Mega Story

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đưa nông sản Việt vươn tầm, khai phá những “miền giá trị mới”

Hồng Kiều 17/01/2025 14:08

Nhân dịp Xuân mới Ất Tỵ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ với độc giả Báo Điện tử VietnamPlus về một năm đã qua cũng như chiến lược phát triển bền vững của ngành trong tương lai.

kieu-tet-cover.jpg

Năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam đã ghi về đích ấn tượng với kết quả tăng trưởng kỷ lục. Những sản phẩm nông sản chủ lực của đất nước như gạo, càphê, sầu riêng, thanh long… không chỉ giữ vững được chỗ đứng trên các thị trường truyền thống mà còn tìm được cơ hội mới tại những thị trường khó tính như EU và Mỹ. Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân.

Nhân dịp Xuân mới Ất Tỵ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ với độc giả Báo Điện tử VietnamPlus về một năm đã qua cũng như chiến lược phát triển bền vững của ngành trong tương lai.

kieu-titphu1.gif

- Mặc dù bị thiệt hại nặng do bão số 3 (siêu bão Yagi) và mưa lũ sau bão nhưng tốc độ tăng trưởng toàn ngành trong năm 2024 vẫn đạt kết quả cao. Xin Bộ trưởng chia sẻ nguyên nhân để đạt được những thành tựu ấn tượng này?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nói về kết quả thì đầu tiên phải trân quý người nông dân, nhất là những người đã chịu tổn thất nặng nề sau cơn bão số 3 bởi thắng lợi nào cũng có điểm tựa là bà con nông dân. Kết quả ấn tượng của ngành chính là nhờ nỗ lực của hàng chục triệu người nông dân và hàng nghìn doanh nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay các bộ, ngành khác chỉ tạo ra sự kết nối trong chuỗi sản xuất.

Bên cạnh đó, thành quả của ngành trong năm 2024 phải kể đến sự năng động của các địa phương trong việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tư duy này đã bắt đầu thẩm thấu vào sâu trong xã hội, người nông dân biết sản xuất phải theo thị trường và hiểu tư duy kinh tế là tư duy thị trường.

Các địa phương không chỉ có chỉ đạo sản xuất mà đã chú trọng đến kết nối thị trường. Năm 2024, nhiều festival, hội chợ kết nối giao thương đã được tổ chức ở khắp các địa phương, vùng miền từ Sơn La, Hưng Yên, Hải Dương, đến Tây Nguyên, Đông Nam Bộ... Thúc đẩy được thị trường tức là tháo gỡ được cho điểm nghẽn trong sản xuất.

2(1).png

Các địa phương đều năng động và chủ động kết nối thị trường. Nông dân cũng đã hiểu được rằng thị trường rất đa dạng. Mỗi thị trường đều có tiêu chuẩn, điều kiện và hàng rào kỹ thuật riêng. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao hay Bộ Công Thương, các cơ quan xúc tiến thương mại cập nhật các tiêu chuẩn, điều kiện của các thị trường đã kịp thời chuyển về cho các địa phương và bà con nông dân.

Câu chuyện giờ không chỉ đơn giản là chỉ sản xuất và mua bán mà đã định hình được thói quen sản xuất theo thị trường. Chúng ta bán thứ thị trường cần, chứ không phải bán những sản phẩm sản xuất được, tức là đã biến sản phẩm thành thương phẩm.

Kim ngạch 62,5 tỷ USD năm 2024 là thành quả của một hệ sinh thái gắn liền với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, hiệp hội, ngành hàng và người dân để vừa phát triển những thị trường cũ, vừa mở ra những thị trường mới, để chúng ta không gặp rủi ro ở bất cứ thị trường nào.

- Vậy xin Bộ trưởng cho biết ngành nông nghiệp sẽ có chiến lược gì để tiếp tục đưa nông sản Việt Nam ngày càng vươn tầm ra thế giới?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chúng ta đã thắng lợi lớn trong năm 2024 về xuất khẩu nông sản nhưng vẫn còn tiềm ẩn trong đó nhiều rủi ro về thị trường. Có những giá trị lẽ ra chúng ta có thể làm tốt hơn nếu có một hệ sinh thái từ người nông dân tạo ra nông sản tới các doanh nghiệp đều đi cùng nhau để đưa các sản phẩm ra thế giới.

Tôi vẫn hay cảnh báo rằng đừng thấy xuất khẩu được 1, 2 chuyến hàng là chúng ta đã chiếm lĩnh được thị trường. Thị trường rất mênh mông, chúng ta xuất khẩu sầu riêng được thì Thái Lan, Malaysia cũng làm được. Chúng ta trồng bưởi thì các nước khác như Campuchia cũng trồng được bưởi. Nếu chúng ta đi một cách riêng rẽ thì chi phí cao và hình ảnh của nông sản không đánh động được thị trường thị trường mà chỉ mang tính chất đi buôn chuyến nhiều hơn.

Tôi muốn nhấn mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và của ngành nông nghiệp thì cả doanh nghiệp, người nông dân cũng đều phải vươn mình. Chúng ta phải đi cùng nhau để hình ảnh Việt Nam đi tới đâu thì thương hiệu nông sản Việt Nam tới đó, hình ảnh nông sản tốt sẽ góp phần định vị được hình ảnh của Việt Nam là một quốc gia có nền văn minh lúa nước, có ngành nông nghiệp phát triển.

kieu-titphu2.jpg

- Thời gian qua, chúng ta có thêm các sản phẩm nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD. Xin Bộ trưởng chia sẻ về những dư địa để gia tăng giá trị các sản phẩm nông sản trong thời gian tới?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Ngành nông nghiệp còn nhiều khó khăn, nhưng cũng phải lạc quan nhận thấy rằng ngành còn nhiều dư địa để khai thác và tiềm năng phát triển.

Nông nghiệp Việt Nam đang phát triển theo hướng nông nghiệp tuần hoàn nhưng mới chỉ ở giai đoạn sơ khai của việc khai thác giá trị tuần hoàn, mới chỉ tập trung vào sản phẩm chính, bỏ qua các phụ phẩm. Hiện nay, Việt Nam vẫn bán thô hạt gạo, trong khi bên cạnh hạt gạo còn trấu, thân, lá, rễ… trong khi tất cả các sản phẩm đều có thể tạo ra các sản phẩm như giá thể cho cây trồng, viên nén…. hay kết hợp với các chế phẩm sinh học để tạo ra phân bón hữu cơ.

3(1).png

Hay với càphê, hiện nay chúng ta chỉ sử dụng 2% giá trị hạt cà phê là nước uống, còn lại 98% chủ yếu vẫn bỏ đi. Trong khi đó bã cà phê có thể tái sử dụng làm giá thể trồng rau thủy canh, làm phân bón cải tạo đất, thậm chí chế biến thành mỹ phẩm. Nhiều quốc gia đã áp dụng nguyên lý tuần hoàn vào bã càphê, lấy bã càphê trồng nấm, rồi lấy toàn bộ phế phụ phẩm còn lại sau thu hoạch nấm làm thức ăn chăn nuôi.

Những mô hình về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh như vậy buộc chúng ta phải nghĩ khác đi trong công tác chỉ đạo sản xuất. Thay vì bỏ đi và phải tốn thêm công xử lý để bảo vệ môi trường, chúng ta có thể áp dụng nguyên lý tuần hoàn để không bỏ đi thứ gì.

Nếu chỉ nhìn vào kết quả xuất khẩu về sản lượng tức là chúng ta mới chỉ khai phá tầng thấp nhất trong chuỗi giá trị là bán thô sản phẩm. Để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản, ngành nông nghiệp đang dịch chuyển từ bán sản phẩm thô sang bán sản phẩm chế biến. Trong năm 2024, Việt Nam đã ký nghị định thư với Trung Quốc để xuất khẩu một số sản phẩm nông sản đông lạnh và chế biến, đây chính là cách để giúp giá trị nông sản tăng gấp 10, thậm chí 100 lần.

- Năm 2025 là năm cuối thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước do Đại hội XIII của Đảng đề ra. Xin Bộ trưởng cho biết, ngành nông nghiệp đặt ra những mục tiêu, định hướng gì trong giai đoạn mới?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đến thời điểm này, kết quả tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã vượt xa mục tiêu của nhiệm kỳ 2021-2025. Trong năm 2025, ngành nông nghiệp phải định hướng những nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới để tăng tốc, đột phá hơn nữa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới là chúng ta sẽ khai thác thế nào với những gì đang có. Nếu chúng ta chỉ quan niệm nông nghiệp, nông sản là thực phẩm thì nó là tầng thấp nhất trong giá trị. Bất kỳ nông sản nào cũng có thể khai thác giá trị ở nhiều tầng: Thực phẩm, dược liệu, dược phẩm và mỹ phẩm. Việc tập trung vào một tầng giá trị duy nhất sẽ hạn chế tiềm năng phát triển của ngành nông nghiệp. Do đó, ngành nông nghiệp cần khai thác “miền giá trị mới.”

22.png

“Miền giá trị mới" của xuất khẩu nông sản nằm ở việc khai thác giá trị đa tầng: Thực phẩm, dược liệu, dược phẩm và mỹ phẩm. Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản trong việc chế biến và nâng cao giá trị nông sản.

Bên cạnh đó, đã đến lúc nông nghiệp Việt Nam cần “vươn mình ra biển lớn.” Việt Nam có hơn 33 triệu ha đất liền và khoảng 100 triệu ha biển nhưng nông nghiệp trong thời đại mới có lẽ đã đến lúc vượt khỏi địa giới hành chính này.

Chúng ta có thể hợp tác trồng trọt với nhiều quốc gia, gần thì có Lào, Campuchia, xa hơn là các nước châu Phi và một số quốc gia, vùng lãnh thổ đã đến Việt Nam đặt vấn đề hợp tác nông nghiệp. Hay như bà con ngư dân thay vì quanh quẩn trong khu vực Biển Đông và tiềm ẩn nguy cơ bị cảnh báo thẻ vàng IUU, sao không thành lập những đội tàu viễn dương, vượt ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế để tới những quốc đảo ở Thái Bình Dương, nơi có nguồn thủy hải sản trù phú.

Kết nối để tạo ra đa tầng giá trị hơn, tương tự như sản xuất nông nghiệp tuần hoàn chính là biện pháp để Việt Nam không bỏ lỡ thời cơ phát triển. Tôi từng có dịp tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội công du một số quốc gia và nhận thấy rõ rằng nếu chỉ chậm chân chút xíu, nông sản Việt có thể mất luôn cơ hội mở cửa thị trường ở một khu vực tiềm năng.

Năm 2025 sẽ mở ra chương mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam, với nhiều cơ hội lớn và hàng loạt thách thức. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn chủ đề 2025 là “Thích ứng linh hoạt-Khơi thông nguồn lực-Tăng tốc bứt phá”. Đây không chỉ là thông điệp hành động, mà còn là quyết tâm mạnh mẽ của toàn ngành.

ttxvn-thu-tuong-tham-nong-truong-dua-dong-giao-duong-giang.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm cánh đồng trồng dứa của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Ninh Bình. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thích ứng linh hoạt là cách thức để vượt qua khó khăn và tận dụng các cơ hội mới. Khơi thông nguồn lực cả nguồn lực bên trong và bên ngoài là động lực tăng trưởng, phát triển bền vững. Tăng tốc bứt phá là hướng đến mục tiêu vươn xa, từng bước khẳng định vị thế sản phẩm nông nghiệp quốc gia.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

tac-gia-1-.jpg
Theo (Vietnam+)
Copy Link

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đưa nông sản Việt vươn tầm, khai phá những “miền giá trị mới”