Mega Story

Team Lee - Những "phù thủy" hàn gắn ký ức, xóa vết thương lòng

11/06/2024 11:23

Hành trình vừa qua của Team Lee không chỉ đơn thuần là phục dựng những bức ảnh, mà còn là hành trình khơi dậy ký ức, hàn gắn vết thương lòng và lan tỏa thông điệp tri ân sâu sắc tới những thế hệ đã hy sinh thầm lặng vì độc lập tự do của Tổ quốc.

cover-3.png

Hành trình vừa qua của Team Lee không chỉ đơn thuần là phục dựng những bức ảnh, mà còn là hành trình khơi dậy ký ức, hàn gắn vết thương lòng và lan tỏa thông điệp tri ân sâu sắc tới những thế hệ đã hy sinh thầm lặng vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Trên mảnh đất hình chữ S anh hùng, những câu chuyện về tình yêu nước và lòng nhân ái luôn góp phần giáo dục các thế hệ về niềm tự hào dân tộc, tinh thần dũng cảm và ý chí quật cường của nhân dân Việt Nam. Giữa muôn vàn mảng màu nhân văn ấy là hành trình đầy cảm xúc của Team Lee - nhóm bạn trẻ miệt mài "thổi hồn" vào những bức ảnh đã phai màu theo thời gian, để hình ảnh của các Anh hùng liệt sĩ một lần nữa được rạng ngời và sống động.

Với những dự án đầy nhân văn vừa qua, phóng viên Báo VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện cùng anh Phùng Quang Trung - Đồng sáng lập Team Lee về những nỗ lực của nhóm trong hành trình mang hình ảnh liệt sĩ trở về với vòng tay gia đình, cũng như những giá trị cao đẹp mà nhóm muốn lan tỏa đến cộng đồng.

1b.png

-Anh có thể chia sẻ về câu chuyện những ngày đầu tiên "Team Lee" bắt đầu công việc phục dựng ảnh liệt sĩ?

Anh Phùng Quang Trung: Từ những ngày đầu tiên, khi đó chỉ có Lê Quyết Thắng và tôi - đồng sáng lập nên Team Lee hiện tại, đồng hành và gắn bó cùng nhau.

Trong một lần vô tình chúng tôi nhận được yêu cầu của một người cháu, với mong muốn được phục dựng lại bức ảnh của bác mình là liệt sĩ đã hy sinh ở chiến trường năm xưa. Tôi và người cộng sự của mình đã quyết định nhận lời và tiến hành công việc trong khoảng ba đêm.

Sau khi hoàn thiện xong bức chân dung, chúng tôi có hẹn với gia đình và trao tận tay bức ảnh liệt sĩ. Chúng tôi đã rất xúc động khi chứng kiến hình ảnh người cháu ôm di ảnh của bác bật khóc, anh ấy đã khóc rất nhiều. Hình ảnh ấy có thể nói rằng đã chạm đến trái tim của chúng tôi, khiến tôi và Thắng nhận ra rằng đây là công việc mà mình cần làm, phải làm và làm một cách tốt nhất.

info-1.png

Cũng từ đó, chúng tôi quyết định thành lập nhóm với sứ mệnh phục dựng những di ảnh đã cũ, đồng thời, kêu gọi một số người anh em quen biết, cùng nhau làm việc để lan tỏa và duy trì công việc này cho tới tận thời điểm hiện tại.

2b.png

-Nhóm đã xử lý như thế nào đối với những bức ảnh bị hư hỏng quá nặng, không còn đầy đủ đường nét?

Anh Phùng Quang Trung: Mỗi một bức ảnh sẽ có độ khó và mức độ phục hồi khác nhau. Có những bức hình vẫn còn sót lại một vài chi tiết, quá trình phục dựng từ đó cũng sẽ đơn giản hơn. Ngược lại, có những tấm ảnh đã mất đi hoàn toàn các chi tiết, thậm chí có những liệt sĩ còn không có ảnh.

Điều này đòi hỏi chúng tôi phải dành rất nhiều thời gian để trao đổi qua lại với gia đình, nghiên cứu thật kỹ từng chi tiết nhỏ để phác hoạ lại dựa trên các đặc điểm thân nhân liệt sĩ. Đó được coi là phương pháp tốt nhất mà cả nhóm có thể làm ở thời điểm hiện tại.

-Quá trình phục dựng thường mất bao lâu và đòi hỏi sự tỉ mỉ ra sao?

