Mega Story

Hành trình âm nhạc "bất tử" của Trần Lập

30/12/2022 21:01

Thấm thoát đã hơn 6 năm kể từ ngày anh ra đi. Tháng 3 ấy, dẫu biết trước về căn bệnh quái ác mà người nghệ sĩ tài hoa phải mang trong mình nhưng tất cả đồng nghiệp và khán giả vẫn không khỏi hụt hẫng khi nghe tin anh trút hơi thở cuối cùng. Không chỉ riêng thế hệ 7x, 8x hay 9x mà ngay cả thế hệ 10x cũng đã mang trong mình một phần ký ức đặc biệt về anh, về Bức Tường và những sáng tác đầy ý nghĩa của mà các anh dành tặng cho đời.

cover.jpg
buc-tuong-1-sua.png

T

háng 12 là khoảng thời gian những cơn gió lạnh ùa về, đánh dấu sự chuyển mình của đất trời từ thu sang đông. Thế nhưng, đối với Trần Lập - người nghệ sĩ sinh ra trong tháng 12, thời điểm cuối năm chưa bao giờ khiến anh cảm thấy lạnh lẽo vì trong trái tim ấy đã có sẵn một ngọn lửa của nhiệt huyết và những đam mê cháy bỏng.

thong-tin-co-ban-ve-tran-lap.png

Thấm thoát đã hơn 6 năm kể từ ngày anh ra đi. Tháng 3 ấy, dẫu biết trước về căn bệnh quái ác mà người nghệ sĩ tài hoa phải mang trong mình nhưng tất cả đồng nghiệp và khán giả vẫn không khỏi hụt hẫng khi nghe tin anh trút hơi thở cuối cùng. Sự ra đi của anh đã để lại một khoảng trống lớn trong lòng công chúng yêu nhạc. Dẫu vậy, đó không phải là thứ nỗi buồn ủy mị bởi di sản anh để lại cho đời là tinh thần tuổi trẻ, là sự tích cực và ý chí vượt qua mọi khó khăn.

Khi lục tìm những kỷ niệm về Trần Lập, sẽ không khó để bắt gặp đôi lời tâm sự đầy xúc động đến từ nỗi nhớ và tình yêu của fan nhạc rock đối với người thần tượng đã khuất. Không chỉ riêng thế hệ 7x, 8x hay 9x mà ngay cả thế hệ 10X cũng đã mang trong mình một phần ký ức đặc biệt về anh, về Bức Tường và những sáng tác đầy ý nghĩa của mà các anh dành tặng cho đời.

buc-tuong-2.png

Sự ra đi của Trần Lập không phải dấu chấm hết cho hành trình âm nhạc của anh. Trong suốt quãng thời gian gắn liền với những lời ca, tiếng đàn, người nghệ sĩ ấy đã kịp tạo dựng một kho báu khổng lồ là những bài hát đi cùng năm tháng. Dù rằng anh không thể xuất hiện trên sân khấu một cách hữu hình để tiếp tục “bùng cháy” cùng sinh viên và các bạn trẻ nhưng theo một cách vô hình, người nghệ sĩ ấy vẫn ở đó, hòa vào từng giai điệu chẳng còn xa lạ với bất kỳ ai.

quote_2.png

Ngày 8/5/2022, bản nhạc Đường đến ngày vinh quang đã vang lên trong đêm nhạc hội Chào SEA Games do VTV tổ chức như một lời chúc, lời động viên tinh thần quý giá cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Đây không phải lần đầu tiên, cũng chẳng phải lần duy nhất mà bản hùng ca này được sử dụng trong những thời khắc trọng đại của dân tộc. Năm 2018, khi đội tuyển bóng đá Việt Nam liên tục chinh phục các thành tích cao tại các giải đấu châu lục, Đường đến ngày vinh quang đã được bật lên hàng trăm lần, hòa với sự náo nhiệt và niềm tự hào của những dòng người đi “bão” ăn mừng chiến thắng.

Thứ nhạc rock mà Trần Lập và ban nhạc Bức Tường sáng tác và theo đuổi thật đặc biệt biết mấy. Bên cạnh những bài ca hào hùng mang ý nghĩa động viên to lớn như Đường đến ngày vinh quang hay Rung chuông vàng, các anh còn khiến biết bao con tim phải rung động với những câu chuyện tình yêu say đắm trong Cơn mưa tháng 5, Mắt đen, Người đàn bà hóa đá, Hoa ban trắng,... Những ca khúc này đã có tuổi đời cả 10 năm, 20 năm nhưng vẫn chưa hề trở nên cũ kỹ hay lỗi thời. Chúng vẫn được hát vang một ở góc quán cafe nhỏ, trong những buổi tụ họp hay đơn thuần là chiều lòng người nghe trên các nền tảng âm nhạc trực tuyến như Youtube, Zing MP3,...

Bên cạnh việc xem lại những phần biểu diễn lúc sinh thời của Trần Lập, khán giả còn được thưởng thức rất nhiều bản cover do các ca sĩ khác thể hiện. Mỗi người trong số họ đều mang đến một cảm xúc, một làn gió mới cho các sáng tác của anh và góp phần tạo dựng sự trường tồn cho chúng giữa sự phát triển như vũ bão của âm nhạc hiện đại. Một số bản cover được nhiều người yêu thích có thể kể đến như Cơn mưa tháng 5 do ca sĩ Đông Hùng thể hiện tại chương trình Cuộc hẹn cuối tuần mùa 1 hay giọng ca của ca sĩ Tùng Dương, Việt Lâm với nhiều màn biểu diễn tại các chương trình, liveshow nổi tiếng khác.

Nhiều người cho rằng Trần Lập và Bức Tường là thần tượng của thế hệ 7X, 8X hay 9X mà lại quên liệt kê thế hệ 10X trong danh sách này. Tại những show diễn mới nhất của Bức Tường, dẫu giọng ca của người thủ lĩnh không còn vang vọng như năm nào nhưng đám đông bên dưới vẫn luôn hợp thành một làn sóng để hòa ca cùng ban nhạc trên sân khấu. Sự hào hứng của các bạn học sinh, sinh viên bây giờ như tái hiện lại hình ảnh của anh chị hay bố mẹ mình vào 10, 20 năm trước. Có lẽ bởi họ đều mang trong mình một điểm chung rất lớn - là những người trẻ chọn yêu thứ nhạc rock mộc mạc và in đậm triết lý sống.

chuong-1.jpg
1920x1080-3.png
1920x1080-0.png
1920x1080-1.png
1920x1080-0.png
1920x1080-2.png

Nốt nhạc khởi đầu đam mê

Trong cuộc đời 42 năm của mình, cố NS Trần Lập đã dành hơn 20 năm để cống hiến cho âm nhạc. Ngay từ khi còn nhỏ, niềm đam mê âm nhạc đã sục sôi trong tâm hồn anh bất chấp cuộc sống gia đình khó khăn. Những ngày thơ ấu của Trần Lập bị “nhốt” trong căn nhà với 4 bức tường, bố mẹ đi làm còn anh chị đi học. Cậu bé thuộc đến nằm lòng từng vết mối mọt trên cánh cửa nhà, vì thường xuyên ngồi đó, lắng nghe và tưởng tượng âm thanh, ánh sáng của tự do ngoài kia, sợ hãi với những ngóc ngách tối om trong nhà.

Lớn hơn một chút, hoàn cảnh của gia đình Trần Lập càng lúc càng khó khăn. Bố mẹ bệnh nặng, anh chị đi học xa nhà, tất cả mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều đè lên đôi vai của cậu thiếu niên phổ thông gầy còm. Trước những lời châm chọc đầy ác ý của đám bạn đồng trang lứa, anh đã có lúc muốn buông tay vì con đường phía trước mịt mờ và không có lấy một dự định cho tương lai. Một thanh niên bỡ ngỡ và lạc lõng trước ngưỡng cửa vào đời. Nhưng chính âm nhạc đã nhen nhóm trong lòng anh, là động lực, cảm hứng để anh bám trụ cuộc sống và vươn lên chạm tới ước mơ của mình. Mặc kệ những lúc công việc bộn bề, làm không đủ năng suất, nhưng anh vẫn hát, vẫn yêu đời. Âm nhạc cũng từ đó trở thành một phần không thể tách rời trong tâm hồn chàng trai trẻ.

Từ chàng sinh viên đam mê nhạc rock đến thủ lĩnh của ban nhạc nổi tiếng

Có lẽ chính những ngày khốn khó của tuổi ấu thơ đó đã tôi luyện nên ý chí và tinh thần kiên cường của Trần Lập, để anh có thể vững vàng trước mọi thử thách trên con đường chạm tới ước mơ.

Từ một thanh niên lêu lổng, không có định hướng cho tương lai, niềm đam mê âm nhạc và nghệ thuật đã trỗi dậy và thay đổi hoàn toàn cuộc sống của anh. Trong một tối nọ, cơ hội đã đến với anh một cách bất ngờ. Khi mà đam mê tưởng chừng vẫn gói gọn trong hai từ “ước mơ”, Trần Lập đã có cơ hội được hát thử trong một buổi tiệc sinh nhật của bạn bè tại một sàn nhảy cổ điển. Trước những lời thách thức từ bạn bè, chàng thanh niên ấy đã “liều mình” và có buổi biểu diễn đầu tiên. Điều mà anh không ngờ tới là buổi biểu diễn đã trở thành bước đệm đưa anh đến gần hơn với ước mơ âm nhạc, đến gần hơn với những sân khấu chuyên nghiệp.

Khi những khó khăn của gia đình dần được tháo gỡ cũng là lúc Trần Lập quyết tâm theo đuổi sự nghiệp ca hát. Anh thi đỗ vào khoa Sân khấu, lớp Kỹ thuật biểu diễn của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội. Không ăn diện bảnh bao hay chú trọng bề ngoài như phần lớn học viên trong trường, Trần Lập tạo sự khác biệt khi xuất hiện với mái tóc dài, trang phục có phần “luộm thuộm” theo phong cách “bụi bặm”. Anh chàng cũng đôi lúc làm giảng viên “bó tay” với lối hát phá cách và có phần khác biệt. Nhưng đến cuối cùng, chính sự phá cách ấy là chìa khóa để Trần Lập thành công và tạo dấu ấn đối với công chúng.

nhung-khoanh-khac-con-mai-cua-tran-lap-trong-liveshow-cuoi-doi_2.jpeg

Bước ngoặt trong cuộc đời của Trần Lập gắn với cái tên “Bức tường”. Được thành lập vào năm 1995 với cái tên ban đầu The Wall, 4 sinh viên của trường Đại học xây dựng Hà Nội là Tuấn Hùng (chơi bass), Nguyễn Hoàng (guitar rhythm), Đức Hiệp (drums), Quang Hà (guitar lead) và cuối cùng Trần Lập trong vai trò vocal chính có cùng chí hướng đã đồng lòng, đặt gạch xây nền móng đầu tiên của Bức Tường như thế. Trưởng thành từ phong trào ca nhạc sinh viên, Bức Tường dần trở thành một trong những ban nhạc rock chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam.

tran-lap-tai-nang-ban-linh-phai-dung-buoc-vi-ung-thu(1).jpeg
1920x1080-0.png
1920x1080-2.png
1920x1080-0.png
tran-lap-chin-25003.jpeg

Chất riêng trong nhạc rock của Trần Lập: âm nhạc của tâm hồn

Thời đó, khi sinh viên nghe nhạc ngoại, nhạc nước ngoài được coi là trend, là hợp mốt thì Trần Lập đã cùng các thành viên trong ban nhạc tự mày mò và sáng tác những ca khúc đậm dấu ấn của riêng mình. Không ít những lần anh ngậm ngùi khi nhận về những lời ra tiếng vào, thậm chí là dè bỉu, chê bai của những người không tin chuyện anh viết rock bằng tiếng Việt. Bởi lẽ, đối với họ, rock phải viết bằng tiếng Anh, phải gào thét, rũ rượi, bụi bặm thì mới hợp mốt.

Thế nhưng, bằng sự kiên cường và cố gắng, Trần Lập và ban nhạc đã đập tan định kiến của dư luận về rock, đưa rock trở thành một trong những dòng nhạc không thể thiếu của âm nhạc Việt Nam. Dù có áp lực đè nặng trên vai, anh vẫn bình tĩnh, tự tin tìm ra con đường của riêng mình, đảm nhận vai trò sáng tác với nhiều ca khúc lôi cuốn khán giả như: Đường đến ngày vinh quang, Người đàn bà hóa đá, Hoa ban trắng, Bông hồng thủy tinh,... và kiêm luôn giọng ca chính của nhóm. Trần Lập chưa bao giờ tự nhận mình là một “ngôi sao” hay một người tiên phong của rock Việt.


Ngay từ khi ra đời, những nhạc phẩm do anh sáng tác lập tức tạo tiếng vang, trở thành cơn sốt âm nhạc trong giới trẻ Việt. Lời bài hát vừa hừng hực khí thế, vừa gợi nhiều suy tư trăn trở.

Theo lời chia sẻ của anh Trần Tuấn Hùng- Guitarist của ban nhạc Bức Tường: “Mỗi ngày, khi chúng ta mở mắt ra, sẽ có hàng chục bài hát mới xuất hiện. Bây giờ, mọi người, nhà nhà đều làm được nhạc và làm rất nhanh. Nhưng những sáng tác đến nhanh như thế thì đi cũng rất nhanh. Bởi lẽ, nó chỉ chiều tai người nghe về giai điệu, nhưng không đọng lại trong trí óc ta một thứ gì cả”.

tran-lap.png

Đối chiếu với chất nhạc và những sáng tác của Bức tường, mỗi ca khúc đề truyền tải những câu chuyện đầy ý nghĩa, có thể là về tình yêu, về niềm tin trong cuộc sống. Trần Lập cũng thành công khi đưa nhạc dân gian Việt Nam vào rock, tiêu biểu như Bài ca sông Hồng sử dụng âm thanh của đàn tính, mang âm hưởng đồng bằng Bắc Bộ, Ra khơi thổi làn gió mới vào dân ca Nam Bộ Lý kéo chài.

Bên cạnh đó, những sáng tác mang tính sử thi theo cốt truyện dân gian như Người đàn bà hóa đá (từ sự tích nàng Tô Thị), Hoa ban trắng (từ sự tích hoa ban Tây Bắc), Chuyện tình của Thủy Thần (truyện Sơn Tinh Thủy Tinh), Dấu vết nghiệt ngã (chuyện An Dương Vương xây thành Cổ Loa)... cũng đã ghi dấu giọng ca sinh năm 1974 vào làng rock Việt đương đại. Mà những gì mang tính lịch sử, văn hóa thì dù có 5 năm, 10 năm hay thậm chí là 20 năm sau cũng sẽ không bị mai một.

Một điểm dễ nhận thấy khác, trong tất cả những sáng tác của cố nghệ sĩ Trần Lập đều có một mạch nguồn cảm xúc xuyên suốt, trải dài từ lúc gặp khó khăn, trắc trở cũng như lúc đứng trên đỉnh vinh quang. Đó là sự lạc quan, niềm tin yêu về cuộc sống, khơi gợi ý chí và bản lĩnh sâu bên trong mỗi con người.

Đường đến ngày vinh quang là một minh chứng rõ nét cho mạch nguồn ấy. Trong chương trình Ký ức vui vẻ, anh Tuấn Hùng - Guitarist của ban nhạc Bức Tường đã từng chia sẻ: “20 năm trước khi các thành viên của ban nhạc mới tốt nghiệp Đại học Xây dựng, chúng tôi dường như rời khỏi bầu sữa, không có tiền, không có nhạc cụ tập luyện, ban nhạc đứng trước nguy cơ tan rã. Vào chính lúc ấy anh Trần Lập đã sáng tác bài hát Đường đến ngày vinh quang để khích lệ tinh thần của các thành viên trong ban nhạc.”

Chặng đường sáng tác của nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập còn tiếp tục nối dài với rất nhiều ca khúc đình đám khác và luôn hướng con người đến những giá trị Chân - Thiện - Mỹ.

Âm nhạc của Trần Lập sẽ còn lại mãi với thời gian, những giai điệu vừa sâu lắng, vừa máu lửa, vừa giàu tính nhân văn, tràn ngập niềm lạc quan yêu đời, hướng con người tới những giá trị tốt đẹp trong sáng tác của cố nghệ sĩ vẫn sẽ vang vọng mãi trong trái tim những người hâm mộ.

Trong buổi ra mắt cuốn sách “Bên kia bức tường” của mình, khi được hỏi về cảm hứng sáng tác, cố Nghệ sĩ Trần Lập đã thẳng thắn chia sẻ: “Điều tôi học được ở cha anh mình là tính kỷ luật, tính đồng đội, sự chia sẻ, và biết tìm cơ hội để vượt qua những khó khăn. Tất nhiên không phải khó khăn nào mình muốn cũng vượt qua được ngay, nhưng bằng mọi cách chúng ta sẽ tìm cách vượt qua. Bằng mọi cách chứ không phải bằng mọi giá. Tôi hy vọng rằng những thách thức khác nhau sẽ tạo nên những con người khác nhau, những phần cuộc sống khác nhau. Cuộc sống này mênh mông và có rất nhiều cách để lớn lên”.

Trần Lập lăn lộn với cuộc sống không hề đơn giản trong gần 30 năm để có thể sáng tác ra những ca khúc cũng rất “đời” như chính anh, với những bài học cuộc sống lồng trong đó không phải những lời dạy dỗ, những giáo điều khắt khe mà là những khát khao, đam mê cháy bỏng vẫn luôn âm ỉ trong lòng bất kỳ ai, về hy vọng, và về những điều tốt đẹp. Đối với Trần Lập, dù cho cuộc đời có đối xử tệ với chính anh, mang tới bất trắc và đầy rẫy thử thách, nhưng anh vẫn luôn dùng sự ân cần, dịu dàng để đáp trả lại cuộc đời.

Âm nhạc của Trần Lập đã ngân vang và đọng lại trong tâm trí của giới trẻ trong suốt một thời gian dài, không phải vì nó cô độc, bụi bặm, mà đơn giản vì nó đã nói lên được tiếng lòng của cả một thế hệ, về những điều lớn lao và cả những điều nhỏ bé. Và Trần Lập, người đi nhặt những mảnh ghép ấy, là một người “nghệ sĩ đa năng” theo đúng nghĩa đen. Anh vừa sáng tác, vừa đại diện cho khí chất của ban nhạc, vừa là giọng ca chính. Trên hết, anh là một người thủ lĩnh, người đã dẫn dắt Bức tường đập tan bức tường định kiến của rock Việt.

chuong-2.jpg
screen-shot-2022-12-28-at-23.18.00.png
616634_2299036172948_464060627_o_4.jpeg
1920x1080-1.png
1920x1080-4.png
1920x1080-2.png

Cuộc đời in bóng trong hành trình âm nhạc

Thời gian - thước đo khắt khe và công tâm nhất của mọi giá trị. Người ta thường nói thời gian có thể phủ bụi vạn vật, xóa nhòa đi cảm xúc, ký ức, xóa nhòa đi tất cả, nhưng dường như thời gian đã bỏ quên những tác phẩm âm nhạc mà cố nghệ sĩ Trần Lập để lại. Chẳng phải ngẫu nhiên mà những ca từ trong bài hát Đường đến ngày vinh quang của cố nghệ sĩ lại trở nên quen thuộc như vậy với những người yêu âm nhạc của Trần Lập.

“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng

Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”

Lời bài hát hay chính là cuộc đời của cố nghệ sĩ? Không ai có thể phân biệt được, vì dường như chặng đường sáng tác và cuộc đời của Trần Lập đã hòa làm một. Muốn bước đi hiên ngang trên những chặng đường “trải bước trên hoa hồng” thì bàn chân đều “thấm đau vì những mũi gai”. Không có khó khăn, gian nan, thử thách sẽ không chạm đến được thành công, không cảm nhận trọn vẹn hạnh phúc của người chiến thắng, đó dường như là bài học chiêm nghiệm mà cố nghệ sĩ đã đúc kết ra từ chính cuộc đời đầy thăng trầm, vất vả, gian lao của mình.

screen-shot-2022-12-28-at-23.05.27.png

Ít ai biết rằng cố nghệ sĩ và ban nhạc Bức Tường trước khi gặt hái được thành công vang dội, được nhiều bạn trẻ biết tới, thấu hiểu và yêu thích cũng từng rất gian truân đi tìm lý tưởng sáng tác và nhiều lần đấu tranh giữa ranh giới “tiếp tục” hay “dừng lại”.

Nhạc rock mà anh Trần Lập theo đuổi không dễ được khán giả chấp nhận vào những giai đoạn đó. Việc dẫn dắt dòng nhạc của mình để không toát ra vẻ “nổi loạn” như các định kiến lúc bấy giờ là một con đường dài và chông gai. Bên cạnh áp lực dư luận là nỗi lo "cơm áo gạo tiền", nỗi vất vả để duy trì ban nhạc vì chi phí đầu tư nhạc cụ rất đắt đỏ, khó tổ chức liveshow và ra album riêng, thu nhập bấp bênh. Như anh Trần Lập từng chia sẻ trong chương trình Talk Show Khách của VTV3: “Nhiều khi kiếm tiền quanh năm chỉ đủ mua một cây đàn”.

Có những lúc Bức Tường thăng rồi lại trầm, có những lúc Trần Lập phải tất tả ngược xuôi mượn tiền để duy trì tình yêu âm nhạc, có những lúc các thành viên trong ban xáo trộn và lục đục...

Mặc cho những khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần đó, Trần Lập vẫn tự tin, bình tĩnh, “vẫn bước đi hiên ngang đầu ngẩng cao” để tìm ra hướng đi cho riêng mình, vẫn luôn là thủ lĩnh tinh thần cho cả ban nhạc, là chất keo kết dính của “Bức tường” để thúc đẩy các thành viên còn lại bước qua những ngày đen tối nhất, từ khi là một cái tên hoàn toàn mới mẻ trong giới nhạc sinh viên, cho đến khi đã lên đến đỉnh cao. Tất cả những hỉ, nộ, ái, ố mà cuộc đời mang lại là chất liệu để anh trộn lẫn cảm xúc vào sáng tác.

screen-shot-2022-12-28-at-23.05.48.png

Nhìn vào chặng đường sáng tác của Trần Lập, chúng ta nhận ra thành công không phải là một đêm tiệc ăn mừng mà là cả hành trình để chiêm nghiệm, suy ngẫm. Ngay trong những ngày tháng gian khó nhất, thiếu thốn đủ thứ từ kinh phí duy trì ban nhạc, cho đến áp lực kết nối các thành viên, và nỗi lo “cơm áo gạo tiền” cho gia đình, Trần Lập bằng tất cả đam mê với sân khấu, tuổi trẻ phơi phới và khí thế hừng hực của một chàng trai trẻ muốn truyền tải tình yêu âm nhạc đến khán giả đã thai nghén ra những đứa con tinh thần bất hủ như: Đường đến ngày vinh quang, Bông hồng thủy tinh, Cây bàng, Trở về, Hoa ban trắng, Bình minh sinh viên 2000…

Những dấu mốc vàng son

Vì sức lay động lớn của các ca khúc do ca sĩ, nhạc sĩ Trần Lập sáng tác nên ban nhạc Bức Tường có số lượng fan hâm mộ cực khủng từ những 1990. Bức Tường trở thành biểu tượng đỉnh cao của rock Việt những năm 90 đến đầu thập niên 2000.

Ban nhạc là khách mời quen thuộc của rất nhiều chương trình do VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam cũng như Đài Truyền hình Hà Nội tổ chức. Nổi bật hơn cả là SV 96 - nơi làm nên tên tuổi của họ trên sóng truyền hình quốc gia - và cả chương trình tiếp nối SV 2000. Anh Tuấn Hùng - Guitarist của ban nhạc Bức Tường đã chia sẻ trong chương trình Cuộc hẹn cuối tuần được phát sóng trên VTV3: “Ngôi trường Đại học Xây dựng giống như cái nôi, còn chương trình SV96 giống như bản lề đưa Bức Tường bước ra ngoài thế giới”.

Những show diễn của Bức Tường luôn chật kín người, đỉnh cao là Liveshow Tâm hồn của đá - Liveshow đầu tiên của Bức Tường được báo chí bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của năm 2002. Đó cũng là “giấc mơ lớn” đầu tiên của nhóm được thực hiện.

thumb_660_415b6de7-a10c-48e2-8c0d-1043de1325a6.jpeg

Một người đàn ông mạnh mẽ đến đâu, được đo bằng chính những khó khăn anh ấy đã trải qua.

Trần Lập

thanh-tuu.png

Năm 2003, Trần Lập được chọn làm đại diện của âm nhạc Việt Nam đương đại tham dự Festival Khuôn mặt Việt Nam - Khuôn mặt Pháp ngữ được tổ chức tại thành phố Cahors ở miền Nam nước Pháp. Anh còn là nhân vật đặc biệt với bộ phim Ngày mai của bạn và tôi của Liên hợp quốc và nhiệt tình trong vai trò Đại sứ thiện chí của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC).

Vào ngày 25/4/2004, liveshow của Bức tường mở màn cho chuỗi chương trình Âm nhạc và những người bạn nổi tiếng trên VTV3. Tiếp đến là các đêm nhạc riêng như Những hòn đá lăn (2005), The Last Saturday (2006), Nhiệt (2011) và Dấu ấn (2013)... Tất cả đều là những cột mốc khó quên đối với anh, với Bức Tường và toàn thể công chúng yêu nhạc rock.

screen-shot-2022-12-28-at-23.34.03.png
Hình ảnh của ban nhạc Bức Tường trong năm đầu tiên thành lập.

Trần Lập đã được vinh danh bởi các tổ chức uy tín như đề cử giải thưởng cống hiến của năm, vinh danh là người Đàn ông của Thập kỷ và được Hội Nhạc sĩ Việt Nam truy tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển âm nhạc bởi những đóng góp, hy sinh to lớn của anh cho lĩnh vực đời sống, văn hóa, nghệ thuật.

Có thể nói thủ lĩnh Trần Lập giống như kim chỉ nam cho cả ban nhạc, còn đam mê của những người nghệ sĩ trẻ là cỗ xe chở hồn âm nhạc đến với khán giả khắp mọi miền đất nước. Có lẽ tới thời điểm này, Bức tường vẫn là ban nhạc rock có nhiều liveshow nhất tại Việt Nam (với 9 liveshow chính thức). Nhóm vẫn giữ kỷ lục là ban nhạc đầu tiên ở Việt Nam có tour trình diễn xuyên Việt. Bốn liveshow xuyên Việt mang tên “9+” diễn ra ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh vào tháng 11 và 12 năm 2004. Con số "9 +" là để chỉ 9 năm hoạt động của ban nhạc với hơn 90 buổi biểu diễn khắp các miền Nam Bắc của Tổ Quốc.

Thủ lĩnh Trần Lập và ban nhạc Bức Tường từ một ban nhạc sinh viên trường Đại học Xây dựng, sau hai thập kỷ cống hiến, đã để lại một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ gồm 5 album rock đỉnh cao, hàng trăm sản phẩm âm nhạc, chương trình truyền hình và các liveshow rock có sức hút và lan tỏa đến hàng triệu khán giả. Một dấu ấn khó phai mà không phải nhóm nhạc nào cũng có thể đạt được.

maxresdefault.jpeg
436860.jpeg
screen-shot-2022-12-28-at-23.40.24.png
1920x1080-1.png
1920x1080-2.png
ban-nhac-buc-tuong-ra-mat-san-pham-am-nhac-moi-nhung-ngay-thang-tuyet-voi-20190314_103712-1552917230-74-width640height576.jpeg

Tan rồi lại hợp

Sau những cột mốc thành công vang dội đã đạt được, tháng 12 năm 2006, Bức Tường tạm chia tay khán giả với liveshow mang tên “The last Saturday” thu hút 20.000 người hâm mộ tham gia (đông nhất trong số các liveshow của Bức Tường). Quyết định bất ngờ này của ban nhạc đã để lại trong lòng người hâm mộ nỗi niềm khắc khoải, chờ đợi khôn nguôi, chờ ngày ban nhạc sẽ tái hợp.

Dù tuyên bố tạm dừng cuộc chơi, song tình yêu dành cho âm nhạc của các thành viên Bức Tường vẫn còn âm ỉ. Tháng 7 năm 2010 ban nhạc chính thức tái hợp, quay trở lại với đam mê ánh đèn và sân khấu, tiếp tục hành trình truyền lửa âm nhạc. Khoảng thời gian từ năm 2006-2010 giống như một khoảng nghỉ, một nốt lặng giúp các thành viên “nuôi chí lớn, nung lửa hồng” để rồi tạo ra một màn hội ngộ thật ấn tượng và xúc động, thỏa lòng mong đợi của những người đam mê nhạc rock.

thu-linh-buc-tuong-xuc-dong-nhac-toi-loi-hua-voi-co-nghe-si-tran-lap-luc-sinh-thoi-2-1642703205-137-width660height990.jpeg

Khi Bức Tường tái hợp vào tháng 7 năm 2010, có nhà thơ đã viết: "Có nhiều mặc định về rock. Phần lớn, họ coi rock là tiếng nói phản biện xã hội và sự tự bùng nổ, tự bất an của tầng lớp thanh niên tiến bộ. Bức Tường của Việt Nam là một ngoại lệ. Một sự hiếm hoi trong suốt 20 năm đi tìm lại căn cước văn minh gốc trong tâm hồn thuần Việt. Chính vì thế, rock của Bức Tường là những ma sát của nhân văn, hoài niệm và đôi khi mang nặng thân phận cội nguồn với tiếng vọng từ tiền sử".

Để đánh dấu cho sự quay trở lại này, nhóm ra album thứ 4 mang tên Ngày khác sau 3 album trước đó là Tâm hồn của đá (2002), Vô hình (2003), Nam châm (2004). Đây là album không chỉ mang phong cách âm nhạc hoàn toàn mới mà hình ảnh của nhóm cũng có sự thay đổi mạnh mẽ. Không còn những chàng trai tóc dài vận đồ đen từ đầu tới chân với vòng đinh và xích, Bức Tường trong Ngày khác thân thiện và chín chắn hơn rất nhiều.

chuong-3.jpg

Đôi bàn tay thắp lửa

Trần Lập theo đuổi dòng nhạc rock từ rất sớm và dường như chất rock đã thấm đượm trong chính cuộc sống của anh, không chỉ rock trong nhạc mà còn là “rock trong cuộc đời”. Đang trên đỉnh cao vinh quang, anh nhận được tin dữ mình mắc bệnh ung thư trực tràng ngày 4/11/2015, khi mới trở về sau một chuyến đi vòng quanh Tây Bắc trong điều kiện thời tiết khá xấu với thể trạng sức khỏe khá tốt gần như không cần thời gian phục hồi. Sau ngày định mệnh ấy, anh đi vào cuộc chiến cuối đời như một chiến binh thực thụ như cách mà anh đã từng chiến đấu với khó khăn, gai góc của cuộc đời để theo đuổi niềm đam mê âm nhạc.

Đầu năm 2016, dù sức khỏe còn rất yếu do bạo bệnh, tuy nhiên Trần Lập và ban nhạc Bức Tường đã quyết định tổ chức liveshow cuối cùng trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật đầy nhiệt huyết của anh, liveshow mang tên Đôi bàn tay thắp lửa được tổ chức tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ, Hà Nội vào tối 16/1. Có thể nói, liveshow đặc biệt nhất, ấn tượng nhất, xúc động nhất, làm lay động trái tim của tất cả những người tham dự cũng như theo dõi từ xa trong sự nghiệp trình diễn của Bức Tường hơn 25 năm, chính là Đôi bàn tay thắp lửa.

Trong đêm diễn, giữa lúc chiến đấu với bạo bệnh anh Trần Lập vẫn xuất hiện trước khán giả bằng nụ cười lạc quan, trìu mến luôn nở trên môi, anh luôn luôn kiên cường, bền bỉ dù là những ngày đầu khó khăn đến với dòng nhạc rock hay những lúc sức khỏe không được ổn định nhất, anh chưa bao giờ thôi khát khao được cháy hết mình dưới ánh đèn sân khấu, vì anh biết rằng ngoài kia có biết bao con người đang mong đợi, đang ngóng trông mình.

Ở Trần Lập, sự kiên cường và lạc quan toát ra như chính hơi thở của anh, mọi sự cố gắng đều ẩn giấu bên trong để với bên ngoài, chỉ có nụ cười, sự khích lệ người thân, bạn bè, gia đình, vợ con. Chưa bao giờ làng nhạc đương đại Việt Nam có một đêm nhạc đẹp như Đôi bàn tay thắp lửa. Chủ nhân của đêm nhạc là người biết rằng sự sống của mình trên cuộc đời chỉ còn rất ngắn ngủi. Vì thế, nụ cười của anh, những lời anh nói, bài hát của anh có một sức tác động kỳ lạ đến hàng nghìn khán giả.

Một ngày “khác” của Trần Lập

Khoảnh khắc anh Trần Lập đội chiến mũ len màu đen bước ra giữa sân khấu trong liveshow Đôi bàn tay thắp lửa khác với hình ảnh hùng dũng, mạnh mẽ của anh trong các show diễn khác khiến toàn bộ khán giả đêm hôm đó như có chút gì nghẹn lại trong lòng, có lẽ sức khỏe của anh đang không tốt, có lẽ anh đang rất mệt. Nhưng không, anh Trần Lập trong liveshow ngày hôm đó đã cháy hết mình, rực rỡ như một ngọn lửa không bao giờ tắt khiến khán giả không ngừng reo hò cổ vũ và hòa nhịp cùng ca khúc Mắt đen, sau đó, anh chọn thể hiện ca khúc Tiếng gọi như một lời cảm ơn dành cho vợ. Đêm nhạc kết thúc với Tâm hồn của đáĐôi bàn tay do chính Trần Lập sáng tác dành riêng cho liveshow lần này. Các tiết mục biểu diễn của Trần Lập tuy ngắn ngủi nhưng đã truyền nguồn cảm hứng đến khán giả, sưởi ấm hàng nghìn con tim trong thời tiết giá lạnh của Hà Nội tại thời điểm chương trình diễn ra.

thiet-ke-chua-co-ten-6-2(1).png

Điều quan trọng hơn cả, Đôi bàn tay thắp lửa là một đêm nhạc đưa những trái tim, những bàn tay xích lại gần nhau hơn... Có rất nhiều khán giả đã khóc vì âm nhạc đưa họ trở về với với quãng thời gian cách đây mười mấy năm, thời đi học, đi tình nguyện, rong ruổi khắp nơi và cất vang tiếng hát với những Bông hồng thuỷ tinh, Tâm hồn của đá, Cây bàng... của ban nhạc Bức Tường.

Lắng nghe anh Trần Lập hát trong liveshow cuối cùng trong sự nghiệp âm nhạc, khán giả như cảm phục và cảm mến anh hơn - người nghệ sĩ bản lĩnh, mạnh mẽ và truyền lửa tới mọi người ngay cả trong những giây phút bạo bệnh. Trong liveshow Đôi bàn tay thắp lửa anh đã cháy hết mình trên sân khấu, và truyền ngọn lửa đam mê ấy cho những thế hệ trẻ sau này, luôn luôn sống có ý nghĩa hơn, sống có khát khao, đam mê cháy bỏng, rồi một ngày chúng ta sẽ “là người chiến thắng”.

ong-tay-chan-xe-phan-lan-giaoduc.net.vn.jpg

Cũng tại đây, anh Trần Lập tâm sự: "Cuộc đời con người giống như que diêm trước gió. Mỗi một người có một đôi bàn tay, nhưng đôi bàn tay ấy sẽ là không đủ. Nếu có nhiều đôi bàn tay kết lại, chúng ta không chỉ nhóm lên ngọn lửa cho chính mình mà còn có thể chia sẻ tấm lòng nhân ái". Chính vì vậy, số tiền thu được từ liveshow cuối cùng vừa qua anh chỉ giữ lại cho mình một ít còn lại muốn giúp đỡ cho 5 bệnh nhi ở Bệnh viện K Cơ sở 3 (Tân Triều, Hà Nội). Anh còn lập quỹ với ước mơ sẽ hỗ trợ cho công việc phát hiện độc tố trong môi trường hay công tác nghiên cứu thuốc chữa ung thư.

Vì những giá trị nhân văn cao cả mà liveshow mang lại, Đôi bàn tay thắp lửa được vinh danh “Chương trình của năm” tại giải Cống hiến 2017 - một giải thưởng âm nhạc uy tín, danh giá cho những đóng góp có ý nghĩa lớn lao và sức lan tỏa đối với công chúng.

Bằng tình yêu cháy bỏng và tài năng âm nhạc, Trần Lập đã trở thành biểu tượng của sự cống hiến, của nhân cách cao đẹp ở thời đại anh sống. Sự lãng mạn, tinh khiết và đầy nhân văn trong âm nhạc và lời ca do Trần Lập viết ra đã chạm đến trái tim nhiều thế hệ, truyền cảm hứng và dẫn lối tuổi trẻ đến với lý tưởng mà ở đó “cuộc đời hào phóng về sau” để họ “sống có ước mơ”, nơi mà “ngày vinh quang không còn xa”, để không ai sống vô cảm, để không ai còn sợ hãi, để những nỗi buồn được an ủi, tủi hờn được sẻ chia, một thế giới mà anh mong cùng họ hướng đến điều đẹp nhất.

Sau bốn tháng chiến đấu với bệnh ung thư trực tràng, thủ lĩnh ban Bức Tường qua đời vào trưa 17/03/2016, ngày mà fan hâm mộ mất đi một ca sĩ, nhạc sĩ sống hết mình với đam mê, Bức Tường mất đi người thủ lĩnh cao cả, kiên cường, âm nhạc Việt mất đi một tài năng. Sau sự ra đi của cố nghệ sĩ, trang Facebook và trang web chính thức của ban nhạc Bức Tường (buctuong.com) viết: “Anh thật sự đã ra đi, nhưng âm nhạc và những tư tưởng nhân ái của anh còn sống mãi với chúng ta. Ở một nơi nào đó, Trần Lập chắc sẽ cảm thấy được an ủi vì trong thời gian ở dương thế, anh đã sống hào hiệp và cống hiến hết sức mình cho cuộc đời này. Vĩnh biệt anh”

Tạm biệt anh, người ca sĩ, nhạc sĩ, người thủ lĩnh vĩ đại, một người tiên phong cho rock Việt, người truyền lửa âm thầm cho thế hệ trẻ hôm nay và mãi mãi mai sau. Tên tuổi của anh sẽ mãi mãi “khắc ghi trên đời”, âm nhạc của anh sẽ còn vang vọng mãi trong trái tim khán giả, trên những nẻo đường thân thương, và những góc phố thân quen của thủ đô. Trân trọng và cảm mến anh vô ngàn, cố nghệ sĩ Trần Lập!

chuong-4-.jpg

Tồn tại hay tan rã?

Với những thành công rực rỡ trong thời gian được Trần Lập dẫn dắt, Bức Tường như một vì sao sáng lấp lánh trong mắt công chúng. Thế nhưng, khi anh mất đi, ngôi sao ấy đã khuyết đi một phần. Liệu rằng khi ngôi sao chỉ còn 4 cánh, nó có thể tỏa sáng hay không? Trong bộ phim tài liệu Những Bức Tường do K+ sản xuất, nhà báo Lại Văn Sâm - người gắn bó với Bức Tường từ những ngày đầu thành lập chia sẻ rằng: “Tôi đã hơi nghi ngờ về khả năng tiếp tục của Bức Tường”. Suy nghĩ của nhà báo cũng là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều người khi ấy rằng Bức Tường có thể sẽ tan rã hay xây dựng một Bức Tường hoàn toàn mới.

tran-tuan-hung.png

Trước biến cố ấy, tương lai của ban nhạc Bức Tường đã bị ngăn trở bởi vô số bức tường trừu tượng khác đến từ sự hoài nghi hay cái bóng của những di sản âm nhạc cũ. Mỗi yếu tố đều tạo ra những tác động không tên và hợp lại thành một gánh nặng trên vai những người nghệ sĩ. Thế nhưng, thừa hưởng tinh thần chiến binh từ người cố thủ lĩnh, bốn thành viên còn lại của Bức Tường đã quyết định cùng nhau bước tiếp. Những khó khăn mà họ phải đối diện là điều không thể phủ nhận và không ai biết trước rằng con đường phía trước rồi sẽ đi tới đâu.

buc-tuong-sau-25-nam-van-khong-guc-nga-tiep-tuc-hoat-dong-ben-bi-21ee1f02.jpeg
Ban nhạc Bức Tường khi còn lại 4 thành viên.

Động lực quay trở lại

“Cứ đi rồi sẽ thành đường” - đó là chia sẻ của guitarist Trần Tuấn Hùng khi được hỏi về quyết định mà Bức Tường đưa ra khi ấy. Những khó khăn dù không nhỏ nhưng không phải là thứ để ta nhắc lại mãi và khắc sâu thêm những tổn thương. Là người trong cuộc, bốn thành viên còn lại của nhóm dường như lạc quan hơn so với cách nhìn nhận từ bên ngoài. Bởi lẽ, tồn tại song song với cái khó, cái khổ là rất nhiều động lực tích cực giúp họ vượt rào để trở lại với ánh đèn sân khấu và đồng hành cùng khán giả yêu nhạc.

Bức Tường lựa chọn đi tiếp đơn giản vì câu chuyện của ban nhạc vẫn chưa dừng lại. Tình yêu với âm nhạc, với rock vẫn như dòng máu chảy tuần hoàn trong cơ thể các thành viên. Rock đã là một phần của cuộc sống và họ muốn được tiếp tục hành trình của mình, muốn được nối dài con đường âm nhạc mà Trần Lập để lại. Dẫu Bức Tường của hiện tại chỉ có bốn cánh sao nhưng có lẽ người cố thủ lĩnh của họ đã hóa thành một vì sao sáng khác để soi đường chỉ lối cho các anh em của mình.

screen-shot-2022-12-29-at-00.17.20.png
Liveshow ngày 17/4/2021 mang tên "Trở về" đánh dấu mốc 26 năm ban nhạc Bức Tường hoạt động cũng như 5 năm ngày mất của thủ lĩnh Trần Lập.

Trưởng nhóm Trần Tuấn Hùng còn tiết lộ thêm rằng, trong mỗi show diễn của Bức Tường, các anh luôn mang theo lên sân khấu chiếc micro quen thuộc mà Trần Lập vẫn dùng khi xưa. Bằng cách đó, các thành viên ban nhạc cũng như toàn thể người hâm mộ Bức Tường đều có thể cảm thấy sự hiện diện và đồng hành của người nghệ sĩ tài hoa mà họ hằng nhung nhớ. Đáp lại tình cảm ấy, người cố thủ lĩnh đã không ít lần về gặp những người anh em của mình trong mơ để động viên, chia sẻ và gợi lại những kỷ niệm xưa cũ.

Một nguồn động lực lớn lao khác mà Bức Tường có được chính là khán giả và sự ủng hộ hết lòng mà họ dành cho ban nhạc. Khi Trần Lập ra đi, khi Bức Tường đứng trước những chênh vênh và tương lai vô định thì khán giả vẫn luôn ở đó. Điều gì đã tạo ra một tập thể người hâm mộ văn minh và giàu tình cảm tới vậy? Có lẽ, chính những giá trị mà Bức Tường lan tỏa trong suốt hơn 20 năm qua đã được chuyển hóa thành tình yêu trong lòng khán giả và tình yêu ấy giờ đây được dành tặng lại cho các thành viên ban nhạc.

thiet-ke-chua-co-ten-12.png

Lối rẽ mới cho một hành trình mới

Một nhóm nhạc cũng giống như một đoàn tàu và nó cần được dẫn dắt bởi một người thủ lĩnh. Sự ra đi của Trần Lập đã khiến Bức Tường bị khuyết đi vị trí quan trọng ấy. Trong hoàn cảnh khó khăn, tất cả anh em đều tin tưởng và đồng ý để guitarist Trần Tuấn Hùng tiếp nối vị trí này, trở thành người giữ cho ngọn lửa mà Trần Lập đã thắp lên luôn bùng cháy và định hướng lối đi mới cho tương lai của ban nhạc.

Trong ca khúc Lối rẽ thuộc album Con đường không tên có đoạn viết “Khi tới lối rẽ, ai cũng hay phân vân. Đi con đường mới với khó khăn khôn lường, hay lại cất bước theo những thói quen cùng nỗi sợ mơ hồ”. Dường như Bức Tường đã mang chính câu chuyện của mình vào trong bài hát để truyền tải đến công chúng những bài học mang giá trị nhân văn sâu sắc. Con đường Bức Tường đã đi khi có Trần Lập dẫn dắt lưu lại nhiều vinh quang và thành tựu nhưng khi anh ra đi, họ buộc phải tìm cho mình một lối rẽ mới.

ngay-dau.jpeg
Bức ảnh ghi lại những ngày đầu hoạt động của ban nhạc. Ảnh: FB Trần Tuấn Hùng.

Hành trình tìm ra lối rẽ mới không phải câu chuyện trong chốc lát. Họ phải thay đổi để phù hợp, để tồn tại thay vì mãi chơi nhạc như những cậu sinh viên hay theo đuổi phong cách của những thập kỷ trước. Hơn thế nữa, nghệ thuật là thế giới của sự sáng tạo và đổi mới. Sau hơn hai năm sống mãi với các ca khúc cũ do Trần Lập sáng tác qua hàng chục buổi biểu diễn, Bức Tường như được thức tỉnh về tính thiết yếu của sự thay đổi và họ đã từng lo sợ rằng khán giả sẽ rời đi nếu ban nhạc cứ mãi lặp đi lặp lại cái cũ.

Nhưng thay đổi như thế nào để Bức Tường vẫn là Bức Tường? Việc thiếu vắng giọng ca quen thuộc của Trần Lập đã khiến ban nhạc mất đi một dấu ấn, một sự nhận diện rõ ràng nhất đối với công chúng. Vậy nên, câu hỏi “Bức Tường sẽ chơi gì để khán giả nhận ra Bức Tường khi không còn tiếng hát của Trần Lập?” là một bài toán khó đối với bốn thành viên còn lại.

buc-tuong-ra-album-ky-niem-25-ngay-thanh-lap-tiet-lo-ca-si-thay-the-tran-lap-23-16064399008941503911724(1).jpeg
Tối 26/11/2020, tại Hà Nội, ban nhạc Bức Tường có buổi biểu diễn kỷ niệm chặng đường 25 năm, đồng thời mở ra một hành trình âm nhạc mới.


May mắn thay, bài toán ấy đã có câu trả lời nhờ vào những nỗ lực của các thành viên trong ban nhạc. Họ đã cho ra mắt album mới để nối dài hành trình âm nhạc bất tử của cố nghệ sĩ Trần Lập và đưa Bức Tường bước vào giai đoạn mới. Tháng 11 năm 2020, Album Con đường không tên đánh dấu sự trở lại của ban nhạc như một cột mốc kỷ niệm hành trình 25 năm gắn bó với rock. Với 10 ca khúc được sáng tác mới, Con đường không tên mang tới làn gió âm nhạc trẻ trung hơn, hiện đại hơn dựa trên tư tưởng cốt lõi của Bức Tường về tính triết lý trong đời sống xã hội.

Trưởng nhóm Trần Tuấn Hùng không giấu nổi sự hạnh phúc và tự hào khi nhắc tới Album số 6 trong hành trình âm nhạc của mình bởi lối rẽ mà các anh lựa chọn đã đi đúng hướng. Con đường không tên mang tới số lượng lớn khán giả mới được trẻ hóa, tạo ra sự khích lệ và những tín hiệu đáng mừng để Bức Tường vững tin hơn vào con đường dài phía trước.

Dường như Bức Tường của hiện tại so với Bức Tường khi mới thành lập tồn tại một điểm chung rất lớn - dám dũng cảm bước chân vào một con đường không tên bằng niềm đam mê của mình. Con đường không tên mà Bức Tường dấn thân vào năm 1995 chính là con đường đến ngày vinh quang vậy thì thành công ấy hoàn toàn có thể lặp lại với lối rẽ mà các anh đã chọn ở thời điểm này.

Viết tiếp tương lai của rock Việt

Giữa Trần Lập và bốn thành viên còn tồn tại một sự tiếp nối tuyệt vời trong tư tưởng và tư duy sáng tác. Dễ thấy, những bản nhạc mới của Bức Tường không chỉ để thỏa cái đam mê được chơi nhạc của nghệ sĩ hay khát vọng thưởng nhạc của công chúng mà còn là những áng văn chứa đựng triết lý nhân sinh sâu sắc. Trong cuộc đời mỗi người, ai rồi cũng phải bước chân vào một con đường không tên hay đứng trước sự chọn lựa của nhiều lối rẽ khiến người ta phân vân. Dẫu vậy, hãy cứ mạnh dạn bước đi vì “Ai dám đi trên con đường mới, thì cuộc đời sẽ luôn mỉm cười” – đó là lời động viên, lời nhắn nhủ tuyệt vời nhất mà Bức Tường dành cho công chúng.

Không dừng lại ở thành công với Album số 6, bốn cánh sao của Bức Tường đã tiếp tục dành nhiều thời gian lao động nghệ thuật mang đến sản phẩm âm nhạc mới dự kiến ra mắt vào đầu năm 2023. Bằng cách đó, một Bức tường vững chắc sẽ tiếp tục được xây lên bằng những viên gạch tốt để khán giả có thể dựa vào và che chở cho những cảm xúc của họ giữa bộn bề cuộc sống.

screen-shot-2022-12-29-at-00.38.54.png
Hình ảnh ban nhạc luyện tập chuẩn bị cho album mới (trên fanpage Bức Tường).

Hành trình âm nhạc của Trần Lập gắn liền với Bức Tường ngay từ khi anh còn là cậu sinh viên cho tới khi tạm xa trần thế. Bởi vậy, một tương lai tươi sáng của Bức Tường với những sáng tác mang giá trị nhân văn sâu sắc trên giai điệu mạnh mẽ của rock sẽ góp phần tạo nên sự bất tử trong sự nghiệp âm nhạc của cố nghệ sĩ. Nhiều người hâm mộ vẫn thường truyền tai nhau rằng “Khi Bức Tường còn là Trần Lập còn”. Anh sẽ sống mãi, bên những người anh em, bên gia đình và trong lòng khán giả.

Hành trình mà Trần Lập và Bức Tường đã đi không chỉ gặt hái những thành công cho riêng các anh mà còn là dấu ấn, là thành tựu mở đường cho sự phát triển của rock - thứ âm nhạc ngoại lai trong văn hóa Việt. Hiện tại, rock không còn là cơn sốt như những năm 2000 nhưng chúng ta đều kỳ vọng vào một sự chuyển mình và hồi sinh mãnh liệt, kỳ diệu của nó. Để có được tương lai rạng rỡ ấy, chắc rằng chúng ta phải dành niềm tin vào thế hệ trẻ - thế hệ tiếp nối mọi chặng đường của dân tộc, trong đó có nhạc rock.

Câu chuyện về tương lai của rock trong nền âm nhạc Việt Nam.

Thực hiện:

Nội dung: Trang Linh, Mai Chi, Đỗ Trang

Ảnh/Video: Hải Anh, Võ Trang, Ngọc Linh

Thiết kế: Thu Hoài

​Biên tập: Hào Nguyễn


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hành trình âm nhạc "bất tử" của Trần Lập