cover_unclos.jpg

Ngày 10/12/1982, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) chính thức được ký kết. 40 năm qua, UNCLOS 1982 không chỉ là một văn kiện pháp lý quốc tế có giá trị phổ quát, giúp các quốc gia thiết lập được trật tự pháp lý toàn diện, công bằng, hòa bình trên biển, mà còn có giá trị hướng về tương lai, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của nhân loại.

UNCLOS 1982 đã thể hiện vai trò như một bản Hiến pháp của đại dương trong việc điều chỉnh quy chế pháp lý các vùng biển cũng như đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các quốc gia trong khai thác và sử dụng biển, đáp ứng sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế về việc thiết lập một trật tự pháp lý mới trên biển, đồng thời, dung hòa được quyền và lợi ích giữa các quốc gia.

Nguyên tắc của UNCLOS 1982

Ngày 30/4/1982, Hội nghị của Liên hợp quốc về Luật Biển lần thứ 3 đã thông qua được một Công ước mới, gọi là UNCLOS năm 1982, với tỷ lệ 130 phiếu thuận, 4 phiếu chống, 17 phiếu trắng và 2 nước không tham gia bỏ phiếu.

Sau đó, ngày 10/12/1982, tại Vịnh Montego (Jamaica), 117 đoàn đại biểu quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã chính thức ký Công ước.

Ngày 16/11/1994, một năm sau khi có đủ 60 quốc gia thành viên phê chuẩn, UNCLOS năm 1982 đã chính thức có hiệu lực. Đến thời điểm này, đã có 168 thành viên (gồm các quốc gia, vùng lãnh thổ và thể chế) tham gia Công ước.

40 năm qua, UNCLOS 1982 không chỉ là một văn kiện pháp lý quốc tế có giá trị phổ quát, giúp các quốc gia thiết lập được trật tự pháp lý toàn diện, công bằng, hòa bình trên biển, mà còn có giá trị hướng về tương lai, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của nhân loại.

Ngày 16/11/1994, một năm sau khi có đủ 60 quốc gia thành viên phê chuẩn, UNCLOS năm 1982 đã chính thức có hiệu lực. Đến thời điểm này, đã có 168 thành viên (gồm các quốc gia, vùng lãnh thổ và thể chế) tham gia Công ước.

UNCLOS 1982 được xây dựng theo nguyên tắc “cả gói” (package deal), bao gồm tất cả mọi khía cạnh liên quan đến Luật Biển. UNCLOS 1982 bao gồm 17 phần với 320 điều khoản, 9 phụ lục, 4 nghị quyết kèm theo, chứa đựng 1.000 quy phạm pháp luật quốc tế.

Đây là một văn kiện pháp lý quốc tế tổng hợp, toàn diện, bao hàm tất cả những nội dung quan trọng nhất trong luật pháp và thực tiễn quốc tế về biển và đại dương thế giới.
UNCLOS 1982 là bản Công ước về Luật Biển hoàn thiện nhất và bao quát nhất cho đến nay của cộng đồng quốc tế, xác định những quy chế pháp lý của hầu hết các bộ phận thuộc biển và đại dương.

Đây được xem là một bản hiến pháp mới về biển của cộng đồng quốc tế, ấn định các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia, xác lập một trật tự pháp lý mới trên biển, đóng góp quan trọng vào tiến trình pháp điển hóa Luật Biển quốc tế.

ttxvn_1412luatbien6.jpg
Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres phát biểu tại phiên họp chính thức kỷ niệm 40 năm ngày thông qua Công ước LHQ năm 1982 về Luật biển (UNCLOS). (Ảnh: TTXVN phát)

Các nguyên tắc của Luật Biển quốc tế được quy định trong UNCLOS 1982 bao gồm: nguyên tắc tự do biển cả; nguyên tắc đất thống trị biển; nguyên tắc sử dụng biển cả vì mục đích hòa bình; nguyên tắc vùng và tài nguyên thuộc vùng là di sản chung của nhân loại; nguyên tắc bảo vệ và khai thác hợp lý các sinh vật sống trên biển; nguyên tắc bảo vệ môi trường biển; nguyên tắc công bằng.

Điểm đặc biệt của UNCLOS 1982

UNCLOS năm 1982 đã tạo dựng một khuôn khổ pháp lý công bằng, hài hòa lợi ích của các nhóm nước khác nhau, như giữa những nước có biển và không có biển hoặc gặp bất lợi về mặt địa lý, giữa nước phát triển với các nước đang phát triển và kém phát triển.

Lần đầu tiên, UNCLOS năm 1982 đã hoàn chỉnh các quy định về xác định ranh giới các vùng biển từ nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, biển cả và vùng đáy biển quốc tế.

ttxvn_1412luatbien7.jpg
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam Đặng Hoàng Giang phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN phát)

Đặc biệt, chế độ vùng đặc quyền kinh tế ra đời là kết quả của việc bảo vệ các đặc quyền về kinh tế của các quốc gia đang phát triển và các quốc gia mới giành được độc lập trong phong trào giải phóng dân tộc vào những năm 60 của thế kỷ XX.

Đây là chế định pháp lý lần đầu tiên được quy định có tính tới đặc thù phân bổ tự nhiên của các tài nguyên sinh vật biển trong phạm vi 200 hải lý và thiết lập công bằng cho tất cả quốc gia, loại trừ các quy định dựa trên quyền đánh bắt cá truyền thống, lịch sử do các quốc gia có điều kiện khoa học-kỹ thuật phát triển thiết lập kể từ trước khi Công ước ra đời.

Với thềm lục địa, UNCLOS năm 1982 quy định các tiêu chí xác định ranh giới thềm lục địa dựa trên các tiêu chí khách quan về mặt địa lý trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc đất thống trị biển. Thềm lục địa là một khái niệm địa chất, là phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của các quốc gia ven biển.

Vì vậy, tối thiểu các quốc gia có thể xác định chiều rộng vùng thềm lục địa pháp lý là 200 hải lý kể từ đường cơ sở. Các quốc gia có thềm lục địa tự nhiên rộng hơn 200 hải lý được phép xác định thềm lục địa pháp lý mở rộng.

Đặc biệt, bên cạnh việc kế thừa quy định tự do biển cả, UNCLOS năm 1982 lần đầu tiên xây dựng quy chế pháp lý về vùng đáy biển quốc tế với đặc trưng là di sản chung của nhân loại.

ttxvn_1412luatbien8.jpg

UNCLOS 1982 được xây dựng theo nguyên tắc “cả gói” (package deal), bao gồm tất cả mọi khía cạnh liên quan đến Luật Biển. UNCLOS 1982 bao gồm 17 phần với 320 điều khoản, 9 phụ lục, 4 nghị quyết kèm theo, chứa đựng 1.000 quy phạm pháp luật quốc tế.

Trong đó, Cơ quan quyền lực đáy đại dương (ISA) được thành lập để xây dựng quy chế về khai thác tài nguyên tại vùng đáy biển quốc tế và phân bổ lợi ích công bằng tới các quốc gia thành viên. Hiệp định về thực hiện phần XI cũng đã được ký kết vào năm 1994 để bổ sung vào UNCLOS năm 1982 các quy định cụ thể về quản lý và khai thác vùng đáy biển quốc tế.

Những giá trị bền vững

Với những quy định linh hoạt, sáng tạo, UNCLOS năm 1982 đã tạo ra một cơ chế giải quyết tranh chấp với nhiều tầng nấc, vừa bảo đảm sự linh hoạt, quyền tự do lựa chọn của các bên về biện pháp, cơ quan giải quyết tranh chấp, vừa tạo điều kiện thúc đẩy quá trình giải quyết tranh chấp của các bên.

Đặc biệt, cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS năm 1982 là cơ chế đầu tiên tiên phong quy định quyền đơn phương khởi kiện của quốc gia thành viên ra một cơ quan tài phán quốc tế. Nhờ quy định này, nhiều tranh chấp giữa các quốc gia trên biển đã được giải quyết và thu hẹp bất đồng giữa các quốc gia.

Không chỉ tạo ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện, phổ quát, một cơ chế giải quyết tranh chấp sáng tạo, thúc đẩy hòa bình, ổn định trên biển, UNCLOS năm 1982 còn có những quy định tiến bộ, gắn liền với định hướng quản trị biển và đại dương bền vững, hướng tới tương lai.

1412luatbien1.jpg

Nghĩa vụ hợp tác là tâm điểm của Công ước khi được đề cập tới 60 lần tại 14 điều khoản khác nhau trong Công ước, trong đó có quy định về hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ, gìn giữ môi trường biển, hợp tác nghiên cứu khoa học biển, hợp tác chuyển giao khoa học-kỹ thuật, hợp tác tại vùng biển nửa kín, hợp tác trong trấn áp tội phạm trên biển...

Sau 40 năm được chính thức ký kết, UNCLOS 1982 là một khuôn khổ pháp lý đa phương và toàn diện nhằm giúp các quốc gia khai thác, sử dụng và quản lý biển, đại dương một cách hòa bình, công bằng, bền vững trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của nhau.

Trong vai trò là văn kiện pháp lý quốc tế có giá trị phổ quát, UNCLOS 1982 không chỉ nhằm giải quyết tranh chấp, mà còn kiến tạo cơ chế hợp tác công bằng và hòa bình trong việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên biển, vì sự phát triển bền vững.

UNCLOS 1982 đã và đang là công cụ hữu hiệu, nhằm đáp ứng nhu cầu và quyền lợi chính đáng của các quốc gia. Nó là cơ sở pháp lý quan trọng nhất trong việc đấu tranh và hợp tác, dựa trên hai nguyên tắc cơ bản là tự do biển cả và chủ quyền các quốc gia trên biển.

Sự tham gia của Việt Nam

Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển đảo, Việt Nam đã tích cực tham gia quá trình đàm phán xây dựng UNCLOS.

Sau khi UNCLOS được thông qua, Việt Nam là một trong 107 nước đầu tiên ký và sớm tiến hành thủ tục phê chuẩn. Ngày 23/6/1994, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về việc phê chuẩn UNCLOS.

ttxvn_1412luatbien2.jpg
Các chiến sỹ tuần tra trên đảo Phan Vinh A. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Bằng việc phê chuẩn UNCLOS, Việt Nam đã tỏ rõ ý chí thực hiện các quyền trong các giới hạn cho phép của UNCLOS, có tính đến quyền tự do của các quốc gia khác.

Ngày 21/6/2012, Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội Việt Nam thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013. Luật Biển Việt Nam được xây dựng trên cơ sở các quy định của UNCLOS và pháp luật quốc tế.

Đây là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, cũng như trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến biển đảo nói riêng.

Luật Biển Việt Nam ra đời đã xác lập hành lang pháp lý quan trọng, hay cũng có thể coi là “cánh tay nối dài” của UNCLOS để điều chỉnh các mối quan hệ trên biển và đại dương có liên quan mật thiết tới đất nước.

Luật Biển Việt Nam ra đời là bằng chứng cho thấy Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của UNCLOS. Đây là sự cụ thể hóa các quy phạm pháp lý quan trọng của UNCLOS để tiếp tục góp phần bảo vệ, quản lý các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, chủ quyền an ninh quốc gia trên biển Việt Nam.

Đồng thời, việc thông qua Luật Biển Việt Nam cũng là một bước đi đúng đắn, phù hợp với luật pháp quốc tế, qua đó giúp giải quyết hòa bình những bất đồng, tranh chấp trên Biển Đông./.

ttxvn_1412luatbien10.jpg
Tàu cá hoạt động trên vùng biển Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
UNCLOS 1982 - Khuôn khổ pháp lý đa phương và toàn diện