Bài 3: “Điểm danh” những “nút thắt” người dân mong Quốc hội sớm tháo gỡ
Mega Story - Ngày đăng : 08:43, 18/11/2024
Bài 3: “Điểm danh” những “nút thắt” người dân mong Quốc hội sớm tháo gỡ
Việt Nam hiện có hơn 93 triệu người tham gia bảo hiểm y tế; trung bình mỗi năm có khoảng hơn 174 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tương ứng khoảng 50 triệu người đi khám chữa bệnh trong năm.
Việt Nam hiện có hơn 93 triệu người tham gia bảo hiểm y tế; trung bình mỗi năm có khoảng hơn 174 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tương ứng khoảng 50 triệu người đi khám chữa bệnh trong năm. Tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức…, mỗi ngày có hàng ngàn bệnh nhân đến khám bệnh và điều trị nội trú. Với mỗi người dân và đặc biệt những người mắc bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm y tế có vai trò hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân hiện nay vẫn còn những khó khăn vướng mắc về vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, mở rộng thêm các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế và chi phí khi người dân có bảo hiểm y tế phải chi trả tiền túi…
Bệnh viện Bạch Mai ngày 1/11. Khi chuẩn bị cho con gái Mông Hoàng Thảo Ngọc ra viện, chị Hoàng Thị Dịp (33 tuổi) đã có những chia sẻ đầy xúc động về các y bác sỹ cũng như bảo hiểm y tế về 50 ngày con gái chị nằm viện do trận lũ sau siêu bão Yagi.
Bé Ngọc bị lũ cuốn xa 1km sau trận bão Yagi thảm khốc ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Nước lũ tràn hết vào từ khí quản, phổi, dạ dày..., nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu. Ngay sau khi được tìm thấy, bé đã qua 2 lần chuyển viện từ Bệnh viện huyện Bảo Yên đến Bệnh viện tỉnh Lào Cai, sau đó tới Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 11/9. Ngày đầu nhập viện, trong cơ thể bé toàn bùn đất. Tình trạng viêm phổi của bệnh nhi rất trầm trọng do ứ nước và bùn đất. Các bác sỹ đã phải ròng rã suốt 4 ngày rửa lọc phổi, dịch từ phổi.
Những ngày con nằm điều trị, lòng chị Dịp như lửa đốt bởi chỉ có thể ở bên ngoài ngong ngóng tin. Đó là khoảng thời gian căng thẳng, áp lực, kịch tính, nhiều lúc tưởng chừng tuyệt vọng, cơ hội sống còn của bệnh nhân hết sức mong manh.
Trận lũ quét lịch sử đã cuốn trôi cả ngôi làng, không một giấy tờ, tài sản nào còn giữ lại được. Bé Ngọc nhập viện, gánh nặng chi phí điều trị khiến đôi vai người mẹ ấy tưởng chừng không chịu nổi.
Khi nghe bác sỹ và lãnh đạo bệnh viện chia sẻ gia đình cứ yên tâm về phần kinh phí điều trị, bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội để giải quyết ngay các thủ tục về điều trị bảo hiểm y tế cho bé kịp thời, chị Dịp vơi bớt nỗi lo tài chính, tập trung chăm sóc cho con.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ khẳng định chưa từng có ca nào tổn thương nặng nề như vậy. Ngay từ khi tiếp nhận Thảo Ngọc, các y bác sỹ đã xác định đây là cuộc chạy đua sinh tử. Tính mạng của cô bé 11 tuổi như một sợi chỉ mảnh, khi cơ thể đã phải chịu quá nhiều thương tích. Trong 50 ngày, bé Ngọc đã từng bước “hồi sinh” kỳ diệu sau khi toàn bộ phổi và đường thở bị đông đặc bùn đất.
Đến ngày xuất viện, tổng số tiền mà quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh nhân là gần 600 triệu đồng. Số tiền còn lại do Bệnh viện Bạch Mai và các nhà hảo tâm giúp đỡ người bệnh và gia đình, trong đó có các chi phí về sinh hoạt của gia đình trong thời gian điều trị tại bệnh viện.
Chị Dịp bộc bạch: “Nếu không có bảo hiểm y tế thì gia đình không biết xoay sở ra sao. Tôi xin gửi lời cảm ơn tới các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai đã tận tâm cứu chữa, các mạnh thường quân và bảo hiểm y tế đã đồng hành cùng con suốt thời gian vừa qua.”
Đến ngày xuất viện, tổng số tiền mà quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho Ngọc là gần 600 triệu đồng. Nếu không có bảo hiểm y tế thì gia đình không biết xoay sở ra sao.
