Sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngưng trệ, các hoạt động dịch vụ, du lịch và hàng không cũng gần như tê liệt. Hai năm đại dịch COVID-19 (2020-2021) đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vào tháng 4/2021 đã tác động toàn diện tới đời sống kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Lời tòa soạn
Sản xuất, kinh doanh ngưng trệ, các hoạt động dịch vụ, du lịch và hàng không cũng gần như tê liệt. Hai năm đại dịch COVID-19 (2020-2021) đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vào tháng 4/2021 đã tác động toàn diện tới đời sống kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Chính vì vậy, việc mở cửa toàn diện (từ ngày 15/3/2022) sau khi Việt Nam cơ bản kiểm soát được đại dịch nhờ độ “phủ sóng” vaccine, đã có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, giúp khơi thông toàn bộ nền kinh tế sau một thời gian dài "dồn nén" bởi COVID-19.
Nhìn lại kết quả 1 năm thực hiện mở cửa toàn diện cho thấy, dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức song theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã đạt được những kết quả tăng trưởng kinh tế-xã hội quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Theo đó, trong năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD với mức tăng trưởng là 8,02%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, đưa Việt Nam vào trong nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Cả nước có hơn 208.300 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng hơn 30% so với cùng kỳ.
Cùng với kinh tế, việc mở cửa hoàn toàn là dấu mốc quan trọng của du lịch Việt Nam, nỗ lực trở lại sau thời gian dài "ngủ đông" do dịch COVID-19.
Đến tháng 3/2023, một năm sau dấu mốc này, du lịch Việt Nam đã gặt hái được thành công nhất định, nhất là "bùng nổ" du lịch nội địa. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 495.000 tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022).
Trong khi ngành hàng không cũng từng bước hồi phục, đơn cử dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các sân bay nội địa đón hơn 1,9 triệu lượt hành khách, tăng 58% so với cùng kỳ Tết năm trước. Số chuyến bay cất/hạ cánh tại các sân bay Việt Nam khoảng 13.000 chuyến, tăng 39% so với năm ngoái.
Tuy vậy, để đạt được mức tăng trưởng cao và vững chắc hơn trong giai đoạn tới, vẫn cần các giải pháp đột phá, nhất là vấn đề hạ tầng, xúc tiến và quảng bá, huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển du lịch, hay chính sách visa để thu hút khách quốc tế cũng như vấn để củng cố nội lực để tự chủ nguyên vật liệu sản xuất… từ đó thúc đẩy phát triển bền vững, tăng sức chống chịu của các doanh nghiệp trước những yếu tố bất định và rủi ro từ bên ngoài.
Chùm bài: Hóa giải “hiệu ứng domino” sau một năm mở cửa toàn diện hậu COVID-19
Bài 1: Vượt 'bóng đen' COVID-19: Thương mại bứt phá sau 1 năm bình thường mới
Bài 2: Một năm ‘mở cửa bầu trời’: Vì sao chưa đạt được phục hồi như kỳ vọng?
Bài 3: Du lịch Việt Nam: Chặng đường sau 1 năm phục hồi từ con 'số âm'