Bài 2: Lắng nghe để thấu hiểu, đồng hành với nỗi trăn trở của Nhân dân
Mega Story - Ngày đăng : 08:43, 18/11/2024
Bài 2: Lắng nghe để thấu hiểu, đồng hành với nỗi trăn trở của Nhân dân
Bảo hiểm y tế là một chính sách rất quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, một chính sách nhân văn để đảm bảo nguồn lực cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân Việt Nam.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước xác định chính sách nhất quán với mục tiêu phải bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống với hơn 93 triệu người tham gia (tương ứng trên 93% dân số).
Điều này khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên tới nay, đạo luật này cần sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 8 với nhiều nhóm chính sách quan trọng về điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm, phạm vi được hưởng, đa dạng hóa các gói bảo hiểm y tế… Các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý đánh giá những sửa đổi, bổ sung đưa ra kịp thời để thông qua trong kỳ họp Quốc hội này sẽ khắc phục những bất cập mang tính cấp bách, đảm bảo vai trò của y tế trong chăm sóc sức khỏe và khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.
Bảo hiểm y tế là một chính sách rất quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, một chính sách nhân văn để đảm bảo nguồn lực cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân Việt Nam.
Mặc dù ngành y tế rất nỗ lực nhưng hiện ở nhiều cơ sở y tế, vẫn còn cảnh người bệnh phải ra ngoài tự mua thuốc, vật tư y tế phục vụ điều trị trong những năm gần đây.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, buổi thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhận được sự quan tâm thảo luận của rất nhiều đại biểu Quốc hội với không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, sâu sắc, phản ánh kịp thời, khách quan, toàn diện những vấn đề thực tiễn đặt ra. Các đại biểu tập trung vào nội dung góp ý cho dự án luật, để khi ban hành, luật sẽ giải quyết được những vấn đề trong thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng của công tác khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cho người dân một cách thuận lợi nhất.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhận được sự quan tâm thảo luận của rất nhiều đại biểu Quốc hội với không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, sâu sắc, phản ánh kịp thời, khách quan, toàn diện những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cho hay qua nghiên cứu dự thảo luật, bản thân bà rất phấn khởi, bởi vì Ban soạn thảo, Bộ Y tế, Chính phủ đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và ý kiến của các đại biểu Quốc hội . Cụ thể, rất nhiều điều, khoản đã sửa đổi, bổ sung theo hướng có lợi cho người dân như mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách, được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ, như đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, nay những địa phương này không còn nằm trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn nhưng vẫn được ngân sách hỗ trợ mức đóng.
Đây là một chính sách nhân văn, bởi sau cuộc giám sát việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Đoàn giám sát cũng như các vị đại biểu Quốc hội thấy còn một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế rất khó.
Theo đại biểu Châu Quỳnh Dao, điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ chính sách theo một lộ trình để người dân an tâm "vươn lên thoát nghèo bền vững." Điều quan tâm là làm sao cho bảo hiểm y tế bao phủ toàn dân và cần hỗ trợ thêm nhiều đối tượng chính sách.
Đại diện Bộ Y tế cho hay Dự án Luật bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2024 cập nhật các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội mới. Người lao động ở doanh nghiệp chỉ cần làm việc một tháng là được tham gia bảo hiểm y tế (trước kia theo quy định phải ba tháng). Đặc biệt, việc bao phủ đầy đủ các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế sẽ làm tăng nguồn thu bảo hiểm y tế từ đối tượng mới tham gia, đồng thời sớm đạt chỉ tiêu Chính phủ giao là bảo hiểm y tế toàn dân là 95%.
Trong Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, phạm vi quyền lợi của bệnh nhân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được mở rộng: Một số bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao, hiện nay người dân vẫn phải lấy giấy chuyển trong năm theo trình tự từ dưới lên cơ sở điều trị ở tuyến trên. Nhưng trong dự Luật bảo hiểm y tế 2024 sẽ có danh sách các bệnh phải lên tuyến trên điều trị mà không cần giấy chuyển tuyến, vừa thuận tiện cho người dân, vừa tiết kiệm chi phí do không phải khám chữa bệnh trùng lặp ở tuyến dưới và tuyến trên.
Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ chính sách theo một lộ trình để người dân an tâm "vươn lên thoát nghèo bền vững."
Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhấn mạnh vấn đề về bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế luôn được đông đảo cử tri quan tâm, bởi đây là chính sách an sinh xã hội rất thiết thực, gắn bó trực tiếp tới quyền lợi của Nhân dân trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các chính sách về bảo hiểm y tế vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập mà qua hầu hết các đợt tiếp xúc cử tri đều có nhiều đề xuất và kiến nghị. Vì vậy, việc sửa đổi một số nội dung của Luật Bảo hiểm y tế là phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri và sự thay đổi trong hệ thống pháp luật, tình hình kinh tế-xã hội so với giai đoạn trước.
Về giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng thời gian qua Quốc hội và Chính phủ đã ban hành rất nhiều biện pháp tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập nhưng hiện nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy, việc nâng cao trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh trong việc đảm bảo thuốc, vật tư y tế là rất cần thiết. Đại biểu Nga đưa ra đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh trong việc đảm bảo đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế cho người có thẻ bảo hiểm y tế trong phạm vi quyền lợi được hưởng để bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế.
Về giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng thời gian qua Quốc hội và Chính phủ đã ban hành rất nhiều biện pháp tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập nhưng hiện nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy, việc nâng cao trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh trong việc đảm bảo thuốc, vật tư y tế là rất cần thiết. Đại biểu Nga đưa ra đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh trong việc đảm bảo đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế cho người có thẻ bảo hiểm y tế trong phạm vi quyền lợi được hưởng để bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế.
Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cơ bản nhất trí với dự thảo luật Quốc hội thông qua tại kỳ họp này bởi Dự thảo luật được áp dụng theo quy trình một kỳ họp nên chỉ sửa đổi, bổ sung một số nội dung đã thật sự chín, đã được thực tế kiểm nghiệm và có tính khả thi. Dự thảo Luật được lược bỏ một số nội dung để bám sát với yêu cầu, phạm vi điều chỉnh nội dung của dự thảo luật cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu của dự thảo luật, thống nhất với 4 chính sách được thông qua đã được nêu trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo y tế, đại biểu Tráng A Dương đề nghị quy định cơ chế thanh toán thông qua bệnh viện thanh toán trực tiếp cho người bệnh khi phải tự đi mua thuốc, vật tư, trang thiết bị, việc thanh toán chi phí phục vụ lâm sàng để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo chất lượng, tính kịp thời trong khám, chữa bệnh.
“Đặc biệt, Dự thảo luật có quy định thanh toán chi phí thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế được chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bảo hiểm y tế. Trường hợp tại thời điểm người bệnh kê đơn chỉ định thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế không có sẵn, có thể chuyển người bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh khắc phục các trường hợp sau đây, cần nắm rõ quy định không thể chuyển ở đây được hiểu như thế nào, nhất là trong trường hợp người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh theo đúng tuyến để tránh phát sinh khiếu kiện, khiếu nại trong quá trình tổ chức thực hiện. Đề xuất đưa nội dung này đang được quy định tại dự thảo Nghị định của Chính phủ vào trong luật, làm rõ ràng và minh bạch hơn,” đại biểu Tráng A Dương nêu lên quan điểm.
Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đại biểu Tráng A Dương đề nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh về Điều 31 về thanh toán khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế. Bởi thực tế đang diễn ra và được rất nhiều cử tri quan tâm là việc bệnh nhân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài khi bệnh viện không có thì sẽ được thanh toán như thế nào?
Theo đại biểu Hải, Khoản 4 có quy định thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế điều trị được điều chuyển giữa các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Quy định như vậy để tạo điều kiện cho người bệnh trong trường hợp cơ sở điều trị không có thuốc, nhưng điều này cũng cần phải cân nhắc thêm, cần quy định cụ thể hơn để tạo thuận lợi cho việc chuyển thanh toán thuốc, thiết bị y tế phục vụ kịp thời việc điều trị cho bệnh nhân.
"Nếu việc điều chuyển thuốc, thiết bị y tế để phục vụ cho người bệnh không kịp thời sẽ gây khó khăn cho người bệnh. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người bệnh nhân, đề nghị xem xét quy định thêm trường hợp thanh toán cho người bệnh nếu phải mua thuốc, thiết bị y tế ở ngoài thị trường theo đơn thuốc của bác sĩ thuộc danh mục thuốc, thiết bị y tế, định mức được thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế, như thế sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người bệnh được điều trị," đại biểu Hải nhấn mạnh.
Về vấn đề đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc và vật tư y tế cho người bệnh, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho hay trong tình hình hiện tại, tình trạng thiếu hụt thuốc và vật tư y tế khiến nhiều bệnh nhân bảo hiểm y tế phải tự mua, ảnh hưởng đến quyền lợi và tài chính cá nhân. Cụ thể, báo cáo của Bộ Y tế năm 2022 cho thấy có tới 40% bệnh nhân phải chi trả thuốc và vật tư ngoài danh mục tại bệnh viện tuyến huyện.
Đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất bổ sung vào Điều 43 Luật Bảo hiểm y tế quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm đảm bảo đầy đủ thuốc và vật tư y tế cần thiết cho người bệnh bảo hiểm y tế đồng thời nếu người bệnh phải mua ngoài cơ sở y tế có trách nhiệm hoàn trả chi phí trước khi bệnh nhân xuất viện như một số đại biểu đã nêu. Quy định này giúp bệnh nhân bảo hiểm y tế được đảm bảo quyền lợi ngay tại cơ sở y tế, giảm thủ tục hành chính không cần thiết và rút ngắn thời gian xử lý chi phí, đặc biệt là theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam năm 2023 cho thấy có tới 60% bệnh nhân thuộc khu vực nông thôn gặp khó khăn trong quá trình yêu cầu bồi hoàn chi phí từ bảo hiểm xã hội do khoảng cách xa và thủ tục kéo dài.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương dẫn chứng theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 4303 ngày 28/9/2024 có nội dung cần giải quyết kịp thời những bất cập, vướng mắc trong công tác thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh, bức xúc về thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam năm 2023 cho thấy có tới 60% bệnh nhân thuộc khu vực nông thôn gặp khó khăn trong quá trình yêu cầu bồi hoàn chi phí từ bảo hiểm xã hội do khoảng cách xa và thủ tục kéo dài.
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình
“Tôi đề nghị xem xét bổ sung quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh tại Điều 43 Luật Bảo hiểm y tế. Cụ thể, người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm đảm bảo đầy đủ, kịp thời thuốc, thiết bị y tế cho người bệnh trong phạm vi quyền lợi được hưởng. Đồng thời, quy định trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế vì lý do khách quan cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm thanh toán cho người bệnh, các chi phí thuốc, vật tư y tế mà người bệnh phải tự mua theo quy định của y bác sỹ trước khi hoàn tất thủ tục ra viện. Tổng hợp, thanh toán và chịu trách nhiệm về hồ sơ đề nghị thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội,” đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đưa ra ý kiến cho rằng về hướng xử lý đối với trường hợp có thẻ bảo hiểm y tế phải tự mua thiết bị y tế thuộc danh mục bảo hiểm y tế chi trả do cơ sở khám, chữa bệnh không thể cung cấp. Đề nghị nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan để đảm bảo quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc, thiết bị y tế thuộc danh mục bảo hiểm y tế chi trả do cơ sở khám, chữa bệnh thiếu thuốc hoặc thiếu thiết bị y tế nên không thể cung cấp cho người bệnh. Đây là thực trạng đã diễn ra trong suốt thời gian qua, nhất là giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 làm tăng chi phí y tế từ tiền túi của người bệnh. Do đó, cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định trong dự thảo luật về cơ chế xử lý đối với trường hợp này để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Nói về Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho hay đã có 20 ý kiến phát biểu trên tổng số 67 ý kiến đại biểu đăng ký, có 7 đại biểu tranh luận. Các đại biểu đã đăng ký nhưng chưa được phát biểu sẽ gửi lại tài liệu và ý kiến của mình đến cơ quan chủ trì thẩm tra để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật. Qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra trong chuẩn bị hồ sơ dự án luật kịp thời, có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ của các vị đại biểu Quốc hội.
Các ý kiến đại biểu phát biểu rất sôi nổi, thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội đối với dự thảo luật, làm cơ sở để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung quy định, cả về kỹ thuật lập pháp. Các ý kiến phát biểu cơ bản thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm xã hội.
“Các đại biểu cũng đề cập đến nhiều vấn đề thực tiễn nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật, bảo đảm sự tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng, thuận tiện, nhanh chóng của người dân. Các đại biểu bày tỏ ủng hộ cơ chế đột phá trong vấn đề cung cấp khám bệnh, chữa bệnh với quan điểm lấy lợi ích và sự hài lòng của người dân, của người bệnh là trung tâm. Để chính sách đột phá này có tính khả thi, đòi hỏi sự quyết tâm rất cao của Quốc hội , Chính phủ, Bộ Y tế và sự thay đổi mạnh mẽ của cả hệ thống y tế để nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ y tế, niềm tin, sự an tâm và hài lòng của người dân đối với cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu. Đồng thời, để đáp ứng nguyện vọng của cử tri và yêu cầu của các vị đại biểu Quốc hội , đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, khắc phục căn cơ những vướng mắc, bất cập…,” Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.
Luật Bảo hiểm y tế có tác động rất lớn, liên quan đến nhiều người dân và các cơ sở y tế, liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội, quyền và nghĩa vụ của người tham gia bảo hiểm y tế, do đó cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tập trung sửa đổi những nội dung có tính cấp bách, cấp thiết cần giải quyết ngay. Bởi thực tế cuộc sống, khi người dân đi khám chữa bệnh đã đối mặt với gánh lo bệnh tật trong cơ thể nay lại thêm gánh lo về tài chính với nỗi bức xúc về thiếu thuốc và phải tự chi trả tiền thuốc không hề nhỏ./.
Mời độc giả đón đọc loạt bài: