh nhân, nhà thiết kế, nhà ngoại giao, giáo viên… Đặc biệt có Annabelle Mae Mcdonnell - á hậu 1 Miss Charm 2023.

Điểm nhấn của lễ hội là các nữ tổng lãnh sự và phu nhân tổng lãnh sự các nước mặc áo dài hưởng ứng hoạt động, hướng tới thắt chặt tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.

Tại Cần Thơ, ngày 14/10, Lễ diễu hành áo bà ba và áo dài với chủ đề Duyên dáng phương Nam, với sự tham gia của 5.000 phụ nữ do Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Cần Thơ tổ chức đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục về số lượng người tham gia đông nhất.

titphu4.jpg

Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm 2023 diễn ra từ 27-30/10, tại khu vực Vườn hoa Đền Bà Kiệu và trục phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm được kỳ vọng góp phần quảng hình ảnh du lịch Việt Nam, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của tà Áo dài dân tộc, tạo cơ hội giao lưu, hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch với các nghệ nhân, nhà thiết kế thời trang Áo dài.

Điểm nhấn của lễ hội là đêm khai mạc với chủ đề “Khám phá nét son Hà Nội,” được truyền hình trực tiếp trên Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội tối 27/10. Đặc biệt, không gian sân khấu được thiết kế như một chuyến tàu lịch sử, nối dài quá khứ-hiện tại-tương lai. Hòa vào không gian ấy, nhiều hoạt cảnh, bài múa, đồng diễn sẽ tái hiện lại đời sống người dân Thủ đô và dân tộc qua các thời kỳ.

anh3.jpeg
Các mẫu áo dài trong bộ sưu tập Mùa hoa Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Tà áo dài xuất hiện dịu dàng, trang nhã mà vẫn lộng lẫy, kiêu sa cùng đất và người bước qua những thăng trầm thời cuộc từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Áo dài luôn mang đậm giá trị văn hóa tinh thần của người Hà Nội, của dân tộc Việt Nam kết tinh lan tỏa tới bạn bè khắp thế giới.

Ban tổ chức cho biết các bộ sưu tập Áo dài đến từ các nhà tạo mẫu trên khắp cả nước như Viết Bảo, Quang Hòa, Cao Minh Tiến, Ngọc Hân, Thanh Hải, Ỷ Vân Hiên, Dũng Nguyễn, Hoàng Ly, Vũ Thảo Giang; cùng nhiều thương hiệu như OZ Design House, áo dài La Sen Vũ, Kiên Anh…

Ngoài ra, trong khuôn khổ Lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc: Đêm nhạc nghệ thuật “Sắc màu Hà Nội” diễn ra vào tối thứ 7 (28/10) tại khu vực Vườn hoa Đền Bà Kiệu; Không gian triển lãm, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm; Không gian triển lãm và trưng bày Áo dài; Không gian thông tin, quảng bá, giới thiệu các tour, tuyến, sản phẩm, dịch vụ du lịch; Con đường Áo dài cộng đồng “Dạo bước hồ Gươm;” Biểu diễn nghệ thuật và đồng diễn, diễu hành Áo dài của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội; Diễu hành “Bách hoa Bộ hành;” Tọa đàm “Định hướng và phát triển áo dài trong cộng đồng và kết nối du lịch;” Chương trình nghệ thuật âm nhạc “Nhịp phố” cùng các hoạt động bên lề khác.

anh24.jpg

Đặc biệt, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023 bố trí hơn 60 gian hàng nhằm quảng bá và giới thiệu sản phẩm của các nhà thiết kế, các thương hiệu Áo dài ba miền Bắc-Trung-Nam.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh chia sẻ Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023 là hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô “Điểm đến an toàn-thân thiện-chất lượng-hấp dẫn,” hứa hẹn là hoạt động động đặc sắc, thu hút đông đảo người dân, du khách trong nước và bạn bè quốc tế, dần định vị là hoạt động thường niên của du lịch Thủ đô./.

anh17.jpg
Thiếu nữ Hà Nội bên những xe hoa trên đường Phan Đình Phùng. (Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN)

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áo dài: Nét đẹp văn hóa truyền thống của người phụ nữ Việt Nam