Mega Story

Bài 4: Sửa Luật Bảo hiểm y tế: Hết cảnh thiếu thuốc, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân

Thùy Giang - Minh Thúy 18/11/2024 08:44

Vấn đề bảo vệ quyền lợi cho người bệnh khi thiếu thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở khám, chữa bệnh được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV đang diễn ra.

giang-bai-quoc-hoi-2-copy.jpg

Vấn đề bảo vệ quyền lợi cho người bệnh khi thiếu thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở khám, chữa bệnh được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 15 đang diễn ra.

Trên nghị trường, y tế là một trong ba lĩnh vực quan trọng của kỳ họp này rất được các đại biểu và cả xã hội rất quan tâm chất vấn.

Đồng hành cùng với Quốc hội nhiều ý kiến của các ban ngành, đại diện các bệnh viện cho rằng cần thông qua Luật bảo hiểm y tế sửa đổi và các luật có liên quan đến y tế để sớm tháo gỡ những khó khăn trong công tác khám chữa bệnh hiện nay.

bai-4.1.jpg

Trong một hội nghị về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, tuy nhiên, ở một số nơi vẫn có tình trạng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung ứng không đầy đủ, không kịp thời cho người bệnh.

“Thực tế, tại bất kỳ thời điểm nào, việc thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn có thể xảy ra bởi những nguyên nhân khách quan như: Thực hiện đấu thầu nhưng không có đơn vị trúng thầu hoặc đã ký hợp đồng cung ứng với nhà thầu nhưng tại thời điểm chỉ định thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế cho người bệnh, nhà cung cấp không cung ứng được do thiếu nguồn cung hay hàng hóa về chậm…,” Giáo sư Thuấn nói.

Vì vậy, việc quy định điều kiện thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, thiết bị y tế cho người có bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh chặt chẽ, khả thi trong các trường hợp không có thuốc, thiết bị y tế do các nguyên nhân bất khả kháng là cần thiết và hợp lý.

Chia sẻ về thực tế công tác cung cấp thuốc tại bệnh viện, dược sỹ Nguyễn Thanh Hiền - Trưởng Khoa Dược (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết có những lúc đơn vị này không đảm bảo thuốc, vật tư cung ứng cho người bệnh. Thuốc thiếu đa phần không thuộc trong danh mục thuốc hiếm. Trong trường hợp thiếu thuốc, bệnh viện cũng không thể chuyển viện bệnh nhân vì là tuyến cuối, chuyên sâu, bệnh nhân đến đa phần là trong tình trạng bệnh nặng.

“Hiện nay, bệnh viện đang thiếu thuốc Albumin (thuốc tăng thể tích huyết tương) và thiếu một loại thuốc tăng cường miễn dịch. Ngày 18/10 vừa qua, Bệnh viện mở gói thầu, có 30 nhóm thuốc không có đơn vị nào dự thầu, trong khi đây đều là những thuốc liên quan đến các hoạt động phẫu thuật thông thường như Fentanyl (thuốc giảm đau), Midazolam, Diazepam (thuốc an thần)… Đặc biệt, việc thiếu thuốc Albumin thì không phẫu thuật được. Chẳng hạn như năm 2022 cũng không có một đơn vị nào dự thầu thuốc Albumin cho Việt Đức. Hiện tại, bệnh nhân Việt Đức đang phải mua Albumin ở ngoài,” dược sỹ Hiền chia sẻ.

Bà Hiền giải thích thêm, thuốc Albumin (thuốc tăng thể tích huyết tương) không nằm trong danh mục thuốc hiếm. Thuốc có nhiều đơn vị cung ứng nhưng do đứt gãy nguồn cung ứng nên họ có thể bán ra ngoài mà không bán vào bệnh viện vì không thể đáp ứng có hàng liên tục.

Ngày 18/10 vừa qua, Bệnh viện mở gói thầu, có 30 nhóm thuốc không có đơn vị nào dự thầu, trong khi đây đều là những thuốc liên quan đến các hoạt động phẫu thuật thông thường như Fentanyl (thuốc giảm đau), Midazolam, Diazepam (thuốc an thần)… Đặc biệt, việc thiếu thuốc Albumin thì không phẫu thuật được.

Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Trước chia sẻ của đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về thực tế thiếu thuốc, lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) nêu vấn đề trong tình huống đó, lãnh đạo bệnh viện có quyền quyết định với gói thầu hoặc nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu đồng để bảo đảm thuốc và vật tư cho người bệnh. Tuy nhiên, đại diện Bệnh viện Việt Đức cho rằng với đặc thù về bệnh, có những loại thuốc/vật tư với chi phí nếu mở gói thầu mua sắm 50 triệu đồng chỉ đủ điều trị cho hơn một bệnh nhân. Vì thế, với một mặt hàng, kinh phí đấu thầu của bệnh viện thường lên tới vài tỷ đồng.

ong-ha(1).jpg

Ông Trương Mạnh Hà - Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên nhấn mạnh không bệnh viện nào muốn thiếu thuốc, vật tư. Các bác sỹ bất đắc dĩ mới phải kê đơn cho người bệnh Bảo hiểm y tế mua ngoài bệnh viện do quy trình rất phức tạp vì mỗi loại thuốc thanh toán với cơ quan bảo hiểm bệnh viện phải làm một bộ hồ sơ để chứng minh thuốc hay vật tư này bị thiếu. Như vậy, cùng một thời điểm, nếu bệnh viện thiếu 5-10 loại thuốc, sẽ phải làm từng đó hồ sơ giải trình với các trường hợp này. Ngoài ra, có thể thuốc hay vật tư mua ngoài có giá chênh lệch với thuốc đấu thầu trong bệnh viện, nên khi kê đơn cho bệnh nhân mua ở ngoài thì cần giải thích rõ để tránh người bệnh thắc mắc.

Đề cập đến Luật Bảo hiểm y tế đang được thảo luận và bàn ở Quốc hội trong kỳ họp này, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên chia sẻ nếu Dự án Luật bảo hiểm y tế sửa đổi được thông qua, trong đó có điều khoản bệnh viện thanh toán trực tiếp tiền thuốc cho bệnh nhân trong bối cảnh thiếu thuốc thì đây là một yếu tố tạo thuận lợi rất lớn đối với việc điều trị cho người bệnh.

Ông Trương Mạnh Hà đánh giá sự nhanh nhạy của Quốc hội kỳ này về vấn đề liên quan đến công tác khám, chữa bệnh. Bởi vì theo ý kiến cá nhân của ông, đó là những thay đổi nhằm đáp ứng được nguyện vọng của người dân, rất kịp thời. Tuy nhiên, cũng cần phải có những chính sách rõ ràng để tháo gỡ khó khăn cho cơ sở khám, chữa bệnh.

ong-duong.jpg
Ông Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế). (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Là đơn vị đầu mối chuyên môn quản lý các cơ sở khám chữa bệnh, ông Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết kết quả khảo sát của Cục Quản lý Khám chữa bệnh từ hơn 600 bệnh viện, ghi nhận tại nhiều cơ sở y tế không chỉ thiếu thuốc hiếm mà một số thuốc thông thường như Diazepam, Fantanyl, Albumin… vẫn thiếu do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ngoài ra, có khoảng 30% thuốc hiếm mà bệnh viện đang thiếu không nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tìm giải pháp để giải quyết các vấn đề về thanh toán chi phí cho người bệnh khi các cơ sở y tế diễn ra tình trạng thiếu thuốc.

bai-4.2.jpg

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư tại các bệnh viện có thể do yếu tố khách quan như đấu thầu nhưng không có đơn vị trúng; ký hợp đồng cung ứng nhưng nhà thầu không cung ứng được do thiếu nguồn cung hay hàng hóa về chậm… nên các đơn vị không dám dự thầu.

Giáo sư Thuấn cho hay tời gian vừa qua, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, việc thanh toán trực tiếp cho người bệnh tự đi mua thuốc chỉ là giải pháp tình thế. Bệnh viện phải đảm bảo thuốc, vật tư y tế để điều trị cho người bệnh.

Đặc biệt, công tác bảo hiểm y tế trong những năm qua đã có nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế gia tăng nhanh, từ 58% dân số vào năm 2009, tới năm 2023, đã đạt hơn 93%. Đến hết 2023, có 174,8 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với số tiền chi trả khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng. Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng, tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng thuận lợi.

Đến hết 2023, có 174,8 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với số tiền chi trả khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ Luật bảo hiểm y tế hiện hành đã có những quy định không còn phù hợp thực tiễn. Đặc biệt, những thay đổi trong Luật Khám chữa bệnh 2023 đòi hỏi phải đánh giá và sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm y tế để bảo đảm quyền bình đẳng trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của người dân. Vì vậy, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan, thống nhất hoàn thiện hồ sơ theo hướng tập trung sửa đổi tối đa một số vấn đề vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách, một số vấn đề đã có đầy đủ thông tin, dữ liệu và đạt được sự đồng thuận cao. Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới việc thay đổi về tiền lương và chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực từ 01/01/2025.

thu-truong-thuan.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết hiện đã có Luật Đấu thầu, Nghị định 24, các thông tư của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Y tế hướng dẫn phục vụ việc mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế. Tuy nhiên, đây là mặt hàng đặc thù, nên có tình trạng cơ sở y tế đã thực hiện các giải pháp mua sắm, đấu thầu vẫn có nguy cơ thiếu thuốc, vật tư cục bộ do đứt gãy nguồn cung, hoặc không có đơn vị tham gia thầu.

