Vươn cao Việt Nam

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Tạo động lực phát triển bền vững

17/01/2023 10:06

Chia sẻ đầu năm mới Quý Mão 2023 về niềm vui khi được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, tân Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định dù ở cương vị nào thì vấn đề tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu cũng luôn là nhiệm vụ mà ông đã dành tâm huyết và trách nhiệm suốt đời.

botruonghongha.png

Chia sẻ đầu năm mới Quý Mão 2023 về niềm vui khi được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, tân Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định dù ở cương vị nào thì vấn đề tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu cũng luôn là nhiệm vụ mà ông đã dành tâm huyết và trách nhiệm suốt đời.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương để sửa đổi Luật Đất đai 2013; từ đó đưa ra Bộ Luật đất đai mới mang tính chất phát huy được nguồn lực, tạo ra động lực, đưa đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế cũng như đưa đất đai trở thành định hướng cho không gian phát triển bền vững.


1(1).png

Với kinh nghiệm hơn 26 năm công tác, lúc đầu là Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (sau đổi thành Bộ Tài nguyên và Môi trường) với nhiều chức vụ khác nhau, trong đó gần 7 năm giữ chức Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ sự xúc động và biết ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho ông.

botruonghongha-1-.png

“Đặc biệt, lá phiếu của các đại biểu Quốc hội thể hiện sự tin tưởng, tình cảm, trách nhiệm và điều đó là động lực rất lớn để tôi cố gắng trên mọi cương vị, hoàn thành trách nhiệm, trọng trách của mình,” tân Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc tới các thế hệ lãnh đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Lãnh đạo bộ các thời kỳ là những người đã đặt nền móng xây dựng nên bộ ngày nay. Phát huy thành quả của 20 năm xây dựng và trưởng thành, bộ sẽ ngày càng khẳng định được vị thế, luôn gần dân và luôn vì dân.

Quan trọng nhất lúc này với cương vị cao hơn, tôi cùng với các đồng chí Phó Thủ tướng sẽ giúp cho Thủ tướng Chính phủ, cùng với các thành viên Chính phủ thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra."

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà

Về phần cá nhân, ông Hà cho biết thời gian qua, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông đã cùng với các thành viên Chính phủ dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng đã xây dựng chương trình và tiên lượng các khó khăn, thách thức đồng thời đã chuẩn bị các nhiệm vụ, giải pháp để có thể vượt qua.

“Quan trọng nhất lúc này với cương vị cao hơn, tôi cùng với các đồng chí Phó Thủ tướng sẽ giúp cho Thủ tướng Chính phủ, cùng với các thành viên Chính phủ để làm sao thực hiện đạt được các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra,” ông Hà nói.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các bộ, ngành, địa phương để tham gia quá trình sửa đổi Luật Đất đai 2013; từ đó đưa ra Bộ Luật Đất đai mới mang tính chất phát huy được nguồn lực, tạo ra động lực, giải phóng tất cả khó khăn vướng mắc liên quan, để đưa đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế, đưa đất đai trở thành định hướng cho không gian phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lưu ý rằng trong bối cảnh những thách thức toàn cầu ngày càng gay gắt như biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên và môi trường, dịch bệnh, các quốc gia đều phải nghiên cứu, đầu tư để chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo bền vững hơn. Với Việt Nam, đây là bài toán không thể không đầu tư đến nơi đến chốn.

“Không đi theo xu thế, chúng ta sẽ ở lại và các sản phẩm của chúng ta, từ hạt thóc, con cá, sẽ không thể hòa nhập với ‘sân chơi toàn cầu,” Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh và cho rằng những vấn đề này cũng đặt ra những nhiệm vụ mới trong thời gian tới, từ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thích ứng sau đại dịch, đến tổ chức lại phát triển kinh tế và xã hội bền vững, hiệu quả.

2(1).png

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết năm 2022 là một năm nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, toàn diện, toàn ngành tài nguyên và môi trường đã biến thách thức thành cơ hội, có sự thay đổi lớn từ nhận thức, tư duy.

3(2).png

Trong năm 2022, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, ngành tài nguyên và môi trường đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách có tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với mục tiêu thúc đẩy phục hồi xanh.

Thực tế trên đã góp phần tạo dựng nền tảng để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao; kịp thời tháo gỡ những rào cản để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho phục hồi kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Ngành môi trường hướng đến năm 2023 với tâm thế mới cùng sự lạc quan, tin tưởng vững chắc vào việc thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch 5 năm 2021-2025.”

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn dân, công tác bảo vệ môi trường đã chuyển từ bị động sang ứng phó, sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Trong thời gian qua, các mô hình, công nghệ hiện đại cũng đã được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải. Đặc biệt, hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo được nâng cao (nhất là việc chủ động dự báo sớm với độ tin cậy cao trong cảnh báo mưa lớn, báo, lũ và các hình thái thời tiết cực đoan) đã góp phần phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ an toàn, sức khoẻ cộng đồng…

6.png

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chủ động thực hiện sớm các giải pháp để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế như quỹ đất, nguyên liệu, vật liệu, nguồn nước cho sản xuất kinh doanh, khai khoáng tiếp tục có đóng góp cho tăng trưởng; nguồn thu từ tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước đóng góp 15% thu ngân sách nội địa, góp phần đáp ứng phần lớn, cân đối nền kinh tế.

Khai thác tiềm năng lợi thế của các vùng biển, các địa phương có biển đã trở thành khu vực phát triển năng động, thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo động lực phát triển, hình thành và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp gắn với hình thành chuỗi đô thị ven biển và các trung tâm năng lượng tái tạo.

dat-dai1.jpg

Cũng trong năm 2022, việc kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu đất đai với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được triển khai trên toàn quốc. Đến nay, ngành tài nguyên và môi trường đã hoàn thành số hóa, đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu ở 397/705 đơn vị cấp huyện với 43 triệu thửa đất. Cụ thể, toàn ngành đã kết nối chia sẻ 18 trường thông tin ở 56/63 tỉnh, thành phố; 316/705 đơn vị cấp huyện; 4.076/10.599 đơn vị cấp xã với hơn 24 triệu thửa đất và số lượng kết nối đang tiếp tục tăng.

“Những yếu tố trên đã góp phần tạo ‘thế’ và ‘lực’ để ngành hướng đến năm 2023 với tâm thế mới cùng sự lạc quan, tin tưởng vững chắc vào việc thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch 5 năm 2021-2025,” ông Hà nhấn mạnh.

3(1).png

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, từ năm 2023, ngành tài nguyên và môi trường sẽ chuyển từ bị động sang chủ động, huy động cả xã hội vào cuộc trong tiến trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi cấu trúc của nền kinh tế.

5.png

Trước đó, chia sẻ tại “Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Hà cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn khách quan vẫn tồn tại, tiếp tục tạo nhiều thách thức tác động đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục tiếp tục đặt trọng tâm năm 2023 là năm “chủ động, hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả” để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho tương lai bền vững.

Không đi theo xu thế, chúng ta sẽ ở lại và các sản phẩm của chúng ta, từ hạt thóc, con cá, sẽ không thể hòa nhập với ‘sân chơi toàn cầu.”

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, phát huy các nguồn lực tài nguyên; đẩy mạnh chuyển đổi xanh, từng bước phục hồi các hệ sinh thái; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong thập kỷ phát triển bền vững; hiện đại hóa công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống thiên tai.

Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường sẽ triển khai kế hoạch hành động thực hiện cam kết với các đối tác, tận dụng các thời cơ, chuyển hóa các thách thức, đưa đất nước phát triển trên con đường xanh, chủ động ứng phó trước các thách thức của biến đổi khí hậu; hiện đại hóa hạ tầng không gian địa lý; ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên và môi trường.

Toàn ngành cũng đổi mới đồng bộ thể chế phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy theo chức năng nhiệm vụ và tổ chức mới; hoàn thiện, đưa vào vận hành đồng bộ hệ thống hạ tầng thông tin, dữ liệu, mạng lưới quan trắc; thực hiện chuyển đối số ngành tài nguyên và môi trường; nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực thi pháp luật, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc từ thực tiễn.

Trên tinh thần đó, ông Hà đề nghị toàn ngành tài nguyên và môi trường cần quyết tâm triển khai những nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, qua đó đạt mục tiêu: Nguồn thu từ tài nguyên và môi trường đóng góp 18%-20% thu ngân sách nội địa; 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 96% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay chôn lấp; hoàn thành đánh giá khả năng chịu tải, lập phân vùng và hạn ngạch xả nước thải vào các lưu vực sông quan trọng; phục hồi môi trường các sông, hồ.

Đặc biệt, trong năm 2023, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục phân cấp thẩm quyền đi đôi với kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện; đơn giản hóa 15-20% thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục thiết yếu; đưa chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 2-3%; đánh giá tiềm năng tài nguyên và môi trường phấn đấu đạt 39% diện tích vùng biển và 75% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản./.

4.png

Tác giả: Võ Mạnh Hùng
Thiết kế: Thanh Trà


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Tạo động lực phát triển bền vững