d8f3c7813e40e31eba51.jpg

Ngày 15/3/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam,” chính thức đặt một dấu mốc quan trọng cho nền điện ảnh cách mạng còn non trẻ của nước ta thời bấy giờ.

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, nền điện ảnh nước nhà đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào công cuộc chấn hưng văn hóa, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới, giới chuyên môn nhận định vẫn còn rất nhiều việc phải làm để nền điện ảnh Việt Nam thực sự “cất cánh,” tạo nên những bước ngoặt nhằm tiến tới định vị “ngôi sao năm cánh” trên bản đồ điện ảnh thế giới.

1(1).jpg

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhận định nền điện ảnh cách mạng Việt Nam đã trải qua quá trình phát triển song hành suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc qua hai cuộc kháng chiến cũng như công cuộc xây dựng và đổi mới, hội nhập của đất nước.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử, những thước phim đầu tiên đã ra đời ở hai trung tâm điện ảnh Bưng Biền (Long An) và Đồi Cọ (Thái Nguyên), trong hai năm từ 1946-1947. Đó là những thước phim tài liệu chân thực, sống động về cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp vô cùng anh dũng của nhân dân ta mà ngày nay đã trở thành bằng chứng lịch sử vô giá. Có thể kể đến những bộ phim như “Trận Mộc Hóa,” “Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng,” “Chiến thắng Đông Khê,” “Chiến thắng Tây Bắc”

Một dấu mốc quan trọng là ngày 15/3/1953, tại khu Đồi Cọ (huyện Định Hóa, Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam,” “khai sinh” nền điện ảnh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1959, bộ phim điện ảnh "Chung một dòng sông" (1959) ra đời và gây tiếng vang lớn, trở thành phim truyện nhựa đầu tiên của Việt Nam kể từ khi khai sinh. Sau thành công của bộ phim này, một loạt phim về đề tài cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc được sản xuất, trong đó có nhiều bộ phim khá thành công như: “Chim vành khuyên,” “Chị Tư Hậu,” “Kim Ðồng,” “Lửa trung tuyến”...

Trong giai đoạn chống Mỹ từ 1965-1975, nhiều bộ phim xuất sắc đã ra đời, như: “Nổi gió,” “Ðường về quê mẹ,” “Người về đồng cói,” “Bài ca ra trận.” “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm,” “Tiền tuyến gọi”... (phim truyện); “Ðầu sóng ngọn gió," “Lũy thép Vĩnh Linh,” “Những người săn thú trên núi Ðắc Sao,” “Những người dân quê tôi”... (phim tài liệu - thời sự); “Con khỉ lạc loài,” “Chuyện ông Gióng,” “Khăm Phạ - Nàng Ngà” (phim hoạt hình)...

Các nhà chuyên môn khẳng định đây là thời kỳ “vàng son” của điện ảnh nước nhà. Song hành với sự trưởng thành của ngành sản xuất, phát hành phim, mạng lưới trung tâm điện ảnh, đội chiếu phim lưu động cũng đã hình thành trong cả nước, công tác phổ biến phim nhờ vậy ngày càng mở rộng từ thành thị đến nông thôn và len lỏi khắp vùng sâu, vùng xa, từ miền núi đến hải đảo.

Điện ảnh Việt Nam cũng bắt đầu được quốc tế công nhận, thể hiện qua loạt giải thưởng tại Liên hoan phim Moskva cho phim tài liệu “Nước về Bắc Hưng Hải” (1959), Liên hoan phim Leipzig (Đức) cho "Những người quê hương tôi" (1970), “Lũy thép Vĩnh Linh” (1971)...

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các văn nghệ sĩ ngành điện ảnh ở miền Bắc được biên chế thành những đoàn làm phim xung kích bám sát các đoàn quân ở khắp các mặt trận và tiến vào giải phóng Sài Gòn. Họ là những người làm văn nghệ có mặt sớm nhất trong những cánh quân chiếm giữ dinh Ðộc Lập vào ngày 30/4/1975, thực hiện nhiều bộ phim có giá trị như "Thành phố lúc rạng đông," "Ðường tới thành phố," "Những bước đường thắng lợi," "Sài Gòn tháng 5/1975," "Qua cầu Công Lý," "Sài Gòn vui chiến thắng"... Trong 15 năm (từ 1960 đến 1975) gần 300 cán bộ, nghệ sĩ điện ảnh đã hy sinh trên khắp các nẻo đường của đất nước, trên mọi trận tuyến đánh quân thù để làm phim và phục vụ đồng bào, chiến sĩ cả nước.

so-luong-rap-phim-tren-ca-nuoc-trong-hai-nam-2015-va-2020-1-.jpg

Bước vào thời kỳ đổi mới, điện ảnh gặp nhiều khó khăn do không còn sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng từ giữa thập niên 90, nhờ chương trình về chấn hưng điện ảnh mà điện ảnh Việt Nam dần bước ra khỏi khủng hoảng, cơ sở vật chất như rạp phim, máy móc, kỹ thuật đều tăng lên.

Thời kỳ Đổi mới đã mở đường cho điện ảnh tư nhân ra đời. Bộ phim "Gái nhảy" (2003) của Lê Hoàng là “cú huých” phòng vé đáng kể nhất - thu 21 tỷ đồng. Các đơn vị tư nhân tham gia vào thị trường điện ảnh ngày một nhiều.

Giữa thập niên 2010, điện ảnh Việt đã có phim đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng, với những cái tên như  “Em chưa 18” (2017), “Hai Phượng” (2019), "Tiệc trăng máu" (2020)... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, điện ảnh chịu ảnh hưởng nặng nề trong những năm 2020-2021. Song, năm 2022 và đầu năm 2023, điện ảnh Việt Nam đã xuất hiện hai bộ phim có doanh thu kỷ lục 420 tỷ đồng (Bố già) và 458 tỷ đồng (Nhà bà Nữ) của nhà làm phim Trấn Thành, phần nào tạo nên những kỳ vọng mới cho thị trường điện ảnh trong nước…

Có thể khẳng định rằng trong vòng hơn một thập kỷ trở lại đây, điện ảnh Việt có sự phát triển rõ rệt về thể loại và xu hướng làm phim. Bên cạnh các phim truyền thống, dòng phim giải trí thương mại do các hãng phim tư nhân sản xuất, đặc biệt là phim của các đạo diễn Việt kiều ngày càng phát triển và đã thực sự “kéo” một lượng không nhỏ khán giả quay trở lại rạp. Những tác phẩm như: “Thời xa vắng” (2003), “Mùa len trâu” (2004), “Áo lụa Hà Đông” (2006), “Dòng máu anh hùng” (2017), “Thiên mệnh anh hùng” (2012)... của các đạo diễn Việt kiều là những dấu ấn đáng ghi nhận của dòng phim này.

Song song với dòng chảy thương mại, phim độc lập Việt Nam với dấu ấn nghệ thuật đậm chất tác giả bắt đầu bước ra thế giới, từ “Bi đừng sợ” (2010), “Đập cánh giữa không trung” (2014), “Cha cõng con"  (2017), “Song Lang” (2018), “Ròm” (2019) và gần đây nhất là “Tro tàn rực rỡ” (2022).

Cùng lúc, nhà nước vẫn đặt hàng làm 2-3 phim phục vụ mục đích chính trị mỗi năm. Tuy nhiên, những tác phẩm này chưa tạo được chú ý về mặt thương mại, song được cho là vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Gần đây nhất trong đầu năm 2023, dự án phim nhà nước "Đào, phở và piano" gây chú ý với phim trường đặc biệt lớn, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, để lại nhiều kỳ vọng cho khán giả.

"70 năm qua, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã không ngừng đồng hành cùng dân tộc. Các yếu tố thực tiễn của cuộc sống đã được khắc họa, phản ánh chân thực bằng những thước phim tài liệu, phim truyện hay bằng ngôn ngữ hình ảnh nói chung... Tất cả cho thấy một ý nghĩa rất lớn trong giáo dục, tác động tới tất cả mọi người, đặc biệt là tới bây giờ khi xem lại".

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Bích Hồng (Giảng viên Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội)

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, giới chuyên môn cho rằng điện ảnh Việt Nam vẫn còn nhiều việc cần phải làm để có thể “vươn ra biển lớn”.