Chị Hoàng Thị Dịp
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn được hỗ trợ như bé Ngọc. Những tờ giấy kê đơn các hoạt chất thuốc để người bệnh tự đi mua hay những tờ phiếu ra bên ngoài bệnh viện mua vật tư y tế như bông, băng, dây truyền dịch… đã trở nên quá phổ biến trong 2 năm qua tại các cơ sở y tế. Do vậy, nếu như với tổng số 180 triệu lượt khám chữa bệnh mỗi năm việc giải quyết vấn đề thiếu thuốc càng trở nên cấp bách hơn.
Hàng ngày xem tức trên truyền thông về kỳ họp Quốc hội , đặc biệt là các phiên truyền hình trực tiếp liên quan tới an sinh xã hội, tới các vấn đề sát sườn của người dân, ông Nguyễn Văn Quyền, 71 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội cho hay ông rất ủng hộ những quan điểm đưa ra về những thay đổi trong Luật bảo hiểm y tế và luật dược sửa đổi, Luật đấu thầu… để gỡ vướng cho vấn đề liên quan tới khám chữa bệnh đang tồn tại hiện nay.
Vân vê quyển sổ khám chữa bệnh, ông Quyền kể, ông điều trị ung thư tiền liệt tuyến tại bệnh viện chuyên khoa ung bướu tuyến cuối tại Hà Nội đã 3 năm nay. Hai năm trước, các thuốc điều trị bệnh ung thư của ông đáp ứng đầy đủ nên ông hoàn toàn yên tâm chữa bệnh. Tiền thuốc điều trị ung thư 1 tháng của ông hơn 10 triệu đồng, đa phần bảo hiểm y tế chi trả, ông phải đồng chi trả thêm khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng. Thuốc đầy đủ nên bệnh tình của ông thoái lui, sức khỏe của ông khôi phục đáng kể.
“Nhưng từ cuối năm 2023, đặc biệt từ đầu năm đến nay, tình trạng thiếu thuốc xảy ra liên tục. Trong khoảng 10 tháng qua, chỉ có 1-2 tháng là có thuốc của bảo hiểm y tế. Còn lại, khi đi khám định kỳ hàng tháng, bác sỹ bảo bệnh viện đang hết thuốc và kê đơn cho tôi mua ở bên ngoài. Do thuốc điều trị ung thư nhập khẩu nên tôi và nhiều người bệnh phải tự liên hệ, tìm đầu mối là các trình dược viên hoặc các cơ sở nhập khẩu thuốc tư nhân để tìm mua loại thuốc điều trị với hoạt chất tương đương. Chi phí mua thuốc bên ngoài phải tự chi trả của tôi vào là hơn 4 triệu đồng mỗi tháng. Thời gian đầu khi đổi sang dùng thuốc mới, huyết áp của tôi tăng liên tục vì cơ thể chưa thích nghi và thường xuyên bị mất ngủ. Tôi rất lo lắng,” ông Quyền trải lòng.
Theo dõi qua các phiên họp và thảo luận của Quốc hội , ông Quyền mong muốn cơ quan chức năng sớm “gỡ rối” về các khâu liên quan tới khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để người bệnh bớt gánh lo phải tự đi mua thuốc cũng như việc bị thiệt thòi khi điều trị mà không được thanh toán tiền thuốc, phải tự bỏ tiền túi mua thuốc điều trị cũng như nguy cơ về sức khoẻ khi tự mua thuốc bên ngoài bệnh viện và từ nhiều nguồn khác nhau.
Mong muốn cơ quan chức năng sớm “gỡ rối” về các khâu liên quan tới khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để người bệnh bớt gánh lo phải tự đi mua thuốc cũng như việc bị thiệt thòi khi điều trị mà không được thanh toán tiền thuốc
Bệnh nhân Nguyễn Văn Quyền
Cùng chung nỗi lo với ông Quyền, bà N. (Nam Định) phẫu thuật liên quan tới cột sống tại bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội cho hay trước khi ca phẫu thuật diễn ra, gia đình bà N. được bác sỹ chia sẻ những khó khăn mà bệnh viện đang gặp phải trong mua sắm thuốc, vật tư và hướng dẫn gia đình mua ngoài một số loại thuốc, vật tư sử dụng trong ca mổ. Sau khi xuất viện, đơn thuốc bác sỹ kê hầu như bà toàn phải tự mua ngoài mà không có một loại thuốc nào được hưởng từ bảo hiểm y tế chi trả. Và người thân của bà ra ngoài mua thuốc theo đơn mất gần 4 triệu đồng.
Bà N. bày tỏ, bệnh của bà đã bớt được phần nào, bà đi lại đã dễ dàng hơn nhưng nếu như nguồn thuốc được đảm bảo đầy đủ hơn nữa cho bệnh nhân thì tốt hơn. Bà chỉ mong Quốc hội và các cơ quan liên quan sớm tháo gỡ những vướng mắc để các bệnh nhân bớt “khổ” hơn khi phải điều trị xa nhà…
Tại khu vực phía Nam, nhiều bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện công lập của Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương… phản ánh cũng tương tự, dù họ có điều trị bảo hiểm y tế nhưng vẫn phải tự ra ngoài mua vật tư y tế hoặc thuốc theo chỉ định của bác sỹ do không ít bệnh viện xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều cơ sở y tế công lập, thường xuyên kéo dài, đặc biệt tại các bệnh viện lớn, chuyên khoa.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu thống kê của Viện chiến lược chính sách y tế (Bộ Y tế), tỷ lệ tự chi trả cho y tế từ hộ gia đình vẫn cao, thậm chí cao hơn mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình thấp và gấp 3 lần trung bình thế giới. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nếu tỷ lệ tự chi trả cho y tế của người dân vượt quá 30% thì khó đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Chỉ số này nên dưới 20% mới phản ánh được độ bao phủ y tế cao. Tại các nước đang phát triển, chỉ số này chỉ dưới 14%. Ở Việt Nam vào năm 2021, chi phí y tế từ tiền túi hộ gia đình vẫn chiếm 43%. Tỷ lệ tự chi trả cao sẽ là một thách thức lớn cho Việt Nam trong thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc y tế toàn dân thông qua bảo hiểm y tế.
Khi đề cập đến chính sách y tế tại Việt Nam, bà Angela Pratt - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhận định hệ thống y tế của Việt Nam đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu về sức khỏe của người dân trong tương lai. Việt Nam đã đạt được những thành quả trong việc phát triển và mở rộng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế lên đến hơn 93% dân số. Đây là minh chứng cho sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, cả ở cấp trung ương và địa phương có sự ưu tiên cao đối với sức khỏe của người dân.
Với định hướng thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ và bảo hiểm y tế toàn dân, được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa 12 ban hành ngày 25/10/2017 đã nêu rõ mục tiêu: Đến năm 2025 tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%. Đến năm 2030, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 95% dân số; tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay trước mục tiêu trên, Chính phủ cam kết và đảm bảo các nguồn kinh phí đủ để đạt được các mục tiêu đề ra của chương trình.
Dẫn số liệu thực tế, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết độ bao phủ bảo hiểm y tế những năm qua ngày càng tăng và tiệm cận bảo hiểm y tế toàn dân. Trung bình mỗi năm có 174 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Số lượt người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng nhanh qua từng năm. Nếu như năm 2009 có hơn 88 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với tổng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 15.396 tỷ đồng; năm 2015 đã tăng lên hơn 130 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (tăng 46% so với năm 2009); đến năm 2020 tiếp tục tăng lên 167 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (tăng 28,6% so với năm 2015); đến năm 2023 là 174 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (tăng 4% so với năm 2020).
Về số người tham gia bảo hiểm y tế, năm 2008 toàn quốc có 39,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ đạt 46% dân số thì đến năm 2023 đã có trên 93 triệu người tham gia, (tăng gấp 2,3 lần), tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93% dân số, vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.
Ông Mạnh cũng cho hay việc gia tăng số người tham gia bảo hiểm y tế cũng như gia tăng số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc cho thấy chính sách bảo hiểm y tế đang đi đúng định hướng và trở thành một nguồn tài chính đáng kể, góp phần cùng ngân sách Nhà nước trong công tác bảo vệ, chăm sóc hiệu quả sức khỏe Nhân dân.
Tuy nhiên, thực tế tại nhiều cơ sở công lập thời gian qua để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế… khiến rất nhiều người bệnh bức xúc, thậm chí giảm niềm tin khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong tình trạng “thiếu đủ thứ.”
Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, mở rộng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế là quy định nhân văn, song cần xem xét, cân nhắc để bảo đảm tính khả thi, phổ quát, công bằng, khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội. Việc sắp xếp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước đây được phân tuyến nay được phân theo 3 cấp chuyên môn, kỹ thuật theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Vì vậy, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi phải bảo đảm tính kế thừa, phù hợp phân cấp khám bệnh mới, bảo đảm thống nhất, đồng bộ không phân biệt cơ sở công lập và cơ sở tư nhân.
Luật bảo hiểm y tế sửa đổi phải bảo đảm tính kế thừa, phù hợp phân cấp khám bệnh mới, bảo đảm thống nhất, đồng bộ không phân biệt cơ sở công lập và cơ sở tư nhân.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Mong muốn ai cũng có kiến thức về sức khỏe, chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân và gia đình, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị ngành y tế phối hợp với các ngành liên quan để triển khai tốt việc phổ cập kiến thức về sức khỏe trong cộng đồng.
Bảo hiểm y tế là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước, là cơ chế tài chính công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vì mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Các bệnh viện và Bộ Y tế cũng nắm được điều này, tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới trong mấy năm gần đây xảy ra tình trạng thiếu thuốc khiến bệnh nhân “đôn đáo” lo lắng và bệnh viện “đau đầu” tìm giải pháp khắc phục./.
Mời độc giả đón đọc loạt bài: