Nhận được nhiều lời mời làm việc tại các công ty lớn sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng chàng kỹ sư công nghệ Nguyễn Như Thành vẫn quyết định đầu quân cho Viettel.
Là một trong những người được xướng tên đề cử Top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022, kỹ sư công nghệ Nguyễn Như Thành, vốn là “lính Viettel,” đã gặt hái nhiều thành tích nổi bật như: Bằng khen Bộ Quốc phòng năm 2021; Chiến sĩ Thi đua toàn quân năm 2022; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ; hoàn thành nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại cho các đài ra đa…
Trong số đó, chàng trai sinh năm 1989, quê ở Thái Bình, không ngần ngại cho biết niềm tự hào lớn nhất với anh là Chủ nhiệm đề tài ra đa VRS-MCX (đài ra đa cơ động tầm trung băng X, đa nhiệm, có khả năng cảnh giới và chỉ thị mục tiêu). Sản phẩm dự kiến đem lại doanh thu gần 2.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025, với số lượng là 15 đài.
Nhớ lại thời điểm khi mới tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội vào năm 2012, mặc dù nhận được nhiều lời mời làm việc tại các công ty lớn nhưng chàng sinh viên Nguyễn Như Thành vẫn quyết định “đầu quân” cho Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) mà không hề do dự, anh cười cho hay mình là người luôn chọn những nơi khó để thách thức giới hạn bản thân…
Nhân dịp Tháng Thanh niên, VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với kỹ sư công nghệ đầy tài năng này, hiện đang là Trưởng phòng Xử lý cấp 2, Trung tâm Ra đa, Khối 1, Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel - VHT (Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội).
Người thích chinh phục khó khăn
- Vì sao anh lại chọn Viettel để "đầu quân"?
Nguyễn Như Thành: Ngày mới ra trường cũng có nhiều lựa chọn nhưng lý do tôi quyết định vào Viettel hơi "ngược đời." Viettel là nơi mà việc tuyển dụng cũng như làm việc rất khó. Tuy nhiên, tôi thích chọn những nơi có nhiều thách thức và có thể phát triển được bản thân mình.
Trong quá trình phỏng vấn và trao đổi với những người đi trước, đặc biệt là ban lãnh đạo, tôi nhận thấy Viettel sẽ còn phát triển và mình còn rất nhiều cơ hội để học hỏi. Chính vì vậy, tôi đã quyết định sẽ gắn bó với Viettel. Thậm chí lúc ấy tôi vẫn chưa thực sự vào Viettel vì còn 1-2 vòng tuyển dụng nữa (cười). Đến thời điểm hiện tại tôi chắc chắn không hối hận vì quyết định ngày đó của mình.
- Dường như anh là một con người thích chinh phục những khó khăn?
Nguyễn Như Thành: Nói khó khăn thì không đúng, có thể gọi tôi là người thích “chinh phục,” thích làm những việc mà người khác không dám làm. Vượt qua được những thách thức mình sẽ biết giá trị và năng lực của mình đến đâu. Giống như muốn đo một vật thì cần dùng thước dài hơn. Tôi phải tự thử thách để xem giới hạn bản thân mình đến đâu.
- Từ lúc nhận nhiệm vụ chủ nhiệm đề tài đến lúc nghiên cứu thành công ra đa VRS-MCX, anh có gặp áp lực gì không?
Nguyễn Như Thành: Áp lực khi chúng tôi nghiên cứu sản phẩm đó vừa phải đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật, vừa phải đảm bảo tiến độ. Thông thường thì một sản phẩm từ lúc bắt đầu đến khi hoàn thành mất ít nhất 18-24 tháng. Sau đấy, để sản phẩm tối ưu các tính năng, thông thường mất thêm 1 năm đi nghiệm thu.
Tuy nhiên, sản phẩm của chúng tôi chỉ mất khoảng 18 tháng so với 3 năm thông thường.
Điều quan trọng nữa là giai đoạn chúng tôi làm đúng thời gian cao điểm COVID-19 (2021-2022), ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng vật tư linh kiện. Vì vậy, chúng tôi phải sử dụng các giải pháp kỹ thuật để bù đắp cho những thiếu thốn đó.
Đương nhiên làm việc ở Viettel bao giờ cũng có áp lực riêng, nhưng tôi thường xử lý áp lực một cách chủ động bằng việc nhận những nhiệm vụ có tính dài hạn.
Để làm điều đó phải có những bước vững chắc ngay từ nền móng, ví dụ như tập trung vào giai đoạn thiết kế, thiết kế tốt rồi thì giai đoạn sau đó sẽ nhàn hơn.
Thứ hai là việc phát triển con người. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ này, chúng tôi tập trung vào phát triển đội ngũ, tuyển người, đào tạo nhân sự. Sau đấy đến giai đoạn quan trọng như chế tạo hay tích hợp, thử nghiệm sản phẩm thì đã có những con người đủ tốt rồi.
- Điều đáng tự hào nhất khi anh cùng các đồng nghiệp nghiên cứu ra sản phẩm ra đa này là gì?
Nguyễn Như Thành: Những sản phẩm chúng tôi nghiên cứu ra trước đây tập trung vào lĩnh vực quốc phòng. Trong thời gian tới, theo định hướng của Viettel, ngành ra đa sẽ phát triển theo 2 hướng, một là liên quan đến những sản phẩm mang tính dân sự.
Thứ hai là có thể “nâng cấp” sản phẩm này lên những “phiên bản” mới như ra đa thông minh, đa chức năng có thể là công nghệ cao hơn. Sắp tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc nghiên cứu, phát triển để có thể tiến tới xuất khẩu sản phẩm ra nước nước ngoài.
- Với lĩnh vực ra đa, anh đánh giá khả năng của công nghệ Việt Nam hay Viettel so với các nước như thế nào?
Nguyễn Như Thành: Tôi cho rằng ngành ra đa của Viettel đã và đang sáng tạo ra những sản phẩm ngang tầm thế giới.
Tuy nhiên, Viettel cũng đang phải đối mặt với một số thách thức. Thách thức lớn nhất là chúng ta chưa có nhiều sản phẩm tương tự đã có mặt ở nước ngoài nên cần phải tạo được niềm tin của khách hàng.
Thế nhưng, lợi thế lớn nhất của chúng tôi là ban đầu đã rất gần với khách hàng, thỏa mãn được nhu cầu của khách hàng và có thể đem lại được những giá trị mà những công ty lớn khác không có được.
Tôi có một niềm tin là trong vài năm tới chắc chắn những sản phẩm của Viettel sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài.
- Việc nghiên cứu mất nhiều thời gian như vậy có ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình anh hay không?
Nguyễn Như Thành: Khi tôi tập trung nghiên cứu một đề tài tốn rất nhiều công sức như vậy thường sẽ gặp áp lực về thời gian dành cho gia đình. Tuy nhiên, thời gian của tôi dành cho gia đình ít nhưng lại trọn vẹn. Có những hôm được nghỉ hay được về nhà tôi sẽ tập trung cho gia đình nhiều hơn, ví dụ như là dạy học cho con, đưa cả nhà đi chơi... Gia đình tôi luôn là điểm tựa và mang lại nhiều yếu tố tích cực để tôi có động lực tiếp tục cống hiến cho công việc.
- Theo anh, đâu là yếu tố quyết định để sản phẩm của anh hay Viettel ngang tầm thế giới và chinh phục được thế giới?
Nguyễn Như Thành: Yếu tố quyết định thành công của sản phẩm mà chúng tôi phát triển, đó là kết hợp được giữa nghiên cứu khoa học với thực tiễn.
Nghiên cứu khoa học có cao siêu đến bao nhiêu mà nó không đem lại giá trị cho người sử dụng thì nó không có ý nghĩa. Cho nên bản thân Viettel hay đội ngũ của tôi cũng như các đồng đội ở các bộ phận khác đều đã và đang hướng tới điều đó.
Chúng tôi luôn tâm niệm rằng một sản phẩm mà mình làm ra quan trọng là phải đem lại được giá trị cho chính sản phẩm đó, đem lại giá trị cho khách hàng. Khi hai yếu tố để gặp nhau, chắc chắn sản phẩm của chúng tôi sẽ thành công.
Lời khuyên cho những bạn trẻ đam mê công nghệ
- Trong môi trường áp lực như Viettel thì mọi người phải động viên nhau như thế nào để hoàn thành công việc?
Nguyễn Như Thành: Khích lệ nhau là một trong những yếu tố rất quan trọng vì thời gian chúng tôi làm việc với nhau nhiều hơn thời gian cho gia đình, người thân. Chính vì vậy sự gắn kết, giúp đỡ, động viên nhau trong công việc là yếu tố then chốt để chúng tôi có thể vượt qua những thách thức, khó khăn và có thể sáng tạo ra được những ý tưởng mới.
- Các cộng sự, đồng nghiệp của anh đa phần đều rất trẻ, dưới 30 tuổi. Theo anh điều gì là ưu điểm nhất khi cộng tác với họ?
Nguyễn Như Thành: Ưu điểm của các bạn trẻ là năng lượng và sự sáng tạo, không theo lối mòn. Các bạn trẻ có thể làm việc xuyên ngày đêm và ít có ràng buộc về gia đình.
Tuy nhiên, đối với với các bạn trẻ bây giờ chúng tôi không chỉ thuyết phục bằng lời nói. Nhiều khi tôi phải cho các bạn trẻ trải nghiệm để họ thực sự cảm nhận được, có như vậy thì lời nói của mình mới có “sức nặng” và khiến họ “tâm phục, khẩu phục.”
- Anh có lời khuyên nào với những bạn trẻ đam mê làm về công nghệ không?
Nguyễn Như Thành: Lĩnh vực công nghệ thì rất rộng và mỗi mảng khác nhau thì sẽ những có cách làm khác nhau. Nhưng trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ cao, các bạn trẻ trong những năm mới ra trường thì việc phát triển về chất, lượng của mình nên đặt hàng đầu.
Các bạn nên tăng giá trị của bản thân hơn là đem bản thân mình "đi bán" được bao nhiêu tiền. Điều đó có nghĩa là chúng ta nên lựa chọn những nơi mà tăng được giá trị của bản thân lên hơn là chọn nơi người ta "mua" được mình với giá cao hơn. Đây cũng là điều rất khó để tôi có thể thuyết phục được các bạn trẻ “theo” mình. Tôi chỉ có khẳng định rằng về Viettel, các bạn được làm sản phẩm thật, những ý tưởng, kết quả được ứng dụng lên sản phẩm thật.
- Anh có bao giờ nghĩ mình sẽ nhận được những giải thưởng đáng tự hào như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ hay Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu không?
Nguyễn Như Thành: Khi nhận được những giải thưởng như vậy, tôi hay những anh em khác đều cảm thấy rất vinh dự, không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn vinh dự cho Viettel hay VHT. Đội ngũ nghiên cứu và cá nhân tôi cảm thấy để đạt được giải thưởng như vậy là rất khó, bởi mỗi giải thưởng có những khía cạnh và hệ quy chiếu khác nhau.
Chẳng hạn như theo hệ quy chiếu của một giải thưởng thì có rất nhiều các sản phẩm mà người ta mạnh hơn mình về những yếu tố khác liên quan đến hàm lượng khoa học hay về quy mô cấp nhà nước.
Trong khi đó, nếu xét về mặt kết quả thực tiễn và ứng dụng thì tôi tự tin là một trong những sản phẩm của chúng tôi chắc chắn thuộc TOP đầu. Tuy nhiên, ngay từ khi bắt tay vào nghiên cứu, chúng tôi luôn quyết tâm để hoàn thành sản phẩm chứ không bao giờ đặt nặng việc sẽ đạt được một giải thưởng nào đó.
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!