Nồi bánh chưng không chỉ là mùi vị tuổi thơ, là sự đầm ấm sum họp gia đình, là hương vị quê hương, mà còn là nét đẹp văn hoá truyền thống tự ngàn đời và đầy tự hào của dân tộc Việt Nam, là sợi chỉ vô hình mỏng manh mà bền chắc để dù bước chân khỏi luỹ tre làng hay vươn mình ra thế giới, đi bất cứ đâu, mỗi người vẫn luôn hướng về quê mẹ.
Nhìn các con tíu tít cùng bố sắp lá dong, lấy bát múc gạo, đỗ, gắp thịt để gói bánh chưng khi những ngày xuân mới đã cận kề, chị Nguyễn Ngọc Anh không khỏi xúc động.
“Dù định cư ở Canada nhưng năm nào gia đình tôi cũng gói bánh chưng như bất cứ gia đình Việt Nam nào. Đó là cách để chúng tôi vơi đi nỗi nhớ quê hương và để gắn kết các con tôi với cội nguồn,” chị Ngọc Anh chia sẻ.
Có lẽ với bất kỳ người con đất Việt nào, dù đang ở bất cứ nơi đâu, hình ảnh nồi bánh chưng thơm mùi lá dong đặt trên bếp hồng rực lửa ấm áp xua tan giá lạnh mùa đông đã trở thành hình ảnh quen thuộc mỗi độ Tết đến xuân về.
Nồi bánh chưng ấy không chỉ là mùi vị tuổi thơ, là sự đầm ấm sum họp gia đình, là hương vị quê hương, mà còn là nét đẹp văn hoá truyền thống tự ngàn đời và đầy tự hào của dân tộc Việt Nam, là sợi chỉ vô hình mỏng manh mà bền chắc để dù bước chân khỏi luỹ tre làng hay vươn mình ra thế giới, đi bất cứ đâu, mỗi người vẫn luôn hướng về quê mẹ.
Theo sự tích “Bánh chưng, bánh dày," tục gói bánh chưng bắt nguồn từ đời vua Hùng Vương thứ 6. Sau khi đánh thắng giặc Ân, Vua Hùng muốn tìm người nối nghiệp nên đã triệu tập các con đến và truyền rằng: ai dâng được món ăn ngon nhất, ý nghĩa nhất để dâng cúng tổ tiên thì sẽ được truyền ngôi.
Hầu hết các hoàng tử đều lên rừng, xuống biển tìm sản vật quý hiếm. Riêng hoàng tử Lang Liêu là người con nghèo khó nhất, không có khả năng kiếm những đồ lễ quý hiếm, chàng đã được một vị thần mách bảo dùng những nông sản hết sức thân thuộc như gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để tạo ra hai loại bánh: bánh chưng và bánh dày-tượng trưng cho Trời và Đất-làm lễ vật dâng vua cha.
Chiếc bánh chưng của hoàng tử Lang Liêu là tượng trưng cho Đất với sự đầy đủ ấm no khi bên trong đủ gạo nếp thơm, đậu xanh và thịt lợn, được phủ lá dong xanh, buộc lại bởi chiếc lạt mềm.
Chiếc bánh chưng vuông vức thơm ngon được dâng lên vua Hùng vào ngày đầu xuân đầy ý nghĩa đã làm nhà vua hài lòng và cảm động. Nhà vua quyết định truyền ngôi cho hoàng tử Lang Liêu.
Kể từ đó tục gói bánh chưng, bánh dày được lưu truyền trong nhân gian và là những lễ vật không thể thiếu khi dâng cúng tổ tiên mỗi dịp Tết đến. Bánh chưng không còn là thực phẩm thông thường mà là hiện thân, kết tinh cho văn hoá nông nghiệp tự ngàn đời của người Việt, là sự tổng hòa cho Trời - Đất, tri ân tới những ưu đãi thiên nhiên ban tặng, là biểu tượng của lòng hiếu thảo, tinh thần uống nước nhớ nguồn, thờ cúng tổ tiên và trở thành biểu tượng của cội nguồn văn hoá Việt.
