Trải qua các thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, đã có hàng triệu cán bộ, chiến sỹ và đồng bào ta anh dũng hy sinh.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị quân đội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai từ rất sớm, ngay trong những năm tháng của chiến tranh và đến nay vẫn tiếp tục thực hiện với quyết tâm chính trị, trách nhiệm cao nhất.
Có lẽ nỗi đau, mất mát lớn nhất đối với nhiều gia đình trải qua chiến tranh là nhận được thông tin của cha, chồng, con, anh, em… qua "Giấy báo tử." Biết bao người mẹ, người cha, người con, anh, em, họ hàng chỉ có một tâm nguyện là tìm được người thân hy sinh trong chiến tranh.
Từ năm 2013 đến năm 2022, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được 19.357 hài cốt liệt sỹ (trong nước là 9.533 hài cốt liệt sỹ, ở Lào là 3.062 hài cốt liệt sỹ, ở Campuchia là 6.762 hài cốt liệt sỹ).
Với đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa,” “Uống nước nhớ nguồn,” Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành liên quan đã triển khai từ rất sớm công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin.
Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 515) được thành lập, nhằm thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ (Đề án 1237) và Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin (Đề án 150).
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân đối với công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ được đẩy mạnh và đạt hiệu quả thiết thực.
Vận động các tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài cung cấp thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ, hỗ trợ và phối hợp tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Các cơ quan tham mưu, chỉ đạo và cơ quan chuyên môn ở các cấp và lực lượng chuyên trách của quân đội làm công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ thường xuyên được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Hoạt động hợp tác quốc tế được mở rộng nhằm cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp tham gia công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.
Cùng với hành trình đi tìm đồng đội ở trong nước, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào và Campuchia cũng được đẩy mạnh.
Để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào và Campuchia, các Đội quy tập: K51 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk), K52 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai), K53 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum) cứ đến mùa khô, khoảng từ cuối tháng 10 đến tháng 11 hằng năm, lại lên đường sang đất bạn thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng.
Từ những nỗ lực bền bỉ, không ngừng nghỉ trên, hàng trăm nghìn gia đình được thăm viếng chăm sóc, đón các anh, các chị trở về sau hàng chục năm khắc khoải, tìm kiếm. Theo thống kê, từ sau chiến tranh chống Mỹ, cứu nước (từ năm 1975 đến 1992), nước ta đã tìm kiếm, quy tập được 767.000 hài cốt liệt sỹ.
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác đền ơn, đáp nghĩa, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 15/5/2013 về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 10/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ; Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 14/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận 217 mẫu hài cốt liệt sỹ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sỹ, phân tích ADN được 23.355 mẫu, lưu trữ tại cơ sở giám định ADN; xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin 4.134 trường hợp.
Bộ Quốc phòng đã chuyển giao hơn 843.000 bản ghi về liệt sỹ; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chuyển giao gần 1.200.000 bản ghi về liệt sỹ, hơn 300.000 bản ghi về mộ liệt sỹ cho Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sỹ.
Các địa phương trên toàn quốc đã cơ bản hoàn thành công tác kết luận địa bàn, một số địa phương đã lập được bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ ở 3 cấp (xã, huyện, tỉnh).
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương đã quản lý địa bàn, thực hiện đúng quy định của Chính phủ về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động đón nhận, bàn giao, truy điệu, an táng hài cốt liệt sỹ; công bố, trả kết quả xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin chặt chẽ, chu đáo, trang nghiêm, đúng quy định, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương.
Kết quả trên tiếp tục khẳng định và thể hiện rõ quyết tâm chính trị, tấm lòng thành kính của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ.
Tuy có nhiều nỗ lực nhưng công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ thiếu thông tin còn gặp nhiều khó khăn, như: số lượng hài cốt liệt sỹ cần tìm kiếm, quy tập và còn thiếu thông tin còn nhiều, trong khi thông tin về liệt sỹ và mộ liệt sỹ lại ít, độ chính xác không cao.
Bên cạnh đó, hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào và Campuchia cũng gặp muôn vàn khó khăn. Tuy được trang bị khá nhiều phương tiện, máy móc hiện đại nhưng trong thực tế bộ đội ta chủ yếu vẫn phải hành quân bộ và đào bới thủ công.
Hiện còn khoảng 180.000 hài cốt liệt sỹ cần phải tìm kiếm, quy tập và khoảng 300.000 mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin. Chính vì vậy, công tác tìm kiếm hài cốt, xác định danh tính liệt sỹ đang chạy đua với thời gian, trong sự mong đợi của thân nhân các liệt sỹ. Bởi hài cốt liệt sỹ tồn tại được trong 40-50 năm là rất khó.
Bởi điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, nhiều sông suối, chủ yếu rừng rậm, núi non hiểm trở; mộ liệt sỹ nằm rải rác, xa khu dân cư, khó phát hiện, phần lớn không có sơ đồ mộ chí, các dấu vết để xác định vị trí mai táng hầu như không còn, nguồn tin thu thập độ chính xác không cao…
Mùa khô trên đất bạn nhiệt độ trung bình từ 38-40 độ C, vào mùa mưa thì mưa mịt mùng, lũ ống, lũ quét bất ngờ, hung dữ.
Trong khi đó, hiện còn khoảng 180.000 hài cốt liệt sỹ cần phải tìm kiếm, quy tập và khoảng 300.000 mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin. Chính vì vậy, công tác tìm kiếm hài cốt, xác định danh tính liệt sỹ đang chạy đua với thời gian, trong sự mong đợi của thân nhân các liệt sỹ. Bởi hài cốt liệt sỹ tồn tại được trong 40-50 năm là rất khó.
Tuy hiện nay việc tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ đã sử dụng phương pháp giám định ADN, nhưng muốn giám định và đối chiếu ADN thì trước tiên phải lấy mẫu phẩm từ hài cốt và thân nhân gia đình liệt sỹ.
Tuy nhiên, nhiều mộ liệt sỹ khi khai quật không thể lấy được mẫu phẩm vì xương đã mủn hết, có những mẫu phẩm của liệt sỹ rõ nhưng thân nhân không còn cho nên cũng đành phải để lại, không đối chiếu được.
Tuy nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin là vô cùng khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành liên quan vẫn nỗ lực tiếp tục tập trung đẩy nhanh các hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.
Thực hiện tốt việc khảo sát, xác minh, kết luận, đảm bảo chặt chẽ, chính xác, nhất là đối với những khu mộ tập thể trong quá trình tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Quản lý chặt chẽ địa bàn, không để xảy ra tiêu cực trong tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin.
Thực hiện có hiệu quả công tác xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, nhất là bằng phương pháp thực chứng. Tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, thực hiện đúng quy trình, bảo đảm khoa học, khách quan, trung thực để xác minh, kết luận thông tin liệt sỹ, mộ liệt sỹ hiệu quả, chính xác.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo các cấp cũng tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp để sớm hoàn thành việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sỹ; kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sỹ, mộ liệt sỹ.
Tăng cường ứng dụng công nghệ mới, kết hợp công nghệ thông tin và công nghệ sinh học; phát huy các sáng kiến trong việc thu thập, tiếp nhận thông tin phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin.
Tại Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ giai đoạn 2017-2022, ngày 31/3/2023, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Ban Chỉ đạo quốc gia 515 đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2023-2030, trong đó xác định: tiếp tục tăng cường phối hợp giữa Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Ban Chỉ đạo quốc gia 515; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị với các cấp hội, hội viên cựu chiến binh về nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin.
Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 14/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo, cũng đặt ra mục tiêu là xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định ADN với số lượng 20.000 mẫu hài cốt liệt sỹ; phấn đấu xác minh, kết luận 60% mộ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sỹ bằng phương pháp thực chứng.
Từ năm 2031 trở đi, tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đến khi không còn thông tin về hài cốt liệt sỹ, mộ liệt sỹ; tiếp tục xác định danh tính hài cốt liệt sỹ đối với mộ liệt sỹ còn thiếu thông tin.
Với tất cả trách nhiệm và sự tri ân đối với những người đã hy sinh vì đất nước, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin vẫn đang được tiếp tục đẩy mạnh và nhanh, đáp ứng sự mong mỏi của thân nhân các gia đình liệt sỹ./.