Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer thường diễn ra vào khoảng giữa tháng tư dương lịch hằng năm, thể hiện ước vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer thường diễn ra vào khoảng giữa tháng tư dương lịch hằng năm, thể hiện ước vọng một Năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Năm nay Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra từ ngày 14 đến 16/4/2023 dương lịch.
Tết Chôl Chnăm Thmây là một trong những lễ tết mang đậm màu sắc văn hóa điển hình của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cũng là của các cư dân nông nghiệp trồng lúa điển hình ở Đông Nam Á, trong đó đồng bào Khmer Nam bộ có một hệ thống lễ hội gắn chặt với vòng đời cây lúa.
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng Năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. “Chôl” nghĩa là “Vào” và “Chnăm Thmây” là “Năm mới.”
Tết Năm mới Chôl Chnăm Thmây là lễ hội lớn nhất và mang tính tổng hợp nhất của đồng bào Khmer. Chất nông nghiệp thấm đẫm trong niềm tin Phật giáo và Bàlamôn giáo.
Theo quan niệm của đồng bào, đây là thời kỳ tiếp giáp giữa hai mùa mưa nắng với cây cỏ tốt tươi… nên được đồng bào coi như sự khởi đầu của một năm thuận lợi.
Đây không chỉ là lễ hội để đoàn kết cộng đồng mà còn là dịp để con người cộng cảm với thiên nhiên (qua nghi thức cầu mưa); không chỉ là dịp đồng bào thể hiện ước vọng một Năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mà còn là dịp để tưởng nhớ tổ tiên quá vãng.
Đặc biệt, các lễ tục sinh hoạt lớn của cộng đồng luôn diễn ra vào lúc nông nhàn.
Tết Năm mới của đồng bào Khmer được xác định theo lịch Khmer, diễn ra vào trung tuần tháng 4 Dương lịch. Đây là tháng thứ 5 theo Phật lịch nhưng được dân gian Khmer quan niệm như tháng đầu tiên trong năm.
---
Theo nông lịch Khmer, đây chính là giai đoạn nông nhàn gần như tuyệt đối, vì là cao điểm của mùa khô, lúa mùa đã thu hoạch xong, mọi hoạt động trồng trọt, chăn nuôi đều tạm dừng lại để chờ những cơn mưa đầu mùa.
Do mang ý nghĩa chào đón mùa mưa và mùa màng mới và là lễ hội lớn nhất trong năm nên ngày xưa Tết Năm mới của đồng bào Khmer kéo dài từ 10-15 ngày. Những thập niên gần đây, trong xu thế đơn giản hóa lễ hội nói chung, lễ hội này chỉ còn 3 ngày (chưa kể công việc chuẩn bị trong nhiều ngày trước đó).
Nếu như tiết thanh minh là dịp người Việt và Hoa hướng về quá khứ để tưởng nhớ tổ tiên và thân nhân đã khuất, chăm sóc, sửa sang mồ mả thì đồng bào Khmer tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây với tâm thức vừa hướng về quá khứ vừa hướng tới tương lai.
Trong khi người Việt và Hoa ăn Tết Năm mới vào lúc kết thúc vụ mùa thì đồng bào Khmer lại ăn Tết Năm mới vào lúc chuẩn bị khởi đầu vụ mùa.
Đối với người Khmer, ngoài ý nghĩa đón mừng Năm mới, Tết Chôl Chnăm Thmây còn có ý nghĩa chấm dứt thời kỳ nắng hạn, bước sang thời kỳ có nước trời dồi dào để chuẩn bị cho vụ làm mùa mới.
Điều này thể hiện cá tính chất phác mà phóng khoáng, lạc quan cao độ, sẵn sàng vượt qua khó khăn, luôn hướng tới tương lai của đồng bào Khmer.
---
Theo lệ gần đến ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, bà con dân tộc Khmer lo chuẩn bị chu đáo, trước hết là việc ăn, mặc, ở. Các cháu nhỏ được ông bà, cha mẹ ưu tiên sắm những bộ quần áo mới để đi lễ chùa và đi chơi tết với bạn bè.