Anh Phùng Quang Trung: Để chia sẻ chính xác về độ tỉ mỉ đối với từng bức hình thì quả là một điều rất khó vì mỗi bức ảnh sẽ cần thời gian phục dựng khác nhau. Có những tấm ảnh có thể làm trong một vài giờ, có những tấm mất đến vài ngày, thậm chí, là vài tuần mới có thể cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh.

Tôi vẫn còn nhớ những tấm hình được chụp từ thời kháng chiến chống Pháp được gửi đến cho chúng tôi. Đó là những bức ảnh với chất liệu đã cũ, rất khó để nhìn lại từng đường nét và chi tiết, khiến cho quá trình phục dựng cũng gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, có những di hình chỉ được khắc hoạ lại bằng những nét bút vẽ vội, bắt buộc chúng tôi lại phải nhờ thân nhân của các anh miêu tả lại từng đường nét cũng như dựa vào những đặc điểm của người thân để có thể khôi phục lại một cách chân thực nhất.

Về sau, đến thời kháng chiến chống Mỹ thì những bức ảnh của anh hùng liệt sĩ đã có phần rõ hơn. Lúc này, độ khó và sự tỉ mỉ sẽ phụ thuộc vào thời gian, địa điểm cũng như từng khoảnh khắc lịch sử trong mỗi giai đoạn kháng chiến đó.

3b.png

-Team Lee không coi phục chế ảnh như một động tác khô khan về kỹ thuật, vậy đâu là yếu tố quan trọng nhất để cảm xúc và câu chuyện đằng sau mỗi bức ảnh sau khi phục dựng vẫn giữ được nguyên vẹn giá trị như ban đầu?

Anh Phùng Quang Trung: Để nói về “cái hồn” của bức ảnh, chúng tôi sẽ chú tâm nhất vào đôi mắt. Vì đôi mắt là điều quyết định việc bức ảnh đó có sống động hay không. Trong quá trình làm, để hiểu được những giá trị về cảm xúc và câu chuyện đằng sau mỗi bức ảnh, chúng tôi cũng liên tục phối hợp cùng gia đình thân nhân liệt sĩ. Có những đêm, chúng tôi đã thức trắng để có thể trao đổi với gia đình. Bức ảnh có thật hay không, có đẹp hay không phần lớn cũng cần sự hỗ trợ từ phía họ.

Bên cạnh đó, điều làm chúng tôi thấy hạnh phúc và trân trọng nhất chính là khi trao được những bức ảnh đã phục dựng tới tận tay các gia đình thân nhân liệt sĩ. Cầm trên tay bức ảnh được gói trang trọng trong những lá cờ Tổ quốc, chúng tôi có cảm giác như đang mang một ai đó trở về với gia đình của họ sau rất nhiều tháng năm xa cách.

-Những bức ảnh được nhóm phục dựng thường có sắc vàng và đỏ lấn át. Điều này liên quan đến vấn đề kỹ thuật hay có ý nghĩa nào khác?

Anh Phùng Quang Trung: Khác với các ảnh chụp thông thường, chúng tôi mong muốn những bức ảnh phục dựng của mình mang đậm màu sắc hoài niệm, gợi đến những tháng ngày xưa cũ. Đặc biệt, cảm hứng lớn nhất để chúng tôi sử dụng tông đỏ và vàng cho các tác phẩm của mình chính là lá cờ đỏ sao vàng của đất nước. Trong nhiều bức ảnh, Team Lee cũng sử dụng lá cờ Tổ quốc làm phông nền phía sau.

ghep1.png

Chúng tôi luôn quan niệm rằng, mỗi tác phẩm Team Lee làm ra không đơn thuần là một bức ảnh, đôi khi trong đó còn mang theo hình hài của đất nước. Mỗi người anh hùng liệt sĩ đã hy sinh đã trở thành một phần máu thịt của Tổ quốc, đã tạo nên dải đất hình chữ S như ngày hôm nay. Đây cũng chính là điều mà chúng tôi luôn muốn truyền tải qua mỗi bức ảnh của mình.

4b.png

-Trong quá trình trao tận tay các bức ảnh đã phục dựng cho gia đình thân nhân liệt sĩ, có câu chuyện hoặc trải nghiệm đáng nhớ nào từ những cuộc gặp gỡ đó mà anh và nhóm muốn chia sẻ?

Anh Phùng Quang Trung: Tính đến thời điểm hiện tại, Team Lee đã phục dựng ảnh liệt sĩ gần 2 năm, số lượng tác phẩm đã lên tới khoảng vài nghìn bức ảnh.

Tuy nhiên, trường hợp mà tôi cảm thấy ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ là một gia đình ở Nghệ An. Vào khoảng tháng 7 năm ngoái, chúng tôi có nhận phục dựng di ảnh hai người con liệt sĩ của Mẹ Việt Nam Anh hùng nhưng chỉ còn tấm ảnh của một liệt sĩ.

Do vậy, chúng tôi phải phác họa lại từ người anh trai và trao đổi liên tục với người nhà để phục dựng hoàn chỉnh được chân dung của người liệt sĩ không có ảnh.

Khi chúng tôi hoàn thành và trao tấm ảnh hai liệt sĩ tới cho mẹ, mẹ đã ôm vào lòng, hôn lên hai tấm ảnh, gọi tên người con của mình và khóc rất nhiều. Khoảnh khắc đó, chúng tôi đã có câu trả lời cho câu hỏi bản thân luôn băn khoăn: Liệu rằng những tấm ảnh phục dựng các liệt sĩ có giống như trong ký ức của người ở lại hay không?

screenshot_2.png

Đặc biệt, có một câu nói của mẹ đã khiến chúng tôi nhớ mãi tới tận bây giờ: “Mẹ sẽ ôm ảnh hai con, để khi đi ngủ các con được ở với mẹ, chứ mẹ không muốn cho lên ban thờ vội”. Dù mẹ đã hơn trăm tuổi, lúc nhớ lúc quên nhưng khi nói về con mình, mẹ vẫn luôn nhớ và có những hoài niệm không thể nào quên được.

5b.png

-Bên cạnh sự thành công của những dự án mà "Team Lee" đã hoàn thành, có điều gì mà anh và cả nhóm vẫn luôn trăn trở khi chưa thể thực hiện được?

Anh Phùng Quang Trung: Số lượng thành viên trong nhóm tính đến thời điểm hiện tại chỉ có 12 người nhưng lượng di ảnh các liệt sĩ cần phục dựng lại nhiều vô kể.

Do đó, điều Team Lee luôn trăn trở là sắp xếp làm sao để phục dựng hết các di ảnh trong khoảng thời gian sớm nhất và trực tiếp trao tận tay tất cả các gia đình thân nhân liệt sĩ. Vậy nên, hiện tại, nhóm cũng phải chắt lọc, so sánh và đánh đổi.

Tức là, đối với những gia đình có Mẹ Việt Nam Anh hùng hay những người đã lớn tuổi, chúng tôi sẽ cố gắng ưu tiên, còn những trường hợp khác thì sẽ được cân đối và lưu lại để có thể sắp xếp làm sau.

info-2b.jpg

-Hành trình đã qua thực sự không phải một chặng đường dễ dàng và để có thể duy trì thì lại càng là một điều khó khăn. Vậy anh cũng như cả nhóm đã có những dự định gì để lan tỏa dự án ra rộng hơn trong thời gian tới?

Anh Phùng Quang Trung: Đơn thuần ý định ban đầu của chúng tôi chỉ mong có thể giúp được các gia đình có một tấm ảnh đẹp để lưu giữ kỉ niệm.

Nhưng khi ngày càng gắn bó với công việc này, chúng tôi cảm thấy đây dần trở thành một sứ mệnh mà ở đó, chúng tôi là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Do vậy, Team Lee luôn cố gắng đi được nhiều nơi hơn, làm được nhiều tấm ảnh hơn nữa và mang đến được cho nhiều gia đình nhất có thể.

Team Lee mong rằng những gì chúng tôi đang làm sẽ trở thành nguồn cảm hứng để ngày càng có nhiều bạn trẻ góp sức cùng chúng tôi trên con đường lan tỏa những giá trị lịch sử đi xa hơn cũng như hiểu được rõ hơn sự hy sinh to lớn của ông cha ta.

Trong tương lai, Team Lee hy vọng sẽ kết nối được với nhiều bạn trẻ ở nhiều tỉnh thành khác nhau để có thể đến tận nơi, trao tận tay những tấm ảnh cho các gia đình trên mọi miền Tổ quốc.

Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện! Chúc Team Lee sẽ có thêm nhiều dự án ý nghĩa trong thời gian tới!

screenshot_5.png


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Team Lee - Những "phù thủy" hàn gắn ký ức, xóa vết thương lòng