Văn hoá soi đường

Hình tượng rồng: Từ lịch sử nhà nước Văn Lang-Âu Lạc đến nghệ thuật hội họa

06/02/2024 15:03

Hình tượng rồng: Từ lịch sử nhà nước Văn Lang-Âu Lạc đến nghệ thuật hội họa

megarong.jpg

Ở Việt Nam, rồng là biểu tượng linh thiêng gắn với cội nguồn dân tộc thông qua truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên.” Rồng tuy không có thực nhưng lại vừa quyền uy, vừa gần gũi, gắn bó với người Việt.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng rồng Việt mang những đặc điểm tạo hình rất khác với các quốc gia châu Á khác. Mỗi thời kỳ lịch sử, rồng Việt lại biến hóa, mang những nét riêng thể hiện trí tưởng tượng phong phú và bàn tay tài hoa, khéo léo của người nghệ nhân đất Việt. Vì lẽ đó, ứng dụng hình tượng rồng cổ trong thiết kế mỹ thuật đương đại vẫn luôn là một thách thức, cảm hứng và ước mơ của đội ngũ sáng tạo nghệ thuật ngày nay.

1-2-.png

Theo nghiên cứu của ông Nguyễn Quốc Hữu, Phó Trưởng Phòng Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, hình tượng rồng đã xuất hiện từ buổi đầu hình thành nhà nước Văn Lang-Âu Lạc. Cư dân Việt cổ bắt đầu xây dựng huyền thoại về nguồn gốc dân tộc, tín ngưỡng sùng bái vật tổ. Họ đã chọn cá sấu, cách điệu thành giao long với chiếc đầu nhọn, thân thon dài, đuôi uốn cong, có hai hoặc bốn chân, đôi khi xuất hiện sừng hoặc bờm trên đầu. Trong bối cảnh giao lưu, tiếp biến với văn hóa phương Bắc, hình tượng rồng của người Việt đã chuyển đổi từ thân bò sát sang thân thú.

daivietcophong.jpg
Từ trái qua phải: Rồng Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng, Nguyễn. Nguồn: Nguyễn Hiệu

Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, rồi mượn hình tượng rồng bay để đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài cho dân tộc. Vì lẽ đó, rồng trở thành biểu tượng của vương quyền. Rồng thời Lý có đặc trưng nổi bật là trên đầu có mào lửa, thân mình trơn nhẵn, tròn trịa, thon nhỏ như thân rắn, uốn khúc mềm mại, nhẹ nhàng theo kiểu thắt miệng túi.

Sang thời Trần (thế kỷ 13-14), tinh thần thượng võ hình thành qua nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã tạo nên một khí thế, phong cách mới cho rồng nhà Trần. Nó trở nên khỏe khoắn, mập mạp hơn, số lượng khúc uốn cũng ít đi. Một số chi tiết mới bắt đầu xuất hiện và ngày càng trở nên phổ biến như cặp sừng hoặc vây lưng hình răng cưa.

Tới thời Lê Sơ (thế kỷ 15), rồng trở thành biểu tượng của bậc quân vương. Đặc biệt, rồng 5 móng là hình ảnh tượng trưng dành riêng cho nhà vua. Rồng thời này có sự tiếp thu từ rồng phương Bắc với mắt quỷ, mũi sư tử, thân rắn, vảy cá chép, chân cá sấu, móng chim ưng, vây lưng hình răng cưa sắc nhọn... Rồng trở nên uy nghi, oai vệ và dữ tợn hơn.

Thời Nguyễn, rồng có đuôi xoáy tròn hoặc xòe rẻ quạt. Trong nghệ thuật cung đình, rồng mang dáng vẻ uy nghi, biểu trưng cho sức mạnh vương quyền, đồ dùng của vua luôn có hình rồng 5 móng.

Trải qua quá trình phát triển mấy ngàn năm, hình tượng rồng trong nghệ thuật Việt Nam đã nhiều lần biến chuyển, mỗi giai đoạn lịch sử lại mang những đặc điểm, phong cách nghệ thuật khác nhau, nhưng vẫn chứa đựng những yếu tố kế thừa, bảo lưu truyền thống rõ nét.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Hữu

“Trải qua quá trình phát triển mấy ngàn năm, hình tượng rồng trong nghệ thuật Việt Nam đã nhiều lần biến chuyển, mỗi giai đoạn lịch sử lại mang những đặc điểm, phong cách nghệ thuật khác nhau, nhưng vẫn chứa đựng những yếu tố kế thừa, bảo lưu truyền thống rõ nét. Có những giai đoạn, hình tượng rồng Việt Nam cũng có sự giao lưu, tiếp biến từ văn hóa bên ngoài nhưng không sao chép mà chọn lọc những tinh hoa và cải biến cho phù hợp với thẩm mỹ dân tộc, từ đó hình thành những đặc trưng riêng mang đậm bản sắc Việt Nam,” ông Nguyễn Quốc Hữu nhận định.

Cùng chung nhận định, họa sỹ Lê Thiết Cương cho rằng rồng thời Lý có đầu nhỏ, mình thon mềm mại, uốn lượn nhiều vòng. Đến đầu thời Trần, rồng vẫn kế thừa phong cách rồng thời Lý nhưng đầu lớn hơn, râu tóc rõ hơn, có thêm sừng và tai. Lưng có vảy và thân mình uốn khúc trên thế chân đạp vững chãi.

Thời Lê Sơ là thời kỳ cực thịnh của Nho giáo tại Việt Nam, rồng chịu ảnh hưởng mạnh của rồng phương Bắc với đầu to, sừng có chạc, vây và lông gáy tua rua, vẩy to và chân xoè năm ngón, móng quặp lại dữ tợn, thể hiện uy quyền và sự nghiêm ngặt của nhà vua. Rồng thời Nguyễn có đầu to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau, mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh.

ronglethietcuong.jpg
Tác phẩm của họa sỹ Lê Thiết Cương lấy cảm hứng từ năm mới Giáp Thìn.

Từ nghiên cứu của mình, họa sỹ Lê Thiết Cương cho hay rồng có mặt ở trên tất cả các chất liệu, đá, đất nung, gỗ, gốm, đồng, sơn mài. Rồng có ở nhiều dạng bố cục, chữ nhật, tròn, lá đề, bán nguyệt. Rồng được trang trí trên đỉnh đồng, chuông, chân đèn gốm, ngai thờ, cuốn thư, ấn triện...

Phương pháp tạo hình rồng kết hợp với những đề tài khác làm hình tượng rồng càng trở nên phong phú, chẳng hạn như “rồng hóa mây” trên lan can đá ở cổng vào Văn Miếu, “tiên nữ cưỡi rồng” ở Chùa Keo thời Lê Trung Hưng; rồng chầu chữ Phật ở Chùa Kim Liên, Tây Hồ thời Lê Sơ; ‘lưỡng long chầu nhật’ rất phổ biến trên nóc đình, chùa, đền, miếu...

2-2-.png

Với ý nghĩa và cách thể hiện phong phú như vậy, hình tượng rồng vẫn luôn là cảm hứng sáng tạo của nhiều họa sỹ đương đại. Song, thể hiện hình rồng như thế nào trong tác phẩm để thể hiện thông điệp, tư tưởng nghệ thuật và dấu ấn cá nhân vẫn luôn là bài toán khó đối với các họa sỹ.

minhpho3.jpg
Tác phẩm của họa sỹ Minh Phố sử dụng hình tượng đầu rồng thời Lý.

Họa sỹ Nguyễn Minh (Minh Phố) cho rằng 12 con giáp nói chung và rồng nói riêng luôn là đề tài thú vị đối với các nghệ sỹ. Cá nhân anh luôn yêu thích hình tượng rồng qua các thời kỳ lịch sử được tái hiện trong các tác phẩm nghệ thuật đương đại, từ hội hoạ, điêu khắc cho đến thời trang, thiết kế... Khi đó, hình tượng rồng được biểu đạt bằng các ngôn ngữ đương đại của từng loại hình nghệ thuật là một sự kết hợp có tính tiếp nối các giá trị di sản truyền thống và hiện đại.

Theo họa sỹ Nguyễn Minh, việc ứng dụng hoa văn, họa tiết rồng của các thời kỳ lịch sử vào tác phẩm hội hoạ đương đại đòi hỏi người nghệ sỹ phải nghiên cứu kỹ lưỡng từ ý tưởng, đến hình thức biểu đạt để vừa tôn vinh được giá trị thẩm mỹ cũng như giá trị văn hoá của rồng ở các thời kỳ, mà vẫn mang lại tính đương đại cho tác phẩm. Cá nhân anh thấy điều này khó nhưng vô cùng thú vị.

Ngoài việc xây dựng ý tưởng cho tác phẩm thì họa sỹ cũng cần nghiên cứu bố cục tạo hình. Với một họa sỹ hay vẽ phố và thường đặt ra vấn đề về sự giao thoa giữa di sản truyền thống và đô thị hiện đại, Nguyễn Minh tự đặt ra các câu hỏi: Cái gì sẽ là chủ thể chính trong tranh của mình, phố hay rồng? Rồng sẽ đóng vai trò và ở vị trí nào?

Sau cùng, Nguyễn Minh chọn sự cân bằng, để cả hai biểu tượng song hành, bổ sung cho nhau trong tác phẩm.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) cũng cùng quan điểm với họa sỹ Nguyễn Minh rằng rồng là một đề tài “nặng” đối với các họa sỹ.

Theo đó, để ứng dụng biểu tượng rồng trong tác phẩm đương đại, các họa sỹ cần nghiên cứu cẩn thận các hình thức biểu đạt của rồng ở từng thời kỳ.

Đón Xuân Giáp Thìn, nghệ nhân “trình làng” bộ sưu tập 1.000 tác phẩm với chủ đề "Con Rồng cháu Tiên" được làm từ nhiều chất liệu như gỗ, sơn mài, gốm, kim loại kết hợp với nghệ thuật sơn mài. Trong đó, độc đáo nhất phải kể đến bộ hộp sơn mài có hình ảnh rồng qua các triều đại phong kiến và chiếc ghế rồng dát 2.500 lá vàng, tương đương 500g vàng 24K.

“Tôi đã mất hai năm lên ý tưởng, nghiên cứu tài liệu để đi đến quyết định lồng ghép hình tượng rồng thời Lý, kết hợp với bộ chân 5 móng vững chãi và mạnh mẽ, đuôi rồng như lá bồ đề bởi thời Lý, Phật giáo rất phát triển,” nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho hay.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus ở góc độ chuyên môn, Tiến sỹ Trần Hậu Yên Thế cho rằng việc ứng dụng hình tượng rồng trong mỹ thuật hiện đại không chỉ đòi hỏi sự nghiên cứu lịch sử cẩn trọng mà còn phải áp dụng kiến thức liên ngành gồm mỹ thuật tạo hình, thiết kế đồ họa, di sản học, khoa học công nghệ…

Phân tích kỹ hơn, tiến sỹ Trần Hậu Yên Thế cho hay có một thương hiệu bia Việt Nam sử dụng hình rồng trong nhận diện thương hiệu nhưng con rồng chỉ có 3 chân.

Muốn thể hiện rồng thời kỳ nào thì người làm nghệ thuật phải nắm vững đặc điểm của rồng thời kỳ đó, phải tôn trọng toàn vẹn những đặc trưng của rồng trong truyền thống.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế

Theo ông Thế, mỹ thuật xưa có “khuôn vàng thước ngọc” mà bất cứ nghệ nhân nào cũng tôn trọng. Dù ẩn hiện trong mây hay bay lượn trên sóng nước, rồng bao giờ cũng đủ 4 chân và rồng trên đồ dùng của nhà vua luôn có đủ 5 móng.

“Theo tôi, muốn thể hiện rồng thời kỳ nào thì người làm nghệ thuật phải nắm vững đặc điểm của rồng thời kỳ đó, phải tôn trọng toàn vẹn những đặc trưng của rồng trong truyền thống. Bên cạnh đó, nghệ sỹ phải đưa sáng tạo cá nhân vào trong tác phẩm, bởi chỉ có tri thức và sáng tạo mới khiến cho tác phẩm trở nên độc đáo, không thể bị nhầm lẫn với một sản phẩm do AI tạo ra,” ông Trần Hậu Yên Thế khẳng định./.

tac-gia.png

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hình tượng rồng: Từ lịch sử nhà nước Văn Lang-Âu Lạc đến nghệ thuật hội họa