2.jpg

Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định phát triển điện ảnh theo hướng công nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế, với mục tiêu đến năm 2030 xây dựng nền điện ảnh Việt Nam có bản sắc và uy tín ở châu Á, có tác phẩm chất lượng cao, tài năng điện ảnh tầm cỡ thế giới. Điều này cũng phù hợp và đúng định hướng với những nội dung và giá trị mà Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đặt ra với những nguyên tắc cơ bản: Dân tộc, khoa học và đại chúng.

vnp_bangiamkhaohaniff2022_1.jpg
Điện ảnh Việt Nam tạo sân chơi, môi trường giao lưu giữa các nhà làm phim, giới chuyên môn trong và ngoài nước qua Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF). (Ảnh minh họa: Minh Anh/Vietnam+)

Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, trong thời đại công nghệ 4.0, xây dựng nền điện ảnh mang tính hiện đại có ý nghĩa thiết thực và cập nhật đối với sự nghiệp chung của dân tộc. Điều đó có nghĩa là điện ảnh phải xây dựng cho mình một "thương hiệu" riêng và thương hiệu ấy trước hết phải gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, bà Ngô Phương Lan cũng khẳng định để ra biển lớn, điện ảnh Việt Nam cần chắt chiu, tìm kiếm, bồi dưỡng, ươm mầm các tài năng trẻ.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, nhà sản xuất, biên kịch Kay Nguyễn đề xuất tạo cơ chế thúc đẩy thói quen thường xuyên ra rạp (tối thiểu 2 lần mỗi tháng), đón đầu nhóm khán giả trẻ - những người quyết định ra rạp trong 10-15 năm tới. Cùng với đó, không chỉ số lượng rạp phim thương mại cần tăng lên mà còn cần có thêm những rạp phim độc lập (chiếu phim độc lập, phim cũ có chọn lọc, tuần phim, chiếu theo chủ đề...). Cùng lúc, bản thân người làm phim cũng cần tiếp tục thử nghiệm với mọi thể loại, góc nhìn, câu chuyện đa dạng... không ngừng trau dồi và tự nâng cao tay nghề.

vnp_rapchieuphim.jpg
Mở rộng về số lượng và thể loại rạp phim là một trong những điều cần làm với thị trường điện ảnh trong tương lai. (Ảnh minh họa: Minh Anh/Vietnam+)

Liên tục tìm tòi và nỗ lực làm cho tốt, cho chỉn chu cũng là ý kiến nhà phê bình Lê Hồng Lâm. Nhà phê bình này đánh giá chất liệu Việt Nam luôn rất dày dặn và đáng được khai thác. Ông cũng đánh giá thị trường Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng, hoàn toàn có thể đạt 10% dân số cả nước ra rạp trong tương lai từ 7-10 năm.

Từ phía điện ảnh Nhà nước, đối với những dự án do Nhà nước đặt hàng, giới chuyên môn cũng cho rằng cần có một cơ chế đấu thầu hợp lý. Theo thành viên hội đồng phân loại phim Quốc gia (Cục Điện ảnh) - nhà báo Việt Văn, cơ chế đấu thầu này cần tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân làm phim có trình độ sử dụng ngân sách Nhà nước một cách hiệu quả, tránh việc làm xong nhưng không ai xem, trở thành sản phẩm mang tính "cúng cụ."

Ông Văn cho rằng phần lớn các dự án phim đặt hàng có chủ đề lịch sử nên cần có phim trường lớn, chuyên nghiệp và hệ thống tư liệu, tài liệu tham khảo dày dạn. Thêm vào đó, những dự án này cũng cần được đầu tư mạnh về mặt quảng bá, góp phần đưa tác phẩm đến gần với công chúng hơn, qua đó tăng doanh thu khi phát hành.

Ở khía cạnh khác, giới chuyên môn cũng nhìn nhận Luật Điện ảnh năm 2022 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 được kỳ vọng tạo ra hành lang pháp lý cởi mở và thông thoáng, tạo điều kiện để điện ảnh phát triển. Song để luật đi vào thực tiễn, các bộ, ngành cũng cần nhanh chóng ban hành các văn bản dưới luật để có hướng dẫn cụ thể.

anhthay.jpeg

“Khung pháp lý đã có, nhưng để hiện thực hóa vào đời sống, cần những cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp từ Nhà nước để phát huy hết năng lực sáng tạo của nhà làm phim, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh, khuyến khích hợp tác công-tư trong sản xuất, phát hành-phổ biến phim, phát triển thị trường điện ảnh Việt và xây dựng nền công nghiệp điện ảnh dần lớn mạnh,” Tiến sĩ Ngô Phương Lan nói.

Chính điều này sẽ góp phần thúc đẩy nền công nghiệp điện ảnh nước nhà nhanh chóng tạo sự bứt phá, tiến tới định vị trên bản đồ điện ảnh thế giới trong một tương lại không xa./.

vna_potal_70_nam_dien_anh_cach_mang_viet_nam_dong_hanh_cung_dat_nuoc.jpeg

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điện ảnh Việt Nam: Nhìn lại lịch sử vẻ vang để hướng tới tương lai "rực rỡ"