Thời gian gần đây, ngoài hành vi tham nhũng xảy ra ở khu vực công, hành vi tham nhũng tại khu vực ngoài nhà nước (khu vực tư) bắt đầu được nhắc đến ngày càng nhiều với việc đưa ra xử lý một loạt các vụ án lớn, các đối tượng bị xử lý thuộc khu vực ngoài nhà nước.
Thời gian gần đây, ngoài hành vi tham nhũng xảy ra ở khu vực công, hành vi tham nhũng tại khu vực ngoài nhà nước (khu vực tư) bắt đầu được nhắc đến ngày càng nhiều với việc đưa ra xử lý một loạt các vụ án lớn, các đối tượng bị xử lý thuộc khu vực ngoài nhà nước.
Việc những vụ án lớn, trọng điểm này được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo cho thấy thông điệp rất mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong việc làm trong sạch hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân.
Theo quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện, bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Tham nhũng trong khu vực tư được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó, các chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng là các cá nhân, các doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực tư. Hành vi tham nhũng này bao gồm: Tham nhũng trong hoạt động kinh doanh doanh nghiệp, hành vi tham nhũng của doanh nghiệp câu kết với doanh nghiệp để gây thiệt hại cho bên thứ ba, hành vi tham nhũng gây thiệt hại cho bản thân doanh nghiệp.
Đặc biệt, hiện nay đã xuất hiện tội phạm tham nhũng mới với tính chất hết sức nghiêm trọng đó là tội phạm lừa đảo qua mạng hay các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán (sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán - giao dịch nội gián hay thao túng giá chứng khoán…) diễn ra rất tinh vi, khó phát hiện.
Nạn tham nhũng luôn được coi là một trong những trở ngại lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh trong khu vực ngoài nhà nước vì nó làm tăng chi phí kinh doanh, làm "biến dạng" môi trường cạnh tranh, hạn chế cơ hội đầu tư và gia tăng bất bình đẳng xã hội.
Thực tế, tội phạm tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước sử dụng đa dạng các thủ đoạn tinh vi như: Lợi dụng chức vụ quyền hạn, chi phối hoạt động doanh nghiệp để tham ô, chiếm đoạt, chiếm dụng tài sản của doanh nghiệp, tài sản của Nhà nước; thông đồng, cấu kết với doanh nghiệp khác đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu minh bạch để trục lợi gây thiệt hại cho bên thứ ba; móc ngoặc, cấu kết giữa doanh nghiệp với quan chức có thẩm quyền, nâng đỡ, bảo kê cho doanh nghiệp “thân hữu, sân sau" để trúng thầu, giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh hoặc chiếm đoạt tài sản; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp mình, tổ chức mình vì vụ lợi…
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn “khôn khéo” tận dụng những lỗ hổng trong đầu tư chứng khoán, trong các quy định trong luật đấu thầu, đấu giá tài sản, quản lý sử dụng tài sản công... Đặc biệt là những lỗ hổng trong các quy định về thẩm định giá trong Luật giá và cả những những bất cập, hạn chế trong các quy định về cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động đấu thầu, đấu giá; kiểm soát quyền lực của những quan chức có quyền quyết định trong đấu thầu, đấu giá… tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng “lách luật” để trục lợi hay cấu kết, thông đồng với cán bộ, quan chức bảo kê , sân sau, thiết lập liên minh, “quân xanh, quân đỏ”… trong hoạt động đấu thầu, đấu giá.
Tiêu biểu cho những hành vi tham nhũng thuộc khu vực tư là những vụ đại án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan; đại án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (Công ty AIC) và một số tỉnh thành; đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB; vụ án xảy ra tại các Tập đoàn Tân Hoàng Minh, FLC; các vụ án liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An…
Những Công ty như: Việt Á, AIC, Phúc Sơn, Thuận An… đều có đặc điểm chung là xuất phát từ những doanh nghiệp nhỏ, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã nhanh chóng trở thành doanh nghiệp lớn với số vốn điều lệ lến tới hàng ngàn tỷ đồng. Kết quả điều tra của cơ quan có chức năng cho thấy sự “vươn lên” của các doanh nghiệp này không phải do năng lực của chính mình mà là nhờ vào sự can thiệp, giúp sức của một số quan chức thông qua vỏ bọc “sân sau”…
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đánh giá, trong số các hành vi tham nhũng khu vực tư ít nhiều cũng phải dựa trên một mối liên hệ hoặc sự trợ giúp nào đó từ khu vực công. Doanh nghiệp khó có thể tự mình trục lợi, tham nhũng, chiếm đoạt tài sản của người khác dựa trên vị thế của một mình doanh nghiệp. Nếu không có yếu tố can thiệp bằng một cách nào đó của khu vực công thì những hành vi này chỉ đơn giản là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không được coi là tham nhũng.
Do đó, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng vẫn phải có một mối gắn kết giữa chính quyền, giữa người có chức vụ quyền hạn trong các cơ quan quản lý Nhà nước với đối tượng ở khu vực tư đó để dẫn đến trục lợi. Không chỉ riêng tại Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển cũng có thể xảy ra hiện tượng tìm kiếm đặc lợi, lợi dụng quan hệ thân hữu với các quan chức chính quyền để có lợi thế tiếp cận thông tin hoặc làm cho các quy định của pháp luật được ưu ái trong một bộ phận nhất định. Những nhóm quan hệ như vậy sẽ tạo thế quan hệ “có đi có lại” sẵn có trên thị trường, bền vững, thân thiết.
Tuy nhiên, khi thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng thì sẽ làm đứt gãy các mối giao dịch vốn dĩ đang có sẵn trên thị trường này. Việc bẻ gãy các mối quan hệ thân hữu, các mối quan hệ tham nhũng “bền vững” giữa các đối tượng liên quan sẽ làm cho thị trường có thể ở trong một trạng thái mất cân bằng tạm thời và trong một chừng mực nào đó sẽ gây tác động không nhỏ đến hoạt động kinh tế.
Song, không vì thế mà tạm ngừng, nương nhẹ hoặc làm gián đoạn công tác phòng, chống tham nhũng. Hoạt động kinh tế có thể bị tác động tiêu cực trong ngắn hạn, nhưng sẽ hạn chế tối đa việc trục lợi từ những thông tin thị trường bị “sai lệch”. Về lâu dài, nền kinh tế sẽ có cách thức hoạt động mới, điều chỉnh thị trường phù hợp với thực tiễn theo hướng minh bạch và bình đẳng trước pháp luật./.