Với quyết tâm hướng tới “Net Zero,” Tập đoàn TH (đơn vị sở hữu thương hiệu TH true MILK) là một trong những doanh nghiệp tiên phong đồng hành, ủng hộ thông điệp của Chính phủ Việt Nam “Cam kết đi đôi với hành động” trong quá trình thực hiện các mục tiêu chống biến đổi khí hậu đã cam kết tại COP26.
Với quyết tâm hướng tới “Net Zero” Tập đoàn TH (đơn vị sở hữu thương hiệu TH true MILK) là một trong những doanh nghiệp tiên phong đồng hành, ủng hộ thông điệp của Chính phủ Việt Nam “Cam kết đi đôi với hành động” trong quá trình thực hiện các mục tiêu chống biến đổi khí hậu đã cam kết tại COP26.
Để rõ hơn về định hướng phát triển xanh bền vững nói trên, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với ông Vijay Kumar Pandey - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH, người đã có hơn 10 năm gắn bó cùng Anh hùng Lao động Thái Hương - Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược của Tập đoàn TH - trong việc gây dựng và phát triển Cụm trang trại bò sữa công nghệ cao khép kín đạt Kỷ lục lớn nhất Thế giới.
- Xin chào ông Pandey, chúng tôi được giới thiệu rằng ông đã có hơn 10 năm gắn bó với dự án sữa tươi sạch TH true MILK ở Việt Nam. Hẳn có lý do đặc biệt cho sự gắn kết ấn tượng giữa một người lao động nước ngoài với một doanh nghiệp Việt Nam chứ thưa ông?
Ông Vijay Kumar Pandey: Tôi là một trong những chuyên gia nước ngoài đầu tiên tham gia vào dự án này của Tập đoàn TH. Gần 12 năm trước, một người bạn đang làm việc tại Việt Nam đã chia sẻ với tôi về khát vọng của doanh nhân Thái Hương khi bắt tay vào dự án sữa tươi sạch TH true MILK.
Chính vì bước vào lĩnh vực hoàn toàn mới nên Nhà sáng lập đã chủ động mời nhiều chuyên gia quốc tế tư vấn và triển khai thực hiện. Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên đến Việt Nam và gặp bà Thái Hương.
Hôm ấy, bà đã giới thiệu về bản thân, về quan điểm làm việc, quan điểm sống rồi mới đến dự án. Bà mời tôi một cốc nước chè xanh - đó là lần đầu tiên trong đời tôi uống chè xanh - cũng là lần đầu tiên trong đời tôi biết đến một loại thức uống tuyệt diệu như thế.
Tôi đã hỏi người phụ nữ đang phỏng vấn mình rằng bà mong muốn dự án này sẽ phát triển thế nào? Và mục tiêu của nhà đầu tư đối với dự án này là gì?
Rất thẳng thắn, bà nói về kế hoạch của mình với tình yêu và trách nhiệm của một người làm mẹ. Qua cách chia sẻ, tôi nhận mình đang đối diện với một người hết sức chu toàn, lên kế hoạch cẩn thận và tỉ mỉ để đảm bảo dự án sẽ thành công.
Trong cuộc trò chuyện đầu tiên ấy, bà đã hỏi liệu tôi có thể làm gì, đóng góp gì cho dự án với nguyên tắc “Trân quý Mẹ Thiên nhiên,” bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp và cộng đồng? Tôi đồng ý làm việc cho bà ở Tập đoàn TH ngay sau khi tiếp nhận thông điệp đó.
Vậy nên, nếu bạn băn khoăn về lý do cho sự gắn kết đã trở thành sự nghiệp lớn trong đời tôi - một người lao động nước ngoài với một doanh nghiệp Việt Nam, phải nói rất thật, cách Nhà Sáng lập quan tâm đến con người, đến đất nước, đến môi trường… chính là nguyên nhân khiến tôi muốn học hỏi và gắn bó, phát triển cùng TH true MILK.
- Chắc hẳn ông sẽ vui lòng chia sẻ cụ thể hơn nữa về con đường nhất quán để TH hướng đến mục tiêu NET ZERO cùng Chính phủ Việt Nam chứ?
Ông Vijay Kumar Pandey: Các bạn hẳn sẽ bất ngờ khi biết rằng, hiện nay, tại cụm trang trại của TH ở Nghệ An, nguồn phát thải lớn nhất là nước thải ra môi trường. Tuy nhiên, chúng tôi rất tự hào về hệ thống xử lý nước thải đã được đầu tư bài bản, với công nghệ cực kỳ hiện đại, quy mô lớn.
Nước thải trong quá trình chăn nuôi của TH luôn được thu gom bằng hệ thống đường ống khép kín để dẫn về Nhà máy xử lý nước thải. Sau 20 ngày xử lý, chúng tôi đã hoàn toàn “bẻ gãy” tác nhân gây ô nhiễm và đưa chất lượng nước xử lý đạt đến tiêu chuẩn QCVN cột A của Việt Nam, để được trở về với môi trường tự nhiên.
Nếu có cơ hội, chúng tôi luôn sẵn lòng mời công chúng đến với trang trại hạnh phúc của TH để tận mắt chứng kiến TH đã hiện thực hóa mô hình kinh tế tuần hoàn sắc nét ra sao. Ở TH, mọi phế phụ phẩm và rác thải của quy trình này luôn trở thành nguyên liệu đầu vào cho một quy trình khác. Ở đó, vòng đời của vật liệu được duy trì lâu nhất có thể trước khi thải ra môi trường, từ đó phát thải được giảm thiểu.
Chẳng hạn, phân bò tại trang trại của TH hiện đã trở thành nguyên liệu đầu vào của nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh cũng như là nguồn nguyên liệu quý để tái tạo thành nệm chuồng cho bò nằm… Ở TH bây giờ, phân bò được ví von là tài nguyên quý!
Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ với thương hiệu Greenma của chúng tôi rộng 4,2 ha với sản lượng đạt khoảng 150.000 tấn/năm, không những để phục vụ nhu cầu sử dụng của riêng Tập đoàn mà chúng tôi đã bắt đầu bán ra thị trường sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh dạng nén. Hiện tại ở Việt Nam mới chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất được sản phẩm này và Việt Nam đang phải nhập khẩu phân hữu cơ dạng nén từ các nước Nhật Bản, Bỉ, Hà Lan… có giá rất cao. Vì vậy, trong tương lai, đây sẽ là sản phẩm có giá trị cạnh tranh cao của Tập đoàn. Từ đây, TH tự hào là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam đang vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer: Trồng trọt - thực phẩm - chăn nuôi - phân bón hữu cơ).
- Việc thực hiện mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Tập đoàn TH có những thuận lợi và khó khăn như thế nào?
Ông Vijay Kumar Pandey: Để thực hiện kinh tế tuần hoàn, chúng ta cần đầu tư nhiều công nghệ cao. Ví dụ như hệ thống xử lý nước thải, nhà máy sản xuất phân vi sinh - “bẻ gãy” ô nhiễm,… chúng tôi phải đầu tư kinh phí rất lớn. Tuy nhiên, có một khó khăn, đó chính là công nghệ, vì đôi khi có tiền cũng không tìm được đúng công nghệ để xử lý được vấn đề. Quy mô của TH là rất lớn, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Vì thế, cùng với việc mang những công nghệ hàng đầu thế giới về Việt Nam, tập thể cán bộ nhân viên TH luôn nỗ lực nghiên cứu, đầu tư để không chỉ làm chủ mà còn sáng tạo được các công nghệ, giúp giải bài toán kinh tế xanh của mình.
- Ai cũng biết con đường hướng đến NET ZERO không đơn giản chỉ là giảm phát thải ròng carbon về con số 0. Con đường ấy còn là hành trình hướng con người đến lối sống cân bằng, bền vững với hệ sinh thái. TH ngoài ứng dụng công nghệ để đạt được những thành tựu giảm phát thải thì còn có những tác động gì lên chính tư duy, hành động của con người ở TH không thưa ông?
Ông Vijay Kumar Pandey: Những ngày tôi mới đến làm việc tại TH, bà Thái Hương đã xây dựng được một hệ sinh thái bao gồm những chuyên gia hàng đầu thế giới trong ngành chăn nuôi bò sữa, ngành công nghiệp thực phẩm tới từ Isreal, Newzeland, Hà Lan… Họ thực sự là chuyên gia của các chuyên gia. Lực lượng lao động Việt Nam có cơ hội được làm việc, được tiếp xúc, được chuyển giao công nghệ và học tập từ những con người có chuyên môn, tư duy lao động và lối sống bền vững hàng đầu thế giới ấy. Hơn 10 năm sau nhìn lại, những nhân sự người Việt tại TH thực sự đã trở thành những con người cực kỳ mạnh mẽ và chuyên nghiệp. Hiện nhiều người thậm chí còn làm tốt hơn cả những chuyên gia đã đào tạo mình.
Họ vận hành những trang trại với quy mô lớn và chất lượng mà rất ít trang trại trên thế giới có được. Một quản lý trại ở TH sẽ quản lý khoảng 10.000 - 12.000 “cô bò” - đây là quy mô hiếm có trên thế giới.
Đặc biệt, TH có đội ngũ kỹ thuật viên thiết bị và bảo trì trang trại - những người có khả năng nắm trong tay các công nghệ hàng đầu trên thế giới. Họ đã hoàn toàn làm chủ để vận hành, sửa chữa, phát triển các hệ thống máy móc, công nghệ tiên tiến. Chúng tôi có phòng thí nghiệm hiện đại nơi có thể thực hiện các phân tích, xét nghiệm và kỹ thuật tạo phôi cực kỳ phức tạp… Tất cả những công việc chuyên môn cao như vậy, kỹ thuật viên người Việt đều đang triển khai rất tốt.
Chúng tôi coi giảm phát thải, hướng đến NET ZERO là KPI, là nhiệm vụ cho từng đơn vị thành viên cụ thể. Hơn 10.000 người lao động của TH đang cảm thấy hạnh phúc hơn mỗi ngày khi có thể giảm một túi nylon, giảm đồ nhựa dùng một lần hay tái chế chiếc bao bì trở thành vật dụng hữu ích cho sinh hoạt hằng ngày.
Ở TH, chúng tôi khuyến khích người lao động đóng góp ý tưởng sáng tạo vì môi trường. Và tập thể sẵn sàng dành thời gian để hiện thực hóa sáng kiến đó trong quá trình làm việc. Có thể kể ngay đến những hoạt động tiêu biểu như chúng tôi thu gom pin tại văn phòng; bảo tồn đa dạng sinh học tại các trang trại, nhà máy. Chúng tôi cũng phát động các chương trình: không plastic trong văn phòng, tái chế để phát triển bền vững; phát triển Quỹ cây xanh của người TH. TH cũng là thành viên sáng lập của Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Viet Nam); Liên minh Doanh nghiệp Vì môi trường Việt Nam (VB4E)...
Tại Nhà máy sữa, sáng kiến ứng dụng công nghệ đóng gói để đi đến bỏ màng co nhỏ xíu trên nắp chai nhựa đã giúp chúng tôi giảm tới 40 tấn nhựa/năm. Ứng dụng nghệ mới còn cho phép chúng tôi sản xuất ra những chiếc chai nhựa nhẹ hơn, mỏng hơn, ít nhựa hơn. Đồng bộ các giải pháp giảm nhựa đã giúp toàn Tập đoàn giảm tới hơn 600 tấn nhựa/năm.
Năm 2022, việc cắt giảm phát thải của Tập đoàn đã gặt hái được những thành tựu khả quan, khi hệ thống trang trại của TH giảm trung bình hơn 20% lượng phát thải/đơn vị sản phẩm, vượt kế hoạch đề ra. Theo đó, bình quân phát thải trên 1 đơn vị sản phẩm của Tập đoàn TH đã giảm xuống đến mức 0,103 kg CO2, thấp hơn nhiều so với các nhà máy sữa khác trong khu vực Đông Nam Á.
Đó chính là sự thể hiện của “Cam kết đi đôi với hành động” ở TH.
Sau gần 15 sinh sống và làm việc, tôi đã coi TH là gia đình thứ hai của mình. Vậy nên đương nhiên rồi, tôi sẽ luôn đồng lòng, chung tay để TH đúng nghĩa là “Tập đoàn doanh nhân yêu nước” như đã thể hiện trong tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp, và cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong các mục tiêu kinh tế cũng như phát triển bền vững, mà tiêu biểu trong đó là cam kết NET ZERO. Chúng tôi tin việc TH và các doanh nghiệp khác sẵn sàng hành động cùng Chính phủ sẽ góp phần giúp Việt Nam được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả: Hùng Võ