Trà - một thức uống bình dị nhưng lại ẩn chứa nét đẹp văn hóa của người Việt qua bao đời. Ngày nay, người trẻ hiện đại không chỉ tiếp tục kế thừa và phát huy nét đẹp văn hóa của trà truyền thống mà còn mang đến những hơi thở mới cho thức uống này.
Trà - một thức uống bình dị nhưng lại ẩn chứa nét đẹp văn hóa của người Việt qua bao đời. Ngày nay, người trẻ hiện đại không chỉ tiếp tục kế thừa và phát huy nét đẹp văn hóa của trà truyền thống mà còn mang đến những hơi thở mới cho thức uống này.
Trà từ lâu đã trở thành một phần trong văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Theo sử sách ghi lại, hình thức uống trà khởi nguồn từ các chùa chiền, gắn với sự phát triển của Thiền Tông Trung Hoa và được gọi là Thiền trà. Sau đó cùng với bước chân của các nhà sư truyền giáo, thiền trà cũng được du nhập vào Việt Nam như một hình thức tu hành không thể thiếu.
Sau sự tiếp nhận của các nhà sư, trà nhanh chóng được ưa chuộng trong đời sống cung đình và trở thành thức uống gắn với sự giàu sang và quyền quý. Tiếp đến, trà đi vào lối sống của các nhà nho, uống trà là một nghi thức bất thành văn mỗi sáng sớm trước khi làm việc. Vào thời ấy, các nhà nho và bậc công hầu quý tộc đều không tiếc tiền để sắm những loại ấm chén xa xỉ nhất.
Theo thời gian, trà đã không còn là thức uống xa xỉ thể hiện đẳng cấp xã hội, thú uống trà đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống bình dân của mỗi người. Văn hóa uống trà vẫn tồn tại theo dòng chảy của thời gian cho đến ngày nay, nét đẹp văn hóa ấy đã và đang được kế thừa bởi thế hệ trẻ hiện đại.
Tại các đô thị lớn ở Việt Nam, không khó để bắt thấy các quán cafe bán đa dạng nhiều loại đồ uống phục vụ giới trẻ. Theo một khảo sát theo dữ liệu ban đầu của Kantar Worldpanel’s Out of Home (đơn vị nghiên cứu hành vi người mua hàng) vào năm 2018, chỉ riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, mức tiêu thụ trà gồm các sản phẩm uống liền và các sản phẩm pha chế tại quán cao hơn gần gấp đôi so với cà phê. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng chi với mức giá cao hơn cho các loại đồ uống có nguyên liệu từ trà.
Có thể thấy, từ khóa “healthy” - một lối sống xanh - ăn uống lành mạnh đang là trào lưu sống mà người trẻ hiện đại hướng đến. Người trẻ ngày nay đã có sự chú trọng hơn đến thành phần nguyên liệu của những món ăn, thức uống họ thưởng thức mỗi ngày. Đó cũng là yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng tiếp cận với trà của người trẻ.
Theo trang Food Tech News Asia, vào năm 2023, dòng đồ uống trà không đường bất ngờ trở nên phổ biến, từ trà xanh hoa nhài, trà đen đến trà trái cây. Hiện nay, trên mạng xã hội có hàng trăm hội nhóm về trà, cộng đồng người yêu trà đông đảo và bước đầu xây dựng được hình ảnh thương hiệu cho mình.
Trà thảo mộc cũng là một trong số những loại trà được nhiều bạn trẻ yêu thích. Bởi lẽ, loại trà này đa phần được làm từ hoa quả khô hoặc cây thảo mộc có mùi rất thơm mà không chứa nhiều cafein gây kích thích như các loại trà vị đắng.
Trà thảo mộc được pha trong ấm thủy tinh, cho phép người ta nhìn ngắm những bông hoa, quả bên trong, sự biến đổi màu đậm dần của ấm trà, cảm nhận hương vị của nó trước khi uống. Bên cạnh mùi vị đặc biệt, hương trà ấm lan tỏa qua các giác quan để thấm vào tận trong tâm trí, trà thảo mộc còn được biết đến với những công dụng tuyệt vời như cải thiện giấc ngủ, thanh lọc cơ thể…
Ngoài việc thưởng trà nóng như thường lệ, hiện nay trà còn được sử dụng như một thành phần đặc biệt trong các đồ uống giải khát mát lạnh, đáp ứng nhu cầu trong những ngày nóng oi bức.
Dòng chảy thời gian vẫn không ngừng chuyển tiếp và trà cũng đã có những sự biến đổi thức thời với nhiều biến tấu mới lạ. Với sự kết hợp hài hoà giữa hồng trà hay trà ô long cùng một số loại trái cây quen thuộc, trà hoa quả là một trong các loại đồ uống được giới trẻ ưa chuộng.
Trước khi trở thành “trend” - xu hướng được giới trẻ hưởng ứng thì trà mãng cầu, trà dâu, trà ổi hồng hay trà chanh giã tay... cũng từng bị thị trường hoài nghi về hương vị, cách pha chế. Thế rồi chẳng mấy chốc, nhiều loại trà bắt đầu tìm được vị trí đặc biệt trong lòng những khách hàng trẻ tuổi.
Trải qua biết bao nhiêu “mùa trend”, đến nay món trà sữa ngọt thơm, kết hợp trân trân châu dai dai vẫn là sự lựa chọn yêu thích của rất nhiều bạn trẻ. Bởi cơn sốt không bao giờ hạ nhiệt này, rất nhiều quán trà sữa đã được mở nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Bình thường nếu em rảnh, em sẽ hay rủ các bạn đi uống trà sữa ạ, hoặc là em sẽ đi uống các loại trà khác như trà đào, tùy vào tâm trạng của mình lúc đấy thôi ạ” .
Bạn Lan Anh, 16 tuổi chia sẻ
Có thể thấy, giờ đây trà đã có sự giao thoa, được “làm mới” để phù hợp với đời sống hiện đại. Nhiều người thích trà, uống trà thường xuyên đã không cần phải tự pha, việc gặp gỡ bạn bè cũng không nhất thiết phải đến nhà mà đơn giản là hẹn nhau ở những quán cà phê “ruột”. Sự lựa chọn của các loại trà cũng đa dạng hơn, không chỉ là trà truyền thống mà các loại trà ngoại nhập cũng được nhiều người trẻ lựa chọn.
Ngày nay, không gian thưởng thức trà cũng trở nên đa dạng hơn, từ những quán vỉa hè tiện lợi cho đến những quán trà sang trọng. Đây là những nơi được giới trẻ lựa chọn cho những buổi gặp gỡ, tụ họp bạn bè, thưởng thức đồ uống và chụp ảnh check-in sống ảo... Bên cạnh đó, do nhịp sống hiện đại bận rộn, hình thức “take away” (mang đi) trở nên phổ biến hơn bao giờ hết
Hẳn ta vẫn lầm tưởng rằng rằng cái vị trà đắng ngắt hậu ngọt, những tách trà ấm nóng, bốc khói có lẽ chỉ còn phù hợp với người lớn tuổi. Vậy mà, giữa muôn vàn xu hướng đồ uống mới lạ bùng nổ trên thị trường, một bộ phận giới trẻ lại tìm về với những giá trị bình dị, mộc mạc, hương vị đậm đà, tinh túy của trà truyền thống.
Ngày nhỏ, từ ấm trà mạn chát xít của ông và bố, ta có những cảm nhận đầu tiên về nét văn hóa uống trà của người Việt mình. Dần dần khi lớn lên, kỷ niệm về thức uống đó vẫn nằm trong tâm trí, rồi không biết từ khi nào trà cũng trở thành một phần trong cuộc sống hàng này của chính mỗi chúng ta
“Bản thân mình cũng như vậy, khác với những loại trà có lẽ đã trở nên quen thuộc với nhiều bạn trẻ như trà sữa, trà hoa quả,... Mình thích cái vị trà đắng kiểu truyền thống hơn như trà Ô Long hay trà xanh Thái Nguyên. Có lẽ do ảnh hưởng từ gia đình chăng? Mình chỉ nhớ đã làm quen với những thức trà trên từ rất lâu trước kia. Cái hình ảnh bố mình mỗi buổi sáng lại vào bếp, một tay đun một ít nước sôi, tay kia nắm một vốc trà bỏ vào chiếc ấm màu nâu đất đã cũ, đặc biệt là cái mùi thơm tỏa ra từ chiếc ấm nhỏ tỏa khói trắng luôn hiện lên trong tâm trí mình mỗi khi pha trà. Giờ đây khi mình lớn hơn, tuy nhiều thứ đã thay đổi nhưng hình ảnh bố mình vẫn như vậy, ông vẫn vào bếp theo thói quen đều đặn pha một ấm trà cho cả nhà trước khi đi làm.”
Bạn Hoàng, 22 tuổi chia sẻ
Trà Việt đang thu hút sự quan tâm và tình yêu từ người trẻ bởi đây không chỉ là một thức uống, mà còn là một biểu tượng của sự kết nối với truyền thống và tự hào dân tộc. Đối với họ, việc thưởng thức trà không chỉ là một trải nghiệm về vị giác, mà còn là một cách để tìm hiểu và trải nghiệm sâu hơn về văn hóa và lịch sử của đất nước.
Là một người trẻ dành tình yêu cho trà truyền thống, nghệ sĩ sáo Ly Mí Cường cho rằng “mỗi búp trà là một di sản không chỉ với người bản địa mà còn với tất cả mọi người dân Việt. Tôi trân trọng sự vất vả của người làm trà ở Hà Giang quê mình, và tôi luôn hướng tới việc thưởng thức trà một cách nguyên vị”
Trà không chỉ là một thức uống thông thường, mà còn là một phần của cuộc sống, là một cách để họ tìm kiếm sự bình yên và thư giãn trong cuộc sống hối hả, bộn bề. Tình yêu của người trẻ đối với trà Việt không chỉ là sự yêu thích vị ngon mà còn là sự kết nối với truyền thống và văn hóa của đất nước, là biểu hiện của sự tự hào và lòng quê hương trong lòng mỗi người.
Anh Đặng Trần Hiếu, một CEO trẻ có niềm đam mê và lý tưởng bảo tồn và phát triển trà truyền thống đã tạo nên Tâm Đạo Quán. Đây là nơi gìn giữ, phát huy và truyền tải văn hoá đến với cộng đồng thông qua chén trà.
Anh chia sẻ rằng: “Nhiều người hỏi tôi uống trà để làm gì, thì đối với tôi, uống trà để hoàn thiện nhân cách, những thứ bản thân còn thiếu một cách không khiên cưỡng, mình thiếu cái gì mình sẽ bổ sung cái đó. Quan điểm của tôi về trà Việt là làm sao chúng ta có thể bảo vệ được những cây trà hàng ngàn năm tuổi. Trà không giống cà phê, không giống rượu, bởi nó mang một tính ôn hoà, không đắng quá, không ngọt quá, không nhạt quá, không đậm quá, đó là điều khiến trà trở nên khác biệt.”
Uống trà không chỉ đơn giản là để giải khát mà còn là một nét đẹp văn hóa, thể hiện sự thanh tao, tao nhã của con người. Uống trà và thưởng trà có những sự khác biệt. Bởi thưởng trà không chỉ bằng miệng, mà ta còn thưởng trà bằng mắt để biết sắc của trà, thưởng trà bằng mũi để biết hương của trà.
Hớp đầu tiên, ta nhai hớp trà đầu, cả hương và vị lan tỏa trong khoang miệng. Từ từ, ta chia nhỏ nước trà đó ra, nuốt xuống, ta sẽ thấy được vị ngọt hậu của trà. Uống trà là cách để con người tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn, để kết nối với nhau và chia sẻ những câu chuyện cuộc sống.
Người xưa thường thưởng thức trà trong không gian yên tĩnh, thanh tao. Ngoài ra, cách thức pha chế trà của người xưa cũng rất cầu kỳ và tỉ mỉ. Từ việc chọn nước, chọn trà, đến cách pha trà, tất cả đều được thực hiện một cách cẩn thận để giữ được hương vị thơm ngon của trà. Họ thường sử dụng ấm trà nhỏ, chén trà nhỏ để thưởng thức trà.
Với nhiều người trẻ, thưởng trà không chỉ là thú vui giải trí giảm stress mà còn giúp rèn luyện bản tính. Nhâm nhi từng chút một để cảm nhận mùi hương, vị ngon của nước trà trong khi uống và vị còn đọng lại ở trong miệng sau khi vừa đặt tách xuống. Cách thưởng thức trà cũng chính là nghệ thuật cân bằng cuộc sống “tịnh tâm”.
”Vì áp lực công việc và nhiều vấn đề khác trong cuộc sống, mình từng có thời gian dài stress, ảnh hưởng đến tâm lý rất nặng. Sau đó mình được một người bạn chia sẻ cách thức cải thiện, đó là làm quen với trà Việt truyền thống. Ban đầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận những kiến thức đặc thù về trà, nhưng sau một khoảng thời gian tiếp xúc, mình càng đam mê bộ môn thưởng trà và tích cực tham gia các sự kiện về trà Việt hơn. Nhờ vào thú vui thưởng trà, mình đã biết cách kiểm soát và rèn luyện tâm thức, sống tích cực và an yên hơn”
Bạn Lại Thị Kim Thu, 25 tuổi chia sẻ
Những ai hay thường uống trà bằng một tay thì hay bị lơ đễnh, không để ý chén trà. Nếu ai thực sự nâng chén trà bằng hai tay thì mới thực sự là đang thưởng trà.
Người trẻ ngày nay dù thưởng thức trà theo những phong cách mới khác nhau, nhưng ý nghĩa của những buổi thưởng trà vẫn như xưa, là sự kết nối giữa người với người. Dù là loại trà nào, truyền thống hay hiện đại, tách trà thơm cũng là một yếu tố giúp cuộc trò chuyện thêm phần thú vị và thân tình.
Nhìn vào màu sắc của nước trà, ta có thể biết được cái tâm, cái tình của người pha trà. Nếu người pha trà còn vướng bận nhiều muộn phiền, năng lượng ấy cũng sẽ bị truyền vào chén trà, khiến hương vị trà bị chát xít.
Bởi lẽ đó mà khi pha trà ta cần phải có sự chánh niệm, thực tập việc có mặt ở đây, nơi này, bên ấm trà, buông bỏ những tạp suy, bộn bề. Khi ta an thì thế giới an, khi ta pha trà bằng năng lượng của chánh niệm, tình yêu thương thì nước trà mới ngọt, “mượt” trên môi khi thưởng thức.
Vì vậy, trà là một cách để kết nối thân tâm của chính mình, sau đó mới là sự kết nối với người thân, đồng nghiệp, xã hội.
Qua đó, có thể thấy trà không chỉ là một loại nguyên liệu quý, nó còn chứa đựng những triết lý sống sâu sắc để con người chúng ta thực tập sống đẹp hơn, sống an nhiên hơn. Văn hóa uống trà gửi gắm những giá trị sống tốt đẹp vào dòng chảy của thời gian lưu truyền đến bao thế hệ trẻ.
Tình yêu dành cho trà vẫn cứ thế được trao truyền qua các thế hệ. Để những người trẻ hiện nay gìn giữ và phát triển nét đẹp văn hóa ấy qua nhiều cách thức khác nhau.
Là những người trẻ ở lứa tuổi đôi mươi, nhóm sinh viên Chéns Team từ trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức nên một sự kiện workshop vô cùng ý nghĩa “Cùng người Việt trẻ thưởng trà”. Bạn Nguyễn Ngọc Minh- trưởng ban tổ chức của workshop chia sẻ: “Trà truyền thống vẫn là một dòng chảy rất riêng, có sức lan tỏa và kết nối mạnh mẽ. Là những người trẻ, chúng ta hãy dành ra một chút thời gian, công sức để lan tỏa giá trị của trà truyền thống”.
Trong thế giới ngày nay, văn hóa uống trà của người trẻ đã trở nên phong phú, đa dạng và không kém phần sáng tạo.. Họ không chỉ mở rộng tầm nhìn với những món trà biến tấu mới mẻ, mà còn gìn giữ và phát triển văn hóa trà truyền thống của dân tộc. Sự kết hợp giữa cái mới và cái cũ đã tạo ra một văn hóa trà đa chiều, phong phú, và đặc sắc. Đồng thời thể hiện sự giao thoa giữa nét đẹp hiện đại và truyền thống. Văn hóa uống trà đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người trẻ, mang lại cho họ không chỉ là niềm vui thưởng thức, mà còn là một cách để kết nối với văn hóa truyền thống của dân tộc.