Mô hình đào tạo 9+, một mô hình đang thu hút sự quan tâm của phụ huynh, học sinh khi kết thúc chương trình đào tạo trung học cơ sở.
Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 21 ngày 4/5/2023 về đổi mới phát triển giáo dục nghề nghiệp cho đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50-55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Việc thực hiện mục tiêu này đòi hỏi cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong việc thu hút, tuyển sinh, đào tạo học sinh trung học cơ sở vào các trường nghề.
Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn với ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) về mô hình đào tạo 9+, một mô hình đang thu hút sự quan tâm của phụ huynh, học sinh khi kết thúc chương trình đào tạo trung học cơ sở.
- Xin ông cho biết đào tạo hệ 9+ là gì và hệ đào tạo này có tạo ra sự khác biệt thế nào trong tuyển sinh vào các trường nghề?
Ông Phạm Vũ Quốc Bình: Hiện nay, theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được phép vào học trình độ trung cấp, trong quá trình học trình độ trung cấp, học sinh sẽ được học song song khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông: Gồm chương trình 4 môn văn hóa cơ bản hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông. Sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, người học sẽ được học liên thông lên các trình độ cao hơn nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Do quá trình tổ chức học như vậy, hiện nay, nhiều nơi đang gọi tắt là 9+ (đào tạo từ sau lớp 9 lên các trình độ cao hơn).
Tuyển sinh đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học giáo dục nghề nghiệp trong mấy năm gần đây đã có xu hướng tăng mạnh hơn, so với giai đoạn trước thực hiện Luật Dạy nghề trước đây. Đây là tín hiệu đáng mừng do các cơ chế chính sách về học nghề đã được Đảng, Nhà nước quan tâm hơn.
Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 21 ngày 4/5/2023 về đổi mới phát triển giáo dục nghề nghiệp cho đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50-55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Đặc biệt, sự thành công của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong công tác, tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp trong tuyển sinh học nghề; công tác khởi nghiệp, lập nghiệp trong học nghề được đẩy mạnh, dẫn đến sự thay đổi về nhận thức của toàn xã hội, của người dân, phụ huynh học sinh và bản thân học sinh về các lợi ích của học nghề.
- Xin ông cho biết hệ 9+ có những ưu điểm gì so với các hệ đào tạo cùng bậc hiện nay?
Ông Phạm Vũ Quốc Bình: Những ưu điểm nổi bật của học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở khi tham gia học trung cấp trong giáo dục nghề nghiệp so với các hệ đào tạo cùng bậc hiện nay là sự linh hoạt trong việc lựa chọn học kiến thức, học nghề tùy theo nhu cầu và còn được miễn giảm học phí.
Đầu tiên phải kể đến là học sinh được học song song cả phần kiến thức văn hóa trung học phổ thông và phần kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Với các em có nhu cầu học tập ở trình độ cao hơn sẽ được đăng ký học các môn học văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên, được chủ động đăng ký dự kỳ thi quốc gia, nếu kết quả đủ điều kiện tốt nghiệp được cấp thêm cả Bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Bằng trung cấp của nghề đang theo học sau nhiều nhất là 3 năm, tiết kiệm thời gian công, sức và tiền bạc của của gia đình và bản thân...
Ngoài ra, tính tự lập, sáng tạo và môi trường học nghề cho độ tuổi này thu hút sự năng động của đối tượng học sinh này vì vừa được học, vừa được trải nghiệm thực tế, không nhàm chán...
Đặc biệt, chương trình học nay được Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí học nghề theo quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp và Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ về chính sách miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên. Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố, cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn có những chính sách ưu đãi khuyến khích, khen thưởng riêng cho các đối tượng các em học sinh tham gia học trung cấp trong giáo dục nghề nghiệp tùy theo khả năng và điều kiện.
Ưu điểm nổi bật của học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở khi tham gia học trung cấp trong giáo dục nghề nghiệp so với các hệ đào tạo cùng bậc hiện nay là sự linh hoạt trong việc lựa chọn học kiến thức, học nghề tùy theo nhu cầu và còn được miễn giảm học phí.
Các em ra trường sớm, sau đó hoàn toàn có cơ hội quay lại học tập ở trình độ cao hơn, khi đó hiệu quả hơn do đã có kinh nghiệm thực tế.
- Năm nay, các trường nghề tuyển sinh có thay đổi gì về phương thức tiếp cận học sinh, ngành nghề hay chỉ tiêu đào tạo, thưa ông?
Ông Phạm Vũ Quốc Bình: Theo số liệu báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông chiếm khoảng 74,4%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học giáo dục thường xuyên chiếm khoảng 7,9%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chiếm khoảng 7%.
Năm nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tùy theo năng lực và quy mô của trường đã được cấp phép, chủ động trong công tác tuyển sinh và hiện mới bắt đầu vào mùa tuyển sinh của giáo dục nghề nghiệp (do tuyển sinh đại học mới bắt dầu và còn kéo dài...) nên chưa thể tổng kết đánh giá được cụ thể số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đăng ký học nghề. Tuy nhiên, đã có nhiều trường tuyển đủ số lượng học sinh hệ này, thậm chí là còn thừa theo chỉ tiêu đã được cấp phép.
Đến nay, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã tuyển 160 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và 240 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học hệ trung cấp, 500 hệ cao đẳng; trường Cao đẳng nghề Hải Dương tuyển trên 600 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; Trường Cao đẳng Cơ giới Thủy lợi Đồng Nai tuyển hơn 400 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở...
Theo trao đổi với một số trường, các ngành/nghề chính các em đăng ký học nhiều là: Công nghệ thông tin, Công nghệ Ôtô, Du lịch, Logistics, Quản trị kinh doanh...
Do các các quy định về tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cơ bản ổn định, đầy đủ nên đã tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ, da dạng, linh hoạt trong tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh và tuyển theo năng lực, chỉ tiêu đã đăng ký.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận học sinh tới các trường trung học cơ sở đã cơ bản được Ủy ban nhân dân các tỉnh tạo điều kiện chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện các chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương theo Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư.
- Vẫn có ý kiến cho rằng việc cho các em học sinh học nghề từ lớp 10 là còn sớm, ông có nhận định thế nào về xu hướng học nghề từ sớm?
Ông Phạm Vũ Quốc Bình: Ý kiến cho rằng "việc cho các em học sinh học nghề từ lớp 10 là còn sớm" theo quan điểm của tôi là chưa đúng và chưa toàn diện trong góc nhìn về phát triển toàn diện, đúng lứa tuổi cho học sinh ở thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu, trong nền kinh tế số, thông minh hiện nay.
Thực tế Việt Nam vẫn còn đi quá chậm về việc này so với các nước phát triển: Ví dụ ở Nhật Bản, chương trình đào tạo theo Mô hình Kosen được tiến hành cách đây gần 100 năm, thu hút học sinh từ cấp trung học cơ sở, vừa học văn hóa, vừa học nghề, vừa được kích hoạt quan tâm phát triển năng lực sáng tạo, tài năng đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học-kỹ thuật... và thu hút được rất nhiều học sinh. Hiện tại Nhật Bản có đến gần 50 các trường nghề đào tạo cho đối tượng này.
Với tôi xu hướng học nghề từ sớm là hướng tất yếu, phù hợp để cha mẹ học sinh và học sinh được quyền lựa chọn lối rẽ cuộc đời cho tương lai của con em và chính bản thân phù hợp với sở thích, năng lực, điều kiện, hoàn cảnh kinh tế gia đình. Thúc đẩy sự trưởng thành, bản lĩnh và trách nhiệm của học sinh với bản thân, gia đình, cuộc sống và trách nhiệm xã hội, tạo động lực cho khơi mầm sáng tạo và khởi nghiệp cho học sinh. Tạo cơ hội sớm cho sự thành công của các em trên con đường lập nghiệp.
Xu hướng học nghề từ sớm là hướng tất yếu, phù hợp để cha mẹ học sinh và học sinh được quyền lựa chọn lối rẽ cuộc đời cho tương lai của con em và chính bản thân phù hợp với sở thích, năng lực, điều kiện, hoàn cảnh kinh tế gia đình.
- Có nhiều phụ huynh còn lo ngại các em học sinh nếu theo học hệ 9+ thì có được cấp bằng trung học phổ thông hay không và con đường để các em nếu muốn tiếp tục học lên đại học là như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Vũ Quốc Bình: Như đã nêu trên các em được học song song cả phần kiến thức văn hóa trung học phổ thông và phần kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Với các em có nhu cầu học tập ở trình độ cao hơn sẽ được đăng ký học các môn học văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, được chủ động đăng ký dự kỳ thi quốc gia, nếu kết quả đủ điều kiện tốt nghiệp được cấp thêm cả bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng trung cấp của nghề đang theo học sau nhiều nhất là 3 năm học, tiết kiệm thời gian công sức và tiền của của gia đình và bản thân... nên tôi khuyên rằng, các bậc phụ huynh không nên lo lắng về vấn đề nay khi con em chúng ta có đủ năng lực, khả năng học tập và thi đạt kết quả tốt.
Đặc biệt, môi trường học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn coi trọng, quan tâm và định hướng tốt cho mọi học sinh và hiện nay vấn đề công nhận phần kiến thức văn hóa trung học phổ thông và chương trình giáo dục thường xuyên đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 và các văn bản dưới luật do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về vấn đề này.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!