Hội tụ những tinh hoa của đất Việt trong một món ăn giản dị, thân thuộc, làm từ lá dong sau nhà, đậu đỗ trong vườn, gạo từ ruộng lúa ngoài đồng, thịt lợn nuôi trong chuồng, nên trải mấy nghìn năm lịch sử, qua bao phen bị ngoại bang đô hộ và âm mưu đồng hoá, chiếc bánh chưng vẫn của người Việt vẫn giữ hương vị nguyên bản như thưở nào Lang Liêu dâng tiến Vua Hùng.
Ngày nay, dù Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và nhịp sống của kinh tế thị trường ngày càng nhanh chóng và sôi động, chiếc bánh chưng xanh vẫn không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về.
Chị Phạm Thị Hương (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) cho hay từ khoảng ngoài 20 tháng Chạp, lá dong đã được bày bán ở khắp các chợ quê. “Tự tay lựa những lá dong tươi xanh, mua đỗ và gạo nếp, tôi thấy như Tết đã cận kề và háo hức cho một năm mới sắp đến sẽ nhiều điều may mắn hơn năm cũ,” chị Hương chia sẻ.
Ở thành phố với các căn hộ chung cư khá chật hẹp nhưng chị Nguyễn Thị Thương (Khu đô thị Thanh Hà, Hà Đông, Hà Nội) cùng các hộ cư dân trong khu vẫn cố gắng duy trì thói quen nấu bánh chưng ngày Tết.
“Cuối năm, ai cũng bận việc, nên chúng tôi sẽ phân chia nhiệm vụ cho từng người, người lo nhiên liệu và tìm chỗ nấu bánh phù hợp, người tìm lá dong, mua gạo, người đặt thịt, rồi cùng hẹn nhau gói bánh ở hành lang, vừa gói vừa chuyện trò vui vẻ, cùng nhớ về những ngày thơ bé ngồi canh bánh đến tận đêm khuya, được cùng anh chị em trong gia đình quây quần bên ánh lửa bập bùng, mùi bánh chưng xen lẫn mùi khoai, mùi ngô nướng, thật đầm ấm, giản dị nhưng bình yên và hạnh phúc,” chị Thương vui vẻ nói.
Cũng theo chị Thương, cố gắng duy trì gói bánh chưng cũng là cách để chị và mọi người trong khu kết nối với nhau nhiều hơn, để các con của chị - những thế hệ nối tiếp dù không lớn lên bên bếp lửa hồng nơi làng quê vẫn hiểu, vẫn cảm nhận được và giữ được nét đẹp văn hoá truyền thống đặc trưng ngày Tết của dân tộc.
Không chỉ các gia đình, trong những năm qua, mỗi dịp Tết đến gần, rất nhiều nhà trường đã tổ chức cho học sinh gói bánh chưng ngay tại sân trường như một giờ học đặc biệt nhất trong năm. Ở đó, các em được nghe thầy cô chia sẻ về sự tích “Bánh chưng, bánh dày”, về ý nghĩa đặc biệt của chiếc bánh truyền thống của dân tộc, được hướng dẫn cách tự tay gói bánh, được cùng nhau quây quần bên bếp lửa bập bùng giữa sân trường và cùng háo hức chờ thưởng thức những chiếc bánh do tự tay mình gói.
Theo lãnh đạo các nhà trường, hoạt động này vừa để học sinh hiểu hơn, biết trân trọng và gìn giữ, tiếp nối giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc đồng thời cũng giúp các em giải toả những căng thẳng sau một học kỳ học tập đầy căng thẳng.
Một số trường đại học cũng tổ chức các chương trình chào xuân mới, trong đó gói bánh chưng là hoạt động quan trọng thường niên không thể thiếu như Đại học Ngoại thương, Đại học Hà Nội… Đây cũng là dịp để các trường giới thiệu, quảng bá văn hoá truyền thống Việt Nam đến sinh viên quốc tế.