Hạnh Nguyễn 14/01/2023 23:35
bia-bo-truong-btc(1).png

Năm 2023, để giảm thiểu tác động từ bên ngoài đồng thời kiềm chế lạm phát trong nước, Chính phủ đang nghiên cứu trình Quốc hội một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp phát triển.

Bộ Tài chính cho biết với các chính sách hỗ trợ này, trước mắt có thể sẽ làm giảm thu nội địa so với dự toán, tạo áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đối với ngành thuế trong năm.

Với những khó khăn trên, ngành Tài chính xác định cần phải sẵn sàng các kịch bản ứng phó trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của năm 2023 để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội.

bia-2-btc.png
c1.png

- Thưa Bộ trưởng, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường cùng với những khó khăn mà nền kinh tế trong nước phải đối mặt như áp lực lạm phát gia tăng cùng với thị trường vốn, bất động sản, chứng khoán, tiền tệ, giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều điểm nghẽn..., ngành tài chính đã có những giải pháp gì để đảm bảo mục tiêu thu ngân sách trong năm 2023?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tại kỳ họp thứ 4 khóa XV, Quốc hội đã thông qua dự toán tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 là 1.620,744 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với ước thực hiện năm 2022 và tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước đạt 15,7% GDP.

Trong khi đó, năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội trong và ngoài nước diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo, các yếu tố khó khăn xuất hiện ngày càng nhiều.

vna_potal_ky_niem_74_nam_cach_mang_thang_tam_va_quoc_khanh_2-9_phat_huy_tinh_than_cach_mang_thang_tam_day_manh_toan_dien_cong_cuoc_doi_moi_x_152145365_4042990.jpg

Trên thế giới, một số nền kinh tế lớn đối mặt với nguy cơ suy thoái, áp lực lạm phát gia tăng; xung đột địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, các vấn đề an ninh-quốc phòng, chủ quyền quốc gia, biến đổi khí hậu và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác.

Vì vậy, để chủ động trong điều hành, việc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 chắc chắn, phù hợp với khả năng của nền kinh tế là yêu cầu rất cấp thiết.

Trên cơ sở đó, ngành tài chính xác định sẽ tập trung vào một số nhóm giải pháp sau:

Một là, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chính sách tài khóa nhằm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp tài khóa, tiền tệ tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Chính phủ về dự toán ngân sách nhà nước và các nghị quyết mới của Quốc hội, Chính phủ đồng thời chủ động nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội có những giải pháp mới phù hợp tình hình thực tiễn.

vna_potal_bac_giang_thu_hut_dau_tu_fdi_lien_tuc_duy_tri_trong_nhom_10_tinh_thanh_pho_dan_dau_ca_nuoc_6190733.jpg

Chính sách tài khóa nhằm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Hai là nghiên cứu, rà soát và sửa đổi, bổ sung các luật về thuế theo Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân có thêm nguồn lực ứng phó với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Bên cạnh đó, ngành cũng thực hiện các giải pháp về quản lý thu ngân sách nhà nước và cải cách thủ tục hành chính trong quản lý thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra.

Ba là là chủ động rà soát lại nhu cầu chi và cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, trên sơ sở đó sắp xếp các khoản chi theo thứ tự ưu tiên, thực hiện quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Ngành kiên quyết kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, cơ cấu nợ công trong giới hạn; sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước; tăng cường quản lý hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

ngan_sach.jpeg

Bốn là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá và điều hành linh hoạt giá cả trên cơ sở dự báo cung-cầu thị trường đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả, thị trường (nhất là đối với các nhóm hàng năng lượng, vật liệu xây dựng, sắt thép...).

Năm là thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường vốn công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển, tập trung hoàn thiện khung pháp lý và thể chế; đẩy mạnh công tác giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tăng cường công tác truyền thông, tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư.

c3.png

- Trong dự toán chi ngân sách nhà nước, Quốc hội đã quyết định dành tới 35% tổng chi năm 2023 cho đầu tư phát triển, đây là tỷ trọng rất cao so với dự toán năm 2022 (29,5%). Vậy đâu là cơ sở để phân bổ nhiều nguồn lực như vậy, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Quán triệt phương châm điều hành “đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời, hiệu quả” nhằm tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, việc ưu tiên bố trí chi đầu tư phát triển, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội ở cả Trung ương và địa phương là cần thiết.

vna_potal_chu_tich_quoc_hoi_vuong_dinh_hue_chu_tri_cuoc_hop_cho_y_kien_ve_tinh_hinh_thuc_hien_chuong_trinh_phuc_hoi_va_phat_trien_kinh_te-xa_hoi_6152908.jpg

Để đảm bảo tiến độ giải ngân cho các công trình trọng điểm, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào các giải pháp sau đây:

Thứ nhất là bố trí đủ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã được Quốc hội thông qua.

Cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn kết quả giải ngân với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, bố trí vốn tập trung, tránh dàn trải, ưu tiên các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, có sức lan tỏa, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững, các chương trình mục tiêu quốc gia theo phê duyệt.

Thứ ba, bố trí vốn thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định, các dự án chuyển tiếp, đặc biệt là các dự án có tiến độ giải ngân tốt để hoàn thành dự án, bố trí vốn cho các dự án khởi công mới đã đủ thủ tục đầu tư. Mức bố trí cho từng dự án bám sát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được duyệt.

Tuy nhiên, dự toán này cũng đặt ra những áp lực nhất định về khả năng thực hiện và giải ngân.

Do đó để thực hiện dự toán được giao, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai thực hiện, đề cao kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn kết quả giải ngân với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn.

Bộ Tài chính với chức năng và nhiệm vụ được giao sẽ chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách của các bộ, ngành, địa phương và định kỳ hàng tháng, hàng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước.

c2.png

-Có thể nói rằng cộng đồng doanh nghiệp chính là khu vực mang lại nguồn thu chủ yếu cho ngân sách. Vậy theo Bộ trưởng, để nuôi dưỡng nguồn thu này cũng như đảm bảo tính bền vững, chúng ta cần phải có những chính sách gì để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong năm 2023?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Dịch COVID-19 xảy ra vào đầu năm 2020 đến nay đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành các giải pháp về gia hạn và miễn giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch bệnh.

Theo đó, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp áp dụng cho năm 2023 (như gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm hàng hóa là nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn và giảm tiền thuê đất...).

vna_potal_tien_giang_de_xuat_dau_tu_giai_doan_2_cua_hai_du_an_cao_toc_tphcm_-_trung_luong_va_trung_luong_-_my_thuan_6235235(1).jpg
52840149_1297948713691757_8466090760503033856_n.jpg
ttxvn_b10.jpg
ttxvn_a1.jpg
vnp_nha-kinh-hoa_pansaladbowl.jpg

Về lâu dài, quán triệt các chủ trương, định hướng đã được đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với các cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm, 2021-2030.

Hệ thống thuế hướng tới đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước đồng thời góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển bền vững của nền kinh tế.

Mặt khác, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

c4.png

- Để thúc đẩy tăng trưởng thì hiệu quả của việc giải ngân vốn đầu tư công là vô cùng quan trọng. Thế nhưng, thực tế cho thấy đây vẫn là “gam màu trầm” trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế. Xin Bộ trưởng cho biết đâu nguyên nhân cũng như làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng đã có nhiều giải pháp thực hiện, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 vẫn còn thấp.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 6 Tổ công tác với 4 đợt kiểm tra liên tiếp để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

vna_potal_ubtv_quoc_hoi_cho_y_kien_ve_bao_cao_cua_chinh_phu_ket_qua_thuc_hanh_tiet_kiem_chong_lang_phi_nam_2021_6070886.jpg

Qua đó, các đoàn công tác đã “điểm mặt, chỉ tên” một số nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Về khách quan, năm 2022 là năm nền kinh tế phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19, cùng với đó là các yếu tố biến động đến từ bên ngoài dẫn tới giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa quốc tế... tăng cao; huy động chuyên gia, nhà quản lý, nhà thầu nước ngoài, máy móc thiết bị nhập khẩu phục vụ dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, đây là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (thực chất là năm đầu tiên triển khai các dự án mới theo Nghị quyết của Quốc hội vào tháng 7/2021) đồng thời cũng là năm các bộ, ngành, địa phương bắt đầu khởi công nhiều dự án, do đó cũng mới bắt đầu triển khai các thủ tục đầu tư, đấu thầu... dẫn đến việc còn chậm.

Các đoàn công tác đã “điểm mặt, chỉ tên” một số nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Về chủ quan, một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ và khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Một số bất cập trong cơ chế, chính sách tuy đã được phát hiện nhưng còn chậm được sửa đổi, bổ sung. Cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, giữa trung ương và địa phương trong việc xử lý vướng mắc đầu tư công chưa hiệu quả, nhiều vướng mắc tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ, xử lý dứt điểm như công tác giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công còn chưa cao, chưa chủ động, chưa tuân thủ nguyên tắc trong đầu tư công, chuẩn bị thủ tục cần thiết để giao kế hoạch; một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chưa bám sát nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến phải điều chỉnh lại phương án phân bổ.

Hơn nữa, năng lực trong triển khai của các đơn vị thực hiện còn yếu, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ; phân bổ vốn còn bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra...; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Năng lực lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện của một số tổ chức, doanh nghiệp còn nhiều bất cập, nhất là năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công... dẫn tới tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân, chậm quyết toán.

Đối với công tác thực hiện dự án, giải ngân vốn, các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Trên cơ sở đó, ngày 15/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 17/10/2022 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 với số vốn kỷ lục 726.684,344 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1513/QĐ-TTG ngày 3/12/2022 giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023. Như vậy, áp lực giải ngân các dự án trong năm 2023 là rất lớn.

Để khơi thông các vướng mắc trong chế độ chính sách, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành sớm đề xuất sửa đổi các nội dung còn vướng mắc trong quy định của pháp luật về đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên môi trường...

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành sớm đề xuất sửa đổi các nội dung còn vướng mắc trong quy định của pháp luật về đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên môi trường...

Về tổ chức thực hiện, các đơn vị cần triệt để phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, dám làm, dám chịu trách nhiệm; trong việc tổ chức thực hiện đặc biệt cần chú trọng khâu xây dựng kế hoạch sát với khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án; chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị đầu tư, điều kiện cần thiết ngay trong năm 2022 để sẵn sàng phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và triển khai các công việc thực hiện và giải ngân dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2023; không để sau khi giao vốn mới bắt đầu triển khai các công việc.

Mặt khác, các bộ, ngành, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát để chủ động, kịp thời xử lý vướng mắc. Lựa chọn các nhà thầu thi công có năng lực, kinh nghiệm; yêu cầu các chủ đầu tư tăng việc thanh toán theo hình thực trực tuyến trên cổng thông tin dịch vụ công quốc gia để chủ động, tiết kiệm thời gian, chi phí.

ngan-sach-2022.png

Với chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là về quy trình thủ tục thanh toán, Bộ Tài chính đã thực hiện đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi tại cơ quan thanh toán xuống chỉ từ 1-3 ngày làm việc.

Bộ cũng đã quyết liệt chỉ đạo Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh việc giao nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Người thực hiện: Hạnh Nguyễn


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sẵn sàng các kịch bản ứng phó cho năm 2023