Trong những ngày đầu Xuân năm mới, bên cạnh đi chúc Tết họ hàng, làng xóm, nhiều người dân đất Việt thường tìm về các đền, chùa để cầu phúc, cầu may cho gia đình.
Trong những ngày đầu Xuân năm mới, bên cạnh đi chúc Tết họ hàng, làng xóm, nhiều người dân đất Việt thường tìm về các đền, chùa để cầu phúc, cầu may cho gia đình với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ tới trong năm mới.
Các ngôi chùa trong dịp Tết cổ truyền cũng được trang trí đẹp hơn, rực sáng ánh đèn, nến. Người Việt tin rằng, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh.
Cửa chùa đất Phật vốn là chốn bình yên, thanh tịnh, bởi thế nên người Việt luôn tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để ước nguyện mà đó còn là thời gian để con người tìm về với chốn tâm linh bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh mỗi ngày.
Thượng tọa Thích Tịnh Giác - Trụ trì Chùa Phúc Sơn (tọa lạc ở thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) cho hay đất nước Việt Nam dài hình chữ S từ Bắc bộ xuống đến Trung bộ, Nam bộ. Chính vì vậy văn hoá tín ngưỡng tôn giáo có sự di chuyển theo vùng miền. Mỗi nơi đều có sự khác biệt nhất định, nhưng điều đầu tiên khi mọi người đến với nhà chùa, đến với cửa Phật là tâm thành.
Người Việt có truyền thống giữ gìn thận trọng trong mọi hành động vào những ngày đầu năm để không bị xui xẻo cả năm. Bởi vậy, chùa là nơi họ thường lui tới để cầu mong một năm mới sức khỏe dồi dào, gia đạo an khang, hanh thông thuận lợi. Tới chùa, họ thường chọn những trang phục đẹp nhất, chỉn chu nhất để khấn nguyện.
Thượng tọa Thích Tịnh Giác nói về đi lễ chùa đầu năm:
Theo Thượng tọa Thích Tịnh Giác, khi đi lễ chùa, giữa các vùng miền cũng có sự khác nhau. Người dân khu vực Bắc bộ thường hay đi tới chùa mang theo lễ với ý niệm cảm ơn và tạ lễ. Cho chính vì vậy, người dân đi lễ lúc nào cũng mang theo hương, trái cây, hoa dâng lên cúng dường Phật. Với người dân khu vực Trung bộ và Nam bộ thì đơn giản hơn, đa phần thường họ không mang theo lễ phẩm khi đến chùa, cho nên mọi việc do nhà chùa sắp đặt lễ phẩm sẵn, đã trang trí đầy đủ trên các ban thờ. Sau đó, người dân đến đặt lễ cúng dường…
Năm mới, người dân đến chùa với tâm hoan hỉ buông xả, bước vào cửa chùa thì bao nhiêu phiền muộn của thế gian phải buông bỏ hết, cảm thấy tâm tư mình nhẹ nhõm, nhẹ nhàng khi cúng dường cho Tam bảo, để “Đốt nén tâm hương trước Phật đài. Ngũ phần dâng trọn đấng Như Lai.”
Thượng tọa Thích Tịnh Giác cho rằng mỗi phật tử khi cúng dường bằng ngũ giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu) là trân quý nhất. Nhờ giữ giới, nên cái tâm của phật tử mới định và an. Và khi mỗi người khi đem cái tâm định và an lạc bước vào cửa chùa để thành kính dâng đến chư Phật, nhờ cái định đó nên có trí tuệ cúng dường chư Phật mới là điều cao quý, còn hoa quả, vật phẩm chỉ là biểu tượng. Khi đến chùa, con người hiểu được ý nghĩa của cuộc đời vô thường, vô ngã, phải biết buông xả, không có cố chấp, biết hoan hỉ bao dung tha thứ, đó là tấm lòng từ bi yêu thương.
Cho dù ngày đầu Xuân hay ngày bình thường, ngày lễ Phật đản Vu Lan thì mỗi người bước vào chùa cũng phải có cái tâm như vậy. Triết lý của đạo Phật là mọi người cần biết cuộc đời này vô thường, vô ngã, bởi vậy không có gì là tồn tại mãi mãi. Hiểu được như vậy, con người sẽ sống không cố chấp mà biết bao dung, biết tha thứ, cộng với cái mâm quả khi đến cúng chùa là một cách hoàn hảo nhất.
Về nơi cửa Phật, hòa vào dòng người đi lễ đầu năm, giữa không gian thanh tịnh, bất kì ai cũng cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào Xuân, sự thành tâm trong lòng mỗi người. Cửa chùa rộng mở với tiếng chuông ngân vang cùng mùi thơm của khói hương, hoa lễ luôn làm cho tâm hồn con người thanh bình đến lạ.
Chị Phan Hương, ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết đầu năm mới, sau khi hoàn tất nghi lễ cúng gia tiên, ngày mùng 1 gia đình chị thường xuyên tới chùa để lễ. Đây là dịp để chị cũng như người thân của mình mong tìm được sự thanh tịnh và hướng những việc cần phải làm cho năm mới.
Chị Hương quan niệm đi lễ chùa ngay sau thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới sẽ giúp gia đình có được sự an lạc, cả năm may mắn. Chị muốn các con, các cháu biết được điều này, để mọi người cùng biết trân trọng nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Bà Lê Thị Lý, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội cho hay những ngày đầu năm mới cả gia đình bà sẽ cùng nhau đi lễ chùa. Việc làm này khiến mọi người cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, an lạc và bình an, thư thái sau một năm làm việc vất vả với nhiều bộn bề, lo toan trong cuộc sống. Trước là để vãng cảnh, sau là cầu mong cho bản thân, gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thuận hòa, mọi sự được hanh thông.
Khi đó, mọi thành viên trong gia đình của bà Lý sẽ hòa mình vào không gian linh thiêng nơi cửa phật, tìm được chút thư thái cho tâm hồn sau một năm làm việc bận rộn đồng thời thêm hiểu biết về nét văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó thấy được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ nét đẹp ấy.
Theo Thượng tọa Thích Tịnh Giác, những gia đình dắt theo con trẻ đi chùa là một định hướng rất tốt. Bởi ngay khi tấm bé, trẻ được cha mẹ, ông bà dắt đi chùa để sẽ nắm bắt được dần dần ý niệm, tinh thần bao dung và hoan hỷ an lạc, để con trẻ thấm nhuần tinh thần của nhà Phật, xây dựng và định hướng cuộc sống tốt đẹp. Khi lớn lên, trẻ không bị lôi kéo vào các hành động, việc làm xấu như cờ bạc, rượu chè, ma túy, mà hướng tới cách sống thiện, biết yêu thương bề dưới, kính trọng bề trên…
Đối với mỗi người dân Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành bao đời, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn. Về nơi cửa Phật, đắm mình giữa không gian thanh tịnh, hương trầm lan tỏa hòa cùng sắc màu của đèn hoa, mới thấy lòng mình lắng lại, thanh thản và nhẹ nhàng hơn.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, văn minh nhưng nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm vẫn luôn được người dân lưu giữ, bởi cảm giác bình an nơi cửa Phật vẫn là một điều gì đó rất thiêng liêng, khó lòng thay thế. Ngôi chùa trong quá khứ hay hiện tại đều là những thực thể sống động mà ở đó, mỗi người có thể tự tìm và hiểu thêm về những ẩn sâu chất chứa trong bản sắc văn hóa Việt Nam./.