Để chuẩn bị cho việc ăn uống, đãi khách, dâng cho nhà chùa, gia đình nào cũng lo chà gạo để sẵn, làm bánh, chuẩn bị thịt heo, gà, vịt... Nước sinh hoạt cũng được gánh đổ đầy ghè, đầy chum.
Mọi người sửa sang bàn thờ Phật, trang hoàng nhà cửa, quét dọn sân nhà, giẫy cỏ đường đi, kết cổng chào... Mọi công việc ruộng rẫy đều dừng lại.
Trong đêm giao thừa, trên bàn thờ của mỗi nhà đều bày cỗ, gồm 5 nhánh hoa, 5 chiếc đèn cầy, 5 cây nhang, 5 hạt cốm và nhiều loại hoa quả.
Cha mẹ, ông bà tập hợp con cháu, ngồi xếp chân về một phía trước bàn thờ tổ tiên, đốt nhang đèn, vái ba vái để tiễn đưa Têvôđa cũ và rước Têvôđa mới, mong được ban phúc lành.
Họ tin rằng Têvôđa là vị thần được trời sai xuống chăm sóc dân chúng trong thời hạn một năm, hết thời gian này sẽ có vị thần khác xuống thay thế.
Đối với người Khmer, chùa là nơi tôn nghiêm và cũng chính là ngôi nhà chung của cả cộng đồng. Vì vậy tất cả các lễ hội đều tập trung tại chùa, đặc biệt là lễ đón Tết Chôl Chnăm Thmây.
---
- Ngày thứ nhất - Chôl Sangkran Thmây: lễ rước “Maha Sangkran mới” hay còn gọi là lễ “rước Đại lịch.”
Trong ngày Tết đầu tiên, người Khmer sẽ chọn giờ tốt nhất trong ngày, tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, trang trọng và lịch sự, mang theo lễ vật nhang đèn vào chùa làm lễ rước Đại lịch “Maha Sangkran,” đồng thời diễu hành 3 vòng xung quanh chính điện để đón chào Têvôđa.
Dưới sự hướng dẫn nghi lễ của vị Achar (cư sĩ thành viên ban quản trị chùa) được tôn kính nhất trong chùa, tất cả cùng cầu nguyện, mong Năm mới Têvôđa về hộ trì cho mọi người luôn được ấm no, hạnh phúc. Sau đó là lễ Phật.
Tối đến các trò chơi dân gian cùng các vũ điệu như hát, múa dukê, robăm, ramvông... được mọi người thưởng ngoạn và tham gia rất náo nhiệt.
---
- Ngày thứ hai - Wonbơf (năm nhuận tổ chức 2 ngày): lễ “dâng cơm” và “đắp núi cát.”
Mọi người lên chùa làm lễ dâng cơm sáng và trưa cho các vị sư. Theo phong tục của người Khmer, vào các ngày lễ, Tết, mọi người tỏ lòng thành tâm tín ngưỡng bằng cách mang cơm, thức ăn và các loại bánh đến cho các sư sãi.
Đáp lại, các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn những người đã làm ra hạt gạo, đã trồng trọt, chăn nuôi, tạo cho cuộc sống ấm no, đầy đủ. Sau khi làm lễ đưa thức ăn đến cho linh hồn những người đã khuất, các nhà sư làm lễ chúc phúc cho những người đã có lòng mang lễ vật đến cúng chùa.
Buổi chiều theo sự hướng dẫn của vị Achar người ta làm lễ “Đắp núi cát” (Puôn phnôm khsach) ngay tại khuôn viên chùa để mong gặp được điều lành. Tập tục này gắn với thuật cầu mưa của người xưa.
---
- Ngày thứ ba - Lơm săk: còn gọi là ngày Lễ tắm Phật.
Vào ngày này, các phật tử Khmer mang thức ăn và hoa quả đến chùa từ sớm để dâng cho các vị sư. Sau khi thọ thực xong, thì các nghi lễ tắm Phật chính thức bắt đầu.
Các nhà sư dùng những cành hoa để vẩy những giọt nước tinh khiết có ướp hương hoa thơm ngát lên tượng Phật. Trong làn khói hương, người Khmer thành tâm khấn nguyện cầu mong Trời Phật gia hộ cho dân làng được dồi dào sức khỏe, ruộng rẫy tốt tươi và được mùa. Họ cũng cầu Têvôđa hộ trì cho phum, sóc an lành, mọi người tai qua nạn khỏi và đạt thành những điều ước nguyện.
Tiếp theo đó là lễ Băngskôl (cầu siêu). Các vị sư được mời đến tháp lưu giữ hài cốt của những người quá cố để cầu kinh cho linh hồn họ được siêu thoát.
Đến trưa mọi người về nhà làm lễ tắm tượng Phật thờ trong từng gia đình, rồi chúc mừng ông bà, cha mẹ và dâng bánh để tạ ơn. Cũng có khi họ tổ chức lễ tắm ông bà, cha mẹ, gọi là để báo hiếu.
Trong ba ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, bà con còn đi thăm hỏi, mừng tuổi Năm mới cho nhau, chúc nhau sức khỏe, cuộc sống yên vui, phát đạt. Tối đến, nhiều hoạt động như thả diều, đánh quay lửa...; các cụ già kể chuyện thần thoại, cổ tích cho con cháu; thanh niên trai, gái tham gia các cuộc hát đối đáp aday, hát dukê, diễn roban, múa ramvông, romxaravan, múa trống xàdăm...
Ngoài dấu ấn Phật giáo đậm nét, Tết Năm mới của đồng bào Khmer còn thấy dấu ấn của đạo Bàlamôn qua việc người dân rất chú trọng cúng dường chư thiên bằng nhiều món hoa quả khác nhau theo từng ngày trong 3 ngày Tết này.
Đây cũng là dịp đồng bào tưởng nhớ và cúng bái tổ tiên, cúng dường các sư và thỉnh các nhà sư tụng kinh nơi tháp cốt để cầu siêu cho người thân đã khuất.
---
Hàng năm, ngoài lễ hội Chôl Chnăm Thmây, đồng bào Khowme ở Nam bộ còn có các lễ hội chính là lễ Sen Dolta; lễ Ok Om Bôk và lễ hội đua ghe Ngo.
1. Lễ hội Ok Om Bôk: Tiếng Khmer có nghĩa là Đút cốm dẹt, còn có tên khác là lễ Cúng Trăng.
Lễ hội được tổ chức vào ngày rằm tháng 12 theo Phật lịch Khmer, tương ứng tháng 10 âm lịch. Người Khmer tổ chức lễ hội Ok Om Bôk để tỏ lòng biết ơn vị thần đã làm cho mùa màng tốt tươi, mang lại lương thực dồi dào cho con người.
Đặc điểm của nghi lễ này là sự có mặt của những em nhỏ được người ta lấy những hạt cốm dẹt đút vào miệng để “lấy khước.”
.
2. Lễ hội Đua ghe Ngo: được tổ chức ngay sau đêm lễ hội Cúng Trăng. Đây là một sinh hoạt văn hóa, thể thao tưng bừng và náo nhiệt nhất, được chuẩn bị khá công phu, có sức hút hàng chục vạn người tham gia hưởng ứng một cách cuồng nhiệt.
Ghe Ngo, tiếng Khmer là “Tuk Ngo”, một loại thuyền độc mộc khoét từ thân cây gỗ tốt, ra đời từ nhiều thế kỷ trước đây. Đây là một loại ghe đua đặc trưng của người Khmer Nam bộ.
Tương truyền, ghe Ngo tượng trưng cho sức mạnh và sự hung dữ. Ghe Ngo đã từng là phương tiện trong các cuộc thủy chiến, nên đua ghe Ngo được coi như môn thể thao quân sự.
3. Lễ hội Sen Dolta: còn gọi là lễ cúng ông bà, được tổ chức trong suốt ba ngày, từ 29/8 cho đến 1/9 âm lịch hàng năm.
Trước ngày lễ chính thức, đồng bào Khmer cùng nhau đến chùa hàng đêm để nghe thuyết pháp vào buổi tối và tổ chức đặt cơm nếp vắt (Bos Bai Ben) vào rạng sáng hôm sau nhằm hồi hướng quả phúc đến ông bà, tổ tiên và những người đã khuất.
Cơm nếp vắt được đặt trong mâm, cùng với bánh trái, thức ăn được đưa lên chánh điện và nhận được sự tung kinh cầu phúc của sư sãi rồi mới tiến hành lễ đặt cơm nếp vắt.
---
Đồng bào dân tộc Khmer sống tập trung tại 9 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gồm Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Hậu Giang và Cần Thơ. Một bộ phận đồng bào Khmer sống ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ với tổng dân số khoảng 1,3 triệu người.
Đồng bào dân tộc Khmer có truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động, có ý thức nâng cao dân trí, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, có nền văn hóa phong phú và đa dạng.
Người Khmer biết thâm canh lúa nước từ lâu đời, biết chọn giống lúa, biết làm thủy lợi và lợi dụng thủy triều để thau chua, xổ phèn cải tạo đất. Dưa hấu là cây trồng khá phổ biến ở nhiều địa phương.
Ngoài trồng trọt họ còn chăn nuôi trâu, bò để cày kéo, nuôi lợn, gà, vịt, thả cá và phát triển các nghề thủ công như dệt, gốm, làm đường từ cây thốt nốt. Đồng bào Khmer cư trú xen kẽ với đồng bào Kinh, Hoa trong các phum, sóc, ấp.
Nhà ở của người Khmer được làm rất đơn giản, kiểu mái dài về phía sau, nền đất, mái lợp lá dừa nước, một số ít lợp ngói. Kích thước số đo khi dựng nhà thường dùng con số lẻ như chiều cao 5 m, 7 m, cửa thường quay về hướng Đông.
Hầu hết đồng bào theo đạo Bàlamôn và Phật giáo Nam tông. Toàn vùng có 443 chùa và hơn 9.000 sư sãi. Đồng bào Khmer có truyền thống đoàn kết gắn bó lâu đời với các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, có nhiều đóng góp công sức, xương máu cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đồng bào Khmer có tiếng nói và chữ viết riêng, nhưng cùng chung một nền văn hóa, một lịch sử bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam.
Đảng, Nhà nước ta đã ban hành hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ đồng bộ, ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer.
---
Có thể kể đến Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 14/4/1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI và Thông báo số 67-TB/TW ngày 14/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X “Về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer”; Nghị quyết số 21/NQ- TW của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010” và Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011-2020” nhằm xây dựng tổng thể các chính sách ưu đãi riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng bằng sông Cửu Long, trọng tâm là đồng bào Khmer giai đoạn 2014-2020 và có Chiến lược phát triển toàn diện đối với đồng bào dân tộc Khmer đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới...
Nhờ đó, kinh tế-xã hội và đời sống của đồng bào dân tộc Khmer đã được nâng lên một bước đáng kể. Bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer không ngừng đổi mới và phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, khá bền vững, số hộ nghèo giảm từ 3-5%/năm; trên 99% hộ có phương tiện nghe nhìn, 97% hộ được sử dụng điện lưới, 80% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh. Giáo dục, đào tạo vùng dân tộc không ngừng được đổi mới, trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Các tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đều có trường dân tộc nội trú.
Cùng với đó, việc dạy và học tiếng Khmer cũng được thực hiện tốt. Chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc cũng được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, tạo điều kiện, tạo việc làm...
Từ năm 1991 đến nay, đã có nhiều vị tiêu biểu trong đồng bào Khmer đại diện tham gia Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Sự phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, đã góp phần quan trọng tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Những kết quả trên đã lần nữa minh chứng, tỏ rõ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với Nhân dân cả nước nói chung, đồng bào Khmer Nam Bộ nói riêng. Đồng thời, khẳng định tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa đồng bào dân tộc Khmer, với các dân tộc anh em trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam luôn bền vững./.