Bà Trang cho hay trong Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế đang được trình Quốc hội, ban soạn thảo đề xuất sửa đổi nhiều quy định để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế. Trong dự thảo Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung lần này bổ sung cơ chế điều chuyển thuốc giữa các cơ sở khám chữa bệnh trong trường hợp thiếu thuốc, vật tư mà không thể chuyển người bệnh đi nơi khác.

"Chẳng hạn như trong trường hợp Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối nếu trong trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế - do thực hiện mua sắm mà không được vì yếu tố khách quan thì Bệnh viện Bạch Mai có thể hỗ trợ điều chuyển và giá thanh toán là giá của bảo hiểm y tế thanh toán cho Bệnh viện Bạch Mai. Phía bệnh viện sẽ tổng hợp hồ sơ thanh toán cho cơ quan bảo hiểm xã hội bằng giá đấu thầu mua sắm và như vậy vẫn bảo đảm được việc điều trị kịp thời cho người bệnh" - bà Trang giải thích.

Trong trường hợp điều chuyển bệnh nhân nhưng vẫn không có thuốc do bị thiếu cục bộ, đứt gãy nguồn cung, trong khi cơ sở bán lẻ thuốc ở một vài nơi vẫn có thì người bệnh có thể mua ở bên ngoài và thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội phần đã phải bỏ ra. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chính sách, cũng có ý kiến cho rằng thay vì người bệnh phải trực tiếp thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội cần có cơ chế để bệnh viện chi trả cho người bệnh, rồi bệnh viện thanh toán lại với cơ quan bảo hiểm xã hội, để giảm thủ tục cho người bệnh.

chi-trang.jpg

Theo bà Trang, Bộ Y tế đang cố gắng có giải pháp khác từng bước khắc phục tình trạng trên. Dự thảo Luật bảo hiểm y tế sửa đổi lần này đang được trình Quốc hội , Bộ Y tế đã kiến nghị sửa đổi quy định của Điều 31 là khi cơ sở y tế thiếu thuốc không bắt người bệnh phải ra ngoài mua thuốc mà để cho bệnh viện điều chuyển thuốc với nhau, hoặc bệnh viện phải mua trực tiếp gọi về và thanh toán trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội - điều mà Luật hiện hành không chi trả. Đây là giải pháp khắc phục khó khăn trong đấu thầu đang là vấn đề nóng của xã hội. Đây cũng là tính nhân văn khi xây dựng dự thảo Luật.

Tuy nhiên, việc thanh toán trực tiếp cũng không mở quá để tránh việc các bệnh viện không chịu đấu thầu, nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân bảo hiểm y tế. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi người bệnh đồng thời sẽ giảm tình trạng kê đơn mua thuốc ngoài hoặc điều chỉnh thuốc tràn lan. Thanh toán trực tiếp hay điều chuyển thuốc không phải là giải pháp khuyến khích, mà chỉ thực hiện trong những trường hợp bất khả kháng do khách quan.

Theo Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng các nghị định, thông tư, nếu Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn chi trả từ cơ sở khám chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội sớm, đáp ứng tình trạng cấp bách. Dự kiến, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi được ban hành sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025, Bộ Y tế sẽ có thời gian xây dựng thông tư hướng dẫn trình Chính phủ và người bệnh chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ cải thiện được tình trạng phải chi tiền túi mua thuốc ngoài. Đặc biệt, khi Luật Bảo hiểm y tế được thông qua, thì việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân ra mua ngoài sẽ giảm.

Theo đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nếu để người bệnh tự cầm hóa đơn, hồ sơ đi thanh toán cũng rất rủi ro và mất thời gian. Trong trường hợp sau khi nhận hồ sơ và giám định nếu không đạt yêu cầu thì người bệnh cũng không được hoàn tiền. Do đó, vị đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Việt Nam cho rằng tốt nhất bệnh viện nên thanh toán trực tiếp cho người bệnh khi họ làm thủ tục xuất viện giống như những đề xuất đưa ra trong Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi./.

bai-thuyet-trinh-giao-duc-cuoc-dau-tranh-moi-ngay-chu-nghia-hien-thuc-mau-be-vang-anh-ghep-phong-cach-nhiep-anh.jpg
anh-cc1.jpg

Mời độc giả đón đọc loạt bài:

tg-loi-dan.png

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 4: Sửa Luật Bảo hiểm y tế: Hết cảnh thiếu thuốc, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân