Chàng trai Nguyễn Minh Đời ngày đêm miệt mài nghiên cứu cách may mặc áo ngũ thân và lan toả giá trị tốt đẹp của nó tới cộng đồng.
Thế kỷ 18, từ vua tôi cho đến quần thần, dân chúng tại kinh đô Huế đều mặc áo ngũ thân. Đã từng được phổ biến rộng rãi trong đời sống là thế, nhưng chiếc áo ngũ thân này lại bị quên lãng suốt một thời gian hơn nửa thế kỷ.
Để khôi phục nét truyền thống chiếc áo dài Việt Nam, nhiều nhà thiết kế đã và đang nỗ lực đem lại sức sống mới cho áo ngũ thân. Trong số đó, nhà may 9X Minh Đời đã góp phần lan toả những xưa cũ tinh tế của cha ông tới nhiều bạn trẻ.
- Trở thành một nhà thiết kế trang phục đã khó, trở thành một nhà thiết kế trang phục truyền thống lại càng khó hơn. Không biết cơ duyên nào đã đưa anh đến với nghề may trang phục truyền thống, đặc biệt là áo ngũ thân khi còn rất trẻ này?
Nhà may Minh Đời: Từ nhỏ mình đã rất yêu thích về những gì liên quan tới truyền thống và các nghề thủ công. Bản thân mình được sinh ra trong gia đình có cha, mẹ ngày xưa là thợ may, nên từ nhỏ mình cũng đã quen với hình ảnh bên máy may của cha, mẹ. Nhưng có lẽ vì vất vả hay một lý do nào đó mà từ nhỏ cha thường cấm mình không được đụng vào kim chỉ. Phải tới khi lên đại học xa gia đình, mình mới bắt đầu tự tìm hiểu và tự học may để thoả mãn với đam mê.
Còn về Áo Dài thì lúc học ở quê, mình đã rất thích hình ảnh chiếc áo dài của các bà, các cô, và các bạn học của mình. Nó đẹp, nó kín đáo. Khi mình biết tới chiếc áo ngũ thân thì lại càng mê say hơn với nét đẹp của nó.
Ban đầu mình thực hiện chỉ với mục đích là quá thích áo dài, muốn tự may để cho bản thân mình mặc thôi. Các áo đầu mình thực hiện khi đang học Đại học. Do không có máy may nên hầu hết chúng đều được may tay và cũng không được đẹp lắm. Tới bây giờ mình vẫn còn giữ lại để làm kỷ niệm. Sau đó, mình có chụp ảnh chiếc áo và chia sẻ lên mạng xã hội. Rất may là một người bạn của mình thấy và nhờ làm một chiếc. Xong áo đó thì bạn của bạn đó thấy và lại hỏi may tiếp.
Ngoài ra, mình cũng được nhiều người anh, người chị giúp đỡ cho tiếp cận với những chiếc áo may đúng, may đẹp. Thế là mình mới tìm hiểu nhiều hơn, nghiên cứu sâu hơn về cách đo cắt may. Tại thời điểm đó, mình không có tí kiến thức gì về cắt may hết, chỉ là nhắm chừng rồi may đại thôi.
Sau một thời gian thất bại rất nhiều, may hư rất nhiều áo, mình tự rút ra được kinh nghiệm về cách lấy số đo cách cắt may của riêng mình. Từ đó, nhờ may mắn, mọi người yêu thương và giới thiệu nên mình được nhiều khách hàng cũng yêu áo dài biết tới và đặt may nhiều hơn.
- Những áo ngũ thân của anh thực hiện mang một nét rất riêng nhờ đường may tinh tế, chỉn chu và cẩn thận. Được biết nhiều khách hàng khi nhận áo có phản hồi rất tích cực. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm anh thực hiện cũng được trưng bày tại các cuộc thi và triển lãm. Để đạt được nhiều thành quả như bây giờ, không biết anh đã gặp những thuận lợi và khó khăn nào khi sống bằng nghề may áo ngũ thân này?
Nhà may Minh Đời: Thuận lợi của mình là được gia đình, người thân ,bạn bè ủng hộ rất nhiều. Đó là điểm tựa tinh thần cho mình, và mình hạnh phúc vì mình được làm việc chứ không phải bị làm việc. Mỗi ngày mình đều háo hức để thực hiện những chiếc áo, cố gắng để sản phẩm của mình ngày càng đẹp hơn, có hồn và thần thái hơn.
Còn khó khăn là đa số các khách hàng của mình đều ở xa. Dù hiện tại công nghệ thông tin đã phát triển hơn nhưng việc lấy số đo và trao đổi vẫn có hơi khó khăn một chút. May mắn là khách hàng của mình đều vui vẻ và hỗ trợ nhiều trong việc lấy số đo từ xa.
-Từ lúc theo nghề đến giờ, có câu chuyện hay kỷ niệm nào khiến anh ấn tượng không?
Nhà may Minh Đời: Có rất nhiều câu chuyện hay khi mình theo nghề. Nhưng kỷ niệm nhất thì có lẽ là lần mình đã xác định gắn bó với nghề may và bắt đầu làm nghề. Mình có một khách hàng đầu tiên, đó là một người anh. Mình biết vì mến nên ảnh đặt để khuyến khích thôi, nhưng lần đó mình may hư áo. Mình rất buồn, nằm suốt 2 ngày không muốn làm gì vì thấy người ta đặt niềm tin cho mình mà lại không làm tốt. Mình stress quá nên đi về quê vài ngày, về tới thì gia đình, ông bà với cha mẹ động viên rất nhiều. Rồi mình lên lại Cần Thơ làm lại áo mới đền cho anh ấy.
Rất may là anh ấy hài lòng, động viên mình cố gắng hơn. Và cho tới bây giờ, người anh đó luôn là khách hàng quen thuộc của mình. Hằng năm khi về nước, anh đều đặt may thêm vài chiếc áo mới, cũng chia sẻ và góp ý cho mình để làm áo ngày một tốt hơn.
- Trong công cuộc lan toả cổ phục Việt trong cuộc sống hiện đại ngày nay, áo ngũ thân nhận được nhiều luồng ý kiến đánh giá trái chiều. Xin anh cho biết quan điểm, góc nhìn của mình về trang phục áo ngũ thân này.
Nhà may Minh Đời: Với cá nhân mình, ngoài là một trang phục, chiếc áo còn là một nét đẹp của truyền thống. Bận chiếc áo lên người, tự bản thân mình ý thức được về cách ứng xử, đi đứng phù hợp hơn với trang phục mình đang mặc.
Còn cộng đồng cổ phong hiện tại đã có những chuyển biến tích cực. Các bạn đã tạo ra nhiều sân chơi rất thú vị, đóng góp vào công cuộc đưa áo dài truyền thống, nhất là áo ngũ thân đến gần hơn với mọi người. Mình thấy rằng sự "đứt gãy" văn hoá trong lịch sử đã được "nối" lại bằng tình yêu thương các giá trị cổ truyền mà giới trẻ đã và đang gánh vác rất nhiều những trọng trách đó.
Không chỉ riêng nghề may mà các làng nghề khác cũng cùng chung tay trong quá trình phát dương văn hoá. Bởi mỗi tà áo dài không chỉ liên quan đến công đoạn may mặc mà còn có liên hệ đến các làng nghề khác như kim hoàn, làm guốc dép và phục sức đi kèm. Càng có nhiều bạn trẻ bận đúng, mặc đẹp thì càng phát huy hết được các giá trị mà cha ông đã để lại thông qua chiếc áo dài.
Trước những thách thức của thời cuộc, nhiều làng nghề truyền thống gắn liền với may mặc như nghề dệt vải nuôi tằm hay các làng nghề cổ truyền khác đều đứng trước những thách thức rất lớn bởi thị hiếu và cung cầu. Mình nghĩ mỗi một nghề truyền thống nên có những hướng phát triển mới hướng đến cộng đồng để có được lợi nhuận ổn định nhằm giữ gìn và phát huy nghề nghiệp theo hướng hiện đại. Vừa bảo tồn cũng vừa học tập và ứng dụng vào thực tiễn đời sống thì mới có thể giữ gìn và phát triển trong thời đại mới - vốn có nhiều điều thách thức và thú vị khác đến giới trẻ. Sự đổi mới và phát triển không ngừng mới có thể giúp mình đứng vững.
- Có rất nhiều bạn trẻ đã ấn tượng và được anh truyền cảm hứng qua các sản phẩm truyền thông trên trang cá nhân của anh như Facebook, Tik Tok. Nguồn cảm hứng của anh bắt nguồn từ đâu khi thực hiện các sản phẩm đó vậy?
Nhà may Minh Đời: Thực tế mình cũng không biết là bản thân đã truyền cảm hứng cho các bạn nữa. Mình thực hiện các sản phẩm đó vì niềm đam mê và yêu thích của mình.
Mỗi khi may một chiếc áo, thấy khách hàng yêu quý, tin tưởng, đặt niềm tin vào mình và chờ một khoảng thời gian dài để may, thì mình luôn cố gắng làm hết sức với sản phẩm đó. Mỗi chiếc áo như một đứa con tinh thần của mình vậy. Từ các công đoạn đầu tiên như lấy số đo lên rập, cắt và may, thì không có cha mẹ nào muốn con mình xấu hết. Cũng như kỷ niệm vừa kể ở trên thì mình không muốn khách hàng - người yêu quý và đặt niềm tin vào mình phải thất vọng.
Mỗi lần nhận được phản hồi hài lòng về áo thì mình rất vui và hạnh phúc. Ngược lại, nếu gửi áo lâu quá mà chưa thấy bận thì mình bắt đầu lo, không biết do áo xấu hay không vừa ý chỗ nào mà người ta không thích bận. Mình phải nhắn tin hỏi thăm rồi tìm hiểu lý do thì mới yên tâm.
Bộ ảnh Cochinchine Saigon femme annamites
Bộ ảnh được Minh Đời và các cộng sự thực hiện mô tả lại lối ăn vận của phụ nữ Nam kỳ giai đoạn thế kỷ cuối XIX đầu thế kỷ XX .
Phần phục trang bao gồm áo, quần, giày hài, kiểu tóc và nữ trang của phụ nữ giai đoạn đó.
Áo ngũ thân tay chẽn: Dựa vào các hình ảnh tư liệu về phụ nữ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chiếc áo được phỏng dựng theo sát kiểu dáng áo của phụ nữ Nam Kỳ với các đặc trưng như tà áo dài, cổ áo thấp và tay áo được may ôm sát cổ tay của người mặc.
Tóc bánh lái: Tóc bánh lái được người phụ nữ Nam Kỳ chọn làm theo phụ nữ Hoa Kiều đến định cư ở phía Nam mà đầu tiên là ở vùng Sài Gòn, sau trở thành một kiểu tóc thịnh hành phổ biến khắp lục tỉnh.
Giày cườm Mã Lai: Loại giày cườm sớm nhất có tên gọi là giày mũi heo (phía trước chóp có miếng đệm cao tròn như mũi con heo), loại giày này ngoài kết cườm, họ còn đính thêm kim sa. Ban đầu, các mẫu mã bán cho thị trường Việt Nam giống hệt thứ sản phẩm bản địa tại Mã Lai nhưng rồi các mẫu hoa văn đó dần lỗi thời với họ. Nó chỉ còn được làm riêng cho thị trường Việt Nam theo đơn đặt của thương nhân Bà Ba rồi dần phổ biến khắp các tỉnh thành và hình thành thói quen sử dụng giày cườm của đại bộ phận phụ nữ nhà giàu.
Trang sức: Trong suốt chiều dài phát triển cùng phục trang dân tộc, kiềng cổ có một vị trí quan trọng trong văn hoá Việt Nam. Ngoài ra, bộ ảnh còn sử dụng các trang sức đặc trưng của phụ nữ giai đoạn đó như dây chuyền và vòng tay chuỗi hột, bông tay mù u và vòng tay chạm, nhẫn hột, nhẫn ximen.
Nón Cụ quai cung ốp đồi mồi: Những năm 1870, hình ảnh chiếc nón cụ rất phổ biến trong cuộc sống thường nhật của người dân miền Nam. Nhưng bước sang đầu thế kỷ XX, chiếc nón cụ dần từ một vật dụng sinh hoạt được nâng tầm lên thành vật lễ nghi trong đám cưới và liên quan đến việc cưới xin.
Minh Đời và kênh Tik Tok về áo dài truyền thống
Bên cạnh các bộ ảnh mình thực hiện, Minh Đời thường xuyên đăng tải các clip lên nền tảng mạng xã hội Tik Tok. Các clip về đa dạng chủ đề như: công đoạn thực hiện may áo, cách quấn khăn vấn, gấp áo ngũ thân, thành phẩm đã thực hiện xong,... Các video đăng tải thường nhận về nhiều lời khen ngợi và động viên từ công chúng.
- Trong tương lai, anh có dự định gì với công việc may áo ngũ thân không?
Nhà may Minh Đời: Ước mơ của anh là mở được một nhà may của riêng mình, tìm những người bạn đồng hành để cùng mình làm việc và quảng bá đến cho mọi người biết tới nhiều hơn về trang phục truyền thống. Rằng nếu được may đúng, bận đúng thì nó sẽ đẹp như thế này đây.
Không dừng lại ở nhà may trẻ Minh Đời, niềm yêu thích, tinh thần khôi phục cổ phục Việt nói chung và áo ngũ thân nói riêng còn được đón nhận ở nhiều nhóm bạn trẻ, câu lạc bộ như: Đình làng Việt, Việt phục hội,... Nhiều chương trình, cuộc thi, dự án truyền thông về áo ngũ thân đã được tổ chức. Thông qua các hoạt động này, nhận thức của công chúng về cổ phục đã được nâng cao. Chính họ - những chú ong cần mẫn đã góp phần đưa đất nước bước vào một tương lai xán lạn mà vẫn giàu bản sắc.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.