Thể thao Việt Nam đứng đầu SEA Games, nhưng còn Asian Games và Olympic?
•29/05/2023 11:11
Nhìn từ SEA Games 32, nhiều vấn đề của Thể thao Việt Nam đã được đặt ra. Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, các nhà quản lý không nên lệ thuộc vào đấu trường SEA Games mà cần tập trung tìm kiếm, đào tạo các tài năng trẻ để tìm cơ hội đua tranh tại những đấu trường lớn hơn.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Thể thao Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng SEA Games dù không được thi đấu trên sân nhà. Điều đó khẳng định sự lớn mạnh của Thể thao Việt Nam, nếu xét trên bình diện khu vực. Nhưng để thoát khỏi định kiến về cái gọi là "vùng trũng" hay "ao làng," Thể thao Việt Nam cần những bước đi căn cơ, bền vững hơn nữa, nhằm hướng tới những mục tiêu cao hơn là Asian Games và Olympic.
VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao - người từng nhiều lần làm Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam, và nhà báo thể thao Minh Chiến, người đã trực tiếp đưa tin về kỳ SEA Games vừa được tổ chức tại Campuchia, để giải đáp những câu hỏi trên.
- Phóng viên: Là một trong những phóng viên có cơ hội tác nghiệp tại Campuchia, nhà báo Minh Chiến cảm nhận thế nào về ngày hội thể thao diễn ra trên "Đất nước chùa tháp"?
- Nhà báo Minh Chiến: Ấn tượng khó quên của các phóng viên tác nghiệp tại SEA Games 32 đến từ sự chu đáo, chào đón nồng hậu của Ban tổ chức nước chủ nhà Campuchia. Ngay từ khi đến sân bay, các phóng viên đã nhận được sự hướng dẫn và giúp đỡ nhiệt tình của các tình nguyện viên. Trong quá trình di chuyển đến các địa điểm tổ chức môn thi đấu, tôi cũng nhận thấy cơ sở vật chất của nước bạn đều rất mới, các dụng cụ, thiết bị phục vụ thi đấu đến các công tác an ninh đều được đảm bảo.
“
Thành tích của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 một lần nữa khẳng định vị thế của chúng ta trên đấu trường thể thao khu vực. Ở các kỳ đại hội thể thao trong quá khứ, Đoàn Việt Nam cũng thường xuyên "về đích" trong Top 3. Điều này thể hiện sự ổn định trong lộ trình phát triển thể thao của nước nhà.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh
Điều ấn tượng hơn cả là người hâm mộ của Campuchia và các nước bạn đều ngồi "chật cứng" tại các nhà thi đấu để cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các vận động viên tại kỳ SEA Games 32.
- PV: Đoàn Thể thao Việt Nam có lần đầu tiên xếp hạng nhất chung cuộc tại một kỳ đại hội thể thao tổ chức ở nước ngoài, tuy nhiên điền kinh và bơi lội mất vị thế số 1 ĐNÁ (ở 2 kỳ SEA Games gần nhất) về tay Đoàn Thái Lan. Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nhìn nhận thế nào về kết quả này?
- Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Thành tích của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 một lần nữa khẳng định vị thế của chúng ta trên đấu trường thể thao khu vực. Ở các kỳ đại hội thể thao trong quá khứ, Đoàn Việt Nam cũng thường xuyên "về đích" trong Top 3. Điều này thể hiện sự ổn định trong lộ trình phát triển thể thao của nước nhà.
Năm 1989 tại Kuala Lumpur (Malaysia), Đoàn Việt Nam tham dự SEA Games với 40 vận động viên và giành được 3 huy chương Vàng. Từ đó đến năm 1997, chúng ta thường xuyên xếp ở top cuối bảng xếp hạng (thứ 7/9 hoặc 7/10 nước tham dự). Việt Nam còn cách khá xa so với những "cường quốc thể thao" lúc bấy giờ là Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Philippines. Ở kỳ SEA Games tại Jakarta (Indonesia) năm 1997, thể thao Việt Nam có bước chuyển mình với thành tích Top 5 toàn đoàn và giành 30 huy chương Vàng. Từ đó các nhà quản lý thể thao Việt Nam có suy nghĩ rằng nếu tổ chức SEA Games tại Việt Nam, chúng ta phải phấn đấu vào Top 3. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chương trình đào tạo vận động viên trong khoảng 6 năm để hướng đến kỳ SEA Games mà chúng ta đăng cai tổ chức tại Việt Nam.
Nhắc lại để nhớ từ những ngày đầu, mục tiêu giành một tấm huy chương của đoàn Thể thao Việt Nam là một nỗi khắc khoải và chúng ta luôn cảm thấy mình bị tụt hậu so với các nước bạn. Đến kỳ SEA Games năm 2003, chúng ta lần đầu tiên xếp thứ nhất toàn đoàn.
Sau đó, chiến lược của thể thao Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo (từ năm 2010 đến năm 2020) được xác định là luôn giữ vững vị trí trong Top 3. Việt Nam đã hoàn thành đúng mục tiêu đề ra tại các kỳ SEA Games tiếp theo, trong đó có 3 lần về nhất và 2 về nhì. Qua đó có thể thấy rằng, Việt Nam đã luôn duy trì sự ổn định qua các kỳ đại hội thể thao trong khu vực. Việc thể thao Việt Nam xuất sắc về nhất tại một kỳ SEA Games tổ chức ở nước ngoài đã khẳng định chúng ta có một bước tiến mạnh mẽ tại đấu trường SEA Games.
Trong lộ trình phát triển của thể thao Việt Nam, chúng ta luôn đặt mục tiêu nâng cao thành tích ở các môn thi đấu ở Thế vận hội Olympic. Trong khoảng 30 môn thi đấu được tổ chức hằng năm tại Olympic, Đoàn Việt Nam thường chỉ có khả năng tham dự từ 17 đến 20 môn, do một số môn (ví dụ như đua ngựa) ở đất nước ta chưa phát triển.
Cụ thể: Điền kinh, Bơi lội, Thể dục dụng cụ, Bắn súng, Cử tạ, Đua thuyền, Bắn cung, Bóng rổ, Bóng chuyền, Bóng bàn, Bóng đá, Tennis, Cầu lông, các môn võ như Judo, Taekwondo, Karatedo... là những môn thể thao mà Việt Nam đã cố gắng tập trung phát triển.
Nếu như trước đây, ở môn Bơi lội chúng ta chỉ có 1 huy chương Bạc tại Kuala Lumpur năm 2001 và 1 huy chương Vàng tại Philippines năm 2005, thì ở Singapore năm 2015, Đoàn Việt Nam đã có đến 10 huy chương môn Bơi; Ở môn Điền kinh: Đến sau năm 2015 thì Đội tuyển Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và dẫn đầu toàn đoàn trong 3 kỳ SEA Games tiếp theo ở nội dung này.
Thể dục dụng cụ trước đây với 1 huy chương Vàng năm 1997 ở Jakarta của vận động viên Nguyễn Thị Nga đã là "thành công vượt kỳ vọng" của Thể thao Việt Nam, nhưng rồi chúng ta cũng đã giành được 11/14 huy chương Vàng trong một kỳ đại hội, và bây giờ chỉ có đội tuyển nam tham gia thi đấu thì chúng ta vẫn giành được 4 huy chương Vàng.
Đó là tiến bộ của Thể thao Việt Nam ở những môn thể thao Olympic, mặc dù ở kỳ SEA Games vừa qua chúng ta gặp phải những bất lợi (do nước chủ nhà loại phần lớn các môn thi đấu Olympic như Bắn súng, Bắn cung, Đua thuyền...) khiến một số nước - trong đó có Việt Nam - không "bung" được hết khả năng của mình tại Đại hội. Do vậy, thành tích của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 càng đáng trân trọng hơn.
Chúng ta cần phải khẳng định rằng, Olympic là một đấu trường đua tranh quyết liệt, và đặc biệt là người Thái Lan rất tôn trọng các môn thể thao tại Thế vận hội. Tôi nhấn mạnh rằng chiến lược sắp xếp các môn thể thao cho Olympic của người Thái Lan là rất rõ ràng. Điều này trái ngược với các nhà quản lý thể thao của các nước khác - đôi khi còn hay cảm ứng như Malaysia thích bóng rổ thì chỉ tập trung vào bóng rổ; hoặc như Indonesia chỉ tập trung vào Cầu lông và Cử tạ...
Nhưng người Thái Lan thì khác - họ có tính toán và chiến lược cụ thể: khi muốn "giành Vàng" tại Olympic ở môn Taekwondo, họ phấn đấu bằng nhiều con đường từ suốt những năm 90 của thế kỷ trước và cuối cùng đã giành được huy chương Vàng Olympic môn Taekwondo.
Trong cuộc đua Olympic, Việt Nam đã có những tiến bộ ở nhiều môn thể thao, trong đó có những nội dung chúng ta đang ở "trình độ châu Á" như môn đua thuyền hay môn đấu kiếm... Thống kê ở SEA Games 32 vừa qua, có khoảng 75% môn thi đấu nằm trong chương trình Olympic. Số huy chương mà Đoàn Thể thao Việt Nam giành được trong các nội dung này chiếm khoảng 52% tổng số huy chương, trong đó số huy chương ở các nội dung lần đầu được (nước chủ nhà Campuchia) đưa vào thi đấu tại Đại hội chiếm khoảng 23%.
Tuy nhiên khi tham khảo ý kiến của các nước, người Thái Lan không đồng ý đưa những môn thi đấu "bản sắc" vào nội dung thi (Thái Lan cũng phản đối việc đưa Vovinam vào nội dung thi đấu).
Ở những môn thể thao không có trong chương trình Olympic nhưng có truyền thống tại châu Á như Wushu, Pencak Silat, Cầu mây... thì chúng ta vẫn giữ được sự ổn định.
Theo quan điểm của tôi về hai nội dung điền kinh và bơi, chúng ta không cần phải duy trì vị trí thứ nhất toàn đoàn, mà cần cố gắng phấn đấu đứng đầu ở những môn trong chương trình Olympic, vì đó là những nội dung các vận động viên sẽ tranh tài tại ASIAD và xa hơn là Olympic. Những môn còn lại dù có đạt thành tích cao cũng chỉ để tranh tài trong khu vực, do đó chúng ta không nên phân tán nguồn lực.
- PV: Nhà báo Minh Chiến đánh giá như thế nào về điểm rơi phong độ của các vận động viên, đặc biệt là các môn điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ khi ASIAD (tháng 9) đã cận kề?
- Nhà báo Minh Chiến: Qua quá trình theo dõi thực tế các vận động viên thi đấu tại SEA Games 32 và sau buổi làm việc với cơ quan truyền thông báo chí thì Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt cho biết các ban huấn luyện của từng bộ môn đã có sự chuẩn bị riêng về chuyên môn, từ đó sẽ chọn điểm rơi tốt nhất cho các vận động viên ở ASIAD. Còn về thành tích thi đấu, chúng ta cần nhìn nhận rằng kết quả còn chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như thời tiết, con người...
Như trường hợp của Đội tuyển Điền kinh Việt Nam thì chúng ta là một trong những số ít đội tuyển không sử dụng vận động viên nhập tịch. Ở kỳ Đại hội lần này, chúng ta có nói đùa rằng Điền kinh Việt Nam gặp "cơn mưa Bạc" (giành 12 huy chương Vàng và 20 huy chương Bạc).
Tuy nhiên nếu nhìn vào thực tế thì ở một số nội dung, vận động viên có thể chuyển hóa từ bạc thành vàng nhưng do nhiều yếu tố mà không thể thành công. Vì vậy, tôi tin rằng ban huấn luyện và những người làm chuyên môn của Đoàn Thể thao Việt Nam đã có những tính toán cụ thể để hướng đến ASIAD sắp tới.
- PV: Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh đánh giá như thế nào về trường hợp của các vận động viên đạt thành tích tiệm cận Olympic tại kỳ SEA Games lần này?
- Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh:
Tổng kết thành tích thể thao trong khu vực thì Thái Lan vẫn là đứng đầu, và mỗi một kỳ ASIAD thì họ thường có từ 7 đến 14 huy chương Vàng, con số tương tự tại Olympic là từ 2 đến 4 huy chương Vàng. Các quốc gia khác như Indonesia, Philippines hoặc Singapore đều có huy chương tại Olympic. Tuy nhiên trong khoảng 30 năm trở lại đây, thành tích của khu vực Đông Nam Á tại các đại hội thể thao châu lục và thế giới luôn là thấp nhất. Thực trạng này phản ánh sự chậm phát triển của thể thao khu vực.
Theo tôi, việc không tiêu chuẩn hóa các môn thi đấu đã cản trở đà phát triển của thể thao trong khu vực. Ngoài ra, lịch thi đấu không nhất quán cũng khiến việc tính toán điểm rơi phong độ của các vận động viên gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là những yếu tố ảnh hưởng khiến vị trí các đoàn trên bảng tổng sắp huy chương không phản ánh đúng tiềm lực thể thao của các nước.
Vì vậy, điều chúng ta cần quan tâm là thành tích của những vận động viên xếp ở vị trí nào so với thành tích cấp châu lục và thế giới. Và đáng buồn là ở SEA Games 32 vừa qua, hầu như không có vận động viên nào của Việt Nam tiệm cận thành tích cấp châu lục. Do đó, việc tranh giành huy chương ở kỳ ASIAD sắp tới là một thách thức rất lớn.
“
Theo nhận định của tôi, Điền kinh, Thể dục dụng cụ, Cử tạ, Bắn súng, Bắn cung, Đua thuyền, Taekwondo và Karatedo là những môn thể thao mà các vận động viên Việt Nam có cơ hội tranh huy chương tại ASIAD sắp tới.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh
Tôi cho rằng các nhà quản lý không nên lệ thuộc vào thành tích ở đấu trường SEA Games mà cần tập trung tìm kiếm những vận động viên trẻ có tài năng, từ đó bồi dưỡng và huấn luyện để họ tranh tài tại các đấu trường châu lục và thế giới.
Theo nhận định của tôi, Điền kinh, Thể dục dụng cụ, Cử tạ, Bắn súng, Bắn cung, Đua thuyền, Taekwondo và Karatedo là những môn thể thao mà các vận động viên Việt Nam có cơ hội tranh huy chương tại ASIAD sắp tới.
- PV: Về chế độ đãi ngộ đối với các vận động viên đạt thành tích cao trong các kỳ đại hội, liệu chính sách hiện nay đã hợp lý để phục vụ cho một chiến lược phát triển thể thao trong dài hạn?
- Nhà báo Minh Chiến: Trước hết, các vận động viên đóng góp thành tích cho Đoàn Thể thao Việt Nam là những cá nhân thuộc các cơ sở, đơn vị chủ quản của họ, mỗi người đều có hợp đồng làm việc (hoặc hưởng các chế độ khác nhau). Do vậy, khi mỗi người đều là một tuyển thủ đại diện cho quốc gia thì họ cũng đã được hưởng các chế độ theo đúng quy định của Nhà nước.
- Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Nước ta có đặc thù là nền thể thao theo chế độ bao cấp - điều này khác với các quốc gia có nền thể thao phát triển trong khu vực là chế độ xã hội hóa. Về vấn đề này, Đảng và Chính phủ nước ta cũng đã chủ trương xã hội hóa thể thao từ rất lâu, tuy nhiên tiến trình xã hội hóa diễn ra rất chậm và Thể thao Việt Nam vẫn phụ thuộc vào ngân sách của Chính phủ, trung ương và địa phương. Qua nhiều năm, tôi nhận thấy hầu hết các nơi đều không đáp ứng được việc phát triển thể thao ở địa phương cũng như trung ương, mặc dù quá trình đó có sự quan tâm rất lớn từ Chính phủ.
Hiện nay trong phạm vi SEA Games, các vận động viên phá kỷ lục sẽ được thưởng 20 triệu đồng; giành huy chương Vàng được thưởng 45 triệu đồng; huy chương Bạc là 25 triệu đồng và huy chương Đồng là 20 triệu đồng. Cần phải nhìn nhận rằng, những năm qua chế độ đãi ngộ dành cho các tuyển thủ quốc gia đã được nâng lên nhiều lần, tuy nhiên theo tính toán của những nhà làm chuyên môn thể thao thì mức nâng đó vẫn không đảm bảo để vận động viên tập trung nâng cao trình độ.
Những năm gần đây, đã có một số môn thể thao tại Việt Nam được xã hội hóa và tranh tài ở các cuộc thi thế giới như môn Golf, Thể thao Điện tử E-Sport hay môn Võ thuật tổng hợp... Theo tôi, các Hiệp hội và Liên đoàn Thể thao phải tập hợp nguồn lực từ những người yêu mến các môn thể thao, và đặc biệt là chúng ta có một tổ chức dẫn dắt, lãnh đạo thể thao là Ủy ban Olympic Quốc gia - có thể hỗ trợ một phần nào đối với một số vận động viên ưu tú.
Tất nhiên, trong giai đoạn các tổ chức xã hội ở nước ta còn chưa phát triển thì nguồn lực từ Chính phủ đã và đang là "bà đỡ" song vẫn cần thu hút thêm các nguồn lực khác từ xã hội.
Hiện nay, nếu không bàn đến tiền thưởng (có thể đến từ nhiều nguồn như Chính phủ, các doanh nghiệp...) thì nguồn lực để phục vụ cho quá trình chuẩn bị, huấn luyện, tham gia các giải đấu của vận động viên Việt Nam vẫn còn thiếu hụt, cần đẩy mạnh huy động nguồn lực của xã hội. Đây là vấn đề mà các nhà quản lý, những người xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách cần phải tập trung để nghiên cứu và giải quyết.
Các vận động viên là những tuyển thủ đã phấn đấu để đưa lá Quốc kỳ tung bay trên đấu trường thể thao khu vực và quốc tế, góp phần làm rạng danh hình ảnh của dân tộc Việt Nam. Đây là vấn đề mà các nhà quản lý thể thao cần lưu tâm, bởi đó là sự tôn vinh, là sự ghi nhận xứng đáng với các vận động viên đại diện cho hình ảnh của quốc gia tại các đấu trường lớn - những điều có ý nghĩa lớn lao hơn là tiền thưởng sau mỗi kỳ Đại hội.
- PV: Xin trân trọng cảm ơn chuyên gia Nguyễn Hồng Minh và nhà báo thể thao Minh Chiến về cuộc trò chuyện này